Saturday, September 8, 2018

*Quê Người. (20)


Sau hai ngày đi xa với nhiều mệt mỏi nên đêm hôm tôi và Thành được một giấc ngủ say. Hai anh em ngủ đến khi Bác Vỹ gõ cửa phòng rủ đi ăn sáng mới giật mình thức dậy. Chúng tôi lật đật đi vệ sinh cá nhân, thay quần áo trong khi Bác Vỹ và Bác Phương về phòng chờ. Rồi bốn người vừa đi lên căng-tin vừa bàn về chuyến đi vừa rồi. Nhận xét có nhiều cái riêng bổ túc cho nhau thật là thú vị. Và ít ra chuyến đi ấy cũng giúp cho chúng tôi được nhiều trải nghiệm về cuộc sống trên xứ Úc, để từ đó làm hành trang cho nơi “Đất khách, Quê người” mà chúng tôi đã chọn làm quê hương thứ hai.
Thường thì các buổi ăn sáng đầy đủ người trong trại nên rất đông, vì vậy một người đi chọn bàn và ba người kia đi lấy thức ăn; đến khi có một người xuống giữ chỗ thì người kia mới đi lấy thức ăn cho chính mình. Nhưng đôi khi không còn bàn trống, thì đành chịu rẽ ra ngồi riêng với những người lạ. Nhưng trong cùng hoàn cảnh thì rồi ai cũng sẽ trở thành người quen.
Hôm nay chúng tôi được báo trước khoảng 11 giờ từ dưới Hội Phụ Nữ Đông Dương của Bà Sơ Nghĩa sẽ cho người đến rước xuống đó ăn “phở” do chính Bà Hoa, tức là chị ngày hôm qua đi xe lên mời chúng tôi, nấu. Nghe đến món “phở” tự dưng nghe lòng mình ấm lại, trong khi nhiều người ngạc nhiên: “Ở đây cũng có phở nữa à!”, nghe nó vẫn có một chút gì là của quê hương! Sự bồi hồi, bùi ngùi dâng lên trong lòng tôi thoáng chốc khi mình nhớ mình là người đã “phải từ bỏ quê hương” để làm kẻ “lưu vong” không biết đến khi nào.
Ăn sáng xong, tôi và Thành lại trở về phòng Bác Vỹ, Bác Phương nói chuyện dông dài về chuyện ngày xưa, chuyện vượt biên, rồi định hướng cho tương lai. Nhưng về tương lai thì còn quá nhiều mù mờ, và cái trước mắt là tự lo cho mình và vấn đề bảo lãnh vợ con. Tôi, Bác Vỹ, Bác Phương đều là những người đi vượt biên đơn lẽ, thì tất còn phải chờ đợi khá nhiều về giấy tờ từ bên gia đình gởi sang. Mọi việc bây giờ đều phú cho số mệnh. Cái “Số Mệnh” đó, có lẽ những người nào đi vượt biên đều cũng có thể cảm nhận được không nhiều thì ít, và tùy theo tôn giáo mà người ta đặt lòng tin vào tôn giáo ấy. Dông dài chẳng bao lâu thì được tin có xe từ Hội Phụ Nữ lên rước. Đi bằng xe con gồm chừng bốn xe chở một lần được bốn người, nên mỗi xe đi phải hai lần vì khoảng cách chẳng là xa bao nhiêu cỡ chừng 3 cây số thôi.
Trụ sở Hội ở ngay góc đường nên dễ thấy. Đó là ngôi nhà cho thuê, Hội mướn để lấy chỗ làm việc. Hội có một số nhân viên làm việc trong Văn Phòng, và một số người phụ trách giữ trẻ để cho phụ huynh nào bận rộn đem gởi con cái nhằm có thể đi học hay lo công việc được. Hội điều hành do một Bà Sơ có tên là Nghĩa và người ta thường nói tắt lại là “Hội Phụ Nữ của Bà Sơ Nghĩa”; Và chị Hoa nấu phở hôm nay không biết có phải là Hội Phó hay không, nhưng chị là người phụ trách nhóm giữ trẻ của Hội.
Khi chúng tôi đến đầy đủ thì bàn ghế, tô dĩa cũng sẵn sàng. Cứ xách tô đến thì chị Hoa và những người giúp, phụ trách làm cho một tô phở nóng hổi, rồi đến ghế ngồi bên cạnh bàn với đầy đủ rau, giá, tương ngọt cùng ớt cay. Không ngờ ở đây cũng có giá sống, ớt cay. Thế mà ở Việt Nam tôi cứ nghĩ là chỉ có miền nam mới có giá sống không thôi, cho nên người dân mới nói “người Bắc ăn rau muống, người Nam ăn giá sống”. Thì ra, có đi ra ngoài mới thấy không phải cái gì cũng là của riêng mình. Văn hóa, ẩm thực cũng là một quá trình giao lưu!
Ăn xong, Bác Phương tiên phong đi rửa tô trong bồn (sink), tôi theo phụ. Khi tôi lau thì có một Bà đi xuống, Bác Phương biết và chào, thì ra đó là Bà Sơ Nghĩa. Bà nhìn thấy chúng tôi rửa tô kỹ quá theo kiểu như lúc ở Việt Nam, thì Bà cho biết là xà-bông rửa chén làm bằng chanh, nó có tính chất sát trùng do đó mình rửa sơ xong đưa qua bồn xà bông, rồi đem ra lau chứ không xả nước làm sạch hết xà-bông như ở bên mình. Thế là tôi học thêm một điều mới, nhưng còn nhiều bọt xà-bông tôi và Bác Phương vẫn còn lắm e ngại.
Trước khi đi về nhóm nhờ Bác Phương đứng ra đại diện cám ơn Hội, Bà Sơ Nghĩa, Chị Hoa đã ưu ái cho nhóm một bữa ăn để nhớ Việt Nam, rồi nhờ người đưa về Trại Tiếp Cư. Nhìn thấy như vậy, trong lòng tôi tự dưng cảm phục Bác Vỹ quá chừng chừng! Từ lúc ở trại Sungai Bési được Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ (thay thế Hội Hồng Thập Tự ỏ các xứ Hồi Giáo, vì Thập Tự là dấu hiệu của Thiên Chúa Giáo) cho xe đưa chúng tôi ra phi trường Kuala Lumpur của Mã Lai để trên đường sang định cư bên Úc thì tôi đã quen với Bác Vỹ. Ngồi nói chuyện mới thấy Bác khiêm tốn, không tranh giành dẫn đoàn dù Tiếng Anh của Bác rất khá. Rồi lại đến khi những người vào Trại Tiếp Cư Pennington gọi Bác là “Trung Tá” thì Bác ôn tồn bảo: “Thôi gọi tớ bằng anh được rồi, đừng gọi tớ bằng Trung Tá, vì bây giờ tớ cũng bao nhiêu người khác, cũng lãnh thất nghiệp như ai”.
Về đến Trại còn kịp giờ ăn trưa ở căng-tin, nên chúng tôi tắp vào ăn thêm trước khi về phòng nghỉ ngơi. Tôi về thẳng phòng lấy những tài liệu tiếng Anh ra xem để nhớ được chữ nào hay chữ nấy, chứ không biết là sách học Tiếng Anh qua Tiếng Việt có bán ở đây hay không. Khi ở Trại Tị Nạn nhiều người đi trước gởi thư cho bạn bè cho biết là sách rất hiếm trên xứ người, họ kêu ở Trại Tị Nạn nên chuẩn bị cho kỹ. Tôi đã dành nhiều thì giờ cho điều ấy. Ngẫm nghĩ tôi lại tức cười: Ở trên quê hương mình, mình cũng đâu đến đỗi tệ, thế mà lại chạy đến xứ người để ăn nhờ ở đậu, phải học lại từ đầu từ ngôn ngữ cho đến nhiều thứ khác. Bây giờ quả thật mình giống như thằng bị câm, điếc lẫn què. Vì đâu nên nỗi? Câu hỏi nầy quả thật khó trả lời cho chính xác. Rồi lại đến: Tại sao hồi chiến tranh ác liệt nhất người ta chẳng bỏ xứ ra đi, khi người Cộng Sản thống nhất đất nước, đem lại hòa bình thì bao nhiêu người lại ra đi. Quả là một điều trớ trêu và nghịch lý! Tôi không sao mường tượng ra được! Và người Cộng Sản có cảm nhận được điều ấy không?
Không biết tôi ngủ tự lúc nào, đến khi Thành kêu tôi dậy đi ăn chiều thì tôi mới dậy, nhưng vẫn còn nhiều mệt mỏi. Thành cho biết là đã gặp Anh Kỳ nào đó, hồi trước ở Dầu Tiếng và biết tôi, biết cả anh Văn nữa. Tôi ráng moi lại ký ức là anh Kỳ nào, không lẽ lại là anh Kỳ con của Bác Bảy nhà chị Liêng Hương, Ngọc Em mà tôi Ẩn, Văn, Vui, Các ăn cơm tháng khi còn đi dạy trên ấy. Nhưng thôi để hôm nào gặp sẽ hay. Không ngờ cách nay lại là gần 15 năm. Thời gian đi qua nhanh quá!
Vào buổi ăn ở căng-tin tôi hi vọng Thành sẽ gặp anh, chị Kỳ để chỉ cho tôi, nhưng không thấy. Giờ nầy đông người, nên bàn không còn, tôi Thành phải ngồi ké vào bàn của cô Ái và chị Nhi. Trong khi ăn thì được biết là có thông báo “list” chúng tôi sẽ được khám sức khoẻ tổng quát vào thứ năm tuần nầy, nhưng theo thứ tự theo danh sách. Tôi thuộc danh sách vào ngày sau. Bác sĩ khám là Bác Sĩ Lê Công Phước.
Khi về phòng thì Anh Nguyên ghé qua phòng Bác Vỹ, Bác Phương chơi. Tiện thể tôi và Thành cũng vào uống trà trò chuyện. Ngồi bàn tính chuyện sắp tới, chuyện học hỏi trên xứ người. Đối với mình cái gì cũng lạ cả. Cái nếp sống Á Đông không giống nhiều với lối sống của người Tây Phương, nên khiến mọi người phải chú tâm mà thích ứng về sau.
Nửa chừng thì Trọng lái xe vào ghé thăm, Trọng đem theo cho tôi và Thành mấy gói thuốc lá hiệu Winfield đỏ để hút chơi. Ngày mai Trọng nghỉ không làm, nên rảnh rỗi. Chị Yến thì không khoẻ nên không đi cùng. Chúng tôi ngồi nói chuyện cũ, chuyện mới khá lâu, đến hơn 10 giờ Trọng mới về.
Thành thì lấy giấy viết thư cho bạn bè ở bên Mỹ, còn tôi thì lật lại mấy từ ngữ tiếng Anh đã ghi chép được ở bên Trại Tị nạn để xem, vì bây giờ nó trở nên cần thiết cho mình khi mình bắt đầu một cuộc sống mới trên xứ người. Sự nỗ lực của tôi phải gấp nhiều lần vì ngoại ngữ mà tôi học lúc ở Bậc Trung học đã là Pháp Văn, và Anh Văn chỉ là Sinh ngữ phụ nên vốn từ ngữ tôi chẳng có được bao nhiêu. Đến bây giờ mới thấy ngôn ngữ thật là quan trọng. Tôi lại nhớ đến ngày vào phòng tối của một lớp nhiếp ảnh ở Hội Việt Mỹ, ông bạn già cãi với một cô trẻ bằng Tiếng Pháp; tôi buột miệng đùa: Hai người bây giờ cãi bằng Tiếng Tây đó à?, làm ông bạn già tôi ngần ngại một lúc. Sau đó, ông nói một câu mà tôi mãi nhớ đến tận bây giờ: “Mình biết thêm một ngoại ngữ, giống như mình có thêm được một con người nữa trong mình, có lợi lắm”. Ngày trước tôi học ngoại ngữ chỉ như là các môn học phải học, chứ không có ứng dụng, thực hành. Học để biết, để thi; chứ không phải là đáp ứng cho tương lai hay làm phương tiện để học những kiến thức qua những sách vở ngoại văn, nên sự học không tiến được tới đâu, nhất là trong môi trường trên xứ sở của mình mà chúng tôi lại là những đứa học trò nơi miền quê, dân dã.
Nhưng dù sao, bây giờ chúng tôi vẫn còn nhiều may mắn vì còn có nhiều người đến trước. Số người Việt tương đối khá đông, có nhiều người chẳng biết bao nhiêu Tiếng Anh vẫn đi làm với nhiều người Việt khác cùng chung nhóm. Trọng nói: Có nhiều người đâu biết Tiếng Anh mậy, nhưng người nào biết nhiều thì giảng, chỉ lại cho người biết ít, thế nên mấy thằng chủ không có gì phàn nàn. Mình đi làm mướn mà, đâu cần biết nhiều Tiếng Anh. Ở Tiểu bang nầy, đa số là làm công trong các nông trại, vườn cây trái trên núi. Có nhiều người trước kia ở Việt Nam là thầy chú, doanh nghiệp đến đây thì họ cũng phải lăn xả vào công việc làm mướn để kiếm tiền, rồi từ từ sau đó mà mỗi người chọn hướng con đường để họ tiến lên! Còn một số thanh niên dễ xin việc hơn thì họ làm trong các hãng xưởng, công việc có nhiều ổn định, cuộc sống khá an nhàn!

Nguyên Thảo,
06/09/2018.



No comments:

Post a Comment