Saturday, December 26, 2020

*Sang Đức. (6)

 

Trên đường đi nầy không hiểu sao đầu óc tôi cứ lảng vảng về cái lý thuyết của ông Marx mãi. Có lẽ do nơi dấu ấn của những người hướng dẫn đã cho tôi nhiều ý niệm để có thể kiểm chứng các điều mà tôi “được biết” khi cố gắng đi tìm hiểu về cái lý thuyết khó hiểu đó; nhưng điều quan trọng hơn cả là sự thực hành, áp dụng chủ nghĩa ấy vào thực tế, nó hoàn toàn thực sự lại khác xa những gì tốt đẹp mà mấy ông Tổ đã nghĩ ra! Hay, chỉ còn ngày hôm nay nữa là tôi sẽ đi xa cái vùng đất quan trọng, mà một thời đã mang dấu ấn “sâu đậm” của cái lý tưởng mới toanh được áp dụng vào? Tôi cũng không hiểu vì sao? Nhưng chắc chắn những cái hình ảnh của các đoàn quân Hitler trong các phim kéo trí óc tôi lại trở về, cùng với những ảnh tượng một thời khủng khiếp của Bức Tường “Ô nhục” Bá linh. Cái Bức Tường ấy tôi đã đến thăm, sờ mó được nó trong ngày hôm qua. Nó chỉ là vật vô tri hiện diện lên đó để làm chứng nhân cho những người liều mạng băng qua và phải bỏ mình, giống như chúng tôi là những người vượt biển, băng rừng qua Lào, hay Kampuchia để đào thoát. Liều chết để đi tìm tương lai cho mình và con cháu trong mai sau với sự tự do hít thở khí trời!

Tôi nhìn theo những chiếc quạt gió lấy điện cao ngất cùng những luồng dây điện cao thế chạy dài, băng qua các cánh đồng mênh mông trong ánh nắng chói chang, rồi tôi lại chìm vào những thắc mắc cố hữu của cái hậu quả “thối lùi” trong sự thực hiện cái chủ nghĩa mà người ta cho rằng ưu việt nhất loài người! Không phải riêng tôi, mà bạn bè tôi cũng như bao nhiêu người khác lẫn người dân thường nghèo đói cũng đều nhìn thấy như vậy! Nhất là những người trí thức họ lại hỏi nhau: “Sao lại là như thế nhỉ”? Tôi nhớ trước kia, trong thời gian chiến tranh chế độ trước phân tích, cho hay những điều xảy ra là như thế, hay do những người từ ngoài Bắc đi vào kể lại không mấy ai tin, người ta chỉ cho là họ nói quá đáng hay là tuyên truyền, bôi xấu, chứ làm gì có chuyện đó! Đến khi những người từ trên Lộc Ninh băng rừng chạy về trại tiếp cư cho biết, người ta vẫn bảo rằng: “Không thể”! Rồi ngày Thống Nhất đến, người ta vui mừng vì chiến tranh đã chấm dứt, lòng người rộn rã, sẽ cùng nhau xây dựng lại quê hương. Chuẩn bị cho một cuộc sống tự do và hạnh phúc! Nhưng không, tất cả hình như đều ngược lại! Sau khi càn quét quân nhân, cán chính của chế độ trước vào những tại tập trung cải tạo chính trị; thì tới tịch thu mọi sách báo, tác phẩm văn hóa được gọi là đồi trụy, phản động, tàn dư của chế độ cũ; rồi tới đổi tiền mỗi gia đình chỉ được một số ít chừng vài trăm đồng để chi phí, sử dụng. Mọi người tùy theo lứa tuổi, thành phần, nghề nghiệp phải tham gia vào các tổ chức, đoàn thể sinh hoạt và kiểm soát lấy nhau cùng học tập chính trị. Ngay lúc đó thì mọi người dân đều bàng hoàng cẩn thận cho chính mình về tư tưởng, lời nói, cùng đề phòng với tất cả những người chung quanh, không dám phát ngôn bừa bãi ngay với cả con mình. Rồi, người ta cũng hiểu được thế nào là cái giá trị của một chiếc xe đạp, một cái đồng hồ và một cái đài (radio) là do đâu? Trong sự nhốn nháo, phong trào thủy lợi được vận động xây dựng tràn lan ở khắp nơi, tốn biết bao tiền của, công sức, để rồi về sau bỏ đi và trở lại nguyên trạng lúc trước. Với tình hình ban đầu ai cũng tưởng rằng ở chế độ mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn ngày trước theo tiêu chí “Cách mạng là thay cũ đổi mới, mà cái mới tốt và đẹp hơn cái cũ”, nhưng không là như vậy! Cuộc sống của người dân càng ngày càng khó khăn hơn! Rồi với sự đánh “Tư sản mại bản”, quản lý thuộc về nhà nước các nhà máy thiếu thốn nguyên liệu đành phải ngưng trệ, “Cải tạo công thương nghiệp” kéo dài người dân khan hiếm nguồn hàng hóa, hàng có sẵn thì bị kiểm kê khiến khó có thể mua được để xài. Sau đó, xe cộ lại phải vào công tư hợp doanh hoặc xe tập hợp vào công ty vận tải không thể chạy tự do như ngày xưa, cho nên sự vận chuyển bị giới hạn, đôi khi trở nên bế tắc. Các chất đốt được phân phối theo tiêu chuẩn vì thế đưa đến sự thiếu thốn so với nhu cầu, cho nên các rừng bị người dân càn quét dù nó chỉ là rừng chồi. Sự ăn cắp gỗ để chế biến hoặc sinh nhai từ các khu rừng đến bây giờ hãy còn ấy là nạn “lâm tặc” vậy! Đó là chưa kể đến những kế hoạch quản lý to tát như ngân hàng, đất đai, phân phối, giáo dục, thông tin, tuyên truyền,... đều là độc quyền nhà nước! Nhưng, cái đặc trưng nhất trong chế độ mới là sự quản lý người dân theo “hộ khẩu”. Sự độc đáo của nó là mỗi gia đình có một quyển sổ để qua đó người dân được mua hàng, phân phối theo tiêu chuẩn cho mỗi thời kỳ hay mỗi tháng tùy theo thành phần, chức vụ. Đến ngày có món hàng hay vài món gì đó được cơ quan phụ trách phân phối thì người ta phải cầm sổ sắp hàng để được mua, chính vì thế mà chữ tắt XHCN được dân gian đọc trại thành “Xếp Hàng Cả Ngày” mới mua được hàng! Hàng phân phối đâu không thấy mà có địa phương thiếu món nầy thì nơi khác thừa ra bán không được, cho nên dân chúng đành di chuyển bằng phương tiện thô sơ thuở trước như xe đạp để “buôn bán lậu” vừa kiếm tiền sinh sống, vừa phân phối cho bà con, người cần; rủi bị khám xét hay bị bắt thì lo lót chút đỉnh để trót lọt, sự “lo lót, hối lộ” ấy tùy theo mức độ lớn nhỏ, sau nầy trở thành “thủ tục đầu tiên”, “biết điều”, “bao thư” khắp mọi nơi; rồi người có quyền thế thì “đòi hỏi”, người có nhu cầu “đáp ứng” bằng cách “quà tặng”, quà do em nuôi, bà con, bạn bè “biếu” ấy mà! Tình huống ấy đã đánh bại được một đạo quân được xem là hùng mạnh và liêm chính của thuở ban đầu! Có chuyện vui kể về chuyện sổ hộ khẩu: Người ta kể lại rằng: Vì nhu yếu phẩm phân phối theo tiêu chuẩn hộ khẩu nên bà con không thể thăm viếng nhau được, vì đến thăm mà ở lại vài ngày thì lại ăn vào phần nhu yếu phẩm của gia đình ấy nên việc thăm viếng nhau không được như xưa; hoặc lấy xăng dầu đâu mà đi xa, vì vậy dù ông nhà nước không cấm thì người ta cũng không đi được. Thêm nữa, mọi thứ ông nhà nước kiểm soát, quản lý, phân phối (bao cấp) khiến đời sống dân chúng càng ngày càng thiếu thốn, khó khăn thêm làm cho nhiều người trở nên túng cùng “sanh đạo tặc” đi trộm, cướp. Dân “bắt được” giao cho chính quyền địa phương, địa phương không có “tiêu chuẩn” để nuôi, vậy người bắt phải nuôi, cho ăn. “Ăn cắp” được thì quen tay, “ở tù” mãi cũng “chai lì” nên chuyện “ăn cắp, cướp giựt, cướp của gết người” trở nên tràn lan không có gì là lạ! Tâm tính con người cũng thay đổi khá nhiều trong thời kỳ nầy, người làm thì ù lì, nhởn nhơ để người trên không dám giao công tác theo cách “né tránh”: “Làm nhiều mới bị sai nhiều, sai nhiều mới bị chửi, kiểm điểm nhiều. Không làm không sai thì lấy gì bị chửi”. Cái hiện tượng “tiêu cực” ấy nhen nhóm càng ngày càng nhiều, đã thế mà người ta dùng mưu mẹo, lấy cớ để dành nhau về vài món nhu yếu cần thiết. Có một lần anh chồng chị bạn là một người có chức vụ trong một ngành nọ nói với tôi: “Xin lỗi thầy giáo nhe, nói thật chứ trong xã hội có ngành nghề nào thì nghề giáo mấy ông đều có cả”! Tôi cảm thấy hơi đau lòng, nhưng thực sự là như thế, tôi đã từng nghe chuyện “bán trôn nuôi miệng”, hay nhiều chuyện khác lâu rồi; đạo đức con người giữ được hay không tùy theo hoàn cảnh, không ai trách được bao giờ! Trong hoàn cảnh tình huống xã hội như vậy, người ta mất phương hướng khá nhiều, rồi sầu đời hướng về ăn nhậu, không nhìn thấy được tương lai không phải là ít!

Thả hồn theo tư tưởng, hồi ức xa xăm trải dài trên những cánh đồng mênh mông trong nắng mai. Tôi chợt khựng lại với những rừng cây ven theo đường. Thông trồng san sát vào nhau như để cho nó vượt lên, không nhiều nhánh để lấy gỗ sau một thời gian nào đó, như nhiều nơi đã làm trong việc trồng cây xanh bảo vệ môi trường. Thỉnh thoảng có nơi người ta đang khai thác ở một vài khu vực. Rồi xe lại đi ra các khoảng rộng mênh mông cánh đồng. Tôi lại nhớ về các Hợp Tác Xã nông nghiệp được tổ chức sau ngày Thống Nhất.

Không biết chuyện các Nông Trường hay Hợp Tác Xã ở Liên Xô và kể cả Đông Âu nầy được tổ chức ra sao và có nhiều khó khăn không? Nhưng theo tôi nghĩ là không khó mấy vì đất liền mênh mông như thế nầy thì số người chủ vào Hợp Tác Xã sẽ không nhiều, và có thể sử dụng đến cơ giới, máy móc tất nó không phải ép buộc lắm người ta mới vào. Mà nếu họ chống lại thì sự truất hữu cũng không là chuyện lớn, hay gây khó khăn lắm cho ông nhà nước. Tôi không biết chuyện đất đai ở ngoài Bắc sau năm 1954 ra sao, nhưng chuyện Cải Cách Ruộng Đất đã là dư âm còn vương lại rất nhiều cho những thời gian sau. Khác với những Hợp Tác Xã ngành nghề, Hợp Tác Xã nông nghiệp có nhiều nhiêu khê. Nếu Hợp Tác Xã đan đát hay vài ngành khác thu hút được nhân sự khá dễ dàng, thì Hợp Tác Xã nông nghiệp trở nên khó khăn vì người nông dân không muốn đem ruộng đưa vào, để rồi mình phải đi làm theo tiếng “kẻng” và chấm công. Nếu bị bắt buộc thì người ta chỉ làm có lệ, thành quả tệ hơn nhiều, rốt cuộc chẳng đi tới đâu; càng làm càng tệ hơn, nền kinh tế thêm lụn bại, nạn sâu rầy tàn phá mùa màng vì không đủ thuốc trị, nên nạn đói thêm hoành hành. Người dân mạnh ai nấy lo cho bản thân và gia đình. Trộm cắp tràn lan, con người trở nên lì lợm, tới đâu thì tới. Cua cá trên đồng ruộng bị “quần thảo” đến đỗi chúng không sinh sản kịp cho nhu cầu! Trên đường người dân đi buôn lậu “nhỏ” thật nhiều và “tiền qua đường” càng lúc càng tăng! Trong bối cảnh chung như vậy, tôi lại nhìn về lý thuyết mà ông Marx đã phát họa thì dù có “lạc quan Cách Mạng” cách mấy đi nữa, thì xã hội trong tương lai vẫn có nhiều chứng tật khó mà chữa nỗi, vì nó đã đánh thức “bản năng sinh tồn thú tính con người” trỗi dậy! Hơn nữa, có lẽ vì muốn đẩy nhanh giai đoạn “giáo dục” tư tưởng mới cho người dân, những cuộc họp, học tập “điều tốt đẹp” của thể chế liên tục được tổ chức tuyên truyền; nhưng lại đang trong giai đoạn tồi tệ nhất của nền kinh tế, nên người dân dần không tin tưởng. Thế rồi các buổi họp người thưa dần, không kết quả, đưa đến tình trạng chung “chống không chống, theo chẳng theo”, “nhà nước nói gì thì nhà nước nói, nhà nước làm gì thì nhà nước làm” dân không màng đến nữa, họ chỉ lo sinh hoạt tìm phương cách sống, kiếm ăn: Đúng là dân “đã bất hợp tác” với chính quyền. Cái câu “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” quả lại đúng thêm một lần nữa!

Nếu tôi nhớ không lầm thì trong lý thuyết có cảnh báo bằng câu: “Xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa không khéo thì chỉ kéo dài thêm thời gian khốn khó cho toàn xã hội” thì phải? Nhưng có một điều chắc chắn là lý thuyết của Marx nói đến cuộc Cách Mạng bạo lực xảy ra khi Giai cấp Công Nhân kết hợp với Nông Dân nghèo đói đứng lên lật đổ giới chủ và địa chủ, khi đó giới chủ chỉ là thiểu số, cho nên vấn đề “dùng Bạo Lực Cách Mạng” đè bẹp, trấn áp cho thành phần đó không thể ngóc dầu lên nỗi để chúng không có cơ hội khôi phục lại quyền thế, mà lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Tuy nhiên cho đến nay với thời gian lâu dài, tiếng nói phản kháng của người dân luôn là những vấn đề “bị dập tắt, không được lưu tâm”, và mãi là “phản động, âm mưu lật đổ chính quyền, là thế lực thù địch, là do sự giật dây của ngoại bang”! Marx đâu có chủ trương chống lại với mọi người dân, mà chỉ “dùng bạo lực Cách mạng trấn áp với những thành phần phản động, culag cơ mà”. Đồng thời, khuyến khích hai giai cấp công nhân và nông dân thi đua sản xuất nhiều thành phẩm, nhu yếu cung ứng cho toàn xã hội để mọi người được “ăn no, mặc ấm” trước tiên, rồi sau đó là “Ăn ngon, mặc đẹp”, chứ đâu xem nhân dân là kẻ thù! Với quyền thế “độc tôn” trong tay, con người dễ sinh ra “hống hách, lạm quyền”, dễ đưa đến nạn kiêu binh, quyền thế, cấu kết nhau tham nhũng, cùng bao che cho nhau… được đan kết, lũng đoạn ở cả một xã hội không có gì là để phanh phui, ngăn cản!

Tôi thẫn thờ với những hình ảnh không tươi sáng của một thời kỳ quá khứ, trong đó tôi được trải qua chút ít, chẳng nhiều. Do biết thân phận mình mà tôi cố gắng xa lìa để tìm lấy tương lai cho đàn con và gia đình. Rồi đến nay, những ngày nầy tôi được đi trên các phần đất tiên phong và là cái nôi thực hiện của Chủ Nghĩa Marx- Lénin, và được nghe phần nào về kết quả của nó. Như vậy là sau khoảng 70 năm thực hiện “gay gắt” để rồi chỉ trong thời gian ngắn bị sụp đổ nhanh chóng, cái còn lại là một nền kinh tế “lẹt đẹt” đi phía sau của nhiều nước trên thế giới! Cùng với “sự sợ hãi chế độ”, người dân, họ không muốn quay trở lại những ngày gian nan, khốn khổ thời xưa cũ. Do vậy từ Nga sang Đức người ta không đưa chúng tôi đến những nơi tưởng niệm Karl Marx, Engels, Lénin, Stalin hay những lãnh tụ của Đông Đức một thời, mà chỉ là Bức Tường Bá Linh “ô nhục”, nơi mà người Đông Bá Linh muốn đào thoát sang phần đất bên kia để có cuộc sống khác hơn là cái Thiên Đàng ở phía Đông!

Rồi tôi lại chợt nhớ về trong khóa học Tiếng Anh của những ngày đầu định cư trên đất Úc, khi học chung với một bạn trẻ người Kampuchia, hắn nhắc lại lời ba hắn kể khi thoát khỏi lực lượng Pol Pot cho biết là Pol Pot giết rất nhiều người mà không cần dùng đến súng đạn, đôi khi chỉ với búa và liềm. Quả thật, trong khoảng thời gian ấy đã có phim “Killing field” trình chiếu trên truyền hình, cũng như là video được phổ biến khá rộng rải. Phim đề cập đến chính quyền Pol Pot thực hiện chế độ Cộng Sản lên đất nước và dân tộc Kampuchia một cách tàn khốc, đến đỗi thế giới xem đó là một chế độ diệt chủng với nhiều triệu người dân bị sát hại!

 

Nguyên Thảo,

21/12/2020.

 

 

 


Wednesday, December 16, 2020

*Quê Người! (38)

 

Rồi vào mấy ngày kế tiếp, tôi, Đức và Xoan vẫn tiếp tục công việc đều đặn. Xoan lái xe rước tôi cùng Đức cứ mỗi sáng từ lúc 5 giờ 45 để đi làm. Giờ làm từ 7 giờ sáng, dù tháng nầy trời tương đối nắng ấm, nhưng trên vùng đồi núi vào buổi sáng vẫn lạnh lẽo cho đến khi mặt trời lên cao hẳn. Một chiều trên đường về, xe vừa quẹo ngã ba, lên dốc, vụt có chiếc xe ngược chiều tại khúc quanh khiến Xoan vội vàng lấy tay lái lại. Xe trườn vào lề đường sỏi khiến mất thăng bằng, Xoan lật đật quay nhanh tay lái, xe lấn sang lề đường phía bên kia. Xoan lại quay nhanh tay lái sang phải lần nữa, cũng may xe nằm gọn trong đường nhựa, giữ được thăng bằng làm chúng tôi hú hồn. Từ đó tôi thường hay nhắc chừng Xoan cẩn thận hơn. Sang ngày hôm sau, sau khi đi làm về, Trọng nói với tôi là con Phượng, vợ thằng Đức có ý muốn cho thằng Đức nghỉ, nhưng chắc tới lãnh tiền xong thì thằng Đức sẽ nghỉ. Tôi yên lặng một chút không nói gì, Xoan lái xe có nhiều nguy hiểm nhưng mới đi làm, thôi thì để tính sao. Ngày kế thì cũng bình thường, không có gì để nói. Chúng tôi vẫn làm vui vẻ, ngày ấy ông chủ bảo chúng tôi sang khu vực khác phía bên kia đồi để hái trái cherry. Ông phát cho mỗi đứa một cái thùng có quay đeo trước ngực rồi đi với thằng Úc người làm chính của ông. Tới nơi, thằng Úc chỉ cho chúng tôi cách hái như thế nào cho đúng, rồi mạnh ai nấy hái. Thằng Úc nầy cũng thích nói chuyện, cứ mỗi lần nó nói thì nó lại ngưng tay, tôi mới nhớ hôm trước Trọng căn dặn và nêu lý do là tại sao tụi Úc nó không thích mình nói chuyện nhiều trong khi làm, bởi lẽ tụi nó khi làm mà nói chuyện thì nó lại ngừng tay để nghe cho rõ có lẽ do ngôn ngữ đa âm mà thường tụi nó lại nói không to; còn với người mình tiếng nói đơn âm mà to nữa nên không ảnh hưởng mấy đến việc nghe với việc làm. Tuy nhiên do tiếng Anh người mình không giỏi, nên thường nói chuyện với nhau bằng Tiếng Việt khiến người Úc không thích mấy vì họ không hiểu mình nói gì, đôi khi nó tưởng mình nói về nó, nếu mình cười nữa thì họ sinh nghi mình châm biếm về họ. Điều đó chúng tôi có thấy những lần Bob hay Joeff đến chơi, nhưng họ cũng không tỏ vẽ phiền hà vì biết trình độ Tiếng Anh của chúng tôi chưa đủ để đàm thoại. Nhiều lúc nói chuyện Tiếng Việt với nhau trước người Úc tôi lại thấy hơi kỳ kỳ, nhưng mình không thể làm khác hơn được. Có một lần, hồi đi học dưới Sài Gòn, khi tôi đi trên đường Nguyễn Trải từ trong Chợ Lớn ra, giữa chừng đột nhiên mưa to nên phải vội vàng tắp vào hàng hiên của một dãy phố tránh mưa. Cùng lúc có một đám trẻ choai choai người Tàu cũng chun vào đục mưa. Ôi tụi nó nói chuyện rất ồn ào bằng Tiếng Quảng Đông, nghe mà nhức đầu. Thỉnh thoảng làm như bí quá chúng lại thốt lên những tiếng “chửi thề” bằng Tiếng Việt. Trong lòng tôi có nhiều bực mình, nhưng nghĩ lại cũng khá tức cười. Rồi có thể bây giờ biết đâu mình lại gây cho người khác cảm giác như vậy khi mình lang thang trên xứ người! Giống như tôi đã kể có một lần trên xe buýt Hiệp và Kim nói chuyện lớn tiếng khiến một người Úc say tiến đến làm dữ và thốt lên “Mầy phải nói bằng Tiếng Anh”!

Rồi lại thêm một sáng, trên đường lên đến gần nơi chỗ làm, ngay chỗ đoạn cua quanh của ngã ba, Xoan quẹo nhanh về tay phải khi qua cua, vì khúc quanh khá “gắt” khiến xe muốn đâm vào trong nhà người ta làm Xoan lật đật quay nhanh tay lái, xe lại đâm sang lề bên kia rồi len giữa hai cây bên đường lọt xuống phía dưới sâu khoảng một thước. Chúng tôi xuống xe xem có hư gì không, thì ra xe len giữa hai cây to, húc văng tảng đá lớn rồi lọt ở nơi nầy. Xoan mở nắp “cạc bô”, rồi mở nắp bình nước. Nước nóng phụt văng vòi lên. Xoan lại lấy nước uống chế vào! Cũng may là xe và chúng tôi không có gì, mà xe lại quay về hướng đi lên. Chúng tôi tiếp tục lên chỗ làm. Làm đến khoảng 11 giờ, Xoan đòi đi về, nói là bữa nay khoảng 3 giờ phải đi thi, thì ra Xoan chưa có bằng lái xe. Hôm nay Xoan đi thi bằng P. Chúng tôi xin ông chủ đi về mai lên làm!

Chiều về tôi kể lại cho Trọng, Thành, chị Yến nghe. Ai cũng thấy nguy hiểm. Trọng nói “Hên cho tụi bây đó, may là không có gì, nhất là xe không hư máy, vì khi nước hết, máy xe đang nóng mà đổ nước lạnh vào có khi máy xe bị nứt thì hết xài, phải thay máy khác. Chẳng có gì là tụi bây hên lắm đó”!

Sáng hôm sau, Xoan đến nhà rước tôi đi, nhưng lại là một xe khác. Người lái là Anh Tân, không có Đức. Anh Tân là anh vợ của Xoan thay Đức đi làm, Đức đã nghỉ. Anh Tân chở chúng tôi và chúng tôi trả tiền xăng phụ anh. Đức nghỉ, người nói Tiếng Anh chính bây giờ là tôi. Tôi phải mạnh dạn và nói “đại” lên dù là đúng hay không đúng “văn phạm”. Cái chính là phải nghe được nghĩa của câu hỏi, rồi mới tìm chữ để ráp câu trả lời sau. Nếu câu trả lời của mình mà người ta không hiểu thì tìm cách diễn tả khác để trả lời. Tôi lại nghĩ về nhưng người Kampuchia hay người Tàu cũng đã ở lâu năm trên đất Việt Nam, họ cũng không nói rành Tiếng Việt, thì bây giờ tôi cũng giống như họ thôi, vì Tiếng Anh không là ngôn ngữ của mình thì mình làm sao giỏi được dù tôi có học chút ít khi còn học ở bậc Trung học, nhưng nó chỉ là “sinh ngữ 2”, và qua vài tháng trong trường ở xứ sở nầy; nhất là tôi lại không có khiếu về chuyện học ngoại ngữ, cùng với trí nhớ rất ư là “tồi tệ”! Làm trong ngày thì mới biết là hôm qua khi Xoan về đến nhà, tắm rửa soạn xe đi thi khi đến ngay bùng binh gần nhà lại đụng vào xe kéo của ông già Úc nào đó, xe Xoan đã bị hư, nhưng sau đó nhờ anh Tân chở đi thi và Xoan đã đậu được bằng P, tức là bằng được lái xe chính thức, chứ không là lái lậu như trước kia! Từ đó, anh Tân cùng đi làm và chở tôi, Xoan đi theo, tất nhiên là chúng tôi cũng trả chi phí cho anh mỗi ngày cũng như bao nhiêu người khác đi làm trên vùng đồi núi nầy. Anh Tân đã từng đi làm vài nơi nên anh đã rõ đường đi và lái xe vững vàng hơn, tôi thấy tương đối yên tâm trong lòng, không còn phập phồng như lúc Xoan lái, chắc do từ nơi tính tình của mỗi con người.

Một chiều tối sau bữa ăn Trọng cùng chúng tôi ngồi bàn chuyện với nhau, thì Trọng cho biết đã gặp Phượng, Phượng cho hay là Xoan lái xe nguy hiểm quá nên không đồng ý cho Đức đi làm nữa, và để đi tìm việc khác. Rồi sau đó, Trọng đưa ý kiến là mình nên vào bảo hiểm AMP, tức là bảo hiểm nhân thọ thì tốt hơn, Trọng nói sơ qua về những điều nó được nghe kể về loại bảo hiểm nầy và nó nói: “Mình cũng nên dành chút ít mỗi tháng đóng vào bảo hiểm đó để phòng hờ, rủi mình có chuyện gì thì gia đình còn nhờ vả vào số tiền bồi thường mạng sống khi mình không may”! Tôi, Thành, chị Yến đồng tình với ý kiến của nó. Trọng cho hay nếu như vậy để hôm nào nó hẹn với anh Lâm, nhân viên người Việt đại diện cho AMP đến đến để hỏi thăm chi tiết rồi sẽ quyết định.

Tối nằm, tôi suy nghĩ điều đóng tiền vào “bảo hiểm nhân thọ AMP là điều hợp lý, và khiến cho tôi yên tâm hơn. Vì trong cuộc đời, không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra với mình. Trên bước đường vượt biên tôi đã may mắn đi chỉ một lần trót lọt, không bị bắt, không phải chết trên biển, và gặp nguy hiểm như rất nhiều người khác, tôi tin vào “số mệnh”! Nhưng khi nghĩ về vợ con thì tôi lại thấy “chạnh lòng”! Sự ra đi của tôi khiến họ lâm vào vào nhiều tình huống không dễ xoay sở, nhất là vấn đề kinh tế “nghèo đói, muôn vàn khó khăn” khi đất nước tổ chức theo cơ chế Xã hội Chủ nghĩa của chế độ Cộng Sản: Một là mất đi vai trò đóng góp của tôi trong gia đình, hai là lý lịch lại đè nặng trên tương lai của các con tôi. Tôi đã từng chứng kiến để hiểu sự “trả thù giai cấp” của chính quyền mới trên những người làm việc trong chế độ cũ lẫn con cái của họ. Trong đó vợ chồng tôi thuộc thành phần nhẹ vì tôi không có đi lính cũng như không có cương vị quan trọng nào mà chỉ là những giáo viên quèn dạy học, nhưng dù gì thì các con tôi cũng khó mà tiến thân hơn cho đến mấy đời sau vì tính theo “chuỗi lý lịch ba đời” của người Cộng Sản. Chính vì thế mà tôi đã quyết tâm chọn con đường “rời xa quê hương, và để đất nước lại dành riêng cho người Cộng Sản” khi nào có dịp!

Tôi lại nghĩ đến những lần bệnh hoạn trên con đường “lưu vong”, tôi đã cố gắng vượt qua để bảo tồn mạng sống của mình mà hoàn thành nhiệm vụ vượt biên: “Bảo lãnh vợ con ra khỏi Việt Nam, ra khỏi cái khung trời ngột ngạt, đầy phân biệt đối xử vì giai cấp”! Nhưng trong những khoảng thời gian chờ đợi nầy nếu thình lình tôi chết đi thì sao? Không phải đến bây giờ tôi mới nghĩ đến điều đó, mà khi bắt đầu cho chuyến đi tôi đã có bàn và nghĩ đến khi tôi từ giã vợ tôi. Tuy nhiên, khi chuyến vượt biển thành công thì sự “bảo vệ tính mạng” của mình lại cần thiết hơn nhiều, vì đó mới chính là “điều cần thiết” để tôi hoàn thành sự cam kết của tôi với gia đình! Có nhiều người không chết trên biển, lại chết trên đảo tị nạn; rồi lại có người khi được định cư trên quê người thì lại chết hoặc vì bệnh hay vì tai nạn xe cộ. Tôi không biết số phận mình ra sao? Và kéo theo vợ, con thế nào? Thôi thì “tới đâu hay tới đó”! Từ đó, tôi thấy sự tham gia vào bảo hiểm nhân thọ AMP như là sự an ủi sau cùng cho vợ con tôi, nếu “một mai tôi không còn sống sót” nhất là trong vấn đề giao thông rất có nhiều rủi ro như chúng tôi có đôi lần trải qua!

Công việc của anh Tân, Xoan và tôi vẫn tiến hành đều đặn được khoảng hơn tuần thì anh Tân có chuyện gì đó cho chúng tôi hay là anh sẽ nghỉ để đi làm chuyện khác và sẽ có anh bạn thay anh. Đó là anh Sơn. Thực ra chuyện làm ở trên farm hay rẫy chỉ là những công việc tạm thời, ngắn hạn để mọi người lo kiếm tiền trong thời gian nào đó, rồi người ta cũng phải tìm kiếm một công việc cố định suốt trong năm, hay thích hợp hơn mà chọn lấy để củng cố tương lai cho họ và gia đình, nhất là sau khi họ được vay tiền để mua căn nhà làm “tổ ấm” cho gia đình theo như trong tục ngữ, ca dao của mình đã có câu “an cư mới lạc nghiệp”! Chuyện đi xin việc ở các hãng cũng không là chuyện dễ vì nó đòi hỏi có nhiều nhân tố và may mắn: Trước hết là sức vóc, tuổi tác, trình độ Tiếng Anh, lại thêm đúng thời gian nữa. Nếu còn trẻ thì có nhiều cơ hội, tiếng Anh khá cũng dễ được chọn hơn, nhưng lại đến xin không đúng thời gian nó cần người thì cũng như không “Đi không lại phải về không” giống như tôi và Thông, hay với Kim đã có vài lần lặn lội xa xôi, thức sớm, đến nơi chỉ nghe có câu trả lời “Không có việc trong lúc nầy”, thế thôi! Do đó, đa số người mình cũng như nhiều di dân khác bước đầu lập nghiệp đều bắt đầu bằng công việc dễ nhất là dùng sức mình để đi làm công, hay tiếng gọi nôm na là “làm mướn” vậy!

 

Nguyên Thảo,

16/12/2020.