Vào căng-tin sắp hàng để lấy thức ăn thì cũng hơi trễ, cho nên chúng tôi đành phải vội vàng. Thế mà vẫn còn chưa kịp. Đã quá 2 giờ trưa nên hướng dẫn viên kiêm tài xế lại ngõ ý nhanh kết thúc để cho kịp giờ. Thế là chúng tôi đành phải thu gọn nên không thể uống trọn vẹn một ly cà phê sau khi ăn. Xe buýt đưa mọi người vòng trở ra khoảng hơn 40 cây số để vào khu vực gọi là Anbangbang mà nơi đây có vùng núi đá Noulangie hay Burrungkuy (theo tiếng gọi của người Thổ dân) là nơi ở của người bản địa từ hàng ngàn năm trước.
Hình vẽ khoảng 4,000 năm |
Hình thần thoại qua tranh. |
Hình vẽ chuyện Thần thoại |
Trước khi đi vào khu vực, hướng dẫn viên tập họp, giải thích cho chúng tôi hiểu sơ qua về nơi nầy tại chỗ trưng bày các thông tin về những gì sẽ xem, quan sát, đồng thời yêu cầu giữ đúng những gì luật lệ quy định ở đây. Với đoạn đường đi không xa mấy thì đến nơi có những hình vẽ được vẽ trên vách đá. Người ta làm con đường bằng ván gỗ đóng ghép vào nhau đi vòng qua những hình vẽ để du khách có thể tham quan, quan sát các hình vẽ được dễ dàng hơn. Những máy ảnh, quay phim, điện thoại di động được sử dụng để chụp những “bôi” hình lưu niệm lia lịa. Hình vẽ con Kangaroo trên vách đá được cho là quan trọng nhất vì theo sự đo tính của các nhà khoa học và khảo cổ thì nó đã khoảng 4 ngàn năm tuổi, nên nó được bão tồn và gìn giữ cẩn thận. Rồi nối theo là những bức vẽ của những thời gian sau nữa để diễn tả thần thoại mà người dân ở đây đã tưởng tượng ra, đồng thời với những hình ảnh tương đối mới của thời kỳ gần đây khi mà người Âu đã đến, làm nên một nét chính về lịch sử và nghệ thuật của người bản địa.
Hình vẽ ở thời kỳ sau. |
Vì thế nơi nầy cũng là một nét chính để thành hình vùng Công viên Quốc gia Kakadu của Úc mà thế giới (thông qua Tở chức UNESCO) cũng đã công nhận.
Xem những hình ảnh nầy khiến tôi lại nghĩ về những thời gian còn bé bỏng của mình. Thuở ấy chúng tôi là một bầy con nít hay tụ tập đi từ đầu làng cuối xóm khi thì bắt dế, khi thì đi bắt cá lia thia, hay tát cá hay vào những vùng rừng chồi để hái trái giấy, cò ke, trái sim, mù cua hoặc táo gai để ăn. Xong rồi đi tắm, đến vài nơi mát mẻ nghỉ ngơi. Ngồi buồn chẳng biết làm gì, nên kiếm gì đó để vẽ bậy lên đất cát, vách đá, hay lấy đất nắn đồ chơi. Rồi tôi lại liên tưởng những hình ảnh nầy cũng là những hình ảnh của các sinh hoạt giống như vậy. Cái quý của chúng bây giờ là trong hàng trăm, hay cả ngàn năm vẫn còn tồn tại để đánh dấu một sự sinh hoạt, suy nghĩ của một vài bộ tộc nào đó trong quá trình lịch sử. Và ngày nay chúng tôi lại được đi “coi” và “suy nghĩ” về quá trình của vài bộ tộc ở nơi cái gọi là địa phương nầy!
Hình vẽ thời kỳ sau nữa. |
Đúng 4 giờ chiều xe lăn bánh để trở về. Đoạn đường về cũng còn là khá xa gần 200 km rồi còn gì. Trên đường xe còn đổ vài người ở những khách sạn khác như ở khách sạn gần sân bay Jabiru, và khách sạn cá sấu (vì hình dáng khách sạn nầy thiết kế theo hình dáng của con cá sấu và cũng là tên của nó) do các vị khách nầy ngày mai còn đi đến những nơi khác.
Xe chạy đến khu vực gần với cổng vào của Công viên Quốc gia thì mọi hành khách phải sang xe vì xe của anh Ben nầy ở lại và anh Dan sẽ chở chúng tôi về Thành phố Darwin. Đoạn đường dần chìm vào trong bóng tối. Ngồi nhìn qua của sổ xe tôi được dịp nhìn cảnh hoàng hôn qua vùng rừng và đồng rộng mênh mông. Màu đỏ khi mặt trời lặn sao tươi và hấp dẫn đến thế nầy! Nó khiến tôi cứ thỉnh thoảng để máy lên quay ghi lại hình ảnh ấy trong vài giây đồng hồ.
Đường dài lại không có nhiều xe nên nó trở nên vắng lặng hơn. Từ chuyến đi ngày hôm qua cho đến hôm nay khiến tôi nghe mệt mỏi nhưng không thể ngủ được chút nào, thôi thì ráng nhướng mắt lên để nhìn lại cảnh hai bên đường vào ban đêm. Chúng tôi về đến khách sạn vào khoảng chin giờ, sớm hơn ngày hôm qua nhưng lo tắm rửa, nghỉ ngơi cho nên đành ăn mì gói rồi đi ngủ. Đêm nay chúng tôi không phải vội vàng dậy sớm nữa vì ngày mai chúng tôi sẽ đi tham quan vòng quanh vài địa điểm đặc biệt của Thành phố Darwin nầy!
Được một đêm ngủ ngon, không phải vội vàng thức sớm nữa, trong người nghe tương đối thoải mái. Đến 8 giờ rưỡi chúng tôi đều hẹn nhau ở phòng tiếp tân của khách sạn để 8 giờ 45 xe buýt đến đưa chúng tôi đi một vòng tham quan vài địa điểm gọi là tiêu biểu của Thành phố Darwin. Xe đến đúng hẹn, trên xe đã có nhiều khách du lịch khác, đa số cũng là người già. Xe vòng trở lại đường Knuckey để chạy ra hướng biển tức là công viên War Memorial rồi tài xế kiêm hướng dẫn viên thuyết minh về nơi nầy, đồng thời xe chạy qua các tòa nhà Quốc Hội, Thư viện; Nhà Chính Phủ, The Old Town Hall, Christ Church Cathedral, ngân hàng ngày xưa để tài xế nói sơ qua về những nơi di tích lịch sử ấy cùng nói đến sự tàn phá của cơn bão Tracy vào ngày trước Christmas năm 1974. Sau đó thì xe đưa chúng tôi đến WWII Oil Storage Tunnel.
Oil Storage Tunnel. |
Chúng tôi đến tại cửa vào của đường hầm số 5 và 6 vào lúc 9 giờ 45, vừa khi đó có một đoàn nhà sư Phật giáo hình như của Tích Lan thì phải đi từ trong hầm ra chứng tỏ họ đã hoàn thành cuộc thăm viếng. Tại đây đoàn chúng tôi được người thủ quản đường hầm thuyết minh về các đường hầm chứa dầu nầy, nhưng vì tiếng Anh “quá giỏi” cho nên tôi không thể hiểu được nhiều. Tôi chỉ biết ngay trong cuộc oanh tạc đầu tiên của máy bay Nhật đã phá hủy 7 trong 11 bồn chứa xăng dầu của hải quân Úc được thiết lập từ năm 1924 ở Stokes Hill, cho nên bên Bộ Chiến Tranh quyết định làm các đường hầm để chứa dầu. Từ tháng 4/1943 George Fisher bổ nhiệm người tiến hành xây dựng 11 đường hầm chứa dầu trong bí mật với số nhân công là 400 người, kinh phí dự trù là 220,000 bảng Anh và sức chứa là 20,000 tấn dầu. Trong thời gian oanh tạc máy bay Nhật đã không kích Darwin cả thảy là 64 lần. Khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt vào năm 1945 thì 6 đường hầm được hoàn tất. Mỗi đường hầm có chiều dài thay đổi nhưng chiều rộng là 4m5 và có chiều cao là 5m4.
Chúng tôi lần lượt vào đường hầm bên cạnh đường ống thật lớn, chiếm gần phân nửa đường đi. Cuối đường nầy lại đến một khúc quanh co có bộ phận máy móc hình như hệ thống bơm thì phải, rồi đi vào đường hầm dài hơn, ở đây phải trang bị hệ thống đèn để du khách có thể nhìn thấy, bên cạnh đó trên vách còn treo những bức tranh vừa của Nhật, vừa của Úc để có tính cách trang trí cho vui mắt, đồng thời cũng có vài nét về lịch sử của thời kỳ chiến tranh. Tôi cố gắng đi hết đường hầm để xem cuối đường hầm là cái gì thì ra cuối đường hầm là ngõ thông ra ngoài. Tôi đưa máy quay phim, thu gần cái cửa đường hầm ấy vì khu vực nầy không được vào. Xong ngó trở lại thì thấy vắng tanh không còn ai nên tôi cứ ngỡ là trễ giờ nên lật đật chạy trở ra. Nhưng không trễ vì người trong đoàn vẫn loay hoay chung quanh phía trước, người thì đứng nhìn cảnh vật xung quanh, người thì đang tìm để mua đồ lưu niệm.
Đến 10 giờ 20, xe đưa chúng tôi rời Thành phố Darwin và chạy theo đường Stuart Highway để đến Australian Aviation Heritage Centre ở vùng Winnellie. Xe qua vùng sân rộng rồi vòng qua một khúc quanh có trưng bày phần đuôi của một chiếc máy bay cùng một trái bom bên cạnh, và xe đi vào chỗ đậu.
Phần đuôi máy bay và trái bom. |
Chúng tôi vào cửa. Ngay cạnh cửa vào tôi lại thấy được vài hình ảnh quen thuộc mà tôi đã mất nó tự lâu rồi, từ cuối năm 2001. Đó là hình ảnh của một hãng hàng không bị phá sản “Ansett”, vì nó là kỷ niệm của vợ chồng tôi cùng ba tôi trong chuyến du hành sang Mỹ, Âu Châu để ba tôi gặp lại người thân (em chú bác, chị cô cậu ruột), còn tôi được gặp bạn bè, anh chị họ, và vợ tôi gặp đứa em út theo gia đình chồng ở Salt Lake City thuộc Tiểu bang Utah ở Mỹ. Ở trong bảo tàng nầy trưng bày nhiều loại máy bay nhỏ, lớn, cũ, du lịch, thể thao đều có kể cả vài động cơ máy bay của Nhật cũng có, nhất là những hình ảnh về các loại máy bay đã dự vào cuộc không kích Darwin trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Bảo tàng nầy được mở ra từ năm 1990 để tiếp nối bảo tàng trước đã bị tàn phá trong cơn bão Tracy vào năm 1974.
B.52 rải thảm bom |
Máy bay B.52 |
Nguyên Thảo,
03/07/2017.
No comments:
Post a Comment