Monday, August 27, 2018
*Viết Về Xứ Búng.
Xứ Búng không xa làng Tân Khánh của tôi là bao nhiêu, chỉ khoảng 8 cây số. So đường cũ ra Bình Dương thì cũng vậy nếu băng thẳng qua đường sân bay. Nhưng từ khi quân đội Mỹ chặn sân bay để làm căn cứ Sư Đoàn 1 Không Kỵ (khoảng giữa những năm 60) thì đường qua vườn Bà Đôn, Sân Bay được thay thế bằng đường tẽ sang miễu Hoa San (vì chị Hoa San bị tai nạn chết tại ngã ba đó), rồi chạy về Bình Quới nên đường ra Bình Dương kéo dài thêm 2 cây số. Nói như vậy, Tân Khánh có khoảng cách ra Bình Dương hay Búng tương đương với nhau. Nhưng ra Tỉnh thì chúng tôi hay đi, còn ra Búng thì thỉnh thoảng thôi. Tuy nhiên, về sau tôi vẫn có vài thời gian gắn liền với Búng một cách thân thiết: Vì tôi đã học và đã đi dạy ở đó được vài năm.
Cái điều mà xứ Búng được đưa ra thành vấn đề “thắc mắc” nhất là: “Tại sao mà Trường Trịnh Hoài Đức, lúc ấy là Trường Trung Học Công lập duy nhất của Tỉnh Bình Dương, không được đặt tại Tỉnh lỵ mà lại đặt ở một xã như xứ Búng”? Tôi thì không hiểu nhiều, vì có lần tôi đã thổ lộ ý mình là từ ngày thi vào bậc Trung học, tôi không có may mắn đậu vào Trường mặc dù tôi rất muốn. Thế mà sau những năm đi học “vòng vo” đến năm lớp Đệ Nhất (lớp 12 sau nầy) tôi được về Trịnh Hoài Đức để học năm cuối, chỉ vỏn vẹn 1 năm. Nhưng trong bài nầy tôi sẽ viết về Xứ Búng theo cái ký ức mà tôi đã biết.
Lúc còn nhỏ lắm tôi không nhớ là từ lúc nào, có lần má tôi dẫn tôi ra chợ nào đó mà tôi không biết, khi ấy gia đình ba má tôi chắc còn ở trong Vĩnh Trường chứ chưa dời về chợ Tân Phước Khánh. Tôi chỉ mang máng là lúc còn ở chợ thì có tiếng súng nổ nhiều như là hai bên Tây và Việt Minh đụng trận nhau ở đâu gần gần. Má tôi có hỏi ông xe ngựa nên về hay không, ông cũng ngần ngừ: Không biết nên về hay không? Cuối cùng thì bao nhiêu người đi xe ngựa đều nói: Thôi đi về đại. Thế là mọi người cùng đi về. Khi xe đi lên dốc kế bên gò mả người ta thấy nhiều xác nằm chết trên một cái mả cao nhất. Hình ảnh ấy in vào đầu óc non nớt của tôi, đến đỗi về sau tôi không biết là hình ảnh ấy ở đâu, có lúc tôi lại tưởng là tôi nằm mơ, tôi cố tìm hình bóng đó trên đường ra Thủ Dầu Một hay Bình Dương về sau, vẫn không thấy hình thực của nó.
Rồi thời gian qua đi, đến khi tôi thi rớt vào lớp Đệ Thất ở Trường Trịnh Hoài Đức theo lẽ thì học lại ở Trường Tiểu học Tân Phước Khánh để năm sau thi lại. Nhưng vì bao nhiêu người nghĩ rằng Hiệu Trưởng Trịnh Hoài Đức là ông Trương Văn Di vừa là Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng lại là Hiệu Trưởng Trường Trung Học Công Lập Trịnh Hoài Đức thì học trò Trường Cộng Đồng sẽ dễ đậu vào trường Trịnh Hoài Đức hơn. Do vậy ba tôi từ khi ra Phú Lợi làm thuốc (trồng thuốc lá) ở đất của Dượng Năm tôi là Ông Năm Khứa, có quen với Bác Chín Vô (Ba nhà giáo Kim Long), hình như Bác làm Giám học ở trường Cộng Đồng thì phải, để nhờ Bác xin cho tôi được học ở trường Cộng Đồng. Thế là từ đầu năm học, tôi được ra Búng để học ở Lớp Nhất Tiếp Liên với Thầy Nguyên có tiếng là nghiêm túc và dạy giỏi. Ở Trường Cộng Đồng có những giờ Chăn Nuôi, hay học nghề Thủ Công như dệt vải mà khu học đó ở phía bên kia đường. Nhưng năm nầy chúng tôi không học được nhiều như những khóa trước. Theo lời những người bạn cùng quê như Thái Văn Tâm, Lưu Văn Hòa, Trương Văn Lập … học trước thì họ học được rất nhiều thứ. Mỗi lần gặp nhau họ kể nghe mà mê. Sở dĩ, họ ra ngoài Búng học từ lâu là vì khi Trường Tư Thục Cây Gòn của Thầy Khai bàn giao lại cho Chính phủ để mở Trường Sơ Cấp Công Lập Tân Phước Khánh (tức là chỉ đến Lớp Ba) thì họ không học ở Tân Khánh mà xin ra Búng học, còn một số ít thì đi ra Trường Nam Châu Thành ở ngoài Tỉnh lỵ. Tôi lúc đó dù nhỏ con nhưng cũng cỡi xe đạp đi hàng ngày ra Búng với các anh Năm, Sợi, Huệ, Son … Với những ngày có buổi chiều học môn Cộng Đồng thì chúng tôi phải “dỡ cơm” theo ăn trưa. Buổi thì ăn ở khu bên kia đường của Trường; có ngày đi tắm rạch với dòng nước trong, nhưng đầy rong; có buổi thì ăn tại trường hay lớp. Sau nầy tôi mới biết sự thành lập Trường Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng, là trường học dạy theo lối mới của mô hình bên Mỹ, lúc ấy toàn Miền Nam chỉ có hai trường làm thí điểm: Một là ở Búng, hai là một trường nữa hình như ở Qui Nhơn thì phải. Và Trường Sư Phạm đào tạo Giáo viên cho mô hình đó là Trường Sư Phạm Cộng Đồng ở Long An. Vì vậy từ Trường Sư Phạm cho đến Trường Thí Điểm đều nằm ở khu có thể cho Nông Nghiệp lẫn Chăn Nuôi và Ngư Nghiệp. Nhưng địa điểm thích hợp cho mô hình đó ở tại Bình Dương có thể được nghiên cứu là ở Búng.
Khi ra học ở Búng, chúng tôi phải đi qua nhiều đoạn đường khá vắng, nên lúc nào đi một mình đến những khoảng vắng đó tôi phải đạp xe chạy thật nhanh vì sợ ma, hay sợ cọp. Ở Tân Khánh ra khỏi cống ông Huyện thì đến khu rừng cây Chàm cho đến gần Bình Chuẩn, rồi ra khỏi Bình Chuẩn là khoảng đồng vắng đến tận Thuận Giao. Từ Thuận Giao tới khu rừng chồi ra đến Hòa Lân và đổ dốc dài mà một bên là gò mả lớn. Xa trong kia có một cái mả cao lên, lúc đó trong đầu óc tôi mới loé lên hình ảnh của quá khứ hiện về: Thì ra ở cái mả đó mới chính là nơi xảy ra chiến trận thuở tôi còn thật là bé. Như vậy là tôi đã có lần được má dẫn ra xứ Búng nầy rồi mà tôi không chắc, đôi lúc tôi lại tưởng nó chỉ trong cơn ác mộng vào lúc bị bệnh mà thôi!
Lúc đầu tôi nghĩ sẽ học ở Búng trọn năm, nhưng chưa đầy một tháng thì vào một buổi trưa nhóm Tân Khánh chúng tôi tụ tập ăn cơm, nghỉ trưa để chiều học giờ Cộng Đồng thì Anh Năm, Sợi, Huệ không biết nghe tin từ đâu cho hay: Nghe người ta nói Ông Luật Sư Dân Biểu Quốc Hội Trần Văn Trai của xã An Mỹ đang vận động biến Trường An Mỹ thành chi nhánh của Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức, tin đó được chắc chắn lắm. Thế là mấy ngày sau, mấy anh ấy tính đến chuyện bỏ học ở Trường Cộng Đồng để về học Trường Tư An Mỹ cầu may, mong nếu đúng như vậy thì mình học khỏi phải tốn tiền. Quả thật mấy ngày sau mấy ảnh bỏ học lần lần, tôi lại về xin ba tôi đi theo.
Khi về An Mỹ học Trường Tư Thục chưa đầy tháng, có tin từ bên Tân Uyên đang tuyển thí sinh vào trường Trung Học mới cho Tỉnh Phước Thành, không biết ba tôi hay tin như thế nào đó cũng đã đi theo Năm, Huệ, Sợi, Son nộp đơn thi cho tôi rồi. Thế là đến ngày thi, tôi cũng đi và giai đoạn bốn năm sau tôi gắn liền với ngôi trường mới của Tỉnh Phước Thành ấy. Và ngay trong thời điểm đó, trường chi nhánh Trịnh Hoài Đức được thành hình tại xã An Mỹ với số học sinh là nhóm đậu dự khuyết từ danh sách kết quả vừa qua, nếu tôi nhớ không lầm thì có cô Oanh làm Giám Thị kiêm Giáo Sư môn Nữ Công Gia Chánh; còn Trường Tư Thục vẫn là Trường Tư Thục. Như vậy lúc ấy tại Bình Dương đã thành hình đến hai trường Trung Học Công Lập, lúc đầu chỉ mang danh nghĩa là Chi Nhánh (Ấy là công sức của Ông Dân Biểu Luật Sư Trần Văn Trai). Và đến bốn năm sau tôi lại xin chuyển về Trường An Mỹ thì tại đây đều có Trường Tiểu học, một trường Trung Học Công Lập và một Trường Tư Thục song hành.
Viết vòng vo như để kể về một vài sự kiện đi theo trong cuộc đời khiến tôi không thể quên, nhưng chuyện Trường Trịnh Hoài Đức quả thực là ước mơ của tôi như tôi đã từng thổ lộ trong bài “Ước Mơ Về Trường Trịnh Hoài Đức”. Cuối cùng tôi cũng thực hiện được ước mơ ấy dù chẳng là bao năm trong việc “Học và Dạy”!
Búng là nơi mà người ta nói là “Trái ngọt, cây lành” cũng chẳng sai, nhưng Búng chỉ là tiêu biểu của một Thị trấn sầm uất, sinh động của xã An Thạnh, đại diện luôn cho các xã lân cận như Bình Nhâm, Hưng Định, An Sơn, Phú Văn. Nó là trung tâm của một khu vực miệt vườn: Nơi mà nhộn nhịp vào mùa cây trái của chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ, xoài, dâu ổi, mận … Búng bây giờ khác xưa nhiều, nó không còn cái phong phú đa dạng của ngày cũ vì có nhiều cái thay đổi của thời đại. Tôi sắp kể cho các bạn về điều ấy!
Sau cái “đi học lang thang” thì một ngày nọ cô Út Xang [con Út của Bà Hai (Thứ 2), Ông Nội tôi (Thứ Tư)] vào ngày hè dẫn tôi ra An Sơn thăm Bà Thứ Tám (má ông Bự, Xự, Út Nhuần) đi bằng xe ngựa. Ra đến Búng, Cô dẫn tôi băng chợ, đường cái, qua cầu sắt để đón xe ngựa đi vào An Sơn. Bến xe ngựa bên bìa rạch, ngay đầu cầu thì một khung cảnh đầy âm vang, tôi nhớ hình như có tiếng của khung dệt vải, có tiếng đục đẽo, có tiếng của máy tiện gỗ của những người thợ tiện đang hành nghề trong các chòi che dọc bên đường, kế rạch. Họ ngồi trên cao, đạp cái cần để thanh gỗ xoay tròn, rồi cầm các dao tiện để tiện khúc gỗ thành chân đèn, hay các thứ mà khách hàng đã đặt. Những gian hàng đó qua thời đại cơ khí đã bị biến mất vào vài năm sau. Chuyến đi ấy tôi ở nhà Bà Tám với Cô Út Xang được vài ngày. Cô Út Xang, Út Nhuần cùng Bà Tám làm gì tôi không biết, mà tôi chỉ biết tối ngày “triệt” cuốn truyện về “Đức Phật Thích Ca” mà Bà Tám tôi mướn về coi. Tôi chẳng ngờ, truyện đọc ngày ấy lại đến chừng 50 năm sau nó trở thành đề tài để tôi đi nghiên cứu về học thuyết, giáo lý của Đức Phật, lẫn tò mò đi vào một vài nghiên cứu các tôn giáo khác.
Búng đã mất, mất nhiều thứ lắm. Nếu ngày xưa nó không có những “Ưu Điểm” chưa chắc nó đã được làm Thí điểm của Trường Cộng Đồng “Dẫn Đạo”, và nếu không có Ông Trương Văn Di làm Hiệu Trưởng thì cũng chưa chắc Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức được đóng đô ở Búng như nó đã từng. Rồi Trường Bá Nghệ cũng không hiện diện ở Thạnh Bình để làm cơ sở cho Trường Trịnh Hoài Đức nữ về sau.
Điều mà tôi không xác đáng lắm là về ngành dệt, nhưng chắc chắn là những khung dệt có hiện hữu ở Búng hay là các vùng lân cận, vì Trường Cộng Đồng có dạy sử dụng khung cửi vào thời Thái Văn Tâm, Phan Văn Mười học, nhưng đến khi tôi học thì không thấy dù tôi chỉ học trong vòng một tháng. Rồi đến những khu tiện khi người ta bắt đầu dùng điện để chạy máy móc thì nghề tiện thủ công bên đầu cầu sắt, bên bìa rạch cũng dẹp đi. Những âm vang, tiếng thoi chạy qua chạy lại của các khung cửi dệt chẳng còn khi những hàng nilông, darcron, hay tơ nhân tạo tràn vào thị trường Việt Nam. Kế đến kỹ nghệ làm guốc thịnh hành vào những năm trước vì nơi miệt nầy có nhiều gỗ do các cây trồng đã “cỗi” (quá già) được đốn đi để thay thế những cây trồng mới (tơ) khác có năng suất thu hoạch hơn. Gỗ nầy thích hợp cho guốc nên được cưa thành những đôi guốc để bán ra thị trường. Rồi đường xe lửa từ Sài Gòn lên Lộc Ninh và trở về do chiến tranh bị tàn phá, mất an ninh phải chấm dứt có lẽ từ năm 68. Thế là những tiếng còi hụ, tàu chạy, những âm thanh rầm rập không còn nữa. Những khu vườn cây ăn trái như sầu riêng chôm chôm được phát triển ở các vùng khác như Long Khánh, Long Thành được ưa chuộng hơn, nên sinh hoạt ở Búng vào mùa cây trái cũng bị bớt khách đi. Thêm vào đó, sau Mậu Thân đường xa lộ vòng đai bên ngoài từ Phú Long chạy qua Bình Hòa, Hưng Định, Hòa Lân, Phú Văn về Ngã Tư Cây Sao Quỳ lên Chợ Cây Dừa đi Bưng Cầu, Bến Cát, An Lộc thay thế đoạn Quốc Lộ 13 vòng vo trong các khu vườn Phú Long, Lái Thiêu, Bình Nhâm khiến lưu lượng xe cộ qua Búng cũng giảm đi khá nhiều. Xe Lam (Lambretta) ba bánh chở khách thay thế xe ngựa, khiến những chiếc xe lóc cóc, lạch cạch đành nghỉ dưỡng hưu. Kéo theo nghề đóng móng ngựa, móng bò ở dốc sỏi đường xuống nhà thờ Hưng Định phải ế ẩm, dẹp tiệm. Ngày tôi trở về Trịnh Hoài Đức học năm Đệ Nhất (niên học 65-66) xóm Lò rèn không còn hoạt động như xưa, nó trở nên tương đối hiền lành, không mấy tiếng tăm như thuở trước. Có còn chăng là tiếng ồn ào của lò chén với máy móc, cơ giới trong một khoảng thời gian nào đó, tiếng chuông nhà thờ Hưng Định vào sáng tối; tiếng trống chùa công phu sáng, chiều, tối âm vang như những hồi Bát Nhã lẫn vào hư không để cầu hồn cho những linh hồn vất vưởng được siêu thoát. Rồi ở bên bìa rạch gần cầu Bà Hai có những ghe tro, bụi từ miền Tây đi lên được bốc lên xe bò để đưa đi và chén từ càc lò ở Chòm Sao, An Thạnh, Thuận Giao, Tân Khánh được chất lên chở về miền Tân buôn bán.
Còn về trường học, cái thời giữa những năm 60, lúc đó chỉ có hai trường Công lập, một là Trịnh Hoài Đức, hai là An Mỹ nên học sinh tập trung về nhiều. Điều mà Anh Nguyễn Công Tế viết trong bài “Xứ búng Ngọt Ngào” quả là như thế. Học sinh Trịnh Hoài Đức xa quê nợ dân xứ Búng nhiều lắm. Rất ít nhà cho học sinh trọ mà lấy tiền. Có lúc họ lấy tượng trưng, nhưng sau vì thấy học trò không có tiền họ chỉ cho ở không; mà tình thương như thương con cháu trong nhà thì sao không “nợ” cho được. Rồi những năm sau nữa các trường Trung học Công lập Tỉnh hạt được mở ra khắp các Quận, nên số học sinh không còn đổ về Trịnh Hoài Đức như xưa, và Búng cũng lại mất phần.
Nói như vậy là Búng không phải mất ưu thế của nó, nó chỉ bị thu hẹp lại thôi bằng chứng là Trường Nông Lâm Súc được mở ra khoảng giữa Trường Trịnh Hoài Đức và Tiểu Học Cộng Đồng với bề thế không nhỏ, đến Bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp chứ vừa sao, để từ đó học trò trường đó có thể đi vào Trường Đại Học Nông Lâm. Học trò trường Trịnh Hoài Đức dễ thành thi sĩ, viết văn lắm vì những sóng lúa dạt dào theo gió, vì những cánh đồng lúa vàng vào mùa lúa chín, hay cái cảnh người lom khom gặt, đập lúa. Rồi mùa khô trồng hoa màu, nhất là mùa củ sắn (củ đậu) khiến cho ai cũng có nhiều kỷ niệm.
Sau 30 tháng Tư 75, đất nước vào một vận hội mới, cách tổ chức không biết được nghiên cứu kỹ thế nào, chứ hậu quả của Thủy lợi khiến nước mặn tràn vào lên đến cả khúc sông trên Bình Dương khiến các khu vườn bị thiệt hại nặng nề, có vài nơi cây cối, lúa bị ngập mặn chết. Đã đói lại càng đói hơn. Người nghèo đi, ít ai nghĩ đến chuyện đi vườn trái cây như ngày xưa, xe cộ thiếu nhiên liệu, sự đi lại càng nhiều giới hạn. Những quán bì bèo, bún bì như Mỹ Liên, Ngọc Hương không biết còn bán được hay không vì chờ vào Hợp Tác Xã. Thôi thì người ta cứ tranh thủ cuộc sống. “Sự Đấu Tranh Sinh Tồn” trở nên cấp thiết. Để bảo tồn sự sống người ta phải mưu sinh bằng mọi cách dù là Thiện hay Ác, dù là Nhân Đức hay Không? Sự luồn lách khiến con người trở nên liều lĩnh, vô tâm, biết hối lộ và biết cách làm tiền trên công sức của người khác. Ôi, rồi sau nầy thế nào để sửa chữa xã hội được đây?
Bây giờ trong “Cuộc Đổi Mới” Búng có lẽ cũng khá hơn nhiều, nhưng theo tôi nghĩ thì “Thời Huy Hoàng Vàng Son” đã qua đi. Không biết ngày nay có những vị nào vang danh cho xứ Búng không, chứ ngày xưa một Phan Văn Hùm, có tên trong lịch sử (có lẽ là sử trước 75). Rồi một ký giả Văn Bia (chủ nhà Thuốc Tây Lê Hồng) và một Thiền Sư Nhẫn Tế (Thubten Osall Lama) người đã qua Ấn Độ, Tây Tạng về thành lập hai ngôi chùa Thiên Chơn (Búng) và Tây Tạng (Bình Dương). Nhưng chắc chắn một điều là Xứ Búng cũng đã, đang góp phần đào tạo nhân tài cho Tinh Bình Dương qua Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức của bao năm, nhiều thế hệ. Và người dân ở đó đã đem tấm lòng mình trải ra cho những đứa học trò mà ông bạn Nguyễn Công Tế của tôi kể lại trong “Xứ Búng Ngọt Ngào”.
Nguyên Thảo,
27/08/2018.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment