Wednesday, August 8, 2018

*Quê Người. (19)


Xe bắt đầu ra khỏi trại tiếp cư vào lúc khoảng gần 2 giờ rưỡi, chạy sang hướng đông khoảng chừng vài cây số thì rẽ sang tay trái chạy về hướng Bắc. Tôi chỉ biết thế, chứ tên đường hay gì gì đi nữa tôi vẫn chưa biết rành. Ngày Trọng chở đi tôi chỉ biết nơi đến, rồi lẩn quẩn lòng vòng nơi đó cho đến khi về; thì nay tôi chỉ cố định hướng mà thôi!
Xe lần ra ngoại ô nhà cửa thưa thớt, có những xóm nhà nhưng cũng không nhiều. Có vài nơi gần bên đường có những dãy nhà hình như lợp kiếng, có gì xanh xanh giống như người ta trồng gì trong đó. Mọi người cũng ngạc nhiên như tôi, vì tất cả chỉ đều là những người mới đến Úc hơn tuần lễ mà thôi. Trên đường đi xe cộ không nhiều, thỉnh thoảng có những xe cam-nhông lớn lướt qua hay chạy ngược về Thành phố. Hôm nay trời nắng tốt, ánh nắng không chói chang như ở bên mình, hay là tại trời ở đây đang vào mùa Thu. Có nhiều cây bên đường thay màu lá để cho tôi chiêm nghiệm lại những điều đã học được từ trên ghế nhà trường, mà lúc đó tôi chỉ tưởng tượng chứ chưa bao giờ được thực tế. Thế là từ ngày đi vượt biển cho đến nay tôi đã học được rất nhiều,.. rất nhiều thứ như trong tục ngữ ca dao mà ông bà ta đã nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” vậy!
Ngồi bên cửa sổ xe, tôi mãi mê ngắm nhìn qua cửa kính. Ừ, mà cửa nầy không mở được. Bên mình khí hậu nóng, cửa sổ xe được mở ra để cho mát, thoáng; còn bên nây cửa sổ xe buýt không mở được. Cho nên tôi chỉ nhìn ra bên ngoài qua khung kính. Những cánh đồng cỏ mênh mông hoặc gốc rạ còn đó, có người hỏi cô Tây cô cho biết đó là những cánh đồng lúa mì mà người ta đã thu hoạch rồi, cũng mới vừa dứt đây thôi. Xe đi qua những luống cây được trồng theo hàng dài nhưng lá đã trở màu vàng, hay vàng đỏ cô Tây cho biết đó là những hàng nho của vườn nho. Tôi nhìn ra thấy cánh đồng chạy dài thật xa mà thửa đất nào cũng rộng, tôi lại nhớ đến ngày học ở Tân Uyên, Thầy Tuyền nói ở xứ Tây người ta làm nông có đến mấy chục mẫu chứ không phải nhỏ như xứ mình, bây giờ tôi mới tin đến điều ấy, chứ lúc đó tôi vẫn còn “bán tín bán nghi”. Xe chạy khá lâu mà chưa đến nơi. Đến một chỗ cây xăng, cô Tây ngừng xe cho mọi người nghỉ ngơi và cô chỉ chỗ cho những ai cần đi vệ sinh, có vài người đi với cô vào tiệm mua đồ, đa số chúng tôi thì quay quần bên xe và nói với nhau về những điều thấy dọc đường cùng những ý kiến khác nhau.
Sau chừng 15 phút đồng hồ thì mọi người được kêu lên xe và tiếp tục cuộc hành trình. Xe cứ đi về phía Bắc. Xa hơn các cánh đồng được canh tác là những khoảng đất còn để trống tự nhiên, nhưng cây cối không nhiều và thấp. Xe chạy đến vùng đồi không cao lắm và vượt qua đó. Không lâu sau thì xe đi vào thị trấn. Cô Tây nói với mấy người ngồi gần kế là tới Kadina rồi. Thị trấn tương đối đông người, nhà cửa. Xe đến nhà thờ, chúng tôi xuống xe và được đưa vào trong Hội Trường. Từ đó, đoàn chúng tôi được đại diện là anh Trần Văn Khá cùng người bạn đi chung làm Thông dịch cho đoàn, vì tiếng Anh của anh giỏi nhất trong đám. Anh vốn là phi công trực thăng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa có đi du học lái máy bay bên Mỹ. Anh qua trước chúng tôi không biết mấy list, nhưng anh và bạn cùng muốn đến đây với đoàn chúng tôi để tham quan Kadina nầy. Anh Khá làm việc với những người tổ chức trong Hội Nhà Thờ một hồi lâu, rồi sau đó đọc tên theo danh sách những người nào đến tối sẽ ngủ ở gia đình của người Tây nào; và gia đình đó có trách nhiệm lo cho những người ngủ về phương tiện.
Sự phân chia làm như cũng đã tính sẵn từ trước, cho nên cái danh sách được đọc nhanh chóng. Tôi, Thành và anh em của Liêm, Kiệt được phân về ngủ ở nhà ông có tên là LaWood. Hai ông bà đến nhận bốn chúng tôi cũng như các gia đình khác nhận người. Lúc ấy vào khoảng gần 5 giờ. Ông LaWood đưa chúng tôi ra xe chở về nhà ở ngoài ven thị trấn. Xong ông dẫn chúng tôi giới thiệu con cái của ông, hiện con gái lớn ông có chồng ở riêng là cô Cindy, ở nhà còn lại cô Sue và người con trai tên là Scott; ông lại dẫn xem các phòng ốc trong nhà, cùng chỉ phòng chúng tôi ngủ và đưa mỗi người một túi ngủ. Phần tiếng Anh thì Liêm đảm nhận. Sau đó, ông bảo chúng tôi lên xe để đưa ra đất nông trại của ông xem cho biết. Những máy móc lớn ông để ngoài đồng vì còn đang làm ở đó. Đất khu nầy có nhiều đá ông cần có máy để xúc, gom đá lại một góc khu đất nầy, bên kia là máy cày thật lớn. Ông cho biết chỉ có ông và Scott làm những việc đó. Rồi ông lại lái xe đưa chúng tôi chạy theo rìa khu đất của ông, khu đất ấy thật dài theo ước đoán có thể là khoảng hai, ba cây số. Từ đó lại rẽ sang trái, đi cũng cỡ đó thì lại vòng qua đường lớn. Ông chỉ nhà má ông ở trong kia, ở vuông đất ấy có nhiều con trừu đang ăn. Ông chỉ trồng lúa mì và chăn nuôi trừu. Ông lại rẽ trái đưa chúng tôi về lại nhà. Ông kêu chúng tôi tắm rửa để 7 giờ tụ tập nhau ở tại Hội Trường nhà thờ. Nói vậy, chứ vì vốn tiếng Anh không nhiều nên mọi chuyện tôi chỉ nghe loáng thoáng, hiểu mơ hồ, còn dịch lại là phần của Liêm vì Liêm ở Sài gòn có  học nhiều tiếng Anh và nhất là lúc học ở trường Quốc gia Thương Mại về ngành Hàng Hải.
Còn 20 phút nữa đến 7 giờ thì Ông, Bà LaWood kêu chúng tôi ra xe và ông lái đưa chúng tôi đến nhà Thờ. Đây là Nhà Thờ của Anh Quốc Giáo, có lẽ giáo dân của Nhà Thờ đều là gốc Anh, mà Ông Bà LaWood là người gốc Tô-Cách-lan (Scotland). Mọi người tập họp khá đông. Đúng 7 giờ, tất cả đều trong Hội Trường, bắt đầu cho buổi họp. Đầu tiên những người Đại Diện nói chuyện, chào mừng đoàn chúng tôi đã đến Úc và thăm viếng ở đây qua lời thông dịch của Anh Khá, rồi Anh Khá cũng Đại Diện đoàn để cám ơn Hội Nhà Thờ. Sau thủ tục ấy mọi người tự lấy thức ăn đã để sẵn trên bàn dài ở gần bức tường. Không biết những người khác có bỡ ngỡ không, chứ riêng tôi thì chẳng biết lấy món nào, cứ hỏi hay làm theo người sắp hàng trước mình. Cũng lấy dĩa giấy, cũng muỗng nĩa cùng các thức ăn. Tôi nghĩ lại mình mà tức cười, đây là lần thứ nhì lúng túng trong vấn đề ăn uống sau lần thứ nhất trên máy bay lúc sang Úc. Dù vụng về, bỡ ngỡ nhưng “thức ăn nào cũng vào đấy cả”, nói theo kiểu anh “chi viện” sau ngày 30 tháng 4. Tuy nhiên, mình vẫn cần học hỏi để làm cho đúng mới là quan trọng! Ăn xong, đem các dĩa, muỗng, nĩa bỏ vào thùng rác đã để sẵn. Như vậy người dọn dẹp chỉ túm bịt ni-lông cột lại là xong, không phải tốn công nhiều. Tiện thật!
Sau bữa ăn là hoạt động vui chơi. Có những người ca hát, nhưng chúng tôi chỉ nghe thôi, chẳng hiểu gì cả. Rồi đến phần trò chơi, những hình thức chơi tập thể được hướng dẫn. Cuộc gặp gỡ nầy kéo dài đến khoảng 9 giờ rưỡi thì chấm dứt để mọi người về nhà nghỉ ngơi, nhất là người trong đoàn chúng tôi đã phải đi xa trong ngày có nhiều mệt mỏi.
Về đến nhà, ông LaWood một lần nữa chỉ về cái “toilet” để ban đêm khi chúng tôi cần thiết, rồi chúc “ngủ ngon” và bọn tôi cũng chúc Ông Bà cũng vậy!
Quả thật giấc ngủ trong đêm nầy là khó, nhưng vẫn ngủ được vì quá mệt mỏi; chứ thứ nhất là lạ nơi, thứ hai chui vào trong túi ngủ đã là chưa quen, mà hơi người Úc thì lại có mùi “trừu” nên cũng làm cho mình khó ngủ. Từ hơi nầy tôi lại nhớ đến lần đầu tiên khi vào ăn ở căng-tin của Trung Tâm Tiếp Cư Pennington thì cũng đã ngửi thấy mùi nầy rồi!
Qua một đêm ngủ ở vùng quê, tương đối là hơi lạnh. Sáng dậy sớm, nhưng vẫn còn nằm ở trong phòng và không biết chừng nào người trong nhà mới dậy. Đợi khá lâu, nghe có tiếng động nhiều hơn thì chúng tôi mới dám héo lánh bước ra để làm vệ sinh cá nhân. Những câu chào hỏi đầu tiên buổi sáng cho một ngày mới. Trong lúc đó thì Ông, Bà LaWood và Sue lo chuẩn bị buổi ăn sáng. Khi ngồi đầy đủ vào bàn, mọi người nghiêm chỉnh để Ông LaWood cầu nguyện, rồi bắt đầu vào bữa ăn. Thỉnh thoảng thì những câu ngắn xã giao được trao đổi.
Khoảng 8 giờ rưỡi, Ông Bà LaWood lại đưa bọn tôi đến Nhà Thờ. Tất cả đều tập hợp đầy đủ ở đây. Qua cửa, mỗi người lấy một quyển Kinh Thánh bằng Tiếng Anh. Tất nhiên tôi cũng lấy, nhưng chỉ cầm trên tay, rồi đi theo Ông Bà LaWood đến chỗ ngồi. Đúng 9 giờ cuộc Lễ bắt đầu. Ông Giáo Sĩ tiến hành thủ tục buổi lễ, thỉnh thoảng mọi người lại lật Kinh Thánh rồi đọc theo. Có lẽ đa số chúng tôi chỉ ngồi có lệ chứ không hiểu và lật Kinh Thánh ở trang nào. Thế rồi buổi lễ cũng qua cùng với cái giỏ nhỏ mà mình tùy ý bỏ vào chút tiền lẽ nào đó, xem như là đóng góp vào Quỹ của Nhà Thờ!
Sau đó, từng đoàn xe lần lượt rời Nhà Thờ đi đến một sân vận động. Ở đây rất nhiều người, giống như là một cuộc Lễ Hội gì đó của địa phương. Có những người cưỡi ngựa chạy đua, có những trò chơi mà nhiều người tham dự như kéo co, nhảy bao bố, hai người cột chân vào nhau để chạy đua với nhiều cặp khác, xem thú vị. Ông Bà LaWood săn sóc, chăm hỏi chúng tôi nhiều điều từ chuyện ở Việt Nam đến cuộc sống hiện tại, hoặc giải thích trò chơi hay điều gì mà chúng tôi không hiểu. Hồi lâu thì được ăn uống, lần nầy tôi cũng quen được chút ít; và nhất là ban ngày sáng tỏ nên sự quan sát lẫn học hỏi dễ dàng hơn. Tôi lại làm quen được những con ruồi. Thật vậy, từ ngày tôi đến Úc đến nay khoảng gần hai tuần lễ nhưng chưa thấy hay bị ruồi bu. Hôm nay nắng ấm nên có nhiều ruồi; Lạ cho những con ruồi cứ theo con mắt của mình mà bu, mà chui vào. Đuổi nó đi một chút thì nó cũng lại đến, làm hai tay phải quạt lia quạt lịa.
Ông Bà LaWood ra dấu và kêu chúng tôi đi. Ông Bà đưa đến sân banh rộng lớn ở đó họ đang chơi môn thể thao gì đó, nhưng người xem chung quanh thật đông. Ông LaWood cho biết trong đội của Kadina có Scott (con ông) trong đó. Đội Kadina đấu với đội của khu vực khác, môn thể thao nầy có tên là Criket. Nhìn vào trong sân chỉ thấy những hình bóng mặc đồ trắng hay màu xanh sẫm chứ chúng tôi đâu biết cách chơi như thế nào. Có lẽ ông thấy chúng tôi không biết gì cho nên ông kêu ra xe.
Xe đi vào khu vực mỏ đồng ngày trước, bây giờ chỉ còn lại những hố sâu loang lỗ, để cho chúng tôi biết vị trí mỏ đồng lịch sử (tiền thân) của thị trấn Kadina. Những cây cối mọc lên không nhiều, không cao chắc do đá nhiều hơn đất hay là do ít mưa. Rồi kế bên là một sở thú nho nhỏ, có hai con vật biểu tượng cho xứ Úc là con Kangaroo và Emu. Ngày được phái đoàn Úc nhận cho định cư ở Úc thì người phỏng vấn lúc đó là Viktor có tặng cho cây kim gài trên áo với hình con Kangaroo màu vàng kim, nay tôi mới thấy con Kangaroo thật ngoài đời, còn con Emu mới dòm tưởng là con đà điểu. Nó hơi giống, nhưng bộ lông của nó màu xám lem luốt không đẹp hay hùng dũng như đà điểu. Hồi lâu Ông, Bà LaWood lại kêu ra xe và ông lại chở chúng tôi đi về hướng Tây.
Thì ra bờ biển cách Kadina không xa, nơi nầy gọi là Walleroo. Chúng tôi đi dạo trên biển. Mặc dù hôm nay trời nắng tốt, tuy nhiên gió biển hơi lâu làm tôi nghe lành lạnh. Cả Liêm, Kiệt, Thành cũng vậy. Có thể ông LaWood thấy được, sau khi ông nói với bà điều gì đó thì ông chỉ cho chúng tôi cái cầu được che kín chạy ra biển kia và giải thích đó là cái cầu chuyển lúa mì xuất cảng từ trong bờ ra tàu đậu ở ngoài kia để tàu vận chuyển sang xứ khác; rồi thì chúng tôi lại lên xe trở về. Đến một ngã tư nọ, ông rẽ ghé vào một cái nhà mà ông nói là nhà của vợ chồng Cindy, nhưng Cindy không có nhà, chỉ có chồng Cindy thôi!
Ông lại đưa về trung tâm Thành phố Kadina, nơi có khu thương mại. Ông cho biết Cindy làm cho một siêu thị và khi đi ngang một gian hàng sửa giày ở hành lang ông góp ý chúng tôi về sau nếu có thể làm nghề đó cũng được. Nhưng bà nhắc cho ông là tiếng Anh của chúng tôi hãy còn học hỏi rất nhiều. Ông gật đầu rồi thôi!
Đi một vòng qua nhiều nơi, rồi thì cũng đã đến giờ ông đưa bọn chúng tôi trở về Nhà Thờ để Philippa lái xe đưa chúng tôi trở về Trại Tiếp Cư. Tập hợp cũng vào lúc 2 giờ, và xe khởi hành vào lúc 2 giờ rưỡi. Chia tay quyến luyến, Liêm đại diện bọn chúng tôi cám ơn Ông, Bà LaWood và hẹn ngày gặp lại. Các người khác cũng chia tay với gia đình mà họ trú ngụ, làm quen trong hai ngày cùng vẫy tay chào tạm biệt.
Vượt đoạn đường dài xe về đến Trại Tiếp Cư khoảng 4 giờ rưỡi. Vừa xuống xe thì có một Bà Việt Nam có tên là Hoa từ Hội Phụ Nữ Đông Dương cũng vừa đến, gặp chúng tôi ngõ ý là Hội Phụ Nữ mời nhóm vào ngày Thứ Hai đến Hội Phụ Nữ ăn phở, có xe đến rước và đưa về. Không biết một người nào đó biết được thông tin thế nào mà khi nghe đến Hội Phụ Nữ bèn nói nhỏ với chúng tôi: “Người ta nói Hội Phụ Nữ nầy là Hội Phá Gia Cang”, chúng tôi ngạc nhiên hỏi: “Vì sao”? Thì ông ta nói: “Bà Sơ Nghĩa không có chồng, Bà Phó nầy bị chồng bỏ cho nên những gia đình nào có chuyện lục đục khi đến Hội Phụ Nữ thì được hướng dẫn là thôi nhau, cho nên từ đó người ta gọi Hội nầy là Hội Phá Gia Cang”. Nghe đến đây những người có gia đình đi theo đều có ý ái ngại, còn tôi thì chỉ có một mình, chưa hề hấn gì, nên cũng yên tâm!
Nói gì, chứ cũng lo về phòng cất đồ, rồi lại lên căng-tin cho một buổi ăn chiều. Trời chiều nay trở lạnh, tôi lại nhớ đến tình cảnh của vợ con đang ở nhà!

Nguyên Thảo,
05/08/2018.



No comments:

Post a Comment