Có lẽ tôi cũng cần nên
viết lên lời tự tình nầy vì tất cả những gì tôi viết từ trước đến nay đều do những
nhân duyên mà đến, ngay cả những bài tìm hiểu về Đạo Phật. Từ lúc còn ngồi học
trên ghế nhà trường hay đến khi lưu lạc trên xứ người, tôi không bao giờ dám
nghĩ là một ngày nào đó mình có khả năng để viết. Nhưng “đùng” một cái tôi lại
viết văn và làm thơ nữa. Vẫn biết rằng “cây” không mọc được nếu không có hạt nhân,
tôi cũng lại xét lại mình và cố tìm hiểu về “hạt nhân” ấy.
Mỗi con người trong cuộc
đời đều có những hoàn cảnh sướng vui hoăc đau khổ. Tôi thì không được may mắn
như những bạn bè, hoàn cảnh của tôi khắc nghiệt hơn nhiều. Tôi thường không vừa
ý với những hoàn cảnh ấy và hay có nhiều suy tư, biện luận với chính mình. Nhiều
đêm thao thức mà suy nghĩ về nhiều vấn đề, kể cả những vấn đề không đâu. Không
biết đó có phải là nguyên nhân để về sau nầy tôi có điều kiện để viết. Tôi mang
trong mình những ý niệm về cuộc sống từ thuở ấy. Cuộc đời tôi lớn lên lại càng
có nhiều trắc trở, từ bản thân cho đến những bước đường đi học xa nhà. Mỗi lần
thất vọng tôi lại cố gắng với hoàn cảnh để mình không lâm vào hoàn cảnh bế tắt.
Ở năm cuối của bậc Trung học, tôi đã hai lần bị những ông lính có tiếng là hung
thần địa phương “khủng bố” tinh thần khiến cho trí nhớ của tôi trở nên tồi tệ và
hụt hẫng, mặc dù trước kia trí nhớ của tôi cũng chẳng tốt lắm gì! Nhưng rồi cuối
năm đó tôi vẫn lọt được qua vòng tốt nghiệp để rồi tôi không thể thi vào các trường
nghề (vì khai sinh chỉ 17 tuồi) hầu kiếm cho mình một cái nghề để mưu sinh về
sau nầy. Cuối cùng tôi phải đi vào đại học lây lất đợi chờ năm sau. Vì trí nhớ
của mình tồi tệ quá nên tôi chọn cho mình môn học ít cần đến trí nhớ: Tôi lại
ghi môn Dự Bị Triết. Chao ôi! Tôi đã sai lầm vì học môn nầy! Tôi vừa chẳng nhớ
mà lại còn muốn điên lên được! Kiểu cách triết gia của những nhà gật gù, suy tư
tôi đã chẳng có tí nào; mà ngôn từ “lập dị”, nhiều danh từ khó hiểu Hán Việt, cùng
kiểu cách diễn tả thời thượng viết một hàng dài với những dấu nối dính liền
nhau, càng làm cho tôi tự thấy mình bé nhỏ trong thế giới “triết học” nầy hơn,
nhất là đối với một học sinh có Tú Tài II ban A (Khoa học thực nghiệm) chứ không
phải ban C (Văn chương, sinh ngữ) như tôi. Thêm nữa, ngoài xã hội những phong
trào phản kháng chiến tranh “ca khúc da vàng”, “gia tài của mẹ”, tiếng hát Khánh
Ly, nhạc Trịnh Công Sơn, phong trào hiện sinh, phong trào Hippy, sống ngày nay
chẳng cần biết đến ngày mai khiến cho tôi lại thấy mình càng lang thang hơn. Tôi
lao đao ở giữa thị thành, tôi quay cuồng trong những giờ triết học Tây phương với
Linh mục Lê Tôn Nghiêm qua thuyết “đồng qui” Thần học của Teilhard de Chardin,
hay “Triết lý gia tiên, an vi, tiên rồng” của Linh mục Lương Kim Định ngoài những
giờ của các Giáo Sư Nguyễn Văn Trung, Linh mục Thanh Lãng, Thu Giang Nguyễn Duy
Cần…Tất nhiên trong năm nầy tôi không đạt được kết quả nào cả từ trong nếp sống
bơ vơ nơi thành phố lẫn tài chánh cùng học hành. Nhưng chắc cũng chính nhờ nó mà
tôi đã có những số vốn về “Triết học” của ngoài đời, quan niệm “Xã hội” trong tư
tưởng của tôi lại được nung đúc càng ngày càng nhiều hơn, có lúc tôi lại mơ ước:
“Có một ngày nào đó, tôi lại có khả năng viết để rồi tôi sẽ vạch trần những bộ
mặt xã hội, những mặt trái của cuộc đời, những bỉ ổi trong thế giới nầy cho tất
cả mọi người cùng xem”!
Ngoài những tư tưởng ấy
ra, tôi thực sự chỉ có một số vốn nghèo nàn về trí thức, không có cơ hội nào để
đọc các sách vở hay tiểu thuyết, dù là của Tự Lực Văn Đoàn hay chuyện kiếm hiệp
của Kim Dung; thiếu kinh nghiệm sống từng trải vì tôi không có dịp đi đó đây hoặc
lăn lộn trong cuộc đời, còn kiến thức về học vấn thì tôi lại vướng vấp với trí
nhớ tồi tệ nầy. Nói như vậy có nghĩa là: Chuyện viết của tôi chỉ là một chuyện
xa vời, không tưởng!
Xong một năm “lang
thang” ở ngưỡng cửa Đại học Văn khoa, tôi mừng rỡ vội vàng nộp đơn thi vào trường
“Quốc gia Sư phạm” để mong kiếm một cái nghề bình an trong thời gian chiến
tranh; mà cũng tương đối dễ dàng nhất cho thế hệ “học trò nhà quê” của chúng tôi.
Tôi được vào trường Sư phạm, thế là không lo chuyện bị động viên nữa, tôi thỏa
mãn với cái đạt được của mình. Tôi không còn mong cầu học cao vì chúng đã vượt
quá tầm tay và khả năng của tôi!
Sau hai năm trong trường
nghề, tới ngày ra trường tất nhiên với trí nhớ không tốt tôi không thể đạt được
hạng cao mà về hạng gần chót (cách chót vài chục người). Nhưng cái đau của tôi
nhất lại là bị đình chỉ “sự vụ lệnh” vì lý do sức khỏe (nám phổi). Lúc ấy tôi
chán nản tột cùng! Bao nhiêu năm ôm ấp để có nghề kiếm tiền sinh sống mà ngay lúc
ấy bị trở ngại. Từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 12 tôi u buồn vì sức khỏe lẫn trở
ngại nghề nghiệp; và rồi hết hứng thú khi cầm Sự Vụ Lệnh trễ để về cơ sở trường
học nơi công tác của mình!
Từ ấy trong cuộc sống, ấn
tượng bệnh lao mãi ám ảnh tôi suốt thời gian dài, tôi tự mình phấn đấu và vượt
qua kể cả những biến chứng của nó như ù tai, mờ mắt và nhất là những lúc trở trời
sức khỏe mình kém hẳn đi.
Và cũng từ lúc nầy tôi
cố gắng tập luyện lại trí nhớ mà tôi đã bị mất từ đầu năm lớp Đệ Nhất (lớp 12).
Nhưng sự tập luyện ấy không dễ dàng chút nào. Tôi vận dụng lại phương cách mà tôi
đã áp dụng khi học bài thi năm Tú Tài I (lớp 11). Đọc một đoạn bài rồi nhắm mắt
lại để hình dung những dòng chữ trong trang sách hiện ra. Tôi không đạt được kết
quả như trước kia mà nó lại hiện ra những vòng tròn ánh sáng từ giữa tam tinh (điểm
giữa hai con mắt, trên trán) phóng đồng qui về vô cực. Lạ quá, tôi chú tâm theo
dõi. Những đêm sau cũng vậy! Nhưng vào một đêm nọ, tôi đang “hăng say” theo dõi
hiện tượng lạ ấy thì người bạn ngủ chung mớ và đánh lên tấm ván ngủ một tiếng lớn
làm tôi cảm thấy mình bị chơi vơi. Từ đó, tôi sợ và không dám theo hiện tượng ấy
nữa. Đó là những hiện tượng đầu tiên mà tôi đã nhận được trong lúc tôi định tâm
mà luyện trí nhớ chứ không phải là ngồi thiền.
Tôi bỏ luyện tập theo cách
đó trong thời gian lâu lắm, và cứ để mặc theo tự nhiên tập từ từ được bao nhiêu
thì hay bấy nhiêu. Rồi theo thời gian, tôi cũng được nguôi ngoai để ổn định cuộc
sống của mình. Tôi ghi lại các điều nầy không phải là không có lý do của nó. Vì
nguyên nhân mà khiến tôi cầm cây viết để ghi những điều đầu tiên chính là sự kiện
nối tiếp sự kiện đã xảy ra nầy.
Hơn năm sau tôi lập gia
đình, rồi khoảng sau Hè đỏ lửa tôi được chuyển lên Trung học Đệ nhất cấp để dạy
Sử Địa. Ở khoảng thời gian nầy tôi cũng chẳng nghĩ mình có khả năng gì để viết
hoặc làm thơ, mặc dù từ năm Đệ Nhất tôi có làm vài bài thơ “Con cóc” để chơi;
hoặc thỉnh thoảng làm vài bài trong những lúc buồn buồn của những ngày mới ra
trường với tâm trạng buồn chán của con bệnh đeo đuổi theo mình. Sau ngày thống
nhất đất nước 30/4/1975, trong hoàn cảnh khó khăn chung, ai cũng lo vì sự sống
của mình và gia đình mà cùng nhau tất bật bươn chải, tôi lại càng không nghĩ đến
việc văn chương, không khéo lơ mơ lại phải “mang họa vào thân”!
Thế rồi, tôi lại đi. Tôi
đến xứ người vào năm 1984 để chọn xứ người làm quê hương. Quê hương của chính mình
thì bỏ lại sau lưng và chỉ còn trong trí nhớ. Ở xứ người tôi chỉ đi làm công để
kiếm tiền trong các nông trại. Kiếm tiền đã mệt nhoài rồi, cầm cuốc nữa thì làm
gì lại nghĩ đến văn chương. Tôi an phận với mọi hoàn cảnh của mình!
Vài năm sau vợ con qua
trong diện đoàn tụ gia đình. Cuộc sống nơi nầy khiến hai vợ chồng cố gắng làm hơn
nữa để chi phí cho gia đình, lẫn lo cho con ăn học. Sự làm ăn cũng phức tạp, nhất
là trong giai đoạn việc ít người nhiều; sự đâm thọc, ganh ghét phá nhau cũng là
thường. Tôi ngậm ngùi tình đời và cũng có được vài kinh nghiệm, triết lý cuộc sống
sau các sự kiện xảy ra. Nhất là tôi đã ráng vươn lên để tạo sự nghiệp ổn định
cho mình và gia đình thì sức khỏe tôi lại bị gãy đổ lần nữa. Lòng tôi buồn vô hạn,
và cố định tâm lấy lại tinh thần cho thích hợp hoàn cảnh mới. Tôi không ngờ
trong lúc ấy tôi lại lọt vào vòng “khám phá tâm linh” bất đắc dĩ! Những hiện tượng
lạ lùng trong lúc mơ màng: “Không ngủ cũng không tỉnh” ấy khiến tôi luôn bị ám ảnh
và nghĩ tới. Tôi không hiểu ngày xưa Đức Phật khi ngồi thiền đã cảm nhận được gì?
Chứ tại sao tôi không ngủ, không tỉnh mà lại thấy những cái lạ lùng như vậy! Tôi
bắt đầu chú ý đến con đường: Đi tìm trong Kinh Phật coi thế nào? Nghĩ như thế mà
cả mấy năm sau tôi mới có dịp.
Cơ duyên đã đến, anh bạn
tôi làm trong Ban Chấp Hành của Hội Nông Gia; anh cho ấn hành bản tin trong đó
có phụ thêm phần văn chương. Tôi thấy anh có vẻ bận rộn với Bản Tin ấy quá, tôi
xin phụ họa cùng anh cho vui. Thế là bài đầu tiên của tôi đã ra đời! Anh cũng
khá ngạc nhiên với lối viết của tôi. Rồi vì bài tôi viết có tầm quan trọng khá
lớn mà đăng kéo dài thì không thể được; tôi vội vàng kết thúc và nhờ tờ báo biếu
địa phương đăng tải dùm. Đó là bài viết đầu tiên của tôi lên báo để trình diện
cùng quần chúng độc giả trong Cộng đồng người Việt trên xứ người.
Cơ duyên nầy tiếp nối cơ
duyên khác. Sau đó, vì nhu cầu giúp cho phụ huynh có thêm ý kiến để “nắm bắt”
con cái còn ở lại trong vòng tay của mình; tôi cố gắng vận dụng những kiến thức
khi còn học trong trường Sư Phạm để đúc kết thành những bài viết đưa lên để phụ
huynh tham khảo, từ báo địa phương cho đến báo liên bang. Và tôi cố gắng dùng hết
khả năng, kiến thức để hoàn thành 17 bài viết cho Thanh Thiếu Niên. Đó là “Những
Bài Viết Cho Con” để trang bị cho Thanh Thiếu Niên biết mà tạo dựng cho mình một
cuộc sống đáng sống, có ý nghĩa trong cuộc đời nầy. Song song vào đó, tôi lại tìm
hiểu vào đạo Phật và nhất là trí tò mò của tôi muốn đi tìm những điều mà Đức Phật
đã ngộ trong lúc ngồi Thiền. Sự đi tìm của tôi cũng khá gian nan, tôi không gặp
được nhiều vì nó chỉ bàng bạc trong các Kinh; nhưng khi đọc các Kinh tôi lại hiểu
dễ dàng và có hệ thống hơn. Từ đó tôi cũng ghi lại được khoảng 30 bài “Tìm Hiểu
Về Đạo Phật”, nhất là đúc kết lại thành tài liệu “Tổng Quan Về Giáo Lý Đạo Phật”.
Ngoài ra, còn một số bài viết về “Mẹ và Lễ Vu Lan (khoảng 8 bài), 4 bài cho Quê
hương: “Ta Còn Có Một Quê Hương”, “Một Biểu Tượng Cho Quê Hương”, “Quê Hương Ta
Bất Hạnh” và “Sự Hùng Hồn Của Dân Tộc”; cùng một số bài Tuỳ bút hay nghiên cứu
ngắn khác.
Một điều đặc biệt và cơ
duyên nữa lại xảy ra là động cơ thúc đẩy tôi làm thơ. Làm thơ để giải tỏa những
tâm sự của mình khi có vấn đề nào đó, thì trong thời gian nầy tôi cũng có vài bài
thi thoảng đăng trên báo địa phương. Nhưng trong khi tôi cố gắng giúp thêm ý kiến
cho phụ huynh để họ có thể giữ gìn con mình trong tầm tay, không bị lôi cuốn vào
con đường hư hỏng, thì đột nhiên người lớn lại làm thơ, viết văn mạt xát nhau
trên báo chí. Sau một thời gian khá dài chờ đợi không thấy ai dám can thiệp cả,
cuối cùng tôi quyết định ra tay. Lần nầy, tôi xuất hiện trên một bình diện khác.
Nếu với những bài viết trước viết về giáo dục, đạo Phật, hay những bài nghiêm chỉnh,
đàng hoàng tôi lấy bút hiệu là Nguyên Thảo; thì nay nhập cuộc để can thiệp nầy
tôi phải chấp nhận bị chửi và phải biết chửi, thế là tôi nhất quyết chọn bút hiệu
“Đồ Ngông” như một cái bẫy đối với những người trong cuộc bút chiến không lành
mạnh nầy. Tôi không có khả năng chửi thẳng vào họ, vì tôi chỉ đơn độc, với mục đích
can ngăn bớt họ lại thôi. Cho nên tôi chỉ chửi bâng quơ, và chửi những thói xấu
của cuộc đời như trong 4 câu thơ ngông nghênh, ngạo mạn sau:
Ngồi buồn sắp chữ lại
thành thơ
Ta gọi thơ ngông, chửi
cuộc đời
Moi móc kiếp người bao
cái xấu
Đem rao thiên hạ xúm
coi chơi!
…………………………………
Hay như trong bài “Bắt
Chước”, thay vì chửi người, moi móc những cái xấu của “đối tượng” mình chửi như
họ; tôi đã xoay cái chửi vào những thói xấu chung của xã hội. Thế là tôi đã làm
“một cách riêng” để chẳng đụng chạm đến những người trong cuộc và mới có thể tránh
được sự tấn công của họ. Tôi chỉ đi bên lề của họ mà thôi!
Bắt chước người, ta chửi…(chửi) cuộc đời
Ta nay hứng chí viết văn chơi,
Làm thơ moi móc đời nhiều xấu
Rồi chửi, rồi la đỡ (vơi, bớt) hận đời!
Ta tiếc xưa kia học lỡ làng
Ngày nay ngu dốt làm dân gian,
Câu thơ, chữ nghĩa không sâu sắc
Chửi chẳng bằng ai, tức bẽ bàng…!
Phải trước ra đời đi "bán cá"
Học đòi sách vở của "hàng tôm",
Ngày nay võ miệng tha hồ chửi
Cho đám người gian "tịt" cái mồm.
Đồ Ngông,
9-4-02.
Họ càng chửi người hăng
chừng nào thì sức viết và làm thơ của tôi phải năng nổ chừng nấy để chứng tỏ rằng:
“Tôi cũng biết chửi và có thể chửi hơn mấy người nữa” để rồi họ phải dịu lại.
Thế nhưng họ đang nóng và còn nhiều giận dữ nên cũng kéo dài cả mấy năm trời.
Thời gian kéo dài lâu như vậy khiến thơ Đồ Ngông cũng kết tập lại thành mấy trăm
bài (đến nay cũng khoảng 300 bài: Từ thơ Đồ Ngông 1, 2, 3 (40 bài) và 6 (60 bài)
dưới tựa chung là “Thơ Đồ Ngông”, mỗi tập khoảng 100 bài). Xen vào khi đi du lịch
ở Việt Nam, hay vài nơi khác tôi đã làm những bài thơ để kỷ niệm, có nét hơi trào
phúng nên bút hiệu vẫn là Đồ Ngông (từ nửa tập 3, tập 4, 5, 7 mỗi tập cũng khoảng
100 bài dưới tựa đề “Thơ Đó, Thơ Đây!”). Ngoài ra với Hương Vị Thiền khoảng 50
bài; Thơ Cho Bé (khoảng 40 bài); 100 bài “Thơ Về Bình Dương” quê hương tôi, và
một số Thơ Nguyên Thảo (khoảng gần 60 bài). Để hỗ trợ cho Thơ, cùng lúc tôi cho
ra đời hàng loạt các bài viết ngắn có hơi hướng kể chuyện thời trẻ con; tuy nhiên
chúng đều mang tính khảo cứu (của tôi), lẫn cảnh tỉnh người lớn trong cuộc chửi
lộn nầy. Tập đầu “Chuyện Tào lao I” gồm 62 chuyện, phần lớn có tính châm biếm,
trào lộng trong đó; và Tập II đang trên cuộc hành trình mà bài nầy cũng là một
trong các bài trong tập đó. Thế là Đồ Ngông đã thực hiện sự mơ ước của tôi từ
thuở xưa: Vạch trần những thói đời để thiên hạ xem chơi. Hay nói đúng hơn Đồ Ngông
là bút hiệu mà tôi sử dụng nó để vạch trần những thói đời, bỉ ổi của xã hội, hoặc
“cay đắng”, trào lộng, trào phúng hay châm biếm và nói đúng hơn là nó phản ánh
bề trái của xã hội; còn Nguyên Thảo là bút hiệu mà tôi sử dụng như một phương
diện tích cực cho xã hội trên phong cách nghiêm chỉnh, đàng hoàng.
Tóm lại, Nguyên Thảo là
để “đóng góp” vào bề mặt của đồng tiền và Đồ Ngông là vạch trần bề trái của đồng
tiền (bề trái của xã hội). Còn loạt bài “Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” (khoảng
20 bài) là tôi đề cập đến từng bước tôi tiến đến cuộc viết văn, làm thơ. Cũng ở
trong loạt bài nầy tôi đã trình bày tôi không có khiếu viết văn, thiếu kinh
nghiệm cuộc sống; nhưng rồi cơ duyên đưa đẩy tôi từ viết văn, làm thơ, tìm hiểu
về tôn giáo (Phật giáo lẫn Thiên Chúa giáo), vào lĩnh vực thơ trào phúng, có châm
biếm, có trào lộng. Quả là ngoài sức tưởng tượng, khả năng của tôi, chắc cũng
do ngày trước lúc tôi học văn ở Trường Trung học Tân Uyên (Tân Uyên là quê hương
nhà văn Bình nguyên Lộc) được thầy dạy Trần Văn Khánh trang bị cho những điều cần
biết khi mình viết văn; đồng thời với một năm học triết không ra gì của tôi ở Đại
học để rồi đợi chờ “cơ duyên” mà đến lúc tôi “phải” viết và tôi đã viết!
Hôm nay tôi cần viết những
lời tự tình nầy để tâm tình cùng quý vị độc giả, để quý vị có thể biết hơn vì
sao tôi lại viết về những bài học trong cuộc đời mà tôi đã đúc kết lại bằng những
bài văn hay những bài thơ được núp dưới bút hiệu nào dù là Nguyên Thảo hay Đồ
Ngông. Hai bút hiệu ấy chỉ khác nhau ở hai khía cạnh của một cuộc sống trong cuộc
đời nầy! Thế thôi!
Nguyên Thảo,
22/08/2013.