Saturday, August 21, 2021

*Như: "Con Mèo Dấu Cức"!

 

Trước hết cho Đồ Ngông tôi xin lỗi về cái tựa đề khá tục tĩu nầy, vì Đồ Ngông không muốn né tránh cái chữ mà trong “Tục ngữ, ca dao” đã có! Thông thường để né tránh, người ta sẽ viết là “c..”, nhưng “Tại sao ta phải làm như thế khi ông bà ta đã chẳng hề né tránh mà lại diễn tả một cách thẳng thừng! Ừ! Thôi thì ta sẽ theo cách bình dân để hòa mình với dân gian vậy!

Thú thật, ngày xưa khi nghe nói đến “Mèo dấu cức” thì lúc đó Đồ tôi chẳng thấy con mèo “ỉa” lúc nào cả, nên không hề biết nó “dấu cức” ra sao? Sự tò mò khiến Đồ Ngông tôi thắc mắc mãi, có nhiều lúc hỏi người lớn, nhưng họ cũng chưa hề thấy mèo ỉa và dấu cức như thế nào thì làm sao nói được. Thế là tôi thất vọng, mang nỗi niềm ấy theo mình trong một thời gian thật là dài! Thế rồi, trời cũng không phụ lòng người “muốn biết”, cho nên một ngày nằm nghỉ trên ghế bố nhìn ra ngoài trời nắng chang chang của mùa hè: Vừa thiu thiu buồn ngủ, nhưng đột nhiên lại ngoái nhìn về khu đất trống có cát kế bụi cây, một con mèo ngang nhiên hạ phần đít xuống thấp, làm công việc vệ sinh. Sau khi xong xuôi nó cẩn thận lấy chân trước khều nhẹ nhàng các miếng cát dần che lấp đống cức mà nó vừa “ị” ra. Nó cẩn thận đến nỗi mình không thấy có phần nào trống. Rồi sau đó, trong khoảng thời gian Đồ Ngông tôi dần lớn lên, nghe nói đến “những vụ ăn vụng” mà họ “quẹt mỏ” thật là khéo léo, từ ăn vụng “thức ăn” đến những “vụ ăn vụng trái cấm” của đời người, người ta tài tình không kém. Thế nhưng, qua thời gian dù kín đáo đến thế nào đi nữa, thì ngày nào đó cũng phải có sự sơ xuất xảy ra và đổ bể không thể che đậy được; giống như tục ngữ, ca dao có một câu khác là “cây kim dấu trong bọc lâu ngày thì cũng phải lòi ra”. Trong cuộc đời nhiều thủ đoạn, với những chuyện làm không chính đáng, không đàng hoàng hay là bí ẩn, lén lút, âm mưu, thường người ta cố gắng phá bỏ dấu vết, che đậy thật kỹ bằng các chứng cớ tạo ra hòng đánh lừa được những kẻ có thẩm quyền điều tra, hay những cặp mắt tò mò “muốn biết”, hoặc tìm ra sự thật!

Rồi theo thời gian, Đồ Ngông tôi lại nhìn thấy nhan nhản cùng tình huống trong thực tế của cuộc đời đầy thương đau, lọc lừa trên thế gian đau khổ nầy. Sự dối trá che đậy không phải thể hiện ở từng cá nhân mà nó còn tiến xa hơn nữa cho đến từng nhóm người, đảng phái lẫn ở các quốc gia hay trên trường quốc tế. Chung quy người ta chỉ muốn che đậy tất cả những gì không tốt, không thiện, gian xảo, ác độc để tạo nên hình ảnh tốt đẹp hầu chiếm đoạt được lòng người, tạo được thế thượng phong đối với người khác hay kẻ thù mà ông bà ta ngày xưa gọi là “tốt khoe, xấu che”, bên cạnh cái mưu đồ vĩ đại phía sau!

Mấy lúc gần đây, trên các phương tiện truyền thông, Đồ tôi lại thấy chính quyền Tàu thường áp dụng chính sách ngoại giao “soái lang” hung hãn, đe dọa, trấn áp trong mọi lúc với các quốc gia dù nhỏ hay lớn. Các nước nhỏ đành phải lặng câm vì mình không đủ “sức mạnh” để cất lên tiếng nói phản kháng, ngay cả chỉ bày tỏ chính kiến của mình, mà chỉ lẳng lặng, ra sao thì ra để được yên thân. Với các nước lớn thì từng lúc mà họ tỏ thái độ quyết liệt hay hòa hoãn theo kiểu “Lùi một bước để tiến ba bước” trong sách lược của ông Tổ lý thuyết thứ nhì đã vạch ra! Chiến quốc sách ấy vừa là “chiêu thực mà cũng là chiêu hư” để họ giành được quyền lãnh đạo trên thế giới nầy vì họ là nước lớn, đông dân. Và sau thời gian dài nhờ vào sự thờ ơ của các quốc gia khác đã tiếp sức cho họ giàu có hơn, qua sự đầu tư vào cái “thị trường đông dân, giá rẽ”, giới tư bản bị “say mê món lợi, đút đầu vào cái thòng lọng đợi chờ ngày “bị xiết cổ”, hoặc góp phần bán đứng “tổ quốc” của mình lúc nào không hay! “Cái chiêu thực” là họ có sự phát triển mạnh hơn về kinh tế, sự giàu có góp phần cho họ phát triển về vũ khí, kỹ thuật chiến tranh, họ có thừa kinh nghiệm vì suốt thời gian lịch sử của họ là lịch sử mở rộng lãnh thổ bằng chiến tranh; bằng sách lược, bằng hình thức hối lộ, mua chuộc để tạo thành các ông vua, giới lãnh đạo chư hầu. Họ lợi dụng được “sự ngây thơ” của kẻ thù để “học hỏi, đánh cắp, sao chép” mọi kỹ thuật, khoa học mà các nước đã có. Từ sự phát triển thực, họ có những “chiêu hư” giống như kiểu “nghi binh” trong các cuộc chiến tranh của thời chiến quốc để kẻ thù chẳng biết là “thực hay hư”, mà chỉ biết “nó là thằng đáng gờm”!

Bên cạnh đó là sự thống nhất chỉ đạo từ sự giáo dục, tuyên truyền lẫn tuyên giáo, tạo nên “hỏa mù” cùng với những thành phần “cốt cán” của tổ chức nhất loạt tung hô, vang rân làm cho người ta không biết thế nào, cũng là “nồ” lên để cho thế gian hoãng sợ và cướp được tinh thần kẻ khác. Thêm vào đó “Thi nhau kể một chuyện tốt” cho đất nước; họ nhằm lấp liếm, che đậy mọi cái xấu, tàn ác, áp bức mà họ đang thi hành, thực hiện để đạt được mưu đồ! Do đó, mọi những gì xấu xa, người ta cố che đậy, dấu diếm để người ngoài chỉ thấy toàn là cái tốt như những gì mà đã tuyên truyền hay giáo dục mà những người thừa hành hay nhân lực được đào tạo trung thành từng “tung hô vạn tuế”! Đó là những cảnh như là “Con mèo dấu cức”!

 

Đồ Ngông,

21/08/2021.

 

 

 


No comments:

Post a Comment