Tuesday, March 25, 2014

*Than Thân!


*Thơ Đồ Ngông!        (tt)


*Than Thân!

Có thân lại khổ vì thân
Đã lùn ra tướng, mà thân lại tròn
Người đời lại lắm ví von
Lăn như óc mít, ngồi như đôn (cái đôn) thừa
Hai chân thì rẽ hai hàng
Chó chun qua lọt, chàng ràng người ta
Đi ra lại chẳng đi ra
Đi vô lại chẳng tránh đường người đi!

Đồ Ngông,
23/03/2014.



*Trách Phận!

Đời lại lắm cái đen
Vươn lên chẳng thấy đèn
Bóng đâu, còn xa tít
Đời chỉ thấy màu đen!

Đi đi, cúi đầu đi
Tìm mãi chẳng thấy gì
Gập ghềnh trên lối đá
Chiếc xe chẳng lối đi!

Tóc bạc từng sợi rơi
Tuổi đã chồng chất rồi
Vùng vẫy, thôi kiệt sức
Thấp thỏm, cuối cuộc đời!

Đồ Ngông,
23/3/014.



Friday, March 7, 2014

*Hối Lộ Và Ăn Hối Lộ!


*Chuyện Tào Lao (Tào Lao Thế Sự) 2.         (tt)



“Làm quan” có nhiều cơ hội để chứng minh rằng mình là một con người trong nhân thế với đầy đủ tính chất của một bản năng. Rất hiếm có ông quan nào được gọi là “thanh liêm, chí nh trực”. Nếu đã có nhiều thì nhân gian đã không có câu thành ngữ “Quan đàng chi địa” hay là “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”!

“Quan” là những người có ăn, có học, có trình độ văn hóa hẳn hoi, nếu không thì cũng được ‘bồi dưỡng, cất nhắc” cho đúng vị thế. Các điều kiện “ắt có và đủ” của một chức vụ, ông quan đều phải đáp ứng được, nếu không bằng thực chất, thì cũng lo lót, chạy chọt như thế nào cho đủ điều kiện để được ngồi trên chức vị quan ấy. Ông quan tất nhiên nắm giữ những quyền hành giới hạn nào đó mà luật pháp hay cấp trên cho phép; ông quan có những thẩm quyền của mình. Trên lý thuyết nào cũng vậy, từ chế độ quân chủ cho đến dân chủ kể cả những chế độ tập quyền đều cho rằng “lực lượng, chính quyền” của mình đều vì quyền lợi của dân chúng hay đất nước mình mà thành hình để lãnh đạo, hướng dẫn, thi hành những đường lối chính sách nhằm đem đến lợi ích cho đất nước và dân chúng. Chiêu bài “Chính phủ của dân, do dân và vì dân” chẳng được trương lên thật cao để cho mọi người, dù bất cứ nơi đâu đều được thấy, đó sao! Thế nhưng, chúng ta cũng đừng tin vội, mà hãy từ từ nhìn xem kiểu họ làm! Một hệ thống quan được tạo dựng thành một mạng lưới hành chính, quân sự và bán quân sự từ trên xuống dưới để vận hành cả một bộ máy trên một lãnh thổ được cho là để làm lợi cho đất nước và người dân. Nhưng trong lịch sử bao nhiêu đời đều chứng minh mọi chính quyền đều vì quyền lợi của phe nhóm mà thôi, chứ chẳng làm gì để dân chúng trong tầm mắt! Họ còn tạo nên những lực lượng để trấn áp những kẻ chống đối để bão toàn những lợi ích của mình!

Ngoài chuyện “Tham nhũng” mà ta đã bàn trong bài “Tào Lao Thế Sự” lần trước, lần này một khó khăn nữa cho những Ngài làm quan, hay các viên chức có thẩm quyền phải đối mặt. Đó là sự làm giàu, đem về lợi lộc cho họ rất nhiều và dai dẳng có khi trong suốt thời kỳ làm quan hay cuộc đời của họ cũng không chừng. Làm quan để làm giàu và mang về cho “cả họ được nhờ”. Làm con người ai cũng vậy, thấy tiền đều ham “Có tiền mua tiên cũng được” thì huống hồ chi những thứ khác ít giá trị hơn là Tiên!

Trước tiên, nói đến “Hối Lộ” là nói đến những thành phần vi phạm luật lệ, luật pháp bị nhân viên có thẩm quyền chặn lại để phạt hành vi vi phạm ấy. Người bị phạt năn nỉ thông cảm và đền ơn một phần nào đó để khỏi phải đóng phạt nặng hơn. Cả hai đều có lợi! Người thiệt hại đầu tiên là ngân quỹ nhà nước hay chính phủ đã thất thu một số tiền nào đó. Nhân viên thẩm quyền hỉ hả được số tiền mà không phải nhọc công, mệt sức để làm quà cho vợ con hay chi phí cho những cuộc ăn chơi, nhậu nhẹt, hoặc đàng điếm sau này. Những hàng hóa bị ngăn cấm không thể qua cửa ải, người ta đút lót cho các quan thẩm quyền để vận chuyển trót lọt; tất nhiên con buôn phải có lãi có khi gấp trăm lần hoặc hơn. Thành ra vì lợi những ông quan đã tiếp tay làm những gian dối, đồng lõa với tội phạm, phá hoại xã hội. Đáng tệ hơn nữa có những quan có thẩm quyền quan trọng hơn đối với nền an ninh quốc gia, hoặc sự tồn vong đất nước vì ham những số tiền to tát đã cung cấp cho giặc những tài liệu, tin tức để làm thiệt hại đến tổ quốc hay quốc gia mình phải tiến về sự tiêu vong, nô lệ. Trong giới con buôn, người ta có thể “mua đứt” những ông quan bằng tiền, bằng “hột xoàn”, bằng vàng, xe hơi, nhà lầu, chi phiếu, tài sản kếch xù mà họ không hề tiếc rẻ, vì số lợi đem về cho họ gấp trăm ngàn lần nhiều hơn mà những con người chịu thiệt hại lại là đám quần chúng nhân dân. Các quan lại làm giàu trên mồ hôi, nước mắt, xương máu của người dân. Thế sao gọi là “người đầy tớ”, thật là mỉa mai vô cùng!

Hối lộ được diễn ra trên nhiều khía cạnh, nhiều phương diện từ việc nhỏ cho đến việc lớn, từ số tiền ít oi cho đến những số tiền kếch xù mà những người nghèo cả suốt cuộc đời mơ ước. Nếu chúng ta chỉ cần lắng nghe người khác kể hoặc chịu khó tìm hiểu thì chúng ta cũng sẽ thấy được chút ít vấn đề. Những đồng tiền ấy chúng ta gọi là tiền hối lộ, đút lót, lót đường, tặng chút ít làm quà, uống cà phê, tiền trà nước, tiền bôi trơn, tiền trong bao thư hay đó là những thủ tục “đầu tiên” (nói lái lại là “tiền đâu”) hay đúng hơn là đồng tiền cho những kẻ “biết điều” qua những chuyện để được sự giúp đỡ của người khác, của các quan có chức, có thẩm quyền! Có tiền của để hối lộ không phải là hành động của quần chúng vì quần chúng không có đủ tiền để hối lộ nhiều như vậy; mà hối lộ thường là của những kẻ buôn gian, bán dối, vi phạm quy định của luật pháp nên họ cần đến sự hanh thông để từ đó nảy sinh tình trạng hối lộ. Họ dám cung ứng nhiều thứ mà người có thẩm quyền mong muốn để chiếm lấy cảm tình, hay chịu ân nghĩa mà tiếp tay, giúp đỡ hoặc đỡ đầu trong công việc làm ăn. Lại vì những người có thẩm quyền theo luật định có thề làm khó khăn, hay kéo thời gian lâu họ lại cần đến hối lộ: Trên đường qua những trạm kiểm soát người ta nhét những đồng tiền trong các tờ báo cho từng trạm để được không phải tốn thời gian và đi được dễ dàng, kể cả những đồ lậu ở trên xe đều qua trót lọt. Hối lộ để người ta làm ngơ cho những chuyến hàng ma túy qua được chặng đường; hối lộ để chạy được tội; hối lộ để vũ khí được đến nơi; hối lộ để hàng được nhập nhằm phá hoại kinh tế của nơi mà hàng đó đến; hối lộ trên nhiều lĩnh vực, số tiền có thể rất lớn nhằm đạt được mục đích lẫn yêu cầu. Hối lộ có khi để khuynh đảo cả một quốc gia, tất nhiên là giá thành của nó cũng rất cao.

Sự hối lộ đã làm biến chất phần lớn những viên chức, dù cho các viên chức đó được chọn lọc của một tổ chức thật chặt chẽ nào đi nữa. Sự sung sướng, được cung cấp đầy đủ kể cả sang trọng, gia đình được phè phỡn, con cái thoải mái trong sang giàu mà không phải nhọc nhằn, lam lũ ai lại không thích, thì cũng chẳng trách chi những ông quan được hối lộ. Được ăn nhậu không tốn tiền; được “chơi bời” chọn lựa; được quà tặng cho mình, cho vợ con; được đất đai, nhà cửa từ người khác hiến dâng; được mọi thứ nhờ chức quan. Vậy thì, làm đầy tớ dân để làm gì? Cho nên người ta đua nhau để được làm quan!

“Làm quan cả họ được nhờ” đó là câu thành ngữ trong dân chúng để nói đến “vai trò đầu tiên” của một vị quan, song song với vị trí “ăn trên ngồi trước”. Thực thế, nếu không giúp đỡ người trong gia đình, trong dòng họ trước tiên thì ông quan ấy “không phải là người”, và có lẽ ông quan ấy là kẻ khác thường! Còn chuyện làm lợi ích cho thiên hạ, quốc gia là chuyện của về sau! Thậm chí có nhiều vị quan đưa tôn giáo của mình theo vào vị trí quan trọng, điều ấy lịch sử đã chứng minh mặc dù tôn giáo ấy chỉ là con cờ của đế quốc! “Thiên hạ sự” thật là khó lường!

Những vị công thần đã từng hiến mình cho quốc gia dân tộc, đã giữ vững cương vị trong gian khó nhưng đã phải bị bại đưới thế lực người làm kinh tế hay buôn bán cỏn con, giống như người ta đã nói “anh hùng không chết vì trận mạc, mà chết vì lỗ chưn trâu”. Đây là cuộc chiến giữa những “tham lam và ham muốn của con người”! Ai sẽ tu thành chánh quả?

Thế rồi từ sự được cung cấp, mua chuộc dần các ông quan đòi hỏi đến “nhu cầu” trước  khi hành xử những công việc cho người khác trong quyền hạn của mình; và “sự biết điều” hay “thủ tục đầu tiên” trở thành quy luật. Từ cá nhân, đến địa phương và được quảng bá khắp nhân gian trong một quốc gia kể cả những người làm ăn nước ngoài. Một xã hội ngột ngạt, trở nên khó thở, bầu không khí đi đâu cũng là tiền, cũng là lo lót, cũng phải lo cà phê, trà nước, cũng chi không ít thì nhiều, có khi đến nhà to, cửa rộng hay gì gì đi nữa. Nếu không thì sự việc không thành, cứ bị “ngâm giấm”, đình trệ đến lúc được bôi trơn. Dân nghèo không có tiền thì phải làm sao đây nhỉ? Họ chỉ than thở: “Bắt thang lên hỏi ông trời!”, “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”! Cuộc đời cứ để trôi theo dòng nước, hoặc phải chịu thiệt thòi mọi thứ!

Từ đó, nơi hoặc vị trí nào kiếm được nhiều tiền từ ăn hối lộ và được hối lộ nhiều thì được lo lót, tranh giành với giá cao để được ngồi và nạn “mua quan bán chức” thời phong kiến được tái diễn dưới những hình thức tinh vi. Nếu nơi nào đòi các trình độ cao hơn thì lại sinh ra “không học ta sẽ mua bằng”, thế là một đất nước trình độ văn hóa trở nên cao, nhưng không ngờ lại là nhiều kẻ dốt, cho nên cái câu mà người xưa đã nói: “Làm thầy thuốc mà sai lầm chỉ hại có một mạng người; làm chính trị sai lầm chỉ hại một nước; làm giáo dục sai lầm thì hại đến cả muôn đời” quả thật là không sai! Ta biết than thở với ai bây giờ!!!

 

Đồ Ngông,

07/03/2014.

*Cao Su Mùa Thay Lá!



*Thơ Về Bình Dương!        (tt và hết)




*Thoáng Qua!               (Dầu Tiếng)

 

Tớ về, nhưng lại chỉ thoáng qua

Ghé thăm Dầu Tiếng của thuở xưa

Đổi thay! Phải chứ đời thay đổi

Dầu Tiếng cũng thay mới là vừa!

 

Bây giờ Dầu Tiếng đã đẹp hơn

Trù phú năm nao cũng lại về

Thời buổi chiến tranh, thôi “ốc đảo”

Mấy mươi năm qua rồi, một cơn mê!

 

Bạn bè, trường học của năm nao

Thoáng nhớ ngày xưa, tại nơi nầy

Biết bao kỷ niệm, giờ trải lại

Chạnh lòng trong cảm giác, mây bay!

 

Đồ Ngông,

26/04/12.

 

 

 

*Tiếng Trái Cao Su Nứt Vỏ!               (Dầu Tiếng)

 

Trái cao su nứt vỏ trưa hè

Tiếng hạt rơi khua lẫn tiếng ve

Lặng lẽ, ta ngồi tâm sự vắng

Xa nhìn, nắng trải lên hàng me!

 

Trái cao su nứt vỏ trong vườn

Lãng đãng mây trời, nắng hắt vương

Gió thoảng hiu hiu, nghiền ngẫm tới

Như như chiếc lá thoáng trong vườn!

 

Đồ  Ngông,

26/04/12.

 

 

 

*Cao Su Mùa Thay Lá!     (Dầu Tiếng)

 

Cao su thay lá sao mà nhớ

Nhớ nhớ vì sao lại nhớ hoài

Mùa thu! Có phải? Ta không biết

Có biết gì đâu mùa thu sang!

 

Cao su thay lá nhớ Tết thôi!

Nhớ đến hàng cây rụng lá đầy

Nhớ khu vườn đó khua xào xạc

Nhớ gió hiu hiu thổi lá bay!

 

Cao su thay lá đợi mầm non

Nhìn lá xanh xanh, tán lá tròn

Qua lá nhìn trời thoang thoáng đẹp

Cao su thay lá, chẳng thu sang!

 

Đồ Ngông,

26/04/12.