Sunday, August 19, 2018

*Đường Đến Băng Hà! (12)


Trên du thuyền nếu chúng ta có nhiều sở thích thì du thuyền cũng làm cho mình trở nên sinh động. Mình có thể tham dự vào nhiều hoạt động khác như Tai Chi, Tập Thể dục, làm đẹp, Thử rượu, Casino, Xem Triển lãm, Mua sắm, Ăn uống, Dự đấu giá… kể cả lớp Nghiên cứu về Kinh Thánh hay làm Thủ công hoặc Xem phim, Ca hát, Tắm hồ, Trò chơi. Gần như những hình thức giải trí đều có, dù là có tiền hay không. Còn ăn uống thì tha hồ. Nhưng đối với chúng tôi thì không có những mục đích khác ngoài việc đi du lịch đến thăm băng hà, ngắm cảnh, “đi cho biết đó biết đây” chút ít mà thôi; cho nên du thuyền đối với chúng tôi không có nhiều hứng thú, nếu không nói là khá nhàm chán vì chỉ có ăn, ngủ, ngắm cảnh mà cảnh trên biển đâu có gì để ngắm. Du thuyền như là một phương tiện để đến nơi, thực hiện mục đích của mình.
Nói thế, chứ ít ra chúng tôi cũng đã trải nghiệm được ít nhiều cái lạnh, cái khung cảnh Canada vào cuối Đông đầu Xuân, được biết được cái sinh hoạt và cảnh trí ở một phần đất phía Bắc của Trái đất. Được chiêm nghiệm cái thích hay không của cái thú đi Du thuyền; và nhất là “Để thấy lại” cái không an toàn của chuyến vượt biển trên một tàu cây, nhỏ bé ngày xưa, để rồi ngẫm nghĩ “Tại sao xứ mình trong chiến tranh ác liệt như thế đó mà chẳng mấy người bỏ xứ ra đi, mà sao khi đất nước Thanh bình lại cùng nhau bỏ xứ ra đi, mình có phải “phản quốc” hay không? Mình có phải là không yêu nước, hay là “chế độ” khiến mình phải đi vì Thành phần lý lịch, vì Đấu tranh giai cấp, vì Quan điểm, vì cách Tổ chức của Hệ Thống kinh tế Tàn lụi, và nhất là “O ép” tất cả người dân vào thực hiện một đường hướng “Thảm não” mà chẳng thấy được sự tươi sáng của tương lai”! Rồi từ đó tôi lại nhớ về cái nhận xét nào đó mà người bạn tôi đã kể lại sau 75: “Thành phần trí thức là thành phần thiết tha với Chủ nghĩa trước nhất vì thấy cái lý tưởng tốt đẹp của nó, nhưng cũng chính họ là những thành phần bất mãn trước cả khi Chủ nghĩa bắt đầu thực hiện”, cái nhận xét đó khiến cho tôi đi tìm hiểu “Nguyên nhân” đến tận bây giờ, nhất là sau những biến động của Liên Xô và toàn khối Đông Âu. Chàng võ sĩ tính sai nước cờ, đường đi hay là đã “Thất một thế võ” trong một cuộc đấu? Một Chủ Nghĩa mang lý tưởng tốt đẹp cho toàn nhân loại, sau gần 70 năm thực hiện đã một sớm một chiều bị sụp đổ, mà trong quá trình thực hiện người dân ở đâu cũng đều có chống đối trong mọi thời kỳ, vậy thì chính nhà cách mạng nhân loại đã nói “nơi nào có áp bức, là nơi đó có đấu tranh” quả là không sai! Nhưng thói thường người làm sai chẳng thấy mình làm sai mà luôn nghĩ mình đúng, thế mới là chết Thiên hạ! Có người lại nói rằng: “Chính những người Cộng Sản đã giết chết Chủ Nghĩa Cộng Sản”, không biết điều ấy có đúng hay không?
Trong cuộc đời chúng ta luôn có nhiều điều khiến mình nghĩ miên man. Tôi cũng từng đã nghĩ miên man, nhưng chỉ nghĩ để mà chơi thôi vì thân phận “Mình lo mình chưa xong, có đâu mà lo chuyện thiên hạ”! Thế nên nay đành theo chiếc du thuyền nầy để lên đến “Băng Hà”, ở đây mới thật là những sông băng vì phần cuối của nó đổ xuống những dòng sông.
Theo từ trong tài liệu của Du thuyền thì ý tưởng về Công viên Quốc gia được thành hình từ thế kỷ 19 để bảo tồn những thiên nhiên đặc biệt, các nơi thuộc về văn hóa dưới sự chủ quyền công cộng. Đến năm 1864 khi Chính quyền Liên bang Hoa Kỳ cho Tiểu bang California quản lý khu Yosemite Valley với mục đích công cộng, tổ chức cũng như vui chơi thì 8 năm sau Quốc Hội tạo ra “Công viên Quốc gia” đầu tiên của Hoa Kỳ là Yellowstone, rồi sau đó bắt đầu cho các “Vườn Quốc gia” khác. Đến năm 1916 thì “Những Phục Vụ ở Parks” được hình thành.
Glacier Bay National Park là một Vườn Quốc Gia của Hoa Kỳ nằm ở Đông Nam Tiểu bang Alaska với diện tích khoảng trên 13 ngàn cây số vuông được thành lập vào cuối năm 1980. Nó đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1979, sau đó là Khu Dự Trữ Sinh Quyển vào năm 1986. Nơi đây được xem là quê hương chính của người dân Tlingit địa phương; và những băng hà hiện nay thuộc Thời Kỳ Tiểu Băng Hà, còn vào Thời Đại Băng Hà cho đến 10 ngàn năm trước thì băng hà còn tiến xa hơn về phía nam. Khách du lịch đến đây chỉ bằng phi cơ hay là tàu. Vịnh Băng Hà nầy được Captain George Vancouver tìm thấy đầu tiên vào năm 1794, nhưng đến năm 1879 thì nhà nghiên cứu tự nhiên là John Muir đến viếng với nhóm người Tlingit địa phương. Qua sự diễn tả nơi nầy bằng những vần thơ thơ mộng, truyền cảm đã khiến Vịnh càng nổi tiếng hơn.
Canh o Glacier Bay

Trong những điều mà trong tài liệu của du thuyền phát cho từng phòng có giải thích vì sao “Băng có màu xanh dương (blue)?”: Vì các màu khác có độ sóng dài cho nên bị băng hấp thụ và nó chỉ phản chiếu lại màu xanh có độ sóng ngắn thôi. Tại sao ở Vịnh ta không thấy lạnh: Vì gió, thủy triều và khí hậu đại dương khiến ta thấy ấm hơn. Rồi nào là Vịnh sâu khoảng 3,000 m; bề mặt của Băng hà Margerie cao chừng 80 m cao và chìm dưới nước khoảng hơn 30 m; Băng hà Grand Pacific quá dơ vì do băng đi qua vùng đá, đất của thung lũng nên tập hợp đá và chất dơ. Quả thật như vậy, ngày xưa lúc còn học ở Trung học tôi đã có học về băng hà, băng hà kết tụ nhiều năm trên núi hay vùng cao, rồi do trọng lực, độ nghiêng, băng di chuyển lần về phía dưới qua các hẽm, hay thung lũng; trên đường đi nó bào mòn đất đá dù cứng hay mềm, sạch hay dơ và lôi cuốn chúng theo. Đến nơi nào đó nhiệt độ tăng lên khiến băng ta dần, còn lại sỏi, sạn, đá hoặc cát, đất bùn bị nước cuốn trôi đi. Điều đó trong ngày nay tôi sẽ được chứng kiến và kiểm nghiệm lại điều đã học xa xưa.
Bang ha tren dat (Terrestrial Glacier)

Tài liệu hướng dẫn còn lưu ý du khách đừng cho thú vật hoang dã ăn, hay giữ kỹ không để những vật dụng dễ rơi, gió thổi bay hoặc xả rác để nơi đây luôn sạch, đẹp, cùng giữ gìn cho những thế hệ sau đến đây tham quan. Đó là những điều đại khái mà chúng tôi được cung cấp về kiến thức cũng như những dặn dò cần tuân thủ để góp phần bảo vệ, bảo tồn khu vực nầy.
Còn phần tôi và anh Thới thì 6 giờ thức dậy làm phần vệ sinh cá nhân, rồi 7 giờ lên boong tàu ăn sáng ở nhà hàng “all you can eat” Horizon Court, cũng là nơi để ngắm cảnh Trời, Non, Nước. Điều ấy đúng như vậy, vì lúc nầy trời đã sáng và Du thuyền đang đi vào cửa ngõ của Glacier Bay tức là qua Sitakaday Narrows. Mặt nước yên, phẳng lặng, phản chiếu rõ rệt những vùng núi ở bên trên nó. Hai bên là vùng núi với tuyết đọng trắng từ trên đỉnh xuống hơn phân nửa, tạo nên hình ảnh trắng trên nền trời xanh lơ và nước phản ánh lại các màu sắc, hình ảnh, bức tranh thật là đẹp. Những hòn đảo với cây cỏ xanh xanh thêm phần duyên dáng. Không biết những con vật biển như cá voi, rái cá… mà tài liệu nhắc đến chẳng thấy ở đâu hay là chúng đi ngủ cả rồi. Tôi bắt đầu chụp hình lia lịa, vì mục đích đi Du Thuyền là chính ở nơi nầy, thế mà tại sao mình lại bỏ qua. Cầm “mobile phone” chụp tiện hơn, nên lần đi nầy tôi không sử dụng máy chụp hình, hơn nữa máy quay phim của tôi cũng chụp được nên tôi không từ bỏ những cái gì, nơi nào mình thích. Cứ chụp đi đã, rồi sẽ xem lại và bỏ sau.
Du thuyền đi đúng theo thời biểu ấn định như trong tài liệu cung cấp cho khách. Từ 6 giờ sáng, tàu đi vào Bartlett Cove, và đến giờ nầy gần 8 giờ sáng thì tàu đang đi ngang qua băng hà Queen Inlet. Lưỡi băng hà nầy chưa chìm vào nước, nó hãy còn ở trên đất liền, nhưng làm sao mình đến gần “băng điểm” (điểm băng tan) để quan sát điều đã học xưa kia, xem nơi đó có nhiều sạn đá hay không và những thứ đó với cỡ to là bao lớn. Thôi đành quay phim với ảnh gần hơn thôi! Bao nhiêu người đều đổ ra để xem các băng hà, rồi nhìn trên mặt nước trong vịnh để xem có cá voi, rái cá hay các sinh vật khác không. Nhưng chẳng thấy động tịnh gì. Du thuyền cứ từ từ đi và du khách cứ quay phim, chụp hình, đứng ngắm cảnh. Thỉnh thoảng nhiều người đi trốn lạnh, nhất là những người không ở xứ lạnh như tôi. Trốn lạnh hồi lâu lại nuối tiếc rồi chạy ra ngắm nhìn hình như không muốn để mất cơ hội, nhất là mình đã bỏ tiền, công sức để đi đến nơi đây!
Theo số liệu thì mỗi ngày chỉ có 2 chiếc du thuyền cỡ lớn, 3 chiếc tàu nhỏ chỡ người, 6 chiếc gọi là “Charter vessel” và 25 “private vessel” được vào thăm viếng trong vịnh. Còn về các băng hà thì: Khoảng 250 năm trước với băng phủ đầy nên chỉ có một băng hà rộng lớn duy nhất. Nhưng từ năm 1750 băng hà tan và lui dần về thượng nguồn khoảng 100 km, nên ngày nay có chừng 1,045 băng hà. Trong đó có 50 băng hà được đặt tên và 7 băng hà có phần băng chìm vào nước của vùng vịnh.
Canh o Glacier Bay.

Băng phần lớn từ các vùng có độ cao từ hơn 2,000 m đến 5,000 m, nhưng xung quanh vịnh chỉ có ngọn Mount Cooper là cao 2,066 m và Mount Barnard cao 2,504 m.
Du thuyền càng lúc đi vào càng gần với những băng hà, nên dù lạnh người ta vẫn đứng trên boong để quan sát. Tôi đứng lo mãi mê nói chuyện với anh Thới, anh Hiệp thì đột nhiên thấy trời sáng rỡ ra. Có thể ánh nắng chói chang, nhưng không hẳn là do ánh nắng. Trời trong xanh không chút mây gợn, mặt nước phản chiếu màu xanh ấy, rồi trong bóng của băng cũng lại là màu xanh khiến màu trắng băng tuyết lại càng trắng hơn. Một cảnh ngoạn mục như tranh, tôi lại nhìn trên boong tàu cũng có màu xanh, màu trắng tương tự khiến tôi có cảm tưởng như mình đang đi vào cơn mơ thần tiên nào đó.

Nguyên Thảo,
19/08/2018.



No comments:

Post a Comment