*Điều
Đáng Sợ!
Nếu
bây giờ có ai hỏi trong cuộc đời có gì đáng sợ nhất, thì tôi sẽ không ngần ngại
mà bảo rằng: Con người đạo đức là con người đáng sợ nhất! Có lẽ bạn sẽ cho điều
ấy là một điều nghịch lý vô cùng! Nhưng quả thực là như vậy! Lúc đầu tôi nghĩ là
mình nhầm lẫn to tát, nhưng sau khi suy đi tính lại thì nó cũng chẳng sai. Và
cuối cùng tôi phải ghi lại một vài điều để giải tỏa cho những nghịch lý ấy.
Nói
đến con người đạo đức thường ta nghĩ đến con người đạo hạnh, lời lẽ nhẹ nhàng,
hành động ung dung từ tốn, biết người biết ta, và đầy đủ thiện lành. Muốn xây dựng
tư cách của một con người đạo đức không phải dễ dàng gì, có khi mất cả một đời
người với bản chất có thiện căn. Nhưng trong ngôn từ Việt Nam của chúng ta có câu:
“Bảy mươi chưa gọi rằng lành”, thì khi chưa dứt thân mạng thì người ta vẫn có
thể bị sa ngã dễ dàng trong một lúc nào đó. Người đạo đức có thể được thành hình
trong một gia đình có nề nếp từ thế hệ trước, hoặc họ tự xây dựng cho mình nền
tảng cùng căn bản đạo đức có thừa. Ai cũng thích, quý mến người đạo đức cả và
trong giao tiếp với người đạo đức người ta không phải sợ sệt, e dè vì bản chất đạo
đức của họ. Người giao tiếp cảm thấy rất là an tâm.
Chính
vì thế mà trong không ít trường hợp mà người ta phải điêu đứng hay bị nhiều “vố”
đau điếng vì sự phản trắc hoặc “trở mặt” của những con người được xem là gương
mẫu của đạo đức đó. Họ không phải là những con người đạo đức giả, giả nhân giả
nghĩa để che đậy âm mưu thâm độc dưới nét đạo đức ấy; mà họ bị vật chất hay lợi
lộc cám dỗ để phải sử dụng đến những thủ đoạn hay phương cách để tranh phần hơn,
lợi lộc mà họ muốn chiếm đoạt, cho nên đó là một “phương cách” khó lường!
Đối
với một con người “có đạo đức” từ đầu chí cuối khiến cho người tiếp xúc, giao
tiếp trở nên cẩn trọng hơn nhiều vì họ phải nghiêm trang, thay đổi cung cách hoặc
có thái độ, lời ăn tiếng nói thế nào để đáp ứng lại cho những tốt lành mà người
đạo đức mang lại cho họ. Người giao tiếp chỉ sợ mình không đáp ứng xứng đáng với
những gì mình được nhận từ người đạo đức đem đến, cho nên đối với “người đạo đức
thực sự” khiến cho người khác có “nỗi sợ không đáp ứng được những gì mà mình đã
nhận”!
Nhưng
trên đời có những trường hợp ngoại lệ: Đôi khi người đạo đức cũng có lòng tham
lam, thủ lợi, nhìn đến lợi lộc từ người khác hay của người khác, hoặc họ cũng
muốn lấn lướt chiếm đoạt phần lợi về mình thì dù người đạo đức cách mấy cũng sẽ
dễ trở thành người “đạo đức giả”! Họ sẽ nghĩ đến những phương cách tinh vi để
lường lận, chiếm đoạt. Họ sẽ dùng đến những thủ đoạn mà người giao tiếp không
thể ngờ là “người đạo đức” ấy đã có. Do đó, chính vì lòng tin tưởng vào sự đạo
đức của người đạo đức trước kia mà người giao tiếp hay đồng sự, người hùn hạp sẽ
bị những “vố” bất ngờ do người có đạo đức mang lại. Cho nên kẻ đáng để sợ nhất
lại là “kẻ có đạo đức”!
Chúng
ta cứ thử nghĩ ngẫm, nghiệm mà xem và để “thấm thía” được cuộc đời!
Đồ
Ngông,
29/05/2012.