Rồi vào mấy ngày
kế tiếp, tôi, Đức và Xoan vẫn tiếp tục công việc đều đặn. Xoan lái xe rước tôi
cùng Đức cứ mỗi sáng từ lúc 5 giờ 45 để đi làm. Giờ làm từ 7 giờ sáng, dù tháng
nầy trời tương đối nắng ấm, nhưng trên vùng đồi núi vào buổi sáng vẫn lạnh lẽo
cho đến khi mặt trời lên cao hẳn. Một chiều trên đường về, xe vừa quẹo ngã ba,
lên dốc, vụt có chiếc xe ngược chiều tại khúc quanh khiến Xoan vội vàng lấy tay
lái lại. Xe trườn vào lề đường sỏi khiến mất thăng bằng, Xoan lật đật quay
nhanh tay lái, xe lấn sang lề đường phía bên kia. Xoan lại quay nhanh tay lái
sang phải lần nữa, cũng may xe nằm gọn trong đường nhựa, giữ được thăng bằng làm
chúng tôi hú hồn. Từ đó tôi thường hay nhắc chừng Xoan cẩn thận hơn. Sang ngày hôm
sau, sau khi đi làm về, Trọng nói với tôi là con Phượng, vợ thằng Đức có ý muốn
cho thằng Đức nghỉ, nhưng chắc tới lãnh tiền xong thì thằng Đức sẽ nghỉ. Tôi yên
lặng một chút không nói gì, Xoan lái xe có nhiều nguy hiểm nhưng mới đi làm, thôi
thì để tính sao. Ngày kế thì cũng bình thường, không có gì để nói. Chúng tôi vẫn
làm vui vẻ, ngày ấy ông chủ bảo chúng tôi sang khu vực khác phía bên kia đồi để
hái trái cherry. Ông phát cho mỗi đứa một cái thùng có quay đeo trước ngực rồi đi
với thằng Úc người làm chính của ông. Tới nơi, thằng Úc chỉ cho chúng tôi cách
hái như thế nào cho đúng, rồi mạnh ai nấy hái. Thằng Úc nầy cũng thích nói chuyện,
cứ mỗi lần nó nói thì nó lại ngưng tay, tôi mới nhớ hôm trước Trọng căn dặn và
nêu lý do là tại sao tụi Úc nó không thích mình nói chuyện nhiều trong khi làm,
bởi lẽ tụi nó khi làm mà nói chuyện thì nó lại ngừng tay để nghe cho rõ có lẽ
do ngôn ngữ đa âm mà thường tụi nó lại nói không to; còn với người mình tiếng nói
đơn âm mà to nữa nên không ảnh hưởng mấy đến việc nghe với việc làm. Tuy nhiên do
tiếng Anh người mình không giỏi, nên thường nói chuyện với nhau bằng Tiếng Việt
khiến người Úc không thích mấy vì họ không hiểu mình nói gì, đôi khi nó tưởng mình
nói về nó, nếu mình cười nữa thì họ sinh nghi mình châm biếm về họ. Điều đó chúng
tôi có thấy những lần Bob hay Joeff đến chơi, nhưng họ cũng không tỏ vẽ phiền hà
vì biết trình độ Tiếng Anh của chúng tôi chưa đủ để đàm thoại. Nhiều lúc nói
chuyện Tiếng Việt với nhau trước người Úc tôi lại thấy hơi kỳ kỳ, nhưng mình không
thể làm khác hơn được. Có một lần, hồi đi học dưới Sài Gòn, khi tôi đi trên đường
Nguyễn Trải từ trong Chợ Lớn ra, giữa chừng đột nhiên mưa to nên phải vội vàng
tắp vào hàng hiên của một dãy phố tránh mưa. Cùng lúc có một đám trẻ choai
choai người Tàu cũng chun vào đục mưa. Ôi tụi nó nói chuyện rất ồn ào bằng Tiếng
Quảng Đông, nghe mà nhức đầu. Thỉnh thoảng làm như bí quá chúng lại thốt lên những
tiếng “chửi thề” bằng Tiếng Việt. Trong lòng tôi có nhiều bực mình, nhưng nghĩ
lại cũng khá tức cười. Rồi có thể bây giờ biết đâu mình lại gây cho người khác
cảm giác như vậy khi mình lang thang trên xứ người! Giống như tôi đã kể có một
lần trên xe buýt Hiệp và Kim nói chuyện lớn tiếng khiến một người Úc say tiến đến
làm dữ và thốt lên “Mầy phải nói bằng Tiếng Anh”!
Rồi lại thêm một
sáng, trên đường lên đến gần nơi chỗ làm, ngay chỗ đoạn cua quanh của ngã ba,
Xoan quẹo nhanh về tay phải khi qua cua, vì khúc quanh khá “gắt” khiến xe muốn đâm
vào trong nhà người ta làm Xoan lật đật quay nhanh tay lái, xe lại đâm sang lề
bên kia rồi len giữa hai cây bên đường lọt xuống phía dưới sâu khoảng một thước.
Chúng tôi xuống xe xem có hư gì không, thì ra xe len giữa hai cây to, húc văng
tảng đá lớn rồi lọt ở nơi nầy. Xoan mở nắp “cạc bô”, rồi mở nắp bình nước. Nước
nóng phụt văng vòi lên. Xoan lại lấy nước uống chế vào! Cũng may là xe và chúng
tôi không có gì, mà xe lại quay về hướng đi lên. Chúng tôi tiếp tục lên chỗ làm.
Làm đến khoảng 11 giờ, Xoan đòi đi về, nói là bữa nay khoảng 3 giờ phải đi thi,
thì ra Xoan chưa có bằng lái xe. Hôm nay Xoan đi thi bằng P. Chúng tôi xin ông
chủ đi về mai lên làm!
Chiều về tôi kể
lại cho Trọng, Thành, chị Yến nghe. Ai cũng thấy nguy hiểm. Trọng nói “Hên cho
tụi bây đó, may là không có gì, nhất là xe không hư máy, vì khi nước hết, máy
xe đang nóng mà đổ nước lạnh vào có khi máy xe bị nứt thì hết xài, phải thay máy
khác. Chẳng có gì là tụi bây hên lắm đó”!
Sáng hôm sau,
Xoan đến nhà rước tôi đi, nhưng lại là một xe khác. Người lái là Anh Tân, không
có Đức. Anh Tân là anh vợ của Xoan thay Đức đi làm, Đức đã nghỉ. Anh Tân chở chúng
tôi và chúng tôi trả tiền xăng phụ anh. Đức nghỉ, người nói Tiếng Anh chính bây
giờ là tôi. Tôi phải mạnh dạn và nói “đại” lên dù là đúng hay không đúng “văn
phạm”. Cái chính là phải nghe được nghĩa của câu hỏi, rồi mới tìm chữ để ráp câu
trả lời sau. Nếu câu trả lời của mình mà người ta không hiểu thì tìm cách diễn
tả khác để trả lời. Tôi lại nghĩ về nhưng người Kampuchia hay người Tàu cũng đã
ở lâu năm trên đất Việt Nam, họ cũng không nói rành Tiếng Việt, thì bây giờ tôi
cũng giống như họ thôi, vì Tiếng Anh không là ngôn ngữ của mình thì mình làm
sao giỏi được dù tôi có học chút ít khi còn học ở bậc Trung học, nhưng nó chỉ là
“sinh ngữ 2”, và qua vài tháng trong trường ở xứ sở nầy; nhất là tôi lại không
có khiếu về chuyện học ngoại ngữ, cùng với trí nhớ rất ư là “tồi tệ”! Làm trong
ngày thì mới biết là hôm qua khi Xoan về đến nhà, tắm rửa soạn xe đi thi khi đến
ngay bùng binh gần nhà lại đụng vào xe kéo của ông già Úc nào đó, xe Xoan đã bị
hư, nhưng sau đó nhờ anh Tân chở đi thi và Xoan đã đậu được bằng P, tức là bằng
được lái xe chính thức, chứ không là lái lậu như trước kia! Từ đó, anh Tân cùng
đi làm và chở tôi, Xoan đi theo, tất nhiên là chúng tôi cũng trả chi phí cho
anh mỗi ngày cũng như bao nhiêu người khác đi làm trên vùng đồi núi nầy. Anh Tân
đã từng đi làm vài nơi nên anh đã rõ đường đi và lái xe vững vàng hơn, tôi thấy
tương đối yên tâm trong lòng, không còn phập phồng như lúc Xoan lái, chắc do từ
nơi tính tình của mỗi con người.
Một chiều tối
sau bữa ăn Trọng cùng chúng tôi ngồi bàn chuyện với nhau, thì Trọng cho biết đã
gặp Phượng, Phượng cho hay là Xoan lái xe nguy hiểm quá nên không đồng ý cho Đức
đi làm nữa, và để đi tìm việc khác. Rồi sau đó, Trọng đưa ý kiến là mình nên vào
bảo hiểm AMP, tức là bảo hiểm nhân thọ thì tốt hơn, Trọng nói sơ qua về những điều
nó được nghe kể về loại bảo hiểm nầy và nó nói: “Mình cũng nên dành chút ít mỗi
tháng đóng vào bảo hiểm đó để phòng hờ, rủi mình có chuyện gì thì gia đình còn
nhờ vả vào số tiền bồi thường mạng sống khi mình không may”! Tôi, Thành, chị Yến
đồng tình với ý kiến của nó. Trọng cho hay nếu như vậy để hôm nào nó hẹn với
anh Lâm, nhân viên người Việt đại diện cho AMP đến đến để hỏi thăm chi tiết rồi
sẽ quyết định.
Tối nằm, tôi suy
nghĩ điều đóng tiền vào “bảo hiểm nhân thọ AMP là điều hợp lý, và khiến cho tôi
yên tâm hơn. Vì trong cuộc đời, không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra với
mình. Trên bước đường vượt biên tôi đã may mắn đi chỉ một lần trót lọt, không bị
bắt, không phải chết trên biển, và gặp nguy hiểm như rất nhiều người khác, tôi
tin vào “số mệnh”! Nhưng khi nghĩ về vợ con thì tôi lại thấy “chạnh lòng”! Sự
ra đi của tôi khiến họ lâm vào vào nhiều tình huống không dễ xoay sở, nhất là vấn
đề kinh tế “nghèo đói, muôn vàn khó khăn” khi đất nước tổ chức theo cơ chế Xã hội
Chủ nghĩa của chế độ Cộng Sản: Một là mất đi vai trò đóng góp của tôi trong gia
đình, hai là lý lịch lại đè nặng trên tương lai của các con tôi. Tôi đã từng chứng
kiến để hiểu sự “trả thù giai cấp” của chính quyền mới trên những người làm việc
trong chế độ cũ lẫn con cái của họ. Trong đó vợ chồng tôi thuộc thành phần nhẹ
vì tôi không có đi lính cũng như không có cương vị quan trọng nào mà chỉ là những
giáo viên quèn dạy học, nhưng dù gì thì các con tôi cũng khó mà tiến thân hơn
cho đến mấy đời sau vì tính theo “chuỗi lý lịch ba đời” của người Cộng Sản. Chính
vì thế mà tôi đã quyết tâm chọn con đường “rời xa quê hương, và để đất nước lại
dành riêng cho người Cộng Sản” khi nào có dịp!
Tôi lại nghĩ đến
những lần bệnh hoạn trên con đường “lưu vong”, tôi đã cố gắng vượt qua để bảo tồn
mạng sống của mình mà hoàn thành nhiệm vụ vượt biên: “Bảo lãnh vợ con ra khỏi Việt
Nam, ra khỏi cái khung trời ngột ngạt, đầy phân biệt đối xử vì giai cấp”! Nhưng
trong những khoảng thời gian chờ đợi nầy nếu thình lình tôi chết đi thì sao? Không
phải đến bây giờ tôi mới nghĩ đến điều đó, mà khi bắt đầu cho chuyến đi tôi đã
có bàn và nghĩ đến khi tôi từ giã vợ tôi. Tuy nhiên, khi chuyến vượt biển thành
công thì sự “bảo vệ tính mạng” của mình lại cần thiết hơn nhiều, vì đó mới chính
là “điều cần thiết” để tôi hoàn thành sự cam kết của tôi với gia đình! Có nhiều
người không chết trên biển, lại chết trên đảo tị nạn; rồi lại có người khi được
định cư trên quê người thì lại chết hoặc vì bệnh hay vì tai nạn xe cộ. Tôi không
biết số phận mình ra sao? Và kéo theo vợ, con thế nào? Thôi thì “tới đâu hay tới
đó”! Từ đó, tôi thấy sự tham gia vào bảo hiểm nhân thọ AMP như là sự an ủi sau
cùng cho vợ con tôi, nếu “một mai tôi không còn sống sót” nhất là trong vấn đề
giao thông rất có nhiều rủi ro như chúng tôi có đôi lần trải qua!
Công việc của
anh Tân, Xoan và tôi vẫn tiến hành đều đặn được khoảng hơn tuần thì anh Tân có
chuyện gì đó cho chúng tôi hay là anh sẽ nghỉ để đi làm chuyện khác và sẽ có
anh bạn thay anh. Đó là anh Sơn. Thực ra chuyện làm ở trên farm hay rẫy chỉ là
những công việc tạm thời, ngắn hạn để mọi người lo kiếm tiền trong thời gian nào
đó, rồi người ta cũng phải tìm kiếm một công việc cố định suốt trong năm, hay
thích hợp hơn mà chọn lấy để củng cố tương lai cho họ và gia đình, nhất là sau
khi họ được vay tiền để mua căn nhà làm “tổ ấm” cho gia đình theo như trong tục
ngữ, ca dao của mình đã có câu “an cư mới lạc nghiệp”! Chuyện đi xin việc ở các
hãng cũng không là chuyện dễ vì nó đòi hỏi có nhiều nhân tố và may mắn: Trước hết
là sức vóc, tuổi tác, trình độ Tiếng Anh, lại thêm đúng thời gian nữa. Nếu còn
trẻ thì có nhiều cơ hội, tiếng Anh khá cũng dễ được chọn hơn, nhưng lại đến xin
không đúng thời gian nó cần người thì cũng như không “Đi không lại phải về không”
giống như tôi và Thông, hay với Kim đã có vài lần lặn lội xa xôi, thức sớm, đến
nơi chỉ nghe có câu trả lời “Không có việc trong lúc nầy”, thế thôi! Do đó, đa
số người mình cũng như nhiều di dân khác bước đầu lập nghiệp đều bắt đầu bằng công
việc dễ nhất là dùng sức mình để đi làm công, hay tiếng gọi nôm na là “làm mướn”
vậy!
Nguyên Thảo,
16/12/2020.
No comments:
Post a Comment