Thursday, December 22, 2016

*Lòng Vòng trên "Bắc Úc". (4)



Cũng như hôm trước, chúng tôi phải dậy thật sớm để lo chuẩn bị chuyến đi ngày hôm nay vì xe buýt của Tour du lịch sẽ đến khách sạn đón vào lúc 6 giờ sáng. Mặc dù đêm hôm ngủ trễ sau một ngày đi xa mệt mỏi, mà dù có “uể oải” thế nào thì chúng tôi cũng phải rang dậy sớm thôi: Nghĩ cũng lạ, chỉ mắc tại “cái tò mò” của mình, cùng “cái sướng” của con mắt mà mình phải bỏ tiền ra và hành hạ thân xác đến như thế này! Nói thế, chứ đi chơi ai lại không thích! Như tôi đã từng đùa với bạn bè trong vài chuyến đi: “Sao đi chơi (du lịch) vừa tốn tiền vừa mệt, thế mà người ta lại thích mới chết chứ: Thân xác cũng mệt, ăn uống cũng mệt, sửa soạn cũng mệt…, cái gì cũng mệt hết nhưng chỉ có mỗi: “Cặp mắt là sướng thôi”; “Dòm cho đã con mắt” mà bao nhiêu người đều chấp nhận, mà lại mê nữa chứ!”.
Xe buýt đến đúng giờ, 6 giờ 5 phút chúng tôi lên xe và xe chạy vòng qua các khách sạn khác để đón thêm vài hành khách nữa rồi chạy về chỗ tập trung như ngày hôm qua. Sau đó, ai đi tour nào lên xe buýt đó để chuẩn bị khởi hành. Hôm nay chúng tôi sẽ vào tham quan Kakadu National Park, vì vậy chúng tôi phải đóng thêm tiền vào cửa của Park là 40 đô, tiền đóng liền cho người sắp xếp chuyến đi.
Xe rời trạm trong thành phố Darwin vào lúc cỡ 6 giờ 20 khi trời hưng hửng sáng. Khi ra ngoại ô thì mặt trời đã he hé ở chân trời. Chuyến đi nầy cũng theo đường Stuart Highway, xuôi về phương Nam như ngày hôm qua. Nhưng khi qua Coolalinga thì đến ngã ba của Stuart Highway với Arnhem Highway thì chúng tôi phải rời bỏ đường Stuart để đi về hướng Kakadu National Park. Theo như tính toán thì hôm nay chúng tôi sẽ đi đoạn đường ngắn hơn ngày hôm qua vì từ Darwin đến trung tâm Kakadu khoảng chừng 251 km.
Xe buýt xuôi theo đường Arnhem Highway tức đường mang số 36 theo hướng đông nam. Dọc đường có những vườn xoài khá rộng lớn. Rất tiếc là chúng tôi không được vào tham quan ở những vườn xoài nầy xem họ trồng như thế nào, mặc dù tôi cũng có vài ông bạn từ Adelaide lên mua đất và trồng xoài ở trên nầy. Theo cái nhìn từ xa ở ngoài đường những vườn xoài nầy trồng ngay hàng thẳng lối giống như các vườn cây ăn trái khác. Tuy nhiên vườn xoài ở đây hình như đều được xén ngọn cho nên thấy chúng không cao lắm, phía trên tương đối phẳng và thấp. Lúc nầy xoài đang trổ bông nên thấy cây có đầy bông. Xe đến dòng sông Adelaide. Ở đoạn nầy sông Adelaide rộng như nhiều sông khác chứ không nhỏ như ở thượng nguồn mà chúng tôi đã ghé qua ngày hôm qua sau khi ghé vào nghĩa trang chiến tranh Adelaide River War Cemetery. Nhưng khu vực đồng cỏ rộng lớn kế tiếp dòng sông được hướng dẫn viên kiêm tài xế cho biết đó là vùng đất ướt, khi mùa mưa nhiều nước dòng sông ngập tràn qua vùng đất thấp ấy nên gọi là những vùng đất ướt. Khi tôi xem lại bản đồ thì dòng Adelaide sau khi đi qua Djukbinj National Park thì đổ ra biển với những khúc sông uốn khúc ngoằn ngoèo thật nhiều thì lượng nước lớn làm sao chảy thông cho được nên phải ối lại tạo nên vùng đất ướt ở nơi thấp là đúng rồi. Con sông Adelaide có tiếng về cá sấu dữ. Trước khi lên đây khoảng thời gian không lâu, truyền thông đã đưa tin có một người phụ nữ bị cá sấu cắn chết ở trên sông nầy. Ven đường kế bên sông có một doanh nghiệp trưng bày để hình cá sấu đang nhảy lên và lấy tên là Crocodile Jumping.
Xe tiếp tục đi về hướng đông nam khoảng chừng 54 km thì đến sông Mary. Sông nầy liên kết với một National Park khác được mang tên của nó là Mary River National Park. Chúng tôi đi thêm vài cây số nữa thì đến Bark Hut Inn, xe ghé vào để cho mọi người đi vệ sinh, ăn uống trước khi xe từ đây xuôi về hướng đông.
Ở Bark Hut Inn mọi người chỉ ăn nhẹ, điểm tâm, uống cà phê. Còn chúng tôi thì ăn bánh mì sandwich kẹp vài miếng thịt nguội sơ sài rồi ngồi nói chuyện giải lao. Thời gian ở đây được chừng nửa tiếng thì cũng dư chán. Người Thổ dân hiện diện nơi nầy khá nhiều, không biết họ làm gì nhưng ăn mặc tương đối tươm tất. Tới giờ mọi người lần lượt lên xe để tiếp tục lên đường.
Dọc đường, thỉnh thoảng có vài ổ mối cao, màu trắng đục, nhưng không nhiều như đoạn đường đi về vùng Katherine ngày hôm qua, nhưng ở khu nầy các cây được gọi là “little palm” lại có chiều cao cao hơn nhiều, có nhiều cây chắc cao hơn 3 hay 4 m. Điều đó chứng tỏ các cây ở đây có tuổi hơn là những cây ở vùng bên kia.
Còn rừng thì nhìn qua người ta đã thấy sự thoáng đảng của nó, vì chúng được đốt từng khu vực thường xuyên để tránh đi cuộc cháy rừng khủng khiếp xảy ra khi nhiều lá khô và cỏ đầy trên mặt đất. Cho nên vào mùa nầy chúng tôi thường thấy khói đốt rừng được bốc cao lên trên dọc chuyến đi. Các thân cây bị cháy xém thường đen đúa, nhưng những khu vực cây cối được hồi phục có màu xanh mơn mởn rất tươi mát. Đi chừng gần 40 cây số xe chúng tôi vào địa phận của Kakadu National Park. Lệ phí vào “park” với người lớn là 40, trẻ con là 25 đô cho thời điểm từ tháng Tư cho đến tháng 10; nhưng từ tháng Mười Một  đến tháng Ba giá người lớn là 25 và trẻ con là 12.5 đô. Đường sá vào trong “vườn quốc gia” nầy vắng xe cộ, không biết là ít người đến hay đường quá xa với thành phố cho nên người đến đây thường mướn nơi trọ cho tiện hơn. Như chúng tôi đi vào ngày hôm qua thật là “oải” vì phải thức rất sớm và về đến khách sạn thì quá trễ. Và ngày hôm nay thì cũng thế thôi, nhưng vì mình muốn biết thì cũng đành ráng, chỉ ráng trong vài ngày, chứ nếu nhiều ngày, có lẽ sẽ không chịu nỗi! Cây cối ở trong Vườn Quốc Gia nầy với mật độ nhiều và dầy hơn ngoài khu vực, nhưng cũng được đốt theo khu nhỏ để bão vệ cháy rừng to lớn, nên sự hồi phục của cây từng nơi cũng khác nhau: Nơi thì cây cối trở nên rậm rạp hơn, nơi thì mới hồi sinh, nơi thì mới đốt có còn khói lên nghi ngút từ những thân cây cháy dang dỡ.
Tài xế kiêm Hướng dẫn viên không thuyết minh nhiều nữa chỉ khi nào cần thiết hoặc đến những nơi đặc biệt thì anh ta giải thích cho mọi người biết về một vài loại cây, hoặc nơi nầy thế nào, nơi kia ra sao vào mùa nào. Với tôi thì tiếng Anh chỉ bấp bõm nên tiếng nghe được tiếng không, do đó “cái hiểu” thật là mập mờ và mình phải vận dụng đến suy đoán, tất nhiên là sẽ sai nhiều hơn là đúng. Nghĩ thật cũng buồn cười và tréo cẳng ngỗng cho đời sống lưu vong!
Xe đi khoảng chừng hơn 100 cây số nữa thì đến phi trường Jabiru (vào lúc 10.05 giờ) là nơi các máy bay chỡ người đi tham quan cảnh trên không của vùng công viên quốc gia Kakadu, nhưng không có vị khách nào xuống ở đây, tất nhiên là chẳng có ai tham dự phương tiện nầy. Xe vòng trở ra và chạy dọc theo con đường 21 tức là con đưòng Kakadu Highway để đưa chúng tôi đến trung tâm văn hóa của người Thổ dân Bininj ở đây có tên là Warradjan Aboriginal Cultural Center. Xe đến trung tâm vào lúc 10.50 giờ. Trung tâm nầy có hình dáng của một con rùa, nhưng lại có cái mũi của con heo. Chúng tôi vào cửa, khung cảnh bên trong hơi tối chắc người ta muốn trưng bày theo kiểu mờ mờ ảo ảo để đưa người tham quan về một cảnh tượng xa xưa và không cho chụp hình hoặc quay phim. Nhìn những dụng cụ đồ vật dùng để săn bắn hay bắt cá nầy, tôi chẳng những không nghĩ đến người Bininj mà lại nhớ đến thời thơ ấu cùng bạn bè đi dọc theo suối, đồng ruộng để bắt cá hoặc săn bắt vài con thú vật nhỏ. Những dụng cụ sơ khai đều có nét giống nhau dù bất cứ ở nơi đâu, người ta đều tận dụng những cái sẵn có ở chung quanh hay của mình để tìm thức ăn trong sự sinh tồn. Hình thức bắt cá từ lấy bùn ngăn ụ rồi với hai bàn tay để tát nước ra rồi tìm cá mà bắt, hoặc với cây nhọn để chĩa cá rồi tiến xa hơn dùng những vật dụng để làm bẫy hay lưới hoặc câu. Thì đây là khu vực để trưng bày lại những gì mà người Thổ dân (Dân địa phương) ở đây đã sinh hoạt trong hàng ngàn năm. Thời gian tham quan không lâu nhưng ít ra cũng làm cho người ta hiểu về cách sinh hoạt trong đời sống thường ngày mà người dân ở đây đã sinh hoạt, cũng như tôi lại được nhớ về những kỷ niệm của thời ấu thơ. Qua khu bán những đồ lưu niệm, chúng tôi nhìn xem có gì để mua không nhưng không chọn được gì, đành ra ngoài để đợi lên xe. Tài xế đưa chúng tôi đến Ngurrunggurrudjba, tức là Yellow water theo tiếng Thổ dân Bininj để tham dự vào “lông bông” trên du thuyền trong khu vực nước vàng.
Đoàn xuống du thyền và ổn định xong xuôi, du thuyền rời bến đúng 11 giờ 30. Thuyền chỉ chạy từ từ ra khúc sông của sông South Alligator, theo dự kiến là cuộc đi sẽ kéo dài trong 2 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, thuyền chỉ nhởn nhơ trên vùng đầm lầy để người hướng dẫn viên vừa thuyết minh vừa hướng dẫn cho du khách có thể quan sát lẫn nhận thức về vùng đầm lầy cùng những sinh vật, chim chóc, cây cối hiện hữu ở đây. Cá sấu cũng là đề tài được người hướng dẫn đề cập đến, lẫn phân biệt cá sấu vùng nước ngọt và cá sấu vùng nước mặn khi cá sấu hiện diện ở mép nước được mọi người ồ lên phát hiện. Những khóm hoa sen, hay hoa súng ven đường nước đều lạ với người Úc, còn đối với tôi không có gì là lạ cả, nhưng cái cảnh đầm lầy nầy còn hoang sơ chưa được khai phá thành những ruộng, vườn để canh tác cho nên chim cò, vịt nước và nhiều loài chim khác lớn nhỏ hãy còn ung dung lặn lội để kiếm ăn. Xa xa kia có vài con ngựa tha hồ gặm cỏ, không biết đó là ngựa hoang hay ngựa người ta nuôi. Có những cụm khói bốc lên cao ở nơi chân trời phía đông mà người hướng dẫn viên cho biết là nơi đó đang đốt rừng trong mùa nầy để tránh hỏa hoạn lớn vào mùa khô. Đó là bụi dứa dại, chắc cũng là lâu năm lắm, tuy nhiên dứa ở đây lá không có gai như dứa ở bên quê mình. Thuyền lênh đênh trên khúc sông mà trên bờ có nhiều loài giống như các con vịt nhỏ đang trú nắng và ầm ỉ kêu lên rối rít, mặc cho cá sấu nằm yên mà mồm luôn há hốc. Mọi người chụp hình lia lịa như để ghi lại hình ảnh lâu ngày mới thấy. Cánh đồng ở hai bên bờ sông hãy còn hoang sơ: Lau, sậy, đưng, lác, cỏ ống, rau dừa, sen súng… chen chúc đua nhau mà mọc. Thuyền đi qua đoạn rộn rịp đó thì cũng đã hơn tiếng rưỡi đồng hồ, nên người lái cho thuyền quay về đi vào một cái ụ khác để từ đó quan sát cánh đồng mênh mông hơn với nhiều loại chim đang tìm ăn, và nơi nầy thường có cá sấu xuất hiện. Có con chim đậu trên ngọn cây khô chết đã lâu mà hướng dẫn viên cho biết đó là loài chim quý hiếm của vùng Kakadu. Ở Kakadu nầy, người ta thống kê có một số lượng lớn về các loài như chim thì có hơn 280 loài; loài có vú khoảng 74, loài nước ngọt trên 50; khoảng hơn 10,000 loài côn trùng; với khoảng 117 loài bò sát, 25 loài ếch nhái cùng 1,700 loại cây cối. Đến hơn 1 giờ trưa hướng dẫn viên cho du thuyền quay về bến. Thuyền vừa quay ra đến bãi bùn mọi người thấy con cá sấu thật lớn vừa la lên vừa thích thú cùng chụp hình, quay phim lia lịa. Thuyền vào đến bến cũng không đến đỗi là trễ lắm. Mọi người lần lượt đi lên để vào căng-tin xếp hàng lấy thức ăn cho buổi ăn trưa.

Nguyên Thảo,
18/12/2016.


No comments:

Post a Comment