Thursday, November 15, 2018

*Đường Đến Băng Hà! (14)


Đoạn hành trình từ Point Gustavus, tức là điểm cửa ngõ đi vào Glacier Bay, cho đến Juneau cũng khá xa. Theo số liệu của Du thuyền thì cách đến 217 Nautical Miles (mỗi Nautical Mile = 1.852 Km), trong khi đó vận tốc du thuyền chỉ là 18.9 Knots. Đường đi được cho biết là từ Point Gustavus sẽ đi qua Icy Strait, rồi lên phần trên của Lynn Canal, xong tàu xuôi về hướng Nam dọc vòng theo đảo Douglas, rồi từ đó mới chuyển sang hướng Bắc vào Gastineau Channel để tới Juneau. Ở Juneau du thuyền sẽ trở đầu để trở ra đi vào giai đoạn sau sau chuyến thăm viếng thủ đô của Alaska nầy. Tất nhiên là trong khi tàu đi theo lộ trình thì chúng tôi tha hồ ngủ vì trời đã vào đêm.
Juneau được chọn làm Thủ đô của Alaska sau khi được Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn vào năm 1900, và chính quyền di dời từ Sitka về đây từ năm 1906. Số dân theo thống kê của năm 2013 là 32,660 người. Juneau không có đường bộ để đi đến các vùng khác của tiểu bang hay phụ cận, mà người hoặc hàng hóa chỉ có thể vận chuyển đến bằng đường thủy hay hàng không do nơi địa hình hiểm trở.
Mot goc Juneau.

Du thuyền đưa chúng tôi đến Juneau vào lúc 6 giờ sáng, nhưng tôi và Anh Thới đã dậy từ lúc 5.30 giờ. Do đó khi nhóm chúng tôi lên ăn trên Horizon Court vào lúc 6 giờ rưỡi thì cũng nhìn thấy tỏ rõ quang cảnh hai bên Gastineau Channel và loáng thoáng cái Thành phố Juneau. Chiếc Cruise đi vào chỗ đậu. Xa kia là chiếc tàu chiến nho nhỏ ở phía dưới. Tôi không biết là chiếc tàu chiến ấy là loại nhỏ, hay là do nơi chiếc du thuyền nầy quá lớn mà tôi có cảm tưởng tàu chiến giống như đồ chơi bằng nhựa của trẻ con.
Du thuyền cập bến vững vàng xong thì du khách được lần lượt rời tàu để lên bờ tham quan, ngắm nghía, mua sắm, giúp cho nền kinh tế của xứ xa xôi nầy thêm có phần thịnh vượng.
Thanh pho Juneau nhin tu boong tau.

Đối với những du khách đã đăng ký “tour” ở trên tàu thì được ưu tiên để đi tour ở đây cho đúng giờ. Còn những người “gà mờ” không biết đăng ký, hay không đăng ký thì từ từ đi theo các hành lang để rời tàu với những giấy tờ cần thiết được căn dặn phòng khi được hỏi đến, hay đưa ra để chứng minh mình là khách của tàu. Một điều được nhắc nhở kỹ càng là “Đừng nhận, hay mang hàng gì của người lạ lên tàu”, và những thịt, gà, thức ăn, trái cây.
Riêng chúng tôi cũng lũ lượt xếp hàng xuống tàu, nhưng ra khỏi tàu xuống phố thì đã 8 giờ 30. Lúc ấy có cửa hàng mở cửa, nhưng đa số đều đến 9 giờ mới khởi đầu buôn bán. Chúng tôi được thời gian thả rông trên đường phố để ngắm cảnh hai bên, cùng số ít xe cộ chạy qua đường. Trời sáng còn lạnh nhưng thời tiết vào thời gian nầy (vào Tháng 5) không lạnh lắm, nên chúng tôi còn cảm thấy thoải mái, chứ không bị run lẩy bẩy. Đến 9 giờ mình được chun vào những gian hàng để ngắm nghía, lựa chọn xem những gì mình thích mà có thể mua được hầu làm vật kỷ niệm của một chuyến đi không? Tôi muốn mua những viên đá Nam châm trong các bịt nhỏ, nhưng ngần ngại sẽ không đem vào Úc được, nên đành đứng lưỡng lự, và cuối cùng là “không dám mua”. An ủi là mình không bị tốn tiền! Nhưng ngẫm nghĩ hoài, không lẽ mình đã đến Thủ đô của Tiểu bang Alaska tận vùng Bắc xa xôi của quả địa cầu mà về không, không có vật gì thì uổng quá, đành kiếm một cái áo ấm mùa Đông, có thêu chữ Juneau với giá là 19.99 chứ không phải là 20 đô-la. Rồi đi dọc theo đường chính qua gian hàng làm kẹo bánh, đứng nhìn ông Tây đang trình bày cách làm Chocolate qua khung kính của tiệm. Bên trong nhiều khách hàng nhất là trẻ con đang đợi mua nườm nượp. Đến ngã ba đường chính thì tiếng ồn ào lẫn máy móc đang sửa đường của phu kiều lộ âm vang, nhiều người tránh sang con đường khác. Tôi xem bản đồ, rồi cùng vợ tôi với cô em vợ thả lần lên phía trên qua các ngã tư để lên con đường số 4 cắt ngang. Tôi muốn lên con đường ấy vì ở đó có “State Capitol” để xem cái hình dáng nó ra sao. Nó có cái hình dáng của vài “State Capitol” mà tôi đã thấy hay không như ở Washington hay ở Utah? Đường lên dốc khiến sự đi bộ có nhiều cố gắng, nhưng đường đó cũng không xa. Cuối cùng chúng tôi cũng đã đến trước tòa building “State Capitol”.
State Capitol.

Nó chỉ với hình dáng bình thường như các building khác, lớn hơn và có hàng chữ “Alaska State Capitol”, phía trước sân là đường lót gạch, chứ không tráng nhựa, thành ra trông khuôn viên khá rộng rãi. Chúng tôi chụp hình ở đây vài tấm để làm lưu niệm, rồi kéo qua công viên nhỏ có tượng một con gấu đen, chân đang chận một con cá salmon mà nó đã bắt được. Hình ảnh con gấu và cá salmon được phổ biến ở Vancouver cùng trên đất Alaska nầy, nó có thể được xem là biểu tượng thiên nhiên được vẽ trên tranh, hay làm những tượng nhỏ bằng nhựa, thủy tinh để bán cho du khách, kể cả các đồ trang sức bằng bạc, vàng hoặc bạch kim.

Bieu tuong Con Gau va ca Salmon.

 Chúng tôi thả lần xuống bến tàu, hình ảnh chiếc du thuyền sừng sững trên cao xuyên qua các buiding, phố lầu, tôi mới thấy rõ cái tầm cao của nó. Đến 1 giờ, bọn chúng tôi thấy xem bao nhiêu đó cũng đủ rồi cho nên thôi thì kéo nhau lên tàu để ăn uống và nghỉ ngơi. Lúc trở về tàu, chúng tôi cũng mang thẻ tàu trên ngực, hành lý phải qua máy kiểm soát kỹ càng giống như ở nơi phi trường mà người ta đã làm.
Kéo nhau lên thẳng trên Horizon Court ăn uống xong, ai về phòng nấy nghỉ ngơi, để rồi lại tới bữa ăn chiều. Nằm nghỉ trong chốc lát thì tôi và Anh Thới đều ngủ quên, mà không dễ đi vào giấc ngủ sao được khi mà phòng mù mù tối mặc dù có đèn, cộng thêm vào đó là những mệt mỏi từ những ngày trước. Cũng tại mình thôi! Vì sợ tốn nhiều tiền nên mình đã chọn phòng ở chính giữa, thì tất nhiên nó phải tối. Nếu mình chọn phòng ở balcon, hay những loại phòng hạng sang khác thì nó đã khác đi rồi.
Đi cruise, nếu mình chịu bỏ ra nhiều tiền thì có rất nhiều điều giải trí làm cho mình thích thú: Ăn uống thoải mái, nghỉ ngơi an dưỡng rất tốt, thở hít khí trời trong lành, có massage, Tai chi, casino … kể cả Bible Study cùng với những phương tiện giải trí không phải trả tiền như xem phim, xem hát, khiêu vũ vân vân… Chỉ trừ trường hợp tàu gặp thời tiết xấu như chúng tôi đã gặp lúc đi cruise từ Adelaide lên Melbourne và trở về như chuyến trước cách đây vài tháng.
Du thuyen sau duong pho.

Hàng ngày tàu đều có chương trình để mình có thể tham gia vào tiết mục và giờ giấc nào mà mình thích. Còn như chúng tôi thì do ngôn ngữ không hiểu được nhiều nên không tha thiết các tiết mục, do đó mình cảm thấy không mấy hứng thú đi trên tàu vì chỉ có ăn ngủ, rồi ngắm trời trăng, mây nước. Nó có vẽ nhàm chán hơn!
Đến khoảng 4 giờ thì tôi và Anh Thới kéo nhau lên sân thượng để chụp vài bôi hình để làm kỷ niệm, đồng thời ngắm nhìn toàn cảnh cái Thành phố Thủ đô của Tiểu bang Alaska.
Thành phố Juneau trải dài dưới chân núi Juneau, mặt hướng về Gastineau Channel. Nơi đây là quê hương của người Tlingit, dân bản địa đã sống ở đây bằng nghề săn bắn và bắt cá trong nhiều ngàn năm trước do nguồn cá salmon phong phú của Gastineau Channel.
Nhưng đến những năm 1870 George Pitz, viên kỷ sư hầm mỏ từ Sitka treo thưởng cho ai đem cho ông ta được quặng vàng. Trưởng bộ tộc Auk Tlingit là Kowee ở Gastineau Channel đem quặng đến. George Pitz gởi Richard T. Harris và Joseph Juneau đến đó thăm dò. Hai ông đến nơi vào Tháng 8 năm 1880, nhưng đến Tháng 10 mới xây dựng khu làng khoảng 160-acre ở bên bờ, lúc đầu làng nầy được gọi tên là Rockwell, sau đó là Harrisburg nhưng người địa phương lại đổi tên là Juneau theo tên của Joseph Juneau. Và Juneau được ra đời! Rồi đến năm 1906, Juneau được chọn làm Thủ đô của Alaska, và đến 1/7/1970 với sự sáp nhập của Douglas và vùng phụ cận Juneau trở thành Thành phố có diện tích đất lớn thứ nhì ở Hoa Kỳ.
Chúng tôi vừa chụp hình, vừa ngắm nhìn toàn cảnh của Thành phố từ trên độ cao của boong tàu, đồng thời quan sát chiếc du thuyền từ từ trở đầu đổi hướng để rời bến. Nó phải mất cả tiếng đồng hồ để hoàn tất giai đoạn ấy từ lúc 5 giờ rưỡi đến 6 giờ 30 và tàu ra khơi. Đến 7 giờ rưỡi nhóm chúng tôi đi xuống nhà hàng Botticelli để ăn tối. Xong rồi còn đi ruồng ở khu Hội Trường, lẫn nhiếp ảnh, cùng  gian hàng bán đồ lưu niệm trước khi về phòng vào lúc 10 giờ 15. Ngày mai du thuyền sẽ đến Ketchikan. 

Nguyên Thảo,
15/11/2018.



Wednesday, November 7, 2018

*Người Muốn Hóa Thành Robot.


Trong xu thời hiện đại
Người muốn tạo rô-bô
Để làm nhiều công việc
Thay thế sức con người.

Càng ngày càng tân tiến
Rô-bô lại tinh vi
Mang nặng lên cầu thang
Làm xướng ngôn truyền hình.

Nhưng chuyện đời quái ác
Nhà khoa học tiến lên
Nghiên cứu để văn minh
Con người vơi gánh nặng.

Thì chính trị mở đường
Cho hàng loạt con người
Biến thành loại rô-bô
Để xây thành Chủ Nghĩa.

Ai mộng hay ai mơ
Một Thiên Đường Lý Tưởng
Nhưng chỉ khổ con người
Trong khốn cùng Địa Ngục!

Đồ Ngông,
08/11/2018.



*Quê Người! (22)


Hôm nay cuối tuần chẳng có gì để làm, tôi vào phòng lấy mấy chữ Tiếng Anh ra để xem, còn Thành thì đi rảo vòng quanh trong trại. Nhưng chợt nhớ đến Bác Phạm Văn Tuynh, người tôi quen trong thời gian đi vào thư viện ở trại Sungai Bési, nên vội viết vài chữ gởi thư cho Bác. Bác đi định cư ở Sydney trước tôi khoảng nửa tháng, do được con bảo lãnh. Trước khi đi Bác cho tôi địa chỉ để liên lạc. Viết thư cho Bác thì dễ, nhưng chẳng biết viết gì nhiều chỉ hỏi thăm sức khỏe cùng cho bác biết là tôi đã đến Adelaide rồi. Thư ngắn gọn, nhưng không biết mình sẽ lấy địa chỉ nào đây, ở trong trại nầy chăng? Thôi để đến sau sẽ tính.
Lẩn quẩn lại đến giờ ăn trưa ở căng-tin. Tôi đi cùng Bác Vỹ và Bác Phương. Căng-tin vào trưa ngày Chủ Nhật thường vắng vì có nhiều người đi ra ngoài chơi, hay ai đến chở đi ăn ở đâu đó. Tôi cùng hai Bác vừa ăn, vừa tính chuyện tương lai. Chỉ ước lượng hướng đi, chứ tình hình như thế nào thì chưa nắm rõ, nên định hướng còn là cả một vấn đề.
Về phòng, tôi không biết gì làm nên lấy cái bản đồ Nam Úc của Anh Nhu cho ra xem qua coi cái tiểu bang mình đang định cư có gì đặc biệt. Xem đại khái, chứ Tiếng Anh có chữ biết chữ không đành cứ đoán mò thêm thôi. Lúc đó, tôi mới thấy rõ Tiếng Anh là rất cần thiết trong mọi vấn đề, nhất là trong hoàn cảnh “Ăn nhờ ở đậu nơi quê người, mà quê hương đó lại là sử dụng tiếng Anh”. Tôi nghĩ mình phải nỗ lực hơn nhiều! Cái vốn của mình tiếp thu lúc còn học trong trường chẳng thấm vào đâu. Ngay lúc đó thì có tiếng xe đậu bên ngoài, thì ra Trọng vào thăm tôi và thằng Thành. Hôm nay Trọng không có làm, rảnh rang nên vào chơi, tôi hỏi Trọng nếu mình viết thư ở đây thì nên lấy địa chỉ nào? Trọng cho biết nếu mình lấy địa chỉ ở đây về sau mình đi ra ngoài thì sẽ mất công hơn nhiều, thôi thì lấy địa chỉ của Trọng qua hộp thư mà nó đã mướn ở Bưu Điện thì tiện hơn. Nó nói: “Mình chỉ tốn mười mấy, hai chục đồng mà tiện được nhiều thứ, thứ nhất là mình dời nhà đi đâu thì thư cũng về hộp thư của mình, thứ hai là khi nào mình rảnh thì đến lấy, thư không bị thất lạc”. Tôi còn hỏi Trọng nhiều vấn đề khác, nhờ Trọng cho thêm vài ý kiến. Chúng tôi ngồi nói chuyện cũng khá lâu, rồi khi về Trọng cho biết tối nay sẽ đến rước tôi, Thành đến nhà Huynh để xem phim vidéo.
Tôi đang tò mò về bản đồ Nam Úc thì có tiếng gõ cửa phòng. Thì ra Bác Vỹ lại rủ tôi sang uống nước trà cùng chuyện trò với anh bạn mới vào ghé thăm. Bác Vỹ giới thiệu: “Đây là Anh Vũ Minh, chủ nhân võ đường Thái Cực Đạo Hắc Long đến thăm bọn mình đấy”! Tôi chào anh Vũ Minh rồi cùng vào chuyện với nhau. Tất nhiên là chúng tôi hỏi anh Vũ Minh nhiều hơn là anh tìm hiểu ở chúng tôi, vì dù sao anh tới trước cũng đã quen với cách sinh hoạt, nếp sống ở Úc rồi; còn chúng tôi là những người mới tới, chân ướt chân ráo nên cần phải tìm hiểu, học hỏi rất nhiều thứ, cái gì cũng mới lạ, đôi khi lại trái hẳn với sinh hoạt ở quê mình. Đến gần đến giờ ăn ở căng-tin, anh Vũ Minh mới ra về để chúng tôi đi ăn và hứa hẹn sẽ đến thăm. Phòng tôi và Thành ở kế bên phòng của Bác Phương, Bác Vỹ cũng là điều may mắn, vì những người đến thăm thường ghé thăm hai Bác, do nơi hai Bác lớn tuổi, phong cách chững chạc, mà lại có nhiều nhận xét hay của người từng trải, nhất là cái chức vụ của Bác Vỹ lúc còn trong quân đội khiến nhiều người đến thăm kính nể. Tôi được hưởng “ké” cái ân huệ ấy là mỗi khi có người đến, Bác Vỹ thường hay rủ tôi qua chơi, do vậy mà tôi cũng học được nhiều thứ, và mình không phải cảm thấy cô đơn! Nhất là đối với cái tính của tôi ít có giao lưu với bạn bè, mà lại chẳng có khiếu về ngoại giao, thường sống về nội tâm.
Chiều nay ngồi ăn với Tịnh, tôi hỏi thử Tịnh có dự tính gì chưa. Tịnh nói cũng chưa tính được gì cả, vì bây giờ đợi học Anh Văn rồi hay: “Học Anh Văn giống như mình lấy thời gian đó câu giờ để mình toan tính cho bước đường kế tiếp, chứ bây giờ mình chưa nắm bắt được gì cả thì làm sao tính tới những chuyện tiếp theo”. Tôi đồng ý với Tịnh về quan điểm đó. Tôi có hỏi Tịnh về chuyện làm giấy tờ bảo lãnh vợ con, Tịnh cho biết là đang đợi giấy tờ cũng như tôi dù khi đi Tịnh có chuẩn bị một số nhưng vẫn chưa đủ. Có lẽ với Tịnh khiến tôi ấm lòng nhất, vì hai đứa đã cùng một chuyến đi vượt biên, chia sẻ nhau trong cùng một hoàn cảnh, rồi cùng đến đây, nhất là “cái củ sắn” mà Tịnh đã trao cho tôi với câu nói: “Lúc tát nước, tôi có lượm được hai củ sắn, bây giờ anh một củ, tôi một củ” khiến tôi không thể nào quên được, dù mai nầy tôi và Tịnh không có còn gặp nhau!
Ăn xong, tôi cho Thành hay chiều tối Trọng vô rước mình đến nhà Huynh để xem vidéo, đừng đi đâu. Thế là Thành không đi rảo nữa mà về phòng viết thư cho tụi thằng Tiết Ên, Chót Ên bên Mỹ. Không biết nó viết được bao nhiêu thì trời chạng vạng tối, Trọng chỡ chị Yến vào để rước chúng tôi đến nhà Huynh.
Phải công nhận những người qua chung list với Trọng thật là thân thiết, họ về đây cùng lúc, cùng hoàn cảnh, rồi cùng nhau thỉnh thoảng tập họp đông vui. Huynh đến đây cùng với vợ con, nên mướn cái nhà có dư phòng nhỏ cho anh Sa, người cùng quê Trà Vinh chia phòng, để nhẹ đóng tiền nhà. Huynh nhảy ra đi làm sớm, và vốn thích xem phim nên mua được đầu máy xem băng hình trước, từ đó kêu bạn bè đến xem phim. Từ chỗ đó, Trọng rủ thêm tôi và Thành khiến anh em tôi đốt được nhiều giai đoạn trên xứ người trong cuộc sống. Trong lần trước cũng như lần nầy tôi quen thêm được cha con anh Hiệp, vợ chồng Trí, Mai, ngoài gia đình Kiệt, Hường. Riêng Anh Hiệp thì tôi ngờ ngợ với Anh khi biết Anh đã từng dạy ở Trường Bán Công Lái Thiêu, và quê Anh ở Hiệp Bình Xã gần đồng Chó Ngáp trên đường từ Bình Dương về Cầu Bình Triệu. Hỏi ra thì anh cũng chẳng lạ, vì trong mùa Hè đỏ lửa của năm 1972, anh cũng đã từng về công tác ở Trại Tiếp Cư Gò Đậu cùng khu B với tôi. Trong đợt đó, do chiến sự ác liệt dân các vùng cao từ Bình Long, Phước Long, Dầu tiếng, Chơn Thành phải chạy lánh nạn nên tập trung về Bình Dương, do vậy mà Trại Tiếp Cư được thành lập ở Gò Đậu nơi Trung Tâm Huấn Luyện Huỳnh Văn Lương trước kia, khi Trại Huỳnh Văn Lương được dời về Bình Hòa gần Lái Thiêu.
Tôi nhớ có đêm trực rất đông giáo viên, có hai người được kêu tên rất đặc biệt là ông “Hiệp lùn” thuộc nhân sự trường Bán Công Lái Thiêu, người thứ hai là “ông Y” của Trường Trung Học Chơn Thành từ Bình Long dời về vì tên ông chỉ có một chữ “Y dài”. Ai ngờ ông “Hiệp lùn” ấy bây giờ tôi lại gặp trên “đất khách quê người” trong nhà của Huynh. Còn ông Y, tôi chỉ ngờ ngợ là ông Y của Sở Di Trú, sẽ dạy môn “Đời Sống Mới” trong nay mai! Khi nào có dịp tôi sẽ hỏi ông Y ấy xem sao.
Vì chưa biết nên xem phim gì, nên Huynh cũng chưa mướn phim. Khi họp đông rồi mới hỏi ý kiến thì đồng ý nhau là xem phim cao bồi. Trọng lãnh nhiệm vụ chở tôi, Thành, Huynh đến tiệm cho mướn phim để tìm phim. Tiếng Anh của Trọng rất khá, mà lại với khả năng thiên phú về ăn nói, nên ông chủ Tây vui thích nói chuyện với Trọng lắm.
Có lẽ Trí, Mai là người am tường về loại phim nầy nhất. Trí biết nhiều tài tử đóng phim cao-bồi, Trí nói mà tôi đã mê rồi chứ chưa nói đến là xem phim. Coi thì coi, chỉ coi hình mà đoán chứ Tiếng Anh không đủ để hiểu về nội dung, hoặc hiểu hết nghĩa của một câu nói. Tôi nghĩ kiểu nầy chắc mình sẽ gặp nhiều khó khăn lắm trong cuộc sống sắp tới. Ngày nào đó tôi phải hỏi Anh Hiệp xem chuyện đi học lớp Thông dịch của anh như thế nào để mình biết tự sức mình mà lo liệu, hoặc xem mình có đủ sức để theo đuổi không?
Chúng tôi vừa coi phim, vừa chuyện trò đôi khi câu chuyện lại chính hơn là chuyện xem phim. Nhưng trong những câu chuyện đó khiến tôi học được nhiều điều để ứng xử về sau nầy, vì những câu chuyện ấy là những câu chuyện của họ trong việc làm, hoặc thực tế mà họ đã gặp trong đời sống. Thế cũng vui, đi làm khi rỗi rảnh lại họp nhau xem phim, ăn uống; còn các bà cùng nhau nấu nướng; có chuyện kể, trao đổi kinh nghiệm trong việc học từng bước về Tiếng Anh trong trường học hay học lóm những từ ngữ trong các siêu thị mà từng món đồ đều có ghi, mặc dù trong các tờ quảng cáo có đề cập đến nhưng ít ai để ý vì chỉ coi đến giá tiền và hình của món đồ.
Phim chấm dứt, chúng tôi còn ngồi tán gẫu hồi lâu mới “vãn tuồng” để ra về. Trọng và Chị Yến đưa tôi, Thành trở về Pennington rồi mới quay trở về nhà. Thêm một ngày mới qua đi! Bỗng chốc tôi lại nhớ về vợ con mà cảm thấy trong lòng buồn buồn!

Nguyên Thảo,
04/11/2018.