Monday, April 23, 2018
*Thiên Đường!
Tôi tự hỏi: Đâu là Thiên Đường?
Và Thiên Đường là gì hỡi anh?
Em có biết thì cho tôi biết với
Tôi cần biết, và muốn biết về một Thiên Đường.
Người ta nói
Về một Thiên Đường: Không khổ đau và ngập tràn hạnh phúc
Tôi cũng mơ và đầy mơ ước
Một Thiên Đường trong cuộc sống lầm than
Tôi đi tìm trên những bước trần gian
Sao khốn khổ, những con người vào cõi thế
Sao họ chẳng rời xa cái chết
Lánh cái già, và những căn bệnh nan y
Họ tranh giành quyền chức để làm chi,
Họ muốn cưỡi trên đầu vạn dân thiên hạ
Họ muốn đem tài
Biến thế giới và người, ai cũng đều thế cả
Đi về đâu? Về đâu? Ở một Thiên Đường!
Một Thiên Đường nơi cõi xa xăm
Tôi mơ ước, nhưng không biết bao giờ chứng thật
Mà tôi vẫn mơ
Và mãi mơ cho đến ngày tôi mất
Dù xuôi tay, tôi vẫn lảm nhảm: Thiên Đường!
Đồ Ngông,
23/04/2018.
Sunday, April 22, 2018
*Đường Đến Băng Hà! (10)
Chúng tôi được một đêm ngủ ngon lành có lẽ do nơi ban ngày bận rộn với việc di chuyển lung tung và nhiều căng thẳng của việc làm thủ tục để lên tàu cũng như hải quan. Hôm nay biết là mình chẳng có gì để làm, nên tôi và anh Thới vẫn nằm “nướng” trên giường mà kể chuyện đời xưa. Những kỷ niệm của những năm đầu trên xứ người được ôn lại dần qua ký ức. Tôi mãn nguyện vì tôi đã đến được bến bờ dù là nơi xứ người, nhưng lý lịch của tôi không còn luôn in dấu hay ảnh hưởng đến con cháu đời sau. Chúng có thể vươn lên cao nếu chúng có nhiều tài năng, chứ ở trên quê hương biết bao giờ chúng có thể cất đầu lên nổi dù chức phận của tôi chỉ là một giáo viên quèn nơi làng quê. “Hồng” cho cả “ba đời” chứ không là một ngày một buổi, thì có “Chuyên” bao nhiêu cũng đều phải “bó tay”. Chúng tôi trao đổi cho nhau rất nhiều về những tìm hiểu, chứng kiến trong cuộc sống của một xã hội mới gọi là mẫu hình tốt đẹp mà chẳng tốt đẹp bao giờ. Nó chẳng qua là “Sự bảo vệ tối đa của quyền lực thống trị” để tránh đi một “sự lật ngược trở lại”, còn một xã hội bình đẳng, sung sướng, ai cũng như ai trong một thế giới Đại Đồng nó còn quá xa, vì thành phẩm sản xuất cung ứng cho mọi người trong xã hội nó chẳng là bao nhiêu. Sự thiếu thốn mọi thứ khiến người ta sống về với bản năng sinh tồn. Muốn được sống thì trộm cắp, cướp bốc, giành giật, gây tội ác… đầy dẫy tệ nạn xảy ra. Những con người đạo đức hơn thì sầu đời quên trong men rượu, bi quan. Mãi rồi thì người ta cũng quen đi, trở nên lì lợm, vô cảm. Muốn công việc làm ăn dễ dàng để có tiền sinh sống thì tình trạng hối lộ, mua chuộc tràn lan, rồi tiến đến lạm dụng quyền hành để đòi được đút lót, sạch hách hoặc “mở treo” trước miệng thì làm sao “mèo nhịn đói” thế là “tham nhũng” khắp nơi. Cho nên “diệt kẻ thù” dễ hơn là chống lại “nội thù”. Muốn an toàn thì phải có “phe nhóm, bao che” từ trên xuống dưới. Tốt đâu chưa thấy mà đã thấy đầy khốn khổ đến với người dân!
Trong lúc đang “hứng thú” để phân tích tình hình, hoàn cảnh cùng nhau thì đã có điện thoại của anh chị Hiệp gọi đến rủ đi ăn sáng. Mấy bà đã lên boong tàu tự bao giờ. Sáng sớm nơi đây trở nên lành lạnh. Chúng tôi lại khép nép vào những tấm kính để bớt lạnh, nhất là gió dù không là gió mạnh. Nhìn ra xa toàn là biển vì tàu đã đi ra vùng đại dương, xa bờ. Những luồng sóng rộng ra và trôi dạt về phía sau, khiến tôi lại nhớ về những ngày lênh đênh trên biển trên chiếc tàu cây nhỏ nhoi và mong manh.
Vào phòng ăn, không khí được ấm hơn. Dù đông người nhưng không ồn ào lắm như ở bên mình. Người ta đến từ nhiều nơi trên thế giới nhưng ai cũng tôn trọng người chung quanh, thế nên họ nói chuyện cũng không lớn tiếng gây cho người khác phải chú ý đến mình, hoặc mình làm phiền hà đến người khác, đó chẳng qua là “sự lịch sự cơ bản” ấy mà!
Tren boong Cruise. |
Trước khi bước qua cửa để vào những gian hàng hay quầy thức ăn, mọi người đều phải dùng nước sát trùng thoa vào tay kỹ lưỡng, rồi mới lấy dĩa để lấy thức ăn mà mình muốn. Xong, về bàn mình ngồi. Nước, cà phê thì mình tự lấy, thỉnh thoảng có nhân viên đem đến. Kiểu ăn “buffet”, hay “All you can eat”, hoặc “tự chọn” được áp dụng cho nhà hàng nầy. Nhà hàng nầy được coi như là nhà hàng phổ thông, bình dân và giờ giấc kéo dài hơn là những nhà hàng khác; nên nó được người ta ưa chọn, nhất là vị trí nó ở trên cao, thông thoáng tầm nhìn mà người ta có thể vừa ngồi ăn, vừa phóng tầm mắt ra xa để nhìn trời, mây nước và tán gẫu, nhiều chuyện với nhau. Nhưng kiếm chỗ tốt không phải là dễ trong giờ cao điểm, đông người, có khi cả bọn không thể ngồi chung một bàn. Ăn xong phần ăn chính buổi sáng, chúng tôi quay lại lấy phần đồ ăn ngọt, bước đến cổng cũng phải sử dụng đến nước sát trùng. Kỹ thiệt! mà không kỹ lỡ trên tàu mà cả ngàn người lây bệnh nhau ở giữa biển cả, đại dương thì sao?
Mot phan boong tau, nha ga va chiec Cruise khac. |
Sau buổi điểm tâm, chúng tôi rủ nhau đi vòng vòng trên tàu để tìm hiểu một phần nào về nơi chốn mà mình cần phải biết để khi cần, biết mà đi. Mặc dù tôi đã đi trên du thuyền P&O một lần từ Adelaide lên Melbourne và trở về, nhưng tôi vẫn chưa mường tượng được cái cấu trúc tổng quát của nó. Lần nầy chúng tôi có khoảng 7 ngày trên chiếc Cruise nầy, cũng là dịp để tôi tìm hiểu được phần nào để giúp cho cái hiểu biết ban đầu của mình về “Du Thuyền”. Đầu tiên, có lẽ là cái hình dáng to lớn, vĩ đại trước sự trầm trồ của nhiều người, rồi đến đội ngũ tổ chức để phục vụ cho hàng ngàn người sinh sống trên tàu, với đầy đủ các phương tiện giữa không gian biển cả. Lèo lái, tổ chức cho một chuyến đi chắc phải là vất vả lắm!
Trong chuyến đi du thuyền lần trước, vì chỉ là đi trong nước nên tàu nhỏ hơn, mà chuyến đi ấy lại ra khơi nhằm những ngày bão lớn nên tôi đã không đi tìm hiểu được nhiều trên chiếc tàu ấy. Có những lúc đi lấy thức ăn còn phải cẩn thận do sợ té ngã vì tàu lắc lư, nên tôi đành lười biếng đi chơi, xem qua trên tàu cho thỏa mãn óc tò mò. Do đã bị bão, say sóng ấy, nên lần đi nầy vợ tôi cứ mãi lo sợ, nhưng còn hi vọng là chiếc tàu lớn và vùng biển, khí hậu ở đây hiền lành hơn: Chắc là không gặp bão! Bởi thế, tôi cũng cần cám ơn nàng Pandora đậy nắp hộp lại kịp thời để giữ lại cái “Niềm hi vọng để mà sống” như trong chuyện Thần thoại của Hi Lạp xưa đã kể.
Trong sơ đồ chiếc du thuyền Emerald Princess nầy mà chúng tôi được phân phát cho biết là tàu có tất cả là 19 tầng với những tên gọi riêng để phân biệt. Trong đó từ tầng 9 đến tầng 14 là những tầng phòng ngủ cho du khách gồm 4 dãy đâu mặt nhau qua 2 hành lang dài suốt từ đầu tới đuôi. Những phòng có tầm nhìn ra biển thì đắt giá hơn những phòng ở phía bên trong. Ngoài ra có những phòng đặc biệt dành cho khách hạng sang hơn. Khuôn khổ phòng ngủ tương đối đầy đủ phương tiện, tiện nghi như những phòng ở khách sạn, nhưng nhỏ hơn thôi; Tuy nhiên, người ở cũng cảm thấy thoải mái dễ chịu. Tất nhiên là chúng tôi chỉ chọn phòng bên trong nầy cho rẽ tiền. Nhưng riêng 3 bà (chị Thới, vợ tôi và cô em vợ) ở chung một phòng thì hơi chật, một người phải ngủ ở giường phía trên. Ba bà thì ở tầng 9, anh chị Hiệp tầng 10, tôi và anh Thới ở tầng 14. Trong tập sơ đồ ấy cũng có những thông tin, chỉ dẫn những nơi ăn uống, làm việc, giải trí, gian hàng buôn bán lẫn những nơi phục vụ cho khách hàng về sức khỏe, làm việc kể cả việc tổ chức đám cưới trên tàu.
Không biết là bao nhiêu phòng thì có hai người phục vụ việc làm sạch hay dọn dẹp, cung cấp đồ đạc cho khách hàng mỗi ngày về các phương tiện, nước uống, và mỗi ngày phòng luôn được cung cấp một bản thông tin về các sự kiện, cùng lịch trình của ngày hôm sau. Điều nầy rất thuận lợi cho những người biết Tiếng Anh, còn như chúng tôi thì chỉ làm những cái gì “quen thuộc” và “nghe người ta nói” nên có phần “quả thật là ngù ngờ”!
Hôm nay là ngày thứ 9 của chuyến đi, với lịch trình là chúng tôi sẽ có cả ngày đi trên biển cả, đại dương. Thế là chúng tôi chỉ có ăn, ngủ, nghỉ trên tàu, hoặc đi vòng vòng để tìm hiểu, quan sát về chiếc tàu hay cùng nhau ngồi tán gẫu. Ôi! Nếu chỉ là nghỉ dưỡng thì quả thật là tuyệt vời!
Nhớ lần trước khi đi chuyến Cruise của P&O, tôi cứ nghĩ là mình đi Cruise cho biết thế nào mà anh chị 7 Gàng cũng như anh chị Nhi về khen quá: “Vui quá mà lại rẽ”. Nhưng không ngờ chuyến đi ấy “bị bão lớn” dằn vặt khiến tôi và vợ tôi khá chùn bước. Nay mới khám phá được vài điều cũng “tạm gọi là hay hay” vì “ăn uống, vui chơi, nghỉ ngơi, du lịch” đều có trong chuyến đi mà nhất là “hít thở không khí trong lành”, nhưng cần có nhiều thì giờ là điều kiện tiên quyết!
Riêng tôi cứ ngẫm nghĩ với số tiền tôi bỏ ra nhiêu đó thì tiền phòng, tiền ăn uống, người phục vụ, rồi đến những bữa ăn trong nhà hàng tương đối sang trọng ở trên tàu thì chắc là không đủ vào đâu. Vậy người tổ chức làm sao có lời? Đó là chưa nói đến một số tiền nhỏ được tàu cho không bỏ vào trong trương mục của mình như là khuyến khích mình nên mạnh dạn “xài”, nếu không xài thì khi rời tàu người ta sẽ thu hồi số tiền ấy!
Tôi và anh Thới, ngoài những bữa ăn thì đi lang thang trên tàu tìm hiểu để biết về con tàu mình đang đi: Lúc thì lên boong ngắm nhìn đại dương, hay chụp vài bôi hình làm kỷ niệm, lúc lạnh thì xuống phía dưới tránh gió xem phim, còn tắm ở hồ tắm thì chẳng mặn mà. Hay đi xuống các tầng khác để xem coi có những gì, nhất là ở những nơi nào có nhà vệ sinh để cần thiết khi bất trắc. Lúc nào chán thì trở về phòng “đấu láo” cho thỏa mãn “cái mồm”! Nằm đã, thì lại đến bữa ăn rồi điện thoại cùng nhau hẹn gặp ở nhà hàng. Sáng, trưa ăn ở “buffet Horizon Court” ở tầng cao trên boong; chiều xuống tầng 6 ăn ở nhà hàng “Botticelli Dining Room” vì nhóm chúng tôi đã ghi tên ở nhà hàng đó, mặc dù còn có vài nhà hàng khác nữa.
Chương trình tối nay, chúng tôi được kêu gọi đến tầng 6 gần Văn phòng của tàu vào lúc 6 giờ rưỡi để làm quen và chụp hình với Thuyền trưởng, nhưng người quá đông, nên bọn chúng tôi chỉ đứng lấn quấn rồi cùng nhau chuyện trò, chứ không chụp hình được với ông Thuyền trưởng; để rồi đến 7 giờ 45 đến ăn bữa ăn tối ở nhà hàng Botticelli. Xong, lại về phòng tắm rửa, nghỉ ngơi. Được biết sáng mai phải vặn đồng hồ lui lại một giờ vì đi sang múi giờ khác của Tiểu bang Alaska.
Trong mọi lúc thì tàu vẫn cứ đi dù chúng tôi có ngủ hay thức!
Nguyên Thảo,
19/04/2018.
Monday, April 9, 2018
*Tôi Đi.
Tôi đi trên con đường ngõ cụt
Mà trong đầu cứ mang mãi ước mơ
Mơ một mai thiên hạ sang giàu
Như tất cả, không ai hèn, bốc lột.
Đời quá khổ, nên người ta vọng tưởng
Cứ tranh giành, hiếp đáp để lấy hơn
Bức nhau thêm, gây những nỗi căm hờn
Đời vốn khổ, lại càng thêm khốn khổ!
Tôi vẫn mãi đi trên con đường ngõ cụt
Mà cứ là tôi tưởng tôi hơn
Tôi thông minh, trình độ vẫn hơn người
Tôi đang chuyển một xã hội dần sang tốt đẹp.
Nhưng con người là một nguồn ý thức
Luôn bao giờ cũng tâm niệm là “Ta”
Sung sướng, giàu sang, thụ hưởng, lụa là
Không ai muốn bước vào gian khổ.
Kể cả những con người trong hàng trong ngũ
Cũng không qua cái sống của con người
Cũng không qua ý thức tự nhân gian
Sự sa đọa vẫn là điều tất yếu.
Tôi vẫn đi, đi trên đường ngõ cụt
Đi trái chiều, trái ngược với dòng trôi
Tôi vẫn tưởng tôi thay đổi cuộc đời
Cứu thiên hạ qua rồi niềm đau khổ.
Tôi vẫn tưởng tôi dùng thiên binh vạn mã
Lùa nhân gian vào sách lược ngày xưa
Ép khuôn cho tất cả nên thuần
Nhưng tất cả chỉ mang điều “mộng tưởng”!
Tôi vẫn đi, đi trên con đường ngõ cụt
Vẫn loay hoay, không định được hướng cần
Bao nhiêu năm lao khổ lẫn trần thân
Mà tôi vẫn là “loay hoay trong ngõ cụt”!
Đồ Ngông,
01/04/2018.
Subscribe to:
Posts (Atom)