Monday, April 30, 2012

Thơ Về Bình Dương! (tt)




* Nhẫn Tế Thiền Sư.      (Búng)



Một vị nhà sư

Sang miền Ấn Độ

Đi tới Lhassa (Tây Tạng)

Tìm thầy học đạo.



Trở về xứ Búng

Lập chùa Thiên Chơn

Rồi lên đắt Thủ (Dầu Một)

Tây Tạng nên chùa.



Biệt danh Nhẫn Tế

Người gọi Thiền sư

Dựng nên phái Thiền

Giúp người tu tập!



Đồ Ngông,

02/02/12.







* Dập Dồn Xứ Búng.      (Búng)



Ngày tôi còn bé nhỏ

Xứ Búng đã ồn ào

Người buôn bán xôn xao

Thêm tiếng ồn xe lửa!



Tiếng lách cách máy dệt

Xen lẫn chuông nhà thờ

Những ghe bụi lên tro (đưa tro lên bờ)

Người gọi nhau ơi ới!



Rền rền xe hơi chạy

Xe ngựa tới liên miên

Thợ tiện làm liền liền

Lạch cạch nghề (đóng) móng ngựa!



Lanh canh cho tiếng gỗ

Guốc được đếm sang tay

Đưa đi xa mỗi ngày

Như loại hàng cây trái!



Những chuyện trò rôm rả

Hàng quán bún bì, bèo

Chuyện bàn tính đi theo

Cho chuyện đời mỗi bữa!



Ánh chiều dần buông xuống

Những vạt nắng lên cao

Phố chợ chiều lao xao

Cho mọi ngưòi ăn uống!



Khói chiều vừa giăng mắc

Tiếng chuông chùa công phu

Ếch nhái cùng trỗi dậy

Trong đèn sáng mù mù!



Đồ Ngông,

02/02/12.

Thursday, April 5, 2012

*Thơ Về Bình Dương! (tt)




*Cầu Ngang.    (Bình Nhâm)



Cầu nào mà chẳng bắt ngang

Lạ chưa! Con rạch sao mà bắt xuôi

Bắt xuôi, sao tới được bờ?

Để ngang, người mới đi về, đi qua

Thế mà tên chẳng đặt ra

Cầu ngang lại đặt, lấy tên giành phần!



Đồ Ngông,

31/01/12.







*Trường Trịnh Hoài Đức!    (Búng)



Lạ sao cho một cái trường

Ngôi trường danh giá nhất vùng Bình Dương

Thế mà lại đóng giữa đường

Lái Thiêu - Tỉnh lỵ, cánh đồng bao quanh

Bao nhiêu thế hệ sản sanh

Phải là thuộc giỏi mới “anh (chị) học trò”

Đồn rằng tiếng nói nhỏ to

“Học sinh trường Trịnh có “chì” (học chì, học giỏi) phải không?



Đồ Ngông,

31/01/12.







*Trường Cộng Đồng Dẫn Đạo.    (Búng)



Nhớ rằng: Lại một thuở xưa

Có trường Tiểu học Cộng Đồng gọi tên

Dẫn đường, Dẫn Đạo mà nên

Dạy vừa văn hóa, lại nghề “ngỗng” luôn

Nuôi gà, nuôi vịt, nuôi tôm

Nuôi heo, nuôi cá, lại thêm dệt hàng

Gọi là tơ lụa tầm tang

Cho nên trường mới ở nơi ruộng vườn

Kéo theo trường Trịnh (Hoài Đức) chơi luôn

Bởi vì một Đốc, hai trường nhỏ to

Mở hông qua lại quản trò

Công lao hạn mã, kéo dài nhiều năm

Thế mà sao lại nở quên

Đốc Di (Trương Văn) có tiếng nhất nhì Bình Dương!



Đồ Ngông,

31/01/12.

*Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)






*Lăng Mạc Cửu.      (Hà Tiên)



Bước lên một thoáng đồi cao cao

Tiếng hót chim vang, gió rạt rào

Họ Mạc nằm đây, yên giấc ngủ

Trăm năm vang tiếng đấng anh hào.



Đứng dậy nhìn thoáng về xa xa

Dãy núi xanh xanh, thăm thẳm là

Phía trước như voi đang bước tới

Có Ngài Mạc Cửu cỡi voi ra!



Đồ Ngông,

25/08/10.







*Mũi Nai.      (Hà Tiên)



Mũi Nai hay mũi con nai

Nghênh nghênh hếch mũi, con nai há mồm

Lắng nghe sóng biển om sòm

Người đông có tiếng om om vang vầy

Có xe, có những hàng cây

Lung lay, lúc lắc, đong đầy gió đưa.



Đồ Ngông,

25/08/10.







*Đảo Phú Quốc.   (Hà Tiên)



Đứng nhìn Phú Quốc ngoài kia

Mờ mờ thoang thoáng, bên rìa biển khơi

Xanh xanh như thể da trời

Cố giương “mắt ếch” tìm nơi “định hình”!



Đồ Ngông,

25/08/10.







*Vào Chợ Rạch Giá.     (Rạch Giá)



Lang thang những chốn Hà Tiên

Ghé thăm Mạc-Cửu, lại chen Đông-Hồ

Nhưng thôi, lại chẳng muốn vô

Muốn ra cầu mới, lên đường lại đi

Này đâu con “Rạch” “Giá” gì?

Này là khu chợ, thiếu gì bán buôn!



Đồ Ngông,

25/08/10.







*Những Tà Áo Vàng.    (Rạch Giá)



Tà áo vàng, nhà sư khất thực

Qua từng ngày độ nhật nuôi thân

Gây duyên phước đức nơi trần

Lại thêm cái “ngã” nhỏ lần... bước đi!



Đồ Ngông,

26/08/10.

*Khung Trời "Ốc Đảo": Dầu Tiếng!





Lâu lắm rồi, tôi muốn viết một bài về Dầu Tiếng nhưng vẫn còn có nhiều chuyện phải làm nên chưa làm được. Dầu Tiếng đối với tôi có rất nhiều kỷ niệm vì nó cũng là nơi ôm ấp tôi trên con đường nghề nghiệp trong những thời gian của buổi ban đầu. Và cũng trong thời gian ấy, có nhiều biến cố làm thay đổi cuộc sống hay quan niệm của tôi từ trong nội tâm cho đến ngoài đời!

Tôi không nói đến Dầu Tiếng bây giờ, mà tôi muốn nhắc đến Dầu Tiếng của khoảng hơn 40 năm về trước. Mà nếu dù có muốn đề cập đến Dầu Tiếng hiện tại thì tôi cũng chẳng biết gì để nói, tôi xin thú thật như vậy, vì tôi đã xa Dầu Tiếng quá lâu! Ở đây tôi muốn ôn lại những thời gian đầy kỷ niệm của một thời. Với tôi, Dầu Tiếng có rất nhiều điều mà tôi cần phải nhớ và phải thiết tha!

Dầu Tiếng thuở ấy được thay đổi tên gọi là Trị Tâm là một quận về phía Tây Bắc của Tỉnh Bình Dương. Bên kia sông là vùng đất thuộc Tỉnh Tây Ninh. Dầu Tiếng là nơi tôi bắt đầu cho nghề nghiệp của mình: Nghề “Gõ đầu trẻ”; và cũng là nơi tôi bắt đầu tập tành làm thơ, những vần thơ non nớt cho chính mình để tôi được trải lòng trong những lúc buồn vui hay những lúc cảm thấy “chạnh lòng”!

Tôi về Dầu Tiếng vào cuối năm 1969, tôi bị trễ hơn hạn định gần ba tháng trời vì lý do sức khỏe. Tôi và Ẩn lẫn hai cô Hường là những giáo sinh sau cùng của danh sách xin chọn về tỉnh Bình Dương. Chỗ của chúng tôi là Dầu Tiếng hay là Phú Giáo. Tôi về Dầu Tiếng sau rốt, sau cả cô Hường Cao hay là Cao Thị Hường.

Ngày ấy, khi tôi về trình diện cùng Ty Tiểu Học thì tôi đã được cho biết nhiệm sở chính của mình là Trường Tiểu học Định Thành, nhưng vì Trường Tiểu học nầy nằm trong quận lỵ nên tôi có thể bị động viên. Ty muốn giữ người cũng như Ty tránh cho tôi khỏi phải bị động viên nên trong Sự Vụ Lệnh được ghi là Trường Sơ Cấp ấp 2 Định Thành. Tôi tâm niệm đó cũng là điều tốt thôi, tôi không nề hà nơi nào vì thứ hạng của tôi đã chẳng tốt và tôi cần đi làm để kiếm tiền, thế là tôi đã an tâm!

Từ khoảng tám giờ sáng Ẩn đã đến nhà tôi để hai đứa lái hai chiếc Honda cùng nhau trên đường về Dầu Tiếng. Đường đi qua Bến Thế, Bến Súc đã bị đứt từ lâu rồi do tình trạng chiến tranh; đường sông không còn hoạt động nữa từ khi có một chiếc tàu bị bắn khiến nhiều người chết lẫn bị thương; và cuối cùng chỉ có con đường đi qua bên kia sông Bình Mỹ lên Trung An, Củ Chi, Trảng Bàng rồi vào Gia Huỳnh, Suối Sâu… Tôi chạy theo Ẩn. Đoạn đường vòng khá dài đi qua quận Khiêm HHHanh của Tỉnh Tây Ninh về đến Ngã Ba Đất Sét, rồi băng qua Suối Ông Hùng tới Bến Củi và qua cầu để tới phạm vi Quận Dầu Tiếng. Tôi đã theo Ẩn đến mục tiêu nghề nghiệp và bắt đầu cho cuộc đời tự lập của mình!

Tôi đến nơi trọ mà Ẩn lẫn bạn bè đã mướn vào khoảng quá trưa. Sau khi tắm rửa, nghỉ ngơi tôi dự trù xuống trường ấp 2 để gọi là trình diện hay trình Sự vụ lệnh cho ông trưởng giáo rồi lên gặp Ông Hiệu Trưởng trường tiểu học Định Thành. Tuy nhiên, trong khi bạn bè tâm tình với nhau Văn, Vui (bạn học cũ của tôi vào năm Đệ Nhất ở trường Trung Học Trịnh Hoài Đức) lẫn Ẩn đều cho tôi biết rằng Ông Hiệu Trưởng nầy rất là hắc ám, độc đoán. Tụi nó còn nói nếu ở trường dưới được thì ở luôn để khỏi phải mệt mỏi với ông Hiệu Trưởng và Sự vụ lệnh tôi ở một nơi và dạy một nơi, rủi có chuyện gì thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Thoáng đầu, tôi thấy tụi nó bàn cũng có lý, nhưng suy nghĩ lại tôi cũng không muốn rắc rối và hơn nữa Ty cũng đã nói rõ cho tôi khi tôi nhận Sự Vụ Lệnh rồi. Tôi nói thôi để tính sau! Thế rồi tôi chạy xe đến trường Sơ cấp ấp 2 để trình giấy tờ cho ông Trưởng giáo Nguyễn Văn Trừ. Ông Trưởng giáo là người lớn tuổi, hiền hậu dễ mến. Ông rất vui vẻ tiếp nhận tôi. Trò chuyện chưa được mấy câu thì có người cỡi Honda đến. Tôi chào ông nhưng ông chẳng để ý đến, và ông bắt đầu với Thầy Trừ:

- Ông Trừ, ông Thạch là người của tôi, ông tính sao? Bây giờ tôi bắt ổng lên trển!

 Tôi đứng lặng người và ngẫm nghĩ đến sự trịch thượng của ông Hiệu trưởng đối với ông Trưởng giáo cũng như những điều của Văn, Vui, Ẩn đã khuyến cáo tôi; nhưng tôi lại nhớ đến lời của ông Trường phòng Nhân viên Hà Văn Gương đã nói với tôi lúc tôi nhận Sự Vụ Lệnh, tôi trình bày:

-Khi nhận Sự Vụ Lệnh tôi cũng được Ty cho biết tôi là nhu cầu ở trường thầy, và Ty cũng nói rõ với tôi mọi điều, nhưng nếu Thầy nói tiếng mượn tôi sẵn sàng đi liền, nếu thầy nói tiếng “bắt” tôi thấy hơi khó lòng.

Ông Hiệu trưởng Luông muốn chứng tỏ oai quyền của mình:

-Không! Ông là nhu cầu của trường tôi, tôi bắt ông lên!

Tôi thẩn thờ:

-Nếu Thầy muốn “bắt” thì Thầy nói lại với Ty, chứ tôi thì cứ chiếu theo Sự Vụ Lệnh.

Ông Luông thấy khó giải quyết và ông ra xe với nét có nhiều bực bội. Còn tôi thì đứng trình bày đôi điều với Thầy Trừ rồi trở về nhà trọ. Và sau đó, trong khi chờ đợi hướng giải quyết cúa Ty, mỗi ngày tôi phải đến trình diện với Thầy Trừ.

Mấy ngày sau Ty báo lên cho biết nếu tôi không lên Trường ông Luông tức trường Tiểu học Định Thành thì Ty sẽ viết lại Sự Vụ Lệnh khác. Tôi thấy làm rắc rối chẳng tốt lành gì, nên tôi lên trường ông Luông để nhận lớp.

Lúc ấy, cô Cao thị Hường đã bỏ lớp để trở về Biên Hòa, không biết cô chuyển đơn vị hay từ bỏ luôn nghề giáo. Lúc đầu tôi nhận lớp 2 nam, khi ổn định lớp vừa xong thì sau đó vì nhu cầu cần hơn nên tôi được chuyển lên lớp 4 của cô Cao Thị Hường nhận trước kia.

Từ những rắc rối ban đầu qua những ngôn từ và thái độ mà đã đưa đến những tệ hại sau nầy. Có một số người tưởng rằng bọn “giáo học bỏ túi” (giáo học bổ túc) làm cao nên muốn “dằn mặt” tôi để răn chúng; còn ông Hiệu trưởng thì muốn chứng tỏ “oai quyền” cho mọi người khuất phục. Thuở đó, tôi còn trong lứa tuổi thanh niên nên cũng có nhiều “nóng máu”, vả lại tôi “cũng có nhiều chán đời” nên tôi đã “bất cần” cộng với “sự phản ứng của những giáo học bổ túc” của bọn giáo học chúng tôi; nên vô hình chung tôi chính là điểm mà người ta thường hay nhắm đến.

Tôi dạy ở đây trong hai khuynh hướng đối chọi. Một là đa số những người đồng nghiệp vẫn thân thiện với tôi. Hai là những người thuộc về phe ông Hiệu Trưởng không hài lòng với tôi lắm mà những người ấy thường lớn tuổi như thầy Nguyễn Văn Chưởng, Thầy Đinh Gia Quang và nhất là cô giáo trẻ Mạc Thị Hoa thường được gọi là cô Hoa Mạc. Cô nầy tỏ ra hợm hĩnh vì cô tưởng rằng mình có khả năng để viết văn và đang được em nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ là Thiếu Úy Nguyễn Viết Quâng tức nhà văn Hồ Trường An đỡ đầu, hướng dẫn trong nghề viết. Lúc đó, tôi không hiểu cô đã được bao nhiêu bài đăng báo; nhưng cô cũng có nhiều hãnh diện và tôi cảm thấy cô tự cho cô có khả năng để dằn mặt tôi. Thế là, tôi có những mũi dùi để châm chỉa tôi trong mọi lúc. Nhưng, như tôi đã trình bày: Ở trong thời điểm nầy tánh tình tôi đã trở nên chán đời sau cơn bệnh và có thái độ bất cần đời, thì những điều đó tôi không hề sợ hãi. Tôi đi dạy tôi chỉ nhắm đến vì lợi ích của học trò và tôi ráng cố gắng chu toàn nhiệm vụ đối với chúng.

Ngày tôi bắt đầu cho sự nghiệp, tôi luôn giữ những nét tự nhiên trời ban cho: Tôi hay cười, dễ dải đối với học trò, cũng như khuyến dụ chúng thôi! Nhưng đây là một lớp nam nên chúng thường hay quấy phá. Tôi thiếu kinh nghiệm để phủ dụ nên không thể ổn định chúng cho êm thắm được. Một ngày nọ, học trò kháo nhau “thầy mình cười hoài, chắc ổng dễ lắm mầy à!”, tôi đi phía sau nghe đến mà giật mình. Quả thật như vậy! Từ đó lời nói của tôi trở nên bị coi thường, tôi điều khiển lớp có nhiều khó khăn! Một hôm, tôi phải “khẽ” một đứa để làm gương bằng hai khẽ. Nhưng khi nó đi về chỗ ngồi nó lại bảo với bạn là không đau. Lần sau cũng lại là nó nữa, tôi khẽ hai khẽ hơi mạnh hơn. Nó lại bảo là “hơi đau đau”.  Vì nó là đứa hiếu động nên nó thường hay phá phách cho nên nó được coi là đứa kỳ khôi trong lớp và nó có tật ở chân nữa. Lần kế tiếp tôi phải tăng số khẽ lên bốn, lúc đầu nó cho rằng “hơi đau”, lần sau cũng “không đau”. Thế là, lần sau nữa, tôi phải dằn mặt nó trước đã, tôi tăng số khẽ lên và thật mạnh. Qua bốn khẽ nó tưởng đã xong, nhưng tôi ghìm mặt lại và kêu nó “xoè tay ra”, tôi tiếp thêm ba khẽ nữa. Thấy nó đã sợ và rươm rướm nước mắt, tôi mới thôi và cho nó về chỗ ngồi. Từ đó, tôi phải học cách “nghiêm nghị” khi điều khiển lớp. Và sau đó, tôi bắt đầu lại việc ổn định, tổ chức lại lớp. Tôi đưa “nó” (vì lâu quá tôi đã quên tên) lên làm trưởng lớp và đứa phá phách thứ nhì làm trưởng ban trật tự. Từ đó coi như ổn định lớp của tôi đã xong. Quả là kinh nghiệm thực tế đã dạy bài học đầu cho tôi. Sau đó tôi áp dụng theo cách “giờ giấc” ở trường Sư Phạm Thực Hành, cuối giờ tôi cho chúng hát hay đọc những câu ca dao mà tôi đã trích ra thích hợp cho thiếu nhi từ quyển “Tục ngữ, ca dao” của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Ở lớp hai đó chỉ được khoảng tháng, tôi phải chuyển lên lớp 4 của cô Cao Thị Hường lãnh trước kia, vì lúc nầy cô Hường đã chính thức không còn đến Trị Tâm để dạy nữa mà cô về hẳn ở Biên Hòa. Ở lớp 4 tôi được thoải mái hơn nhiều vì là lớp nữ mà cũng là lớp lớn hơn, nên sự dạy của tôi không còn như đóng kịch ở lớp 2 nữa.

Nói đến đóng kịch tôi nhớ đến câu chuyện ngày xưa, khi tôi còn là đứa học trò Trung học. Khi ấy có phong trào lập ấp chiến lược, cho nên giáo viên xung vào những công tác cho phong trào ấy. Năm đó có mấy thầy công tác, nhưng tác phong đối với những mấy cô gái khiến thanh niên trong xóm tôi không hài lòng, riêng tôi cũng chẳng thích tư cách của ông thầy Đặng từ Búng vào. Khi tôi và thằng Em cùng gánh nước ở mạch chợ, tôi đã nói với thằng Em: “Nếu sau nầy, mầy có làm thầy giáo thì mầy sống như thế nào thì mầy dạy học trò mầy như thế ấy, chứ đừng sống đạo đức mà dạy học trò mầy lưu manh, hay mầy sống lưu manh mà dạy học trò mầy đạo đức”. Tôi nói câu ấy trước mặt thầy Đặng và Văn Thành Phủ; thằng Em cũng ngớ ngẩn vì nó cũng chẳng vì sao tôi nói như vậy. Thầy Đặng hiểu được ý của tôi đã khóc và nói thầy Văn Thành Phủ đến nói tôi. Tôi né đi: “Tôi chỉ nói với bạn tôi thôi mà, chứ đâu có đá động gì đến thầy Đặng đâu!”. Không ngờ sau bao nhiêu năm, khi đến thăm viếng ba thầy Luông mất ở trong xóm Bo (Port?) của Dầu Tiếng, tôi không ngờ lại gặp thầy Đặng, té ra thầy Đặng là em ruột thầy Luông; nhưng vì thầy Đặng theo ở gia đình vợ ở gần cổng xe lửa ở Búng. Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Đúng là oan gia! Chắc mình có ân oán gì đó với gia đình nầy!”. Câu nói mà tôi đã nói trước kia chính là hướng đi của tôi đã được định hình từ trong tiềm thức. Từ khi tôi ra trường đi dạy, tôi không từ bỏ đường hướng ấy cho đến ngày tôi đi vượt biên và từ giả nghề nghiệp cho đến ngày hôm nay!

Thế là từ đó tôi yên ổn với công việc đi dạy của mình, thỉnh thoảng thì có một vài vấn đề nho nhỏ không đáng kể. Đôi lúc tôi cũng bộc bạch lòng mình là “Tôi chỉ không bằng lòng với ông Luông làm việc chứ không chống với ông Luông ngoài đời”, cho nên cách cư xử của tôi đối với Thầy Luông vẫn luôn kính trọng ông như một bậc trưởng thượng, thầy dạy học của mình. Năm đó, chúng tôi ở trọ với nhau gồm năm đứa: Văn, Vui, Ẩn, Tôi và Hoàng Minh Các. Các từ Sài Gòn lên dạy giờ bên trường Trung học Tỉnh hạt quận Trị Tâm. Cuộc đời cũng được bình lặng, ban ngày đi dạy, trưa chiều hai buổi ra ăn cơm tháng ở nhà Bà Bảy má của chị Liêng Hương, Ngọc Em cùng với anh Bá bên Cảnh sát. Những ngày cuối tuần thường kéo nhau ra ăn mì hoành thánh bên tiệm mì, hủ tiếu của ba thằng Ngầu (học trò của Ẩn). Năm tháng ấy, học trò cũng thường hay đến chỗ chúng tôi trọ chơi và đùa giỡn nhau khiến cho nhà kế bên đôi khi cũng phàn nàn về những sự ồn ào ấy. Có trường hợp tương đối gay go là trường hợp ông Tùng, trưởng ty bên Ty Bưu Điện (riêng ngành Bưu Điện không có Chi Bưu Điện ở quận, mà chỉ gọi là Ty, cho nên ông Tùng mới được gọi là trưởng ty), tung tin Hoàng Minh Các nói chuyện với học trò gái ở khoảng tối đã ôm lấy học trò. Điều ấy cũng gây xôn xao. Sau sự xác minh của Các, cũng như kiểm chứng lại rõ ràng chúng tôi đã đến gặp ông Tùng, nói lại với ổng; ổng chỉ chối quanh co chứ không xác nhận điều ấy, và rồi với thời gian cái gì cũng qua đi!

Trong những ngày nghỉ, Thầy Luông, Gia Quang, thầy Chưởng cũng rủ chúng tôi cùng nhau tổ chức picnic ở vườn cây trái bên Bến Củi. Hoặc dong xuồng những ngày mưa, nước đổ ngập cánh đồng ven sông Dầu Tiếng. Năm học cũng dần qua đi! Cuối năm Lê Minh Văn cưới cô giáo Ngọc Em, con Bác Bảy mà chúng tôi cùng ăn cơm tháng, và ra ở riêng. Mùa hè năm học ấy tôi cưới vợ vào khoảng cuối tháng bảy. Đường lên Dầu Tiếng chúng tôi không đi được qua ngõ Trãng Bàng đến Suối Sâu qua Gia Huỳnh nữa mà phải đi lên Gò Dầu rồi mới trở về Suối Sâu vì đoạn đường ngắn ấy đã mất an ninh. Thế là đường đi dạy của chúng tôi phải kéo dài thêm ra.

Vào năm học mới có rất nhiều đổi thay. Tôi mới thật sự là người để cảm thấy rằng mình “cô đơn”. Ẩn ưu tiên “1” theo vợ xin được về quê. Lê Kế Vui sau hai năm đi xa cũng được về gần nhà. Cô Trần Thị Hường đã hoán chuyển với anh Hơn làm ở Nha Khảo Thí để về Nha Khảo Thí (Sài Gòn). Hoàng Minh Các được chuyển về dạy ở trường Trung học Tỉnh hạt Quận Phú Hòa Đông. Tôi đã cô đơn ở nơi trọ, lại còn cô đơn ở nơi ăn, vì Bác Bảy gái cũng không nấu cơm tháng nữa, cho nên tôi phải tự lo. Hai vợ chồng mỗi tháng gặp nhau một lần, tôi lên miền núi (Dầu Tiếng), vợ tôi về Mỹ Tịnh An (Mỹ Tho). Chúng tôi phải làm Lạc Long Quân và Âu Cơ chia hai người hai ngã với khoảng năm mươi đứa học trò mỗi người. Cũng may, thuở ấy có Nguyễn Ngọc Khuê (anh cô giáo Biết) từ Bà Rịa chuyển về quê Dầu Tiếng đến chơi hay ngủ với tôi vì ban đêm trong nhà của Khuê không được an ninh cho lắm! Và trong năm học nầy tôi được trả về trường Sơ Cấp ấp 2 Định Thành. Tôi dạy lớp 1 cho lớp vỡ lòng. Kinh nghiệm trong năm nầy tôi không còn để sơ hở tính tình của mình trong việc điều khiển lớp nữa, mà tỏ vẻ khó khăn ngay từ đầu để khiến cho học trò phải thực hiện nghiêm túc những mệnh lệnh của mình hầu việc học của chúng mới được kết quả. Trong việc dạy của tôi, tôi luôn tâm niệm mình cố gắng làm cho học trò trở nên giỏi, có chất lượng để làm căn bản cho những lớp sau nầy. Tôi không hề ngại dù mình khó hay dễ và trong tương lai chúng có nhớ tôi hay không? Tôi cũng như người đưa đò, chỉ biết đưa người qua sông với hết khả năng, bổn phận của mình mà không cần biết người có nhớ hay biết ơn ta hay không. Cho đến ngày hôm nay, khi ngồi viết những dòng nầy, tôi cũng không hề nghĩ đến mình đã làm được những gì cho xã hội. Mình cứ viết những gì mà mình có thể viết, nếu không có ích cho xã hội, mọi người thì cũng đừng đem đến nguy hại cho họ là được rồi! Cho nên, đối với tôi những thời gian qua đi đều có những sự suy nghĩ, trầm lắng, kiểm điểm những công việc mình làm. Tôi dễ dàng sửa sai, và cố gắng từ bỏ những khuyết điểm của mình.

Một ngày nọ, trong giờ ra chơi, tôi ngồi nói chuyện cùng các cô dạy chung nhưng nhìn thấy những đứa học trò chạy vào, chạy ra trong hàng rào của đồn lính kế bên trường học. Chúng chẳng sợ nguy hiểm nào hết. Và các cô cũng than phiền phòng ốc như thế nào mà học trò nhìn lên bảng đen chẳng thấy gì cả. Từ đó tôi mới để ý đến những điều kiện an ninh, lẫn học hành. Tôi có bàn vấn đề ấy với Thầy Trừ cùng các cô; và cuối cùng ý kiến chung là trường nên trình bày với Ty Tiểu học xem sao? Khi đi đến quyết định: Thầy Trừ giao cho tôi giúp về phần ấy. Trên công việc hành chánh, văn thư tôi không biết gì hết, nhưng Thầy trừ giao cho tôi giúp, tôi cũng ráng làm giúp Thầy qua sự hướng dẫn của Thầy. Thế là tôi cố gắng thảo “Thỉnh nguyện thư” trình bày tất cả những lý do để đạo đạt lên cấp trên. Vì không biết về tính hành chánh nên trong “Thỉnh nguyện thư” tôi không đánh máy là “Bản sao kính gởi” đến các nơi liên hệ “để kính tường” mà gần như mỗi nơi đều là “Bản chánh”. Và khi gởi đi, Thầy Trừ cũng không để ý đến điều đó, vì thế mà những sự “rắc rối” đã xảy ra! Tôi chỉ nghe nói thôi chứ không chính thức nghe rõ rằng: Tỉnh liên hệ giao Ty Tiểu Học phải có trách nhiệm giải quyết về vấn đề ấy; Thầy trừ bị Ty khiển trách về “Thỉnh nguyện thư” đó vì sai nguyên tắc hành chánh. Ty gởi Thanh Tra Nguyễn Đồng Danh đến Dầu Tiếng để nghiên cứu, điều tra những điều trong “Thỉnh nguyện thư” có đúng không. Thầy Danh có gặp tôi và Thầy Thịnh bên trường Bán Công để bàn về vấn đề. Sở dĩ Thầy Danh gặp tôi vì lúc đó Thầy Trừ đã sắp sửa về hưu, vô tình tôi đã trở thành điểm chính trong lúc ấy. Vì nội dung trong “Thỉnh nguyện thư” đều hoàn toàn là sự thật và có lợi cho học trò nên về sau được Ty Tiểu Học chấp thuận. Sau cuộc họp giải quyết trong văn phòng quận Dầu Tiếng giữa xã Định Thành, quận Trị Tâm, Trường Trung học Tỉnh hạt Trị Tâm, Thầy Trừ và có tôi. Tất cả đồng ý cho trường Sơ cấp ấp II Định Thành được tạm dời về những phòng ốc còn dư của Trường Trung học Tỉnh hạt Trị Tâm để chờ ngày xây cơ sở khác và chỉ trong một thời gian rất ngắn: Ngay trong ngày hôm sau và trong vòng mấy ngày chưa đầy một tuần lễ. Ở vào thời điểm ấy Thầy Trừ còn vài ngày nữa lại về hưu, và trong trường toàn là các cô. Thế là mọi trách nhiệm chỉ ở tôi mà thôi! Tôi có nhờ anh Phụ bên Chi Thông Tin Chiêu Hồi, chồng cô giáo dạy trong trường giúp chở bàn ghế dùm, nhưng tới phút chót lại hồi. Kẹt thế, tôi đến nhờ xe bên Chi Y Tế của anh Kim; anh Kim chỉ chuyên chở được một chuyến thì ngưng. Tôi không biết vì sao? Thì ra, mệnh lệnh đàng sau sự “đồng ý” của các bên ở trong văn phòng quận chỉ là trên bề mặt, nhưng sự thật phía sau là cố gắng làm mọi khó khăn cho việc di dời, để rồi họ sẽ đưa tôi về hình thức kỷ luật và trường ấp II không dời đi đâu được. Trong sự chua chát ấy, tôi dùng đến giải pháp sau cùng. Tôi nhờ đến các cô điều khiển học trò và tôi giao học trò những em nào ngồi học ở bàn nào thì cùng nhau khiêng bàn ấy đi về cơ sở mới. Nhìn cảnh tượng ấy tôi rất buồn lòng, ứa nước mắt và thương những đứa học trò nhỏ lớp một phải khiêng bàn, nhưng tôi không có cách nào khác hơn. Đàn kiến chúng tôi tha những cái bàn vượt trên đường gần cây số, dọc đường thì nghỉ mệt, nghỉ mệt xong lại khiêng. Cuối cùng tất cả đều hoàn tất vào mọi vị trí của nó trong thời gian rất ngắn. Và ngày hôm sau, Thầy dạy, trò học ở cơ sở mới an toàn và thích hợp hơn. Tôi không hiểu mọi người nghĩ gì về tôi, nhưng đối với tôi chỉ có một điều là tôi cố gắng làm tất cả cho học trò và cũng vì học trò mà thôi!

Có lẽ trong năm nầy tôi cảm thấy khá nhiều cô đơn, bạn bè năm trước đã xa nhau gần hết! Tôi với vợ thì hai người hai ngã: Kẻ về miền Tây, tôi lại lên miền xa rừng núi. Đôi lúc ngồi trong lớp học, trưa chiều im ắng tôi lại nghĩ đến hay suy tư về những quan niệm cuộc đời. Tôi tự túc nấu cơm, đi chợ. Cũng may, tôi còn có được Khuê tới lui với tôi thường xuyên và mấy cô giáo mới ra trường trong khóa nầy: Cô Lê Thị Tâm, Bùi Ngọc Phượng, Cô Nhiện. Tôi vẫn đến nhà Bác Bảy trò chuyện với chị Liêng Hương, chị Ngọc Em, Văn… Vài tháng sau, Bác Huy Hoàng, chủ nhà, dời ra ở với tôi cho nên tôi cũng đỡ buồn! Thỉnh thoảng tôi gặp Út hay Bông mà hai cô nầy tôi đã biết khi còn đi học ở Sài Gòn. Cuộc đời trầm lặng cứ qua đi từng ngày!

Tôi không nhớ quận tổ chức ngày Đại hội nhân Dân Tự Vệ vào thời điểm nào vì thuở đó tôi ngoài tiêu chuẩn nên không có tham dự, và Đại hội được tổ chức gần căn cứ Mỹ và hậu cứ của Sư Đoàn 5. Thế mà đêm ấy Việt Cộng cũng len lỏi vào được và bắn B40. Miễng B40 văng trúng xoẹt qua Cô Phượng. Có thế, chúng tôi mới biết Cô Phượng thuộc về gia đình như thế nào! Không ngờ, Cô Phượng có Ba có chức vụ lớn làm ở Tổng Nha Cảnh Sát; còn anh là Bùi Ngọc Hiền là Phó Ty Cảnh Sát ở Biên Hòa. Chính vì vậy, mà khi hay tin Cô Phượng bị thương, Trưởng chi Cảnh Sát Trị Tâm là Đại Úy Bành Ngân liền tức tốc xách xe Díp vô tận chỗ chở cô Phượng về Chi Cảnh Sát và nhường phòng cho cô ấy nghỉ ngơi, tịnh dưỡng. Chúng tôi đến thăm Cô Phượng mà tương đối ngỡ ngàng. Điều mà làm chúng tôi ngạc nhiên hơn là Ông Bành Ngân đã đích thân cùng bộ hạ đưa Cô Phượng ra Gò Dầu để giao cô cho gia đình rước về Sài Gòn mặc dù đường từ Dầu Tiếng qua Gò Dầu rất nhiều gay go, phải qua những khu vực Bến Củi, Suối Ông Hùng, Ngã Ba Đất Sét, Bàu Đồn, Khiêm Hanh… Quả thật cô Phượng là người tốt số!

Cô Phượng trở lại trường cũng khá sớm vì vết thương chỉ là nhẹ! Khuê thích cô Phượng nhưng về tình cảm thì không tiến xa hơn được. Người ta đồn tôi với cô Tâm, nhưng tôi với cô Tâm chẳng có gì, tôi chỉ giúp cô Tâm hoặc đối với nhau chỉ trong tình bạn, tình đồng nghiệp thôi!

Và trong khoảng thời gian nầy, chị Tư, con bác Huy Hoàng cùng hai đứa con (Thịnh và Bé An) dời ra ở chung nên nhà có vẻ vui hơn. Tôi vẫn tự túc về ăn uống!

Khi ở Dầu Tiếng tôi cũng thường hay dự lễ cúng Đình Thần. Đình Thần ở đây cũng cúng hai lệ hàng năm: Lệ tháng hai và lệ tháng tám ta giống như lệ cúng đình thần ở quê tôi. Lệ đình cúng trên quy mô lớn hơn về tâm linh. Trước cầu cho mưa thuận gió hòa thuận lợi cho mùa màng trong nông nghiệp, sau là tưởng nhớ đến những chiến sĩ trận vong, cầu quốc thái dân an! Ở trong ấp quê tôi chỉ là những bô lão trong ấp đứng ra cúng, còn ở đây là những viên chức trong xã. Họ ăn mặc chĩnh tề, trang trọng mỗi người chia nhau quỳ ở các nơi bàn thờ cúng tế để cùng nhau cúng tế rất là quy cũ. Đình Thần nằm lưng chừng dốc từ ngã ba chợ đi xuống bờ sông bên phía tay phải trong khu vườn đầy cây cao bóng mát. Có lẽ, lệ cúng đình ở Dầu Tiếng gây cho tôi nhiều ấn tượng nhất từ trước đến nay qua nhiều cuộc cúng đình mà tôi được biết. Ông từ của đình là ba của em Cam mà tôi đã dạy ở lớp bốn năm rồi. Cam có chị là Cá làm thư ký trong quận.

Nhà tôi ở trọ ngay bên hàng rào văn phòng quận cũng như xã; đối diện với rạp hát ngày xưa mà bây giờ đã bị bỏ hoang vì vòng rào an ninh của quận bao vòng lấy nó. Chính vì vậy có những lúc chúng tôi cũng phải hú hồn vì những hỏa tiển pháo kích của Việt Cộng từ trên khu vực núi Cậu phóng xuống. Cũng do nơi ở đây mà chúng tôi thường xuyên biết những buổi tiệc trong quận tổ chức từ lễ Tất Niên cho đến Tân Niên, từ đưa tiễn ông Quận nầy đi đến đón tiếp ông Quận mới về (tống cựu, nghinh tân) và những buổi tiệc khác vì những người tham dự tiệc thường đi qua trước cửa nhà tôi trọ.

Dầu Tiếng ngày tôi còn ở đó chỉ giới hạn đến làng hai hay ấp năm thôi, tôi không đi được xa hơn sâu vào các làng khác mặc dù tôi có nghe nhắc đến cả làng mười hai, mười tám hoặc hai mươi. Có lần tôi theo mấy cô giáo quen để đi về Suối Dứa, Bến Tranh, Cỏ Trách hay Thanh An gì đó. Ngoài ra xa hơn đường bị đứt và an ninh không an toàn, cho nên tôi ví Dầu Tiếng giống như là một “Ốc đảo” mà con đường duy nhất đi vào là ngõ qua Trãng Bàng hay Gò Dầu băng qua Suối Sâu, Khiêm Hanh, Ngã ba Đất Sét, Suối Ông Hùng, Bến Củi vậy. Tôi nghĩ ngày xưa khi chiến tranh chưa tàn khốc thì chắc Dầu Tiếng phải là nơi trù phú lắm; vì nơi đây là bản danh của công ty đồn điền Michelin nỗi tiếng của thực dân Pháp và cũng là nơi đi tìm đất sống của dân “tứ xứ” kể cả những người Hoa đến để mua bán làm ăn. Chiến tranh tàn phá và làm xáo trộn mọi đời sống của người dân, đó là chưa nói đến sự chết chóc và những sự khủng khiếp mà nó đã gây ra.

Có những đêm chúng tôi phải hồi họp lo âu vì những sự xung đột giữa những toán lính đi hành quân trở về hay ghé qua Dầu Tiếng, từ những hiềm khích hay từ những xung đột do binh chủng, rượu hay vì những cô gái bán sinh tố trong những hàng quán mà trở thành những xung đột trầm trọng phải nhờ đến cấp trên giải quyết.

Trong năm nầy, tôi phải điều hành trường Sơ cấp ấp II thay thế thầy Trừ đã về hưu. Đến mùa hè, ngồi trong lớp học im vắng trong khi học trò đang ngúy ngoáy chép bài hay làm toán, tôi nghe tiếng ve kêu, hay tiếng trái cao su nứt vỏ để hạt rơi xuống đất mà cảm thấy chạnh lòng. Tôi bắt đầu có ý tưởng làm thơ. Từ thuở trong nhà trường, nhất là từ năm Đệ Nhất tôi có tập làm đôi ba bài để vui chơi khi mình cao hứng: Bài đầu tiên tôi đưa cho chị Lạc, con dì Tư của tôi, chị lại đưa cho người bạn học của chị là chị Dòn ở Bến Thế coi. Chị Dòn tưởng tôi làm thơ nhiều lắm, chị lại muốn tôi kết làm bạn thơ với chị, tôi phải trốn tránh và không dám nhận lời. Bài thứ hai tôi viết cho người em gái với tựa đề “Chín khúc ca” để nói lên tâm trạng “muốn yêu” mà “không dám” của mình để tỏ lòng với người em của thuở năm nào. Bài thứ ba là bài “Mơ chuyện giang hồ” mà Trần Tấn Lực có lẽ còn giữ trong tập thơ của nó. Từ đó trở đi, tôi thấy mình không có khiếu về văn thơ cho nên tôi không hề nghĩ đến viết văn hay làm thơ. Nhưng lại đến thời điểm ở Dầu Tiếng nầy, trong cơn buồn và vắng vẻ của tâm hồn tôi lại muốn làm thơ. Nỗi nhớ nhung với vợ, nỗi trưa hè im ắng, tiếng ve kêu, vườn cao su đã khiến tôi dao động. Thế là tôi lại bắt đầu cho những dòng thơ, những dòng thơ tự do kiểu “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Tôi không ngờ chính đất Dầu Tiếng nầy khơi nguồn cảm hứng để tôi viết những bài thơ kỷ niệm cho mình và vợ, hay một đôi bài cho những kỷ niệm xa xưa. Nhưng tất cả rồi cũng đã qua đi, vì ngày tôi vượt biên xa rời quê hương cũng như khi gia đình tôi đi “đoàn tụ” cũng chẳng đem theo được gì. Chúng thất lạc giống như những kỷ niệm quá khứ đã qua rồi, không còn nữa!

Dạy những trẻ con ở những lớp nhỏ có nhiều cái vui đôi lúc cũng có những cái tức cười. Quả thực, kinh nghiệm từ những giai đoạn đầu tiên khiến tôi phải như đóng kịch với những đứa trò nhỏ. Đôi lúc tôi phải quay mặt vào góc tường để cười, để rồi sau đó mình quay ra làm ra vẻ nghiêm nghị mà ra lệnh cho chúng thi hành.

Trong năm nầy, Dầu Tiếng có nhiều biến động từ cuộc bầu cử dân biểu quốc hội cho đến cuộc phục kích của Việt Cộng gần Suối Dứa. Trong cuộc ứng cử quốc hội kỳ nầy có ông anh bạn dì của tôi ra ứng cử nữa. Nhưng “con gà” của chính phủ là Trương Văn Phúc chứ không là ông anh bạn dì của tôi, cho nên chuyện đi vận động có nhiều gay go. Anh bạn cảnh sát theo dõi về bầu cử lại là anh bạn cùng trọ chung nhà với tôi. Anh bảo rằng ông đi vận động thì cứ đi, còn việc tôi làm thì tôi cứ làm. Trong cuộc bầu, người ta đã phải tráo hàng trăm lá phiếu để “con gà” được đắc cử theo mệnh lệnh cấp trên.

Rồi một ngày nọ, ông Đại Úy Vân, Chi Khu phó, không biết lý do nào ông đi xuống mãi tận Bến Tranh, Cỏ Trách. Khi về xe díp của ông bị phục kích bên kia Suối Dứa. Nghe kể lại chỉ còn một người lính tháp tùng sống sót trở về báo tin cho quận hay. Lúc đó, Quận trưởng mới là ông Thiếu Tá Hiền mới về, gốc nghe nói từ bên binh chủng nhảy dù còn rất trẻ, nóng lòng lên xe để chạy xuống Suối Dứa. Vì Đại úy Vân là người được sự yêu mến của dân chúng lẫn đồng sự, cho nên nhiều người giữ chức vụ ban ngành cùng đi theo kể cả anh Phụ bên Thông Tin Chiêu Hồi, lẫn Bành Ngân của Chi Cảnh Sát. Khi đoàn xuống Suối Dứa lại bị phục kích và chết toàn bộ. bộ phận đầu não của quận chỉ còn ông Phó quận Hành chánh, anh Kim trưởng chi Y Tế và ông trưởng ty Bưu Điện. Quận ra lệnh giới nghiêm 24/24, toàn bộ quân đội trong tình trạng ứng chiến. Tôi còn nhớ chiều hôm ấy bầu trời lại có vẻ ảm đạm thê lương, giống như trong truyện Tàu kể chuyện sau những trận đánh, phong cảnh hoang vắng, trời buồn ảm đạm vậy.

Mọi người đều sợ đêm hôm ấy Việt Cộng sẽ nhân cơ hội đánh úp lấy Dầu Tiếng. Nhưng may mắn chuyện ấy không xảy ra. Rồi ngày qua ngày tình hình cũng trở lại bình thường. Ngày cuối năm học lại đến, thầy trò lại chia ly, hẹn một năm học sau. Ba tháng hè tôi về quê, nộp đơn xin chuyển trường sau hai năm đi xa. Vợ tôi xin Ưu tiên 1: Theo chồng! Tôi về trường Vĩnh Trường của Ẩn, vợ tôi về trường Tiểu học Tân Phước Khánh.

Đầu năm học sau tôi phải trở lên Dầu Tiếng một lần nữa để ký tiếp nhận Sự Vụ Lệnh và bàn giao chức Trưởng giáo lại cho Vương Đế, đồng thời tự mình ký giấy thuyên chuyển cho chính mình mà không biết có đúng với nguyên tắc hành chánh hay không, miễn là tôi được rời Dầu Tiếng để về quê.

Trong năm ấy hình như cô Lê Thị Tâm chuyển về Sài Gòn theo chồng; Bùi Ngọc Phượng về Bình Dương để rồi cô làm dâu của xứ Bình Dương, chồng của cô là anh Chín mà trong cuộc đám cưới cô Tâm- anh Văn tôi đã có dịp gặp anh Chín tại nhà Cô Phượng ở gần nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.

Và không bao lâu sau Khuê cưới cô giáo mà Khuê đã quen nhau từ ngày ở Bà Rịa (hình như cô Ánh thì phải?) và đổi về Trung Tâm Học Liệu Trần Bình Trọng mà tôi cũng có đôi lần ghé thăm Khuê. Khuê làm ở phòng thu âm của Trung Tâm.

Thấm thoát mà cũng đã mấy mươi năm. Bạn bè ngày nao bây giờ muốn gặp ngồi ôn lại những kỷ niệm cũng thật là khó khăn. Nhất là bây giờ mà tôi gặp lại thầy Luông hay cô Hoa Mạc thì chắc có nhiều điều phải nói và giải tỏa để hiểu lòng nhau, rồi để lại “càng cắn” nhau đau hơn!





Nguyên Thảo,

05/04/2012.