Wednesday, November 7, 2018

*Quê Người! (22)


Hôm nay cuối tuần chẳng có gì để làm, tôi vào phòng lấy mấy chữ Tiếng Anh ra để xem, còn Thành thì đi rảo vòng quanh trong trại. Nhưng chợt nhớ đến Bác Phạm Văn Tuynh, người tôi quen trong thời gian đi vào thư viện ở trại Sungai Bési, nên vội viết vài chữ gởi thư cho Bác. Bác đi định cư ở Sydney trước tôi khoảng nửa tháng, do được con bảo lãnh. Trước khi đi Bác cho tôi địa chỉ để liên lạc. Viết thư cho Bác thì dễ, nhưng chẳng biết viết gì nhiều chỉ hỏi thăm sức khỏe cùng cho bác biết là tôi đã đến Adelaide rồi. Thư ngắn gọn, nhưng không biết mình sẽ lấy địa chỉ nào đây, ở trong trại nầy chăng? Thôi để đến sau sẽ tính.
Lẩn quẩn lại đến giờ ăn trưa ở căng-tin. Tôi đi cùng Bác Vỹ và Bác Phương. Căng-tin vào trưa ngày Chủ Nhật thường vắng vì có nhiều người đi ra ngoài chơi, hay ai đến chở đi ăn ở đâu đó. Tôi cùng hai Bác vừa ăn, vừa tính chuyện tương lai. Chỉ ước lượng hướng đi, chứ tình hình như thế nào thì chưa nắm rõ, nên định hướng còn là cả một vấn đề.
Về phòng, tôi không biết gì làm nên lấy cái bản đồ Nam Úc của Anh Nhu cho ra xem qua coi cái tiểu bang mình đang định cư có gì đặc biệt. Xem đại khái, chứ Tiếng Anh có chữ biết chữ không đành cứ đoán mò thêm thôi. Lúc đó, tôi mới thấy rõ Tiếng Anh là rất cần thiết trong mọi vấn đề, nhất là trong hoàn cảnh “Ăn nhờ ở đậu nơi quê người, mà quê hương đó lại là sử dụng tiếng Anh”. Tôi nghĩ mình phải nỗ lực hơn nhiều! Cái vốn của mình tiếp thu lúc còn học trong trường chẳng thấm vào đâu. Ngay lúc đó thì có tiếng xe đậu bên ngoài, thì ra Trọng vào thăm tôi và thằng Thành. Hôm nay Trọng không có làm, rảnh rang nên vào chơi, tôi hỏi Trọng nếu mình viết thư ở đây thì nên lấy địa chỉ nào? Trọng cho biết nếu mình lấy địa chỉ ở đây về sau mình đi ra ngoài thì sẽ mất công hơn nhiều, thôi thì lấy địa chỉ của Trọng qua hộp thư mà nó đã mướn ở Bưu Điện thì tiện hơn. Nó nói: “Mình chỉ tốn mười mấy, hai chục đồng mà tiện được nhiều thứ, thứ nhất là mình dời nhà đi đâu thì thư cũng về hộp thư của mình, thứ hai là khi nào mình rảnh thì đến lấy, thư không bị thất lạc”. Tôi còn hỏi Trọng nhiều vấn đề khác, nhờ Trọng cho thêm vài ý kiến. Chúng tôi ngồi nói chuyện cũng khá lâu, rồi khi về Trọng cho biết tối nay sẽ đến rước tôi, Thành đến nhà Huynh để xem phim vidéo.
Tôi đang tò mò về bản đồ Nam Úc thì có tiếng gõ cửa phòng. Thì ra Bác Vỹ lại rủ tôi sang uống nước trà cùng chuyện trò với anh bạn mới vào ghé thăm. Bác Vỹ giới thiệu: “Đây là Anh Vũ Minh, chủ nhân võ đường Thái Cực Đạo Hắc Long đến thăm bọn mình đấy”! Tôi chào anh Vũ Minh rồi cùng vào chuyện với nhau. Tất nhiên là chúng tôi hỏi anh Vũ Minh nhiều hơn là anh tìm hiểu ở chúng tôi, vì dù sao anh tới trước cũng đã quen với cách sinh hoạt, nếp sống ở Úc rồi; còn chúng tôi là những người mới tới, chân ướt chân ráo nên cần phải tìm hiểu, học hỏi rất nhiều thứ, cái gì cũng mới lạ, đôi khi lại trái hẳn với sinh hoạt ở quê mình. Đến gần đến giờ ăn ở căng-tin, anh Vũ Minh mới ra về để chúng tôi đi ăn và hứa hẹn sẽ đến thăm. Phòng tôi và Thành ở kế bên phòng của Bác Phương, Bác Vỹ cũng là điều may mắn, vì những người đến thăm thường ghé thăm hai Bác, do nơi hai Bác lớn tuổi, phong cách chững chạc, mà lại có nhiều nhận xét hay của người từng trải, nhất là cái chức vụ của Bác Vỹ lúc còn trong quân đội khiến nhiều người đến thăm kính nể. Tôi được hưởng “ké” cái ân huệ ấy là mỗi khi có người đến, Bác Vỹ thường hay rủ tôi qua chơi, do vậy mà tôi cũng học được nhiều thứ, và mình không phải cảm thấy cô đơn! Nhất là đối với cái tính của tôi ít có giao lưu với bạn bè, mà lại chẳng có khiếu về ngoại giao, thường sống về nội tâm.
Chiều nay ngồi ăn với Tịnh, tôi hỏi thử Tịnh có dự tính gì chưa. Tịnh nói cũng chưa tính được gì cả, vì bây giờ đợi học Anh Văn rồi hay: “Học Anh Văn giống như mình lấy thời gian đó câu giờ để mình toan tính cho bước đường kế tiếp, chứ bây giờ mình chưa nắm bắt được gì cả thì làm sao tính tới những chuyện tiếp theo”. Tôi đồng ý với Tịnh về quan điểm đó. Tôi có hỏi Tịnh về chuyện làm giấy tờ bảo lãnh vợ con, Tịnh cho biết là đang đợi giấy tờ cũng như tôi dù khi đi Tịnh có chuẩn bị một số nhưng vẫn chưa đủ. Có lẽ với Tịnh khiến tôi ấm lòng nhất, vì hai đứa đã cùng một chuyến đi vượt biên, chia sẻ nhau trong cùng một hoàn cảnh, rồi cùng đến đây, nhất là “cái củ sắn” mà Tịnh đã trao cho tôi với câu nói: “Lúc tát nước, tôi có lượm được hai củ sắn, bây giờ anh một củ, tôi một củ” khiến tôi không thể nào quên được, dù mai nầy tôi và Tịnh không có còn gặp nhau!
Ăn xong, tôi cho Thành hay chiều tối Trọng vô rước mình đến nhà Huynh để xem vidéo, đừng đi đâu. Thế là Thành không đi rảo nữa mà về phòng viết thư cho tụi thằng Tiết Ên, Chót Ên bên Mỹ. Không biết nó viết được bao nhiêu thì trời chạng vạng tối, Trọng chỡ chị Yến vào để rước chúng tôi đến nhà Huynh.
Phải công nhận những người qua chung list với Trọng thật là thân thiết, họ về đây cùng lúc, cùng hoàn cảnh, rồi cùng nhau thỉnh thoảng tập họp đông vui. Huynh đến đây cùng với vợ con, nên mướn cái nhà có dư phòng nhỏ cho anh Sa, người cùng quê Trà Vinh chia phòng, để nhẹ đóng tiền nhà. Huynh nhảy ra đi làm sớm, và vốn thích xem phim nên mua được đầu máy xem băng hình trước, từ đó kêu bạn bè đến xem phim. Từ chỗ đó, Trọng rủ thêm tôi và Thành khiến anh em tôi đốt được nhiều giai đoạn trên xứ người trong cuộc sống. Trong lần trước cũng như lần nầy tôi quen thêm được cha con anh Hiệp, vợ chồng Trí, Mai, ngoài gia đình Kiệt, Hường. Riêng Anh Hiệp thì tôi ngờ ngợ với Anh khi biết Anh đã từng dạy ở Trường Bán Công Lái Thiêu, và quê Anh ở Hiệp Bình Xã gần đồng Chó Ngáp trên đường từ Bình Dương về Cầu Bình Triệu. Hỏi ra thì anh cũng chẳng lạ, vì trong mùa Hè đỏ lửa của năm 1972, anh cũng đã từng về công tác ở Trại Tiếp Cư Gò Đậu cùng khu B với tôi. Trong đợt đó, do chiến sự ác liệt dân các vùng cao từ Bình Long, Phước Long, Dầu tiếng, Chơn Thành phải chạy lánh nạn nên tập trung về Bình Dương, do vậy mà Trại Tiếp Cư được thành lập ở Gò Đậu nơi Trung Tâm Huấn Luyện Huỳnh Văn Lương trước kia, khi Trại Huỳnh Văn Lương được dời về Bình Hòa gần Lái Thiêu.
Tôi nhớ có đêm trực rất đông giáo viên, có hai người được kêu tên rất đặc biệt là ông “Hiệp lùn” thuộc nhân sự trường Bán Công Lái Thiêu, người thứ hai là “ông Y” của Trường Trung Học Chơn Thành từ Bình Long dời về vì tên ông chỉ có một chữ “Y dài”. Ai ngờ ông “Hiệp lùn” ấy bây giờ tôi lại gặp trên “đất khách quê người” trong nhà của Huynh. Còn ông Y, tôi chỉ ngờ ngợ là ông Y của Sở Di Trú, sẽ dạy môn “Đời Sống Mới” trong nay mai! Khi nào có dịp tôi sẽ hỏi ông Y ấy xem sao.
Vì chưa biết nên xem phim gì, nên Huynh cũng chưa mướn phim. Khi họp đông rồi mới hỏi ý kiến thì đồng ý nhau là xem phim cao bồi. Trọng lãnh nhiệm vụ chở tôi, Thành, Huynh đến tiệm cho mướn phim để tìm phim. Tiếng Anh của Trọng rất khá, mà lại với khả năng thiên phú về ăn nói, nên ông chủ Tây vui thích nói chuyện với Trọng lắm.
Có lẽ Trí, Mai là người am tường về loại phim nầy nhất. Trí biết nhiều tài tử đóng phim cao-bồi, Trí nói mà tôi đã mê rồi chứ chưa nói đến là xem phim. Coi thì coi, chỉ coi hình mà đoán chứ Tiếng Anh không đủ để hiểu về nội dung, hoặc hiểu hết nghĩa của một câu nói. Tôi nghĩ kiểu nầy chắc mình sẽ gặp nhiều khó khăn lắm trong cuộc sống sắp tới. Ngày nào đó tôi phải hỏi Anh Hiệp xem chuyện đi học lớp Thông dịch của anh như thế nào để mình biết tự sức mình mà lo liệu, hoặc xem mình có đủ sức để theo đuổi không?
Chúng tôi vừa coi phim, vừa chuyện trò đôi khi câu chuyện lại chính hơn là chuyện xem phim. Nhưng trong những câu chuyện đó khiến tôi học được nhiều điều để ứng xử về sau nầy, vì những câu chuyện ấy là những câu chuyện của họ trong việc làm, hoặc thực tế mà họ đã gặp trong đời sống. Thế cũng vui, đi làm khi rỗi rảnh lại họp nhau xem phim, ăn uống; còn các bà cùng nhau nấu nướng; có chuyện kể, trao đổi kinh nghiệm trong việc học từng bước về Tiếng Anh trong trường học hay học lóm những từ ngữ trong các siêu thị mà từng món đồ đều có ghi, mặc dù trong các tờ quảng cáo có đề cập đến nhưng ít ai để ý vì chỉ coi đến giá tiền và hình của món đồ.
Phim chấm dứt, chúng tôi còn ngồi tán gẫu hồi lâu mới “vãn tuồng” để ra về. Trọng và Chị Yến đưa tôi, Thành trở về Pennington rồi mới quay trở về nhà. Thêm một ngày mới qua đi! Bỗng chốc tôi lại nhớ về vợ con mà cảm thấy trong lòng buồn buồn!

Nguyên Thảo,
04/11/2018.



No comments:

Post a Comment