Wednesday, September 19, 2018

*Đường Đến Băng Hà! (13)


Cái cảm giác “Chợt bừng lên” ấy làm tôi nghĩ đến chuyện Từ Thức lạc vào cõi tiên: Chắc Từ Thức cũng phải sững sờ trong cái đẹp lộng lẫy đó. Tôi nhìn lại đồng hồ thì đúng là 9 giờ 45, như vậy du thuyền đi đúng với lịch trình ghi sẵn. Người Tây Phương có khác, họ thường chính xác với giờ giấc, không lề mề, lễ mễ để thời gian bị co giãn giống như nhiều người khác, nhất là trên dịch vụ làm ăn, hay kinh nghiệm đường đi của vị thuyền trưởng trong nhiều năm. Tàu đang ở trên vị trí cuối cùng của vịnh Tarr Inlet, và chúng tôi đang đối diện với Grand Pacific Glacier.
Grand Pacific Glacier

Du khách đổ xô lên boong tìm nơi cao, dễ quan sát nhất để nhìn quang cảnh, hay chụp hình. Tuy vậy chẳng có cảnh chen lấn nào, đôi khi họ lại lịch sự hơn là nhìn lại phía sau xem có cản hay che tầm nhìn của người khác hay không. Lắm lúc có vài người chạy trốn hay đi xuống khu vực thấp hơn, như cái ban-công dưới kia đang đầy người, vì do gió lạnh. Ai cũng muốn cho mình có những hình ảnh hoặc những đoạn phim ấn tượng về nơi nầy. Người ta đã tốn nhiều tiền đi máy bay, phải cực nhọc trên cuộc hành trình, bỏ nhiều ngày lênh đênh trên biển để đến nơi nầy. Không lẽ đến đây rồi mà lại về không với vài ký ức, cho nên chuyện chụp hình, quay phim trở nên thông dụng, đôi khi “selfie” là cần thiết. Tôi cũng thử làm vài cái “Tự sướng” coi khả năng của mình tới đâu. Tự dưng tới đây tôi lại bực cười với từ ngữ “Tự sướng”. Không hiểu người đặt ra từ ngữ đó theo kiểu thời thượng hay có đầu óc tiếu lâm để xài từ “Tự sướng” thay vì “Tự chụp”. “Selfie” có lẽ phát xuất từ “self photo” mà ra. Nhưng dù sao “Tự sướng” cũng đưa ta đến cái ý nghĩ ngộ nghĩnh, và đầu óc hơi đen tối một chút, cũng vui!
Trước mặt chúng tôi là băng hà Grand Pacific, lưỡi băng hà đổ xuống nước, nhưng vì du thuyển đã dừng lại từ nơi xa nên không nhìn thấy gần hơn nữa được, cho nên cái độ dơ của nó tơi đâu thì không biết được. Nhưng cái mùi ngay ngáy, hôi hôi của vùng đồng nội bốc lên, tôi nhìn về một góc của băng hà Margerie thì thấy có khoảng đen như băng có trộn với bùn. Băng hà Grand Pacific nằm giữa hai dãy núi và ngay trước mặt nên dễ nhìn thấy cái dáng dấp đẹp của nó, và hiện rõ lên nền trời xanh. Nó là băng hà rộng khoảng 3 cây số, cao chừng 20 m. Theo người ta ước lượng dài hơn 50 km và di chuyển chừng 30 cm đến 1.2 m mỗi ngày. Dù nó lớn nhưng khách tham quan không để ý đến nó là bao nhiêu, mà người ta lại quan sát nhiều đến lưỡi băng hà Margerie, điều dễ hiểu là vì lưỡi băng hà nầy kế cận với du thuyển.
Tidewater Margerie Glacier.

Tàu bắt đầu quay ngang, trở đầu. Ở trên boong cao giờ nầy gió tương đối khá hơn, tôi nghe lạnh đành chạy xuống ban-công phía dưới cùng với mọi người. Nhìn trên mặt nước của vịnh vẫn im lìm không thấy một con cá voi hay thú vật nào ngóc đầu lên cả. Trên đường di chuyển tôi lại gặp cô nàng người Hoa gốc Đài Loan có chồng người Hoa sinh ra ở đảo Madagascar, định cư ở Toronto mà tôi đã gặp ở phòng ăn vào ban sáng. Chúng tôi lại nói chuyện với nhau hồi lâu, rồi đường ai nấy đi. Tôi đi vòng qua khu đông người đang nhìn vào lưỡi băng hà Margerie. Đến đó cũng tìm góc cạnh để chụp hình cái vách băng hà đang vươn mình lên trên mặt nước. Nó sừng sững như một bức tường trắng xóa, bề ngang người ta ước chừng hơn 1.5 km, cao khoảng 80 m. Băng hà nầy theo nghiên cứu của những nhà quan sát thì nó dài trên 30 km, mỗi ngày di chuyển từ 1.8 m đến 2.4 m, cho nên ở bức tường băng trắng hơi xanh xanh đó có hiện tượng lỡ, đổ xuống. Thỉnh thoảng ta nghe tiếng ầm ầm mỗi khi vách băng đổ xuống mặt nước. Không biết băng hà từ lúc thành tựu di chuyển đến lưỡi băng nầy là bao nhiêu năm, nhưng trên bề mặt vẫn lởm chởm, không bằng phẳng, và khi nó bị vỡ ra đổ trên mặt nước thì nó vẫn xốp, bể ra từng mảng nhỏ chứ không nguyên khối. Những tan vỡ đó nổi lềnh bềnh trên mặt nước, trôi theo dòng giống như nước được điểm tô thêm những hoa trắng thật đẹp.
Hoa bang tren Vinh.

Hồi tôi học ở trong trường về băng hà chỉ biết về băng hà thuộc đất liền, chứ không học về băng hà trên mặt nước mà trong tiếng Anh người ta phân biệt “Tidewater glacier” và “Terrestrial glacier”.
Terrestrial Glacier.

Đến nay, trong chuyến du hành nầy lần đầu tiên mới thấy, biết đến băng hà và cả hai loại của nó. Không biết những du khách khác cảm thấy thế nào, chứ riêng tôi chuyến đi nầy mang đến cho tôi nhiều giá trị: Vừa kiểm nghiệm, vừa thấy biết, vừa để suy tư. Vì vậy, khu Vịnh Băng hà nầy được xem là khu Bảo Tồn Sinh Quyển lẫn Di Sản của Thế Giới cũng phải, vì nó vừa là Quê hương của người Huna Tlingit, vừa là nơi tập hợp cả 1750 băng hà với cả 2 loại: Trên cạn và dưới nước. Nó cũng giống như một phòng thí nghiệm thiên nhiên để người ta nghiên cứu về tự nhiên, địa lý và khoa học, cùng với 160 loài cá, 274 loài chim, 41 loài có vú và bò sát 2 loài.
 Du thuyền dần quay đầu trở ra, mặc cho du khách tha hồ nhìn ngắm, chụp hình, quay phim, làm duyên làm dáng với những bôi hình kỷ niệm. Họ tha hồ chụp với những máy hoặc mobil phone. Tàu ở đó khoảng 1 tiếng đồng hồ, đến 10 giờ 45 thì chạy chầm chậm đi ra, dường như nó cũng lưu luyến không muốn rời. Chỉ trong đoạn ngắn vài cây số cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Rồi nó lại đến Johns Hopkins Inlet để du khách nhìn ngắm thêm vài băng hà nữa như Lamplugh, Reid glacier. Xong tàu bắt đầu tăng vận tốc để chạy ra vào lúc 12 giờ. Như vậy là “Đường Đến Băng Hà” của tôi, tương đối như hoàn thành, nhưng duyên nợ nầy tôi phải hoàn tất với con tàu du thuyền Princess cho lúc về đến Vancouver trước khi từ giả nó.

Mot canh bang ha.

Ở băng hà dưới nước nầy, dù chúng không có những băng sơn lớn tách ra từ vách thành bề mặt của dòng sông băng mà chỉ là những mảng nhỏ nổi lềnh bềnh trên mặt nước như những bông hoa tô điểm cho vùng nước trong vịnh thêm phần ngoạn mục; nhưng chúng cũng cho tôi một ít kiến thức liên tưởng đến những vùng băng hà to lớn, lâu năm hơn khi phần lưỡi của nó lấn dần ra biển, rồi do những điều kiện thời tiết, sóng, gãy nứt tách ra và trôi giạt trên biển thành những băng sơn để đến đổi chiếc tàu mà người ta tin tưởng là “Usinkable” như Titanic phải bị nhấn chìm, làm thiệt mạng 1513 người vào ngày 15 tháng Tư năm 1912, trong chuyến đi đầu tiên từ Anh sang New York của Hoa Kỳ.
Chiếc du thuyền rời vùng vịnh bỏ lại các băng hà và những ngọn núi đẹp đẽ “Snow cap” của miền lạnh lẽo và trở ra ngoài. Mọi người lại kéo nhau rời boong hay vị trí để trở vào phòng ăn “kiếm cái gì lót bụng”. Chúng tôi vừa ăn vừa nhìn phong cảnh hai bên với những khu rừng bạt ngàn bên bờ sông càng ngày càng mở rộng cùng những ngọn núi đầy tuyết lại nhô lên trong khung trời quang đãng. Theo dự trù tàu sẽ ra đến cửa vịnh Barlett Cove vào lúc 2 giờ 45.
Ăn xong, chúng tôi lại ai về phòng nấy để lấy lại sự ấm áp và nghỉ ngơi, bù lại sự tổn hao mà cơ thể đã cố gắng chịu đựng từ lúc 6 giờ sáng chỉ nhằm thỏa mãn “óc tò mò và sung sướng cho mỗi cặp mắt” mà thôi! Thế mà nằm không bao lâu, tôi và Anh Thới lại chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Đến khi thức dậy thì đã gần đến giờ ăn ở nhà hàng Botticelli. Đúng vào lúc đó Anh Hiệp gọi đến rủ đi xuống nhà hàng. Cả bọn chúng tôi cùng nhau kéo đi luồn trong deck 7 để đi về cuối tàu vì nhà hàng ở cuối của deck 6. Người đứng xếp hàng khá đông, còn khoảng 15 phút nữa mới tới giờ mở cửa. Ở chỗ ăn nào cũng vậy, trước khi vào cửa đều phải lấy nước sát trùng xoa vào tay. Cái thủ tục ấy là an toàn cho mọi người trên tàu. Kỹ cũng là tốt thôi!
Ngồi vào bàn thì mới thấy bàn của mình hôm nay vắng đi vài người, và nhìn vào mấy bàn bên cạnh cũng có vắng đi vài chỗ. Chỉ vài hôm mà có người đã ngán thức ăn rồi. Ngày nào cũng ba bữa ăn, dù thức ăn có thay đổi nhưng ăn hoài người ta đâm ngán, cái ăn giống như là miễn cưỡng. Chị Hiệp bây giờ lại thích ăn rau cải hơn là các món ăn chính.
Biển ở vùng nầy tương đối yên lặng, cảnh trời chiều nhìn mãi cũng quen đi, nên nó không còn hấp dẫn nữa. Chúng tôi chỉ ngồi trong Horizon Court để trò chuyện, thỉnh thoảng nhìn trời trăng mây nước trước khi chia tay, ai về phòng nấy nghỉ ngơi để lấy lại sức cho ngày mai. Vì phòng ở đây không rộng rãi cho chuyện họp bàn, mà nó lại nằm bên trong, nếu không có đèn thì lại là tối thui!
Xong chúng tôi chia tay. Khi về phòng thì đã có “bản tin” mới cho biết là ngày mai sẽ đến Juneau là Thủ phủ của Tiểu bang Alaska và được lên bờ tham quan ở đó. Mọi du khách chìm vào sự nghỉ ngơi, nhưng tàu vẫn phải đi, đi kể cả ngày lẫn đêm!

Nguyên Thảo,
20/09/2018.



Saturday, September 8, 2018

*Tôi Tự Trói Chân Tôi!


Tôi tự trói chân tôi
Với dây xiềng vĩ đại
Chân lê từng bước nặng nề trên nền đá chông gai
Tôi hổn hển nhường đường cho người lên trước
Thế mà tôi vẫn nghĩ
Tôi là kẻ bao giờ cũng đều thắng cuộc
Đứng trên cao hơn hẳn cả mọi người
Tôi tự mãn
Mình đi trên con đường sáng tạo
Đầy vinh quang, hạnh phúc nhất về sau.

Rồi một ngày
Tôi cảm thấy cô đơn và lủi thủi
Nhìn lại mình, mình đã chẳng giống ai
Những kẻ theo mình mệt mỏi thở dài
Đời khốn khổ quả là như thật!
Sao lại thế,
Đường đã chỉ
Hạnh phúc nhất thế gian
Đời vui sướng muôn người như một
Không ai hiếp đáp, dư thừa vật chất
Làm không nhiều mà hưởng biết bao nhiêu
Một mai kia dân trí lên cao
Không có kẻ cầm quyền áp bức
Rồi xã hội là một nguồn tự quản
Người chung vui trong một cõi Thiên Đường!
Tôi nhìn tôi
Trong gương, vào một buổi sáng: “Tôi mơ!”

Đồ Ngông,
09/09/2018.



*Quê Người. (20)


Sau hai ngày đi xa với nhiều mệt mỏi nên đêm hôm tôi và Thành được một giấc ngủ say. Hai anh em ngủ đến khi Bác Vỹ gõ cửa phòng rủ đi ăn sáng mới giật mình thức dậy. Chúng tôi lật đật đi vệ sinh cá nhân, thay quần áo trong khi Bác Vỹ và Bác Phương về phòng chờ. Rồi bốn người vừa đi lên căng-tin vừa bàn về chuyến đi vừa rồi. Nhận xét có nhiều cái riêng bổ túc cho nhau thật là thú vị. Và ít ra chuyến đi ấy cũng giúp cho chúng tôi được nhiều trải nghiệm về cuộc sống trên xứ Úc, để từ đó làm hành trang cho nơi “Đất khách, Quê người” mà chúng tôi đã chọn làm quê hương thứ hai.
Thường thì các buổi ăn sáng đầy đủ người trong trại nên rất đông, vì vậy một người đi chọn bàn và ba người kia đi lấy thức ăn; đến khi có một người xuống giữ chỗ thì người kia mới đi lấy thức ăn cho chính mình. Nhưng đôi khi không còn bàn trống, thì đành chịu rẽ ra ngồi riêng với những người lạ. Nhưng trong cùng hoàn cảnh thì rồi ai cũng sẽ trở thành người quen.
Hôm nay chúng tôi được báo trước khoảng 11 giờ từ dưới Hội Phụ Nữ Đông Dương của Bà Sơ Nghĩa sẽ cho người đến rước xuống đó ăn “phở” do chính Bà Hoa, tức là chị ngày hôm qua đi xe lên mời chúng tôi, nấu. Nghe đến món “phở” tự dưng nghe lòng mình ấm lại, trong khi nhiều người ngạc nhiên: “Ở đây cũng có phở nữa à!”, nghe nó vẫn có một chút gì là của quê hương! Sự bồi hồi, bùi ngùi dâng lên trong lòng tôi thoáng chốc khi mình nhớ mình là người đã “phải từ bỏ quê hương” để làm kẻ “lưu vong” không biết đến khi nào.
Ăn sáng xong, tôi và Thành lại trở về phòng Bác Vỹ, Bác Phương nói chuyện dông dài về chuyện ngày xưa, chuyện vượt biên, rồi định hướng cho tương lai. Nhưng về tương lai thì còn quá nhiều mù mờ, và cái trước mắt là tự lo cho mình và vấn đề bảo lãnh vợ con. Tôi, Bác Vỹ, Bác Phương đều là những người đi vượt biên đơn lẽ, thì tất còn phải chờ đợi khá nhiều về giấy tờ từ bên gia đình gởi sang. Mọi việc bây giờ đều phú cho số mệnh. Cái “Số Mệnh” đó, có lẽ những người nào đi vượt biên đều cũng có thể cảm nhận được không nhiều thì ít, và tùy theo tôn giáo mà người ta đặt lòng tin vào tôn giáo ấy. Dông dài chẳng bao lâu thì được tin có xe từ Hội Phụ Nữ lên rước. Đi bằng xe con gồm chừng bốn xe chở một lần được bốn người, nên mỗi xe đi phải hai lần vì khoảng cách chẳng là xa bao nhiêu cỡ chừng 3 cây số thôi.
Trụ sở Hội ở ngay góc đường nên dễ thấy. Đó là ngôi nhà cho thuê, Hội mướn để lấy chỗ làm việc. Hội có một số nhân viên làm việc trong Văn Phòng, và một số người phụ trách giữ trẻ để cho phụ huynh nào bận rộn đem gởi con cái nhằm có thể đi học hay lo công việc được. Hội điều hành do một Bà Sơ có tên là Nghĩa và người ta thường nói tắt lại là “Hội Phụ Nữ của Bà Sơ Nghĩa”; Và chị Hoa nấu phở hôm nay không biết có phải là Hội Phó hay không, nhưng chị là người phụ trách nhóm giữ trẻ của Hội.
Khi chúng tôi đến đầy đủ thì bàn ghế, tô dĩa cũng sẵn sàng. Cứ xách tô đến thì chị Hoa và những người giúp, phụ trách làm cho một tô phở nóng hổi, rồi đến ghế ngồi bên cạnh bàn với đầy đủ rau, giá, tương ngọt cùng ớt cay. Không ngờ ở đây cũng có giá sống, ớt cay. Thế mà ở Việt Nam tôi cứ nghĩ là chỉ có miền nam mới có giá sống không thôi, cho nên người dân mới nói “người Bắc ăn rau muống, người Nam ăn giá sống”. Thì ra, có đi ra ngoài mới thấy không phải cái gì cũng là của riêng mình. Văn hóa, ẩm thực cũng là một quá trình giao lưu!
Ăn xong, Bác Phương tiên phong đi rửa tô trong bồn (sink), tôi theo phụ. Khi tôi lau thì có một Bà đi xuống, Bác Phương biết và chào, thì ra đó là Bà Sơ Nghĩa. Bà nhìn thấy chúng tôi rửa tô kỹ quá theo kiểu như lúc ở Việt Nam, thì Bà cho biết là xà-bông rửa chén làm bằng chanh, nó có tính chất sát trùng do đó mình rửa sơ xong đưa qua bồn xà bông, rồi đem ra lau chứ không xả nước làm sạch hết xà-bông như ở bên mình. Thế là tôi học thêm một điều mới, nhưng còn nhiều bọt xà-bông tôi và Bác Phương vẫn còn lắm e ngại.
Trước khi đi về nhóm nhờ Bác Phương đứng ra đại diện cám ơn Hội, Bà Sơ Nghĩa, Chị Hoa đã ưu ái cho nhóm một bữa ăn để nhớ Việt Nam, rồi nhờ người đưa về Trại Tiếp Cư. Nhìn thấy như vậy, trong lòng tôi tự dưng cảm phục Bác Vỹ quá chừng chừng! Từ lúc ở trại Sungai Bési được Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ (thay thế Hội Hồng Thập Tự ỏ các xứ Hồi Giáo, vì Thập Tự là dấu hiệu của Thiên Chúa Giáo) cho xe đưa chúng tôi ra phi trường Kuala Lumpur của Mã Lai để trên đường sang định cư bên Úc thì tôi đã quen với Bác Vỹ. Ngồi nói chuyện mới thấy Bác khiêm tốn, không tranh giành dẫn đoàn dù Tiếng Anh của Bác rất khá. Rồi lại đến khi những người vào Trại Tiếp Cư Pennington gọi Bác là “Trung Tá” thì Bác ôn tồn bảo: “Thôi gọi tớ bằng anh được rồi, đừng gọi tớ bằng Trung Tá, vì bây giờ tớ cũng bao nhiêu người khác, cũng lãnh thất nghiệp như ai”.
Về đến Trại còn kịp giờ ăn trưa ở căng-tin, nên chúng tôi tắp vào ăn thêm trước khi về phòng nghỉ ngơi. Tôi về thẳng phòng lấy những tài liệu tiếng Anh ra xem để nhớ được chữ nào hay chữ nấy, chứ không biết là sách học Tiếng Anh qua Tiếng Việt có bán ở đây hay không. Khi ở Trại Tị Nạn nhiều người đi trước gởi thư cho bạn bè cho biết là sách rất hiếm trên xứ người, họ kêu ở Trại Tị Nạn nên chuẩn bị cho kỹ. Tôi đã dành nhiều thì giờ cho điều ấy. Ngẫm nghĩ tôi lại tức cười: Ở trên quê hương mình, mình cũng đâu đến đỗi tệ, thế mà lại chạy đến xứ người để ăn nhờ ở đậu, phải học lại từ đầu từ ngôn ngữ cho đến nhiều thứ khác. Bây giờ quả thật mình giống như thằng bị câm, điếc lẫn què. Vì đâu nên nỗi? Câu hỏi nầy quả thật khó trả lời cho chính xác. Rồi lại đến: Tại sao hồi chiến tranh ác liệt nhất người ta chẳng bỏ xứ ra đi, khi người Cộng Sản thống nhất đất nước, đem lại hòa bình thì bao nhiêu người lại ra đi. Quả là một điều trớ trêu và nghịch lý! Tôi không sao mường tượng ra được! Và người Cộng Sản có cảm nhận được điều ấy không?
Không biết tôi ngủ tự lúc nào, đến khi Thành kêu tôi dậy đi ăn chiều thì tôi mới dậy, nhưng vẫn còn nhiều mệt mỏi. Thành cho biết là đã gặp Anh Kỳ nào đó, hồi trước ở Dầu Tiếng và biết tôi, biết cả anh Văn nữa. Tôi ráng moi lại ký ức là anh Kỳ nào, không lẽ lại là anh Kỳ con của Bác Bảy nhà chị Liêng Hương, Ngọc Em mà tôi Ẩn, Văn, Vui, Các ăn cơm tháng khi còn đi dạy trên ấy. Nhưng thôi để hôm nào gặp sẽ hay. Không ngờ cách nay lại là gần 15 năm. Thời gian đi qua nhanh quá!
Vào buổi ăn ở căng-tin tôi hi vọng Thành sẽ gặp anh, chị Kỳ để chỉ cho tôi, nhưng không thấy. Giờ nầy đông người, nên bàn không còn, tôi Thành phải ngồi ké vào bàn của cô Ái và chị Nhi. Trong khi ăn thì được biết là có thông báo “list” chúng tôi sẽ được khám sức khoẻ tổng quát vào thứ năm tuần nầy, nhưng theo thứ tự theo danh sách. Tôi thuộc danh sách vào ngày sau. Bác sĩ khám là Bác Sĩ Lê Công Phước.
Khi về phòng thì Anh Nguyên ghé qua phòng Bác Vỹ, Bác Phương chơi. Tiện thể tôi và Thành cũng vào uống trà trò chuyện. Ngồi bàn tính chuyện sắp tới, chuyện học hỏi trên xứ người. Đối với mình cái gì cũng lạ cả. Cái nếp sống Á Đông không giống nhiều với lối sống của người Tây Phương, nên khiến mọi người phải chú tâm mà thích ứng về sau.
Nửa chừng thì Trọng lái xe vào ghé thăm, Trọng đem theo cho tôi và Thành mấy gói thuốc lá hiệu Winfield đỏ để hút chơi. Ngày mai Trọng nghỉ không làm, nên rảnh rỗi. Chị Yến thì không khoẻ nên không đi cùng. Chúng tôi ngồi nói chuyện cũ, chuyện mới khá lâu, đến hơn 10 giờ Trọng mới về.
Thành thì lấy giấy viết thư cho bạn bè ở bên Mỹ, còn tôi thì lật lại mấy từ ngữ tiếng Anh đã ghi chép được ở bên Trại Tị nạn để xem, vì bây giờ nó trở nên cần thiết cho mình khi mình bắt đầu một cuộc sống mới trên xứ người. Sự nỗ lực của tôi phải gấp nhiều lần vì ngoại ngữ mà tôi học lúc ở Bậc Trung học đã là Pháp Văn, và Anh Văn chỉ là Sinh ngữ phụ nên vốn từ ngữ tôi chẳng có được bao nhiêu. Đến bây giờ mới thấy ngôn ngữ thật là quan trọng. Tôi lại nhớ đến ngày vào phòng tối của một lớp nhiếp ảnh ở Hội Việt Mỹ, ông bạn già cãi với một cô trẻ bằng Tiếng Pháp; tôi buột miệng đùa: Hai người bây giờ cãi bằng Tiếng Tây đó à?, làm ông bạn già tôi ngần ngại một lúc. Sau đó, ông nói một câu mà tôi mãi nhớ đến tận bây giờ: “Mình biết thêm một ngoại ngữ, giống như mình có thêm được một con người nữa trong mình, có lợi lắm”. Ngày trước tôi học ngoại ngữ chỉ như là các môn học phải học, chứ không có ứng dụng, thực hành. Học để biết, để thi; chứ không phải là đáp ứng cho tương lai hay làm phương tiện để học những kiến thức qua những sách vở ngoại văn, nên sự học không tiến được tới đâu, nhất là trong môi trường trên xứ sở của mình mà chúng tôi lại là những đứa học trò nơi miền quê, dân dã.
Nhưng dù sao, bây giờ chúng tôi vẫn còn nhiều may mắn vì còn có nhiều người đến trước. Số người Việt tương đối khá đông, có nhiều người chẳng biết bao nhiêu Tiếng Anh vẫn đi làm với nhiều người Việt khác cùng chung nhóm. Trọng nói: Có nhiều người đâu biết Tiếng Anh mậy, nhưng người nào biết nhiều thì giảng, chỉ lại cho người biết ít, thế nên mấy thằng chủ không có gì phàn nàn. Mình đi làm mướn mà, đâu cần biết nhiều Tiếng Anh. Ở Tiểu bang nầy, đa số là làm công trong các nông trại, vườn cây trái trên núi. Có nhiều người trước kia ở Việt Nam là thầy chú, doanh nghiệp đến đây thì họ cũng phải lăn xả vào công việc làm mướn để kiếm tiền, rồi từ từ sau đó mà mỗi người chọn hướng con đường để họ tiến lên! Còn một số thanh niên dễ xin việc hơn thì họ làm trong các hãng xưởng, công việc có nhiều ổn định, cuộc sống khá an nhàn!

Nguyên Thảo,
06/09/2018.