Trong năm nầy chiến sự có nhiều thay đổi.
Đất nước được ngưng chiến không còn lính Tây đi bố nữa, mà trên báo chí đăng
tin hòa bình theo Hiệp Định Genève gì đó. Sau đó không lâu, có nhiều đoàn người
từ Bắc vô Nam gọi là di cư, và một số bộ đội lại Tập Kết ở những địa điểm để kéo
lần ra Bắc. Đất nước bị chia thành hai miền. Tôi theo cùng gia đình ra bìa Hố Đá
để đưa tiễn Chú Sáu Đẹp, chú ruột của Nghĩa tập kết ra Bắc. Có những chiều mưa
lất phất vài chiếc xe bò chở những bộ đội thương binh đi về phía trong Tân Long,
không biết họ đi ra Bắc bằng đường nào? Và ở khoảng thời gian nầy Thầy và Cô giáo
Khai cất nhà ở phía sau trường học, cùng hai người con trai lớn hơn tôi một chút
cũng về ở chung: Hùng và Cảnh. Cảnh trắng trẻo rất đẹp trai và sáng sủa, Hùng
không bằng, hơi đen. Hai anh học ở nơi nào đó mà chúng tôi không biết được.
Xong hết khóa nầy theo lẽ đám học trò chúng tôi được lên Lớp Ba, nhưng vì Thầy
Thăng nghỉ dạy cho nên Lớp Ba không có Thầy, do vậy mà cả bọn lại “nhảy tọt” lên
học trên Lớp Nhì với Thầy Khòm. Thầy rất nghiêm cho nên đứa nào cũng sợ. Với Thầy,
lớp thỉnh thoảng có nhiều học trò phải nằm trên bàn để đánh đòn thay vì bị phạt.
Nhà Thầy trên Cống Ông Huyện, Thầy đến trường bằng xe đạp.
Đất
nước hòa bình rồi không còn tiếng súng, không còn chun hầm nữa. Nhưng người ta
cũng chưa tin hẳn điều đó vì vậy chuyện lấp hầm còn chậm chạp lắm. Kế bên Trường
Tàu được khai phá các chồi cây, bang bằng rồi cất lên một rạp hát, nghe nói của
Thầy Giáo Khai hùn với mấy người nữa. Trong rạp được trang bị bằng nhiều băng dài
để cho khán giả ngồi coi. Gian chính giữa rộng có hai dãy băng hai bên, khoảng
giữa là đường đi. Hai bên hông kê những băng ngắn hơn dành cho khán giả ít tiền.
Thuở đó thường là những gánh hát bội về hát những tuồng cổ dựa theo những truyện
Tàu, nên người đi coi cũng khá đông nhất là trong giai đoạn đầu. Đoàn hát thường
có máy phát điện để chạy đèn, âm thanh và những thứ cần thiết. Từ ngày có rạp hát
sự sinh hoạt ở chợ vui hẳn lên. Chiều chiều đã có xe ngựa chở trống đánh thùng
thùng đi quảng cáo, tụi nhỏ như chúng tôi chạy theo xin giấy xem đứa nào được
nhiều. Đến tối thì tiếng trống đánh cổ vũ, kêu gọi khán giả liên tục. Ban đầu
do người trong đoàn hát phụ trách, sau có nhiều đứa nhỏ ham vui tập đánh rồi đánh
hăng say thay thế, người trong đoàn được giây phút nghỉ ngơi. Tôi cũng thử tập,
nhưng tập hoài không được, tiếng trống của mình sao khó nghe quá. Có thằng
Trai, bạn tôi nó đánh hay thiệt, nghe dòn dã làm sao, chính chú trong đoàn hát
khen ngợi nó nhiều, có khi ông ấy dẫn cho nó vào trong rạp xem hát. Trống đánh đến
khi nào bắt đầu hát thì thôi, kể cả việc phát thanh các bản nhạc Cải cách hay bây
giờ gọi là Tân Nhạc. Công nhận việc đánh trống cùng phát thanh nhạc cải cách trước
khi hát làm cho người ta bồn chồn, bị lôi cuốn để đi xem. Đó là chưa nói đến quang
cảnh các xe bánh kéo tới bán bánh nầy, bánh kia, rồi tới nước mía, mía ghim, ổi,
xoài, đồ nhậu, khô mực, chuối nướng, đậu phọng rang… đầy trước sân rạp thật là
vui, trong đó có tiếng chơi đùa của bọn con nít chúng tôi. Nhưng vào những ngày
mưa, nhất là mưa đêm thì khách không đi coi bao nhiêu, không đủ sở hụi nên gánh
hát đành hủy bỏ đêm hát. Nói như vậy không có nghĩa là gánh hát đến Tân Khánh nầy
hát luôn được suôn sẻ, lúc nào cũng được đông khách mà nó còn tùy thuộc vào mùa
mưa hay mùa nắng và đoàn đó hát hay hay dở nữa. Thường thì đoàn đến hát trong vài
ngày thì chuyển đi nơi khác ít khi ở đâu lâu lắm. Mà ngành hát bội chỉ có người
lớn tuổi am hiểu về câu chuyện hay điệu bộ mới thích, chứ người trẻ không thích
vì diễn tiến trong tuồng hơi lâu, nhất là cứ í ì i hoài nghe quá mệt. Hơn nữa, thói
thông thường người ta muốn đi coi nhưng lại không muốn bỏ tiền ra khá nhiều, vì
thế bằng nhiều cách để người ta đi coi “cọp”, đôi khi lại đem tiếng không tốt
cho vùng gọi là “rừng nhỏ cọp nhiều”, nhất là những người có quyền hành trong xã
đến gởi người vào. Nhưng quý vị đừng nghĩ đến bọn con nít chúng tôi nhe. Chúng
tôi chỉ lân la phía trước rồi xem ai mua vé, xin đi theo vô coi thôi, gọi là nắm
đuôi áo theo cùng giống như họ dẫn con cháu theo đó mà. Nói là vô coi chứ thật
ra coi được mấy hồi, coi được chừng một lúc, chán quá lại đi ra, có khi nằm ngủ
trong đó khiến ba má đốt đèn đến kiếm; giống như tôi có lần ngủ quên má tôi phải
đến tìm đưa về. Có lần nọ, gánh hát kia đến hát nhưng gặp trời mưa bão lâu ngày
không hát được, ế quá chi phí tốn quá nhiều, đành nằm chịu trận, và không biết
vì sao mà gần cả tháng cũng không đi để rồi phải rã gánh tại đây, nếu tôi nhớ
không lầm tên gánh ấy là “Huỳnh Thành” thì phải, tôi nhớ như vậy là do người ta
hay trêu là “Huỳnh Lì” tức là ở lì không chịu đi.
Dù
có mê gánh hát đến đâu, cũng không quên chuyện học hành vì Thầy Khòm rất nghiêm
khắc đứa nào cũng sợ, mỗi lần có chuyện Thầy kêu lên là thiếu điều “té đái” hay
‘teo”; cho nên đứa nào đứa nấy lo học “thấy mồ”, lo làm bài “trối chết” dù không
biết cũng ráng hỏi người ta đặng làm cho được. Tuy vậy, cũng có nhiều chuyện rất
vui, mà ông Thầy cũng không thể “hành hạ” học trò cho được. Một buổi nọ, tự dưng
ở tựa vách của lớp, có tiếng thưa: “Thưa Thầy, thằng H. nó sợ không dám xin Thầy
đi đái, nó lấy thun cột cu nó lợi nè Thầy”, thế là ông Thầy vộì kêu nó đi ra
ngoài, đi tiểu, rồi dặn cả lớp nhớ đừng làm như nó, có ngày bể bọng đái chết à
nhen! Rồi lại có anh chàng Đinh Ba, vì lớp có hai trò tên Ba, Ba nầy họ Đinh, nên
thường được gọi là Đinh Ba nói hơi ngọng về chữ “L” thầy kêu sửa hoài mà sửa vẫn
chưa được, ngày nọ khi bị kêu lên “trả bài” (tức là lên đứng kế bàn Thầy mà đọc
lại bài bằng cách thuộc lòng để Thầy xem thuộc bao nhiêu mà chấm điểm). Sau khi
trả bài xong Thầy kêu đứng đó nói câu “Cái lu lũng lỗ” coi. Trò Ba đứng đánh lưỡi
hồi lâu “Cái ngu ngũng ngỗ”. Thầy kêu làm lại đôi ba lần nữa nhưng vẫn không được.
Thầy cho về!
Thế
rồi ngày nọ, tự dưng chỗ tôi ngồi có tiếng chưởi “Khốn kiếp”, sau đó thì cả lớp
im bặt, nín thinh đợi sự phán quyết của Thầy. Thầy hỏi: “Đứa nào nói đó?”, không
ai trả lời, cuối cùng Thầy kêu tôi lên. Tôi lo sợ đi lên trên đứng bên cạnh bàn.
“Con nói phải không?”, “Thưa Thầy con không có nói”, “Vậy, chứ ai nói?” Tôi lặng
thinh một hồi, rồi thưa: “Thưa Thầy con không có nói”, “Con không nói, phải không?
Vậy thì le lưỡi liếm chừng nào tới lỗ mũi thì là không có nói”. Nghe vậy tôi thử
le lưỡi đưa lên lỗ mũi chẳng thấy nó tới đâu, hồi lâu bí quá tôi bèn khai đại: “Thưa
Thầy thằng Khoa nói, chứ con đâu có nói”. Thầy kêu: “Khoa, tại sao nói Khốn kiếp?”,
Khoa giải thích lý do, còn Thầy cho tôi về chỗ. Hú hồn! Sở dĩ tôi quả quyết thằng
Khoa nói vì nó thường bắt chước theo tuồng hát mà hay nói chữ “Khốn kiếp” đó, vậy
thì chắc có nó thôi. Ai dè đúng vậy!
Đa
số học trò học với Thầy Khòm đều cho rằng ổng rất khó, đôi khi tụi nó nói “dữ”
nữa, nhưng có lẽ chính vì vậy mà ai cũng ráng lo học để khỏi bị đòn. Chỉ tội
cho thằng Tư “Gà”, không biết do đâu mà bạn bè gọi nó là Tư Gà, không biết lúc
trước má nó có bán gà không, chứ ba nó bán bánh mì, với cái thùng gắn sau xe đạp.
Ông chạy xe đạp khắp xóm để bán bánh mì “nhận” (thức ăn) cho dân trong xóm. Ông
thương thằng Tư lắm, nhưng khổ nỗi nó còn tệ trí nhớ hơn tôi, học khá tệ vì thế
ông hay gởi Thầy chăm sóc, dạy dỗ cho nó. Nó rất dở toán, nhiều lần lên bảng ít
khi nó làm được, đành chịu “khẽ” mà về. Một ngày nọ, Thầy kêu nó lên bảng, bài
toán không khó mà nó cũng không biết làm, Thầy tức quá, nắm đầu “dọng” (ấn mạnh)
vô bảng đen kêu rầm rầm, đám học trò tụi tôi ngồi dưới đều xanh mặt, trên kia tấm
bảng đen nhảy ra khỏi hai chốt đỡ bảng của cái giá rớt xuống đất. Từ đó, bọn học
trò chúng tôi lại càng sợ và ráng học hơn để mình không bị đòn như nó. Ở lớp học
nầy tôi mới nghe mấy thằng bạn kể là nó có nghe về bộ sách “Giáo Khoa Thư” lúc
trước, bộ sách ấy hay lắm mà bây giờ không còn nữa. Và cũng ở lớp học nầy lần đầu
tiên tôi mới học được cách làm chữ nổi do anh Ngô Văn Bé bên lớp Nhất của Thầy
Giáo Khai xuống chỉ cho người bạn trong lớp và tôi được “học lóm” từ anh.
5- Sự hòa bình tới làm cuộc sống có
nhiều thay đổi.
Song song vào đó, người từ Bắc vào Nam; kẻ từ Nam ra Bắc theo cái Hiệp Định Hòa
Bình Genève. Dân chúng ban ngày không sợ cò hiến binh, mã tà khám xét; nhất là
ban đêm được thoải mái đi lại, ngủ yên giấc không phải sợ hai bên đụng độ, súng
nổ; hoặc phải chun hầm ẩn núp khi có tăm-lông (phóng lựu), moọc-chê hay cà-nông
bắn tới. Ngoài ở nơi rạp hát ồn ào tiếng trống, loa phóng thanh nhạc cải cách, để
cổ vũ người đi coi, thì những nơi sân nhà rộng rãi bọn con nít chúng tôi được đàn
anh chỉ, hướng dẫn chơi các trò chơi dân dã thật là thích thú. Nhớ nhiều đêm trăng,
phong trào các bà, các cô tập cưỡi xe đạp rất là vui. Những màn vịn xe cho người
tập không nỗi, thắng không kịp, hay lủi vào bụi cây nào đó vẫn thường xảy ra
tai nạn. Tôi cũng tập lái xe đạp từ đây. Vì nhỏ con không ngồi trên sườn xe được,
đành “lòn chưn” dưới thanh ngang dàn cái qua bàn đạp bên kia mà đạp. Lúc đầu tôi
lòn chân sang phải, nhưng khi rành thấy mình không giống với người ta, rồi lại từ
phía phải “lòn chưn” sang trái. Bây giờ trong Tân Long cũng có rạp hát nữa, rạp
được cất bên phía đất trống tại ngã ba, có lần tôi đã tới đó với nhiều người lớn
bằng cách đi bộ từ Tân Khánh kéo tuốt vô Tân Long. Các gánh hát lúc nầy thay đổi
không còn hoàn toàn là hát bội như xưa mà thêm vào đó cách hát thoải mái hơn được
gọi là “hát bội pha cải lương” tức là vẫn còn hát bội nhưng “hội thoại” nhiều hơn
và xen vào các bản ca từ kiểu cách của đờn ca tài tử mà chính là “vọng cổ” và các
bản nhỏ, cho nên các người nổi tiếng lúc ấy là ông Út Trà Ôn, Bảy Cao, Kim Chưởng,
Hoài Dung, Hoài Mỹ… mà tôi được nghe tiếng. Rồi đến giai đoạn tiếp theo các đoàn
hát không còn hát bội mà chỉ là cải lương giống như đoàn Thanh Minh, Hoa Sen,
Kim Chung… thu hút nhiều khán giả hơn! Riêng đoàn Hoa Sen của ông Bảy Cao có hát
tuồng lại có xen chiếu bóng, xem khá lạ và nhiều thích thú!
Thế rồi, một ngày kia có xe Thông Tin từ
trên Tỉnh chạy xuống, vừa chạy vừa phóng loa kêu người dân đến ngày nào đó đi bỏ
phiếu Trưng Cầu Dân Ý, và rải truyền đơn dọc theo đường; đám con nít chúng tôi
hiếu kỳ chạy theo lượm giấy truyền đơn xem đứa nào được nhiều hơn. Sau nghe nói
Ông Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã truất phế Bảo Đại mà chúng tôi cũng chẳng biết ông
nào. Rồi thời gian nữa, nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào bây giờ có tên
là Việt Nam Cộng Hòa! Và vị Tổng Thống đầu tiên là Ngô Đình Diệm.
Vài tháng sau chúng tôi hoàn tất lớp học với
Thầy Khòm thì trường vào kỳ nghỉ Hè. Đến gần tựu trường lại có thông báo đến
ghi danh đi học phải đem khai sanh theo. Ngày ấy tôi đi ghi danh một mình không
có ba đi cùng, mấy Thầy Cô ghi danh lạ hoắc, họ bảo đưa giấy khai sanh vào và
ai sanh năm 1948 trở về trước đưa cho thầy và ai sanh năm 1949 đưa cho cô và nhỏ
hơn thì đưa cho cô khác. Lúc đó tôi nhìn lại khai sanh của mình và tự nghĩ: “Sao
ba khai cho mình năm 1949 nhỏ quá vậy?”. Tôi không vừa ý, liền mượn cây viết của
thằng bạn ngồi kế bên có màu mực giống trong khai sanh rồi sửa số 9 trở thành số
8, thế là tôi có năm sanh mới là năm 1948. Tôi được xếp vào học lớp Ba. Ngày tựu
trường hay được gọi là khai giảng niên học mới chúng tôi được giới thiệu: “Đây
là Trường Sơ Cấp Tân Phước Khánh là Trường Công Lập học không phải đóng tiền,
chỉ đóng một số tiền nhỏ gọi là Tiền Niên Liễm vào lúc đầu năm”; cùng với ông Trưởng
Giáo là Hạ Ngọc Thơ; Thầy phụ trách dạy Lớp Ba là Nguyễn Văn Hòa; Lớp Tư là Hoàng
Thị Thọ và hai Lớp Năm do cô Cúc và Thầy Hạ Ngọc Thơ. Đó là niên học 1956-1957.
Như vậy là cơ sở Trường Cây Gòn không còn thuộc vào Thầy Khai nữa, mà cũng không
biết Chính phủ trưng dụng hay mua lại của Thầy Khai, nhưng sau đó Thầy Khai dời
nhà vào trong khuôn viên chùa Cao Đài và mở lớp học trong đó. Có một số theo học
với Thầy mà không học trường công ngoài nầy như To, Hòa, Tâm, Chánh, Lập, Sang,
Sinh để rồi sau họ xin học ở ngoài Trường Tiểu Học Nam Châu Thành ở ngoài Tỉnh
hay Trường Tiểu Học Cộng Đồng Dẫn Đạo ở ngoài Búng cùng với những người thuộc lớp
lớn hơn. Lớp Ba nầy gồm một số từ ấp Bình Hòa như chị Mây, Chi, Thiện, Bảy. Ở Tân
Khánh có tôi, Tùng, Ten, Gia, Tự, Mười, Trung, Nghĩa, Trí, Em (Úng), Sương,
Huynh, Ruộng, Ớt. Bên gái có Kim Phượng, Tâm, Tuyết, Hờ và Băng Tâm cùng Cao Thoại
Hoa từ trên Sài Gòn theo gia đình về đây. Thầy Hòa từ Bến Tre về, Thầy trọ ở nhà
của ông Hai tôi phía trên dãy phố phía trên chợ, tức là nhà của Út Xang. Dáng Thầy rất trẻ, hay mặc quần soọc trắng lại càng có vẽ thư sinh hơn.
Trong năm nầy có mấy phần học bỗng của ai đó tặng cho học sinh trong Tỉnh, nên
mỗi trường chọn ra vài học sinh giỏi để đi thi, địa điểm thi là Trường Tiểu Học
Nam Châu Thành. Thầy Hòa chọn tôi và Nghĩa bên phía nam, và nữ thì Liêu Tuyết,
chị Mây. Nhưng cuối cùng chỉ có Nghĩa đậu được phần học bỗng khoảng 15 hay 20 đồng
gì đó mỗi tháng. Còn tôi, chị Mây lẫn Liêu Tuyết đều rớt cả. Và Thầy Hạ Ngọc Thơ
thì ở ngoài chợ Thủ Dầu Một trên con đường Đoàn Trần Nghiệp, từ Nhà làng Phú Cường
ngó ra chợ thì về phía tay trái, không xa Nhà Làng lắm. Tôi có lần ghé nhà Thầy,
hình như ngày đi thi học bỗng thì phải. Thỉnh thoảng, trường được mấy Thầy dạy ở
các vùng phụ cận như Thầy Khuê, Thầy Liệu, Thầy Di, Thầy Viễn ghé trường trò
chuyện, ca hát tạo một không khí sinh hoạt sinh động và vui vẻ.
Vào thời gian nầy
các lớp không học nguyên ngày (ngày hai buổi) như thời Thầy Khai mà chỉ học một
buổi, ngày nào học nhiều môn thì bãi học hơi trễ một chút thôi. Còn trong xã thì
có thêm các Thầy khác mở trường tư để dạy như Thầy Chấn lúc đầu dạy ở tại nhà
trọ, sau xuống Công-Xi nơi đền thờ ông Quan Công của những người Hoa mở lớp. Và
Thầy Thăng lúc trước ở trường Thầy Khai đi đâu trở về dạy ở xóm Cây Gõ, ngoài
Trường đang có của Thầy Khai. Ở Tân Phước Khánh những năm nầy có nhiều thay đổi
rất quan trọng mà tôi không thể không kể cho Quý độc giả nghe được.
Một là cơ quan Hành
Chánh xã không còn nằm chung với đồn bót nữa mà cất riêng ra ngoài trước, phía trong
bờ hào, mở cửa rào để dân chúng thoải mái đi xin đơn, giấy tờ. Bót không còn do
lính Cao Đài trấn đóng mà giao lại cho lực lượng quân sự địa phương gọi là Dân
Vệ phụ trách. Cái vòng rào chắn ngang đường đi ra Búng được mở ra cho xe chạy
thông suốt, không phải chạy vòng tránh vòng rào của đồn bót như trước kia. Chợ
dời lên khu đất mà hàng rào bót đã thu hẹp lại ra tới bìa đường đi Búng, xây cất
có vẽ khang trang hơn. Một rạp hát mới được dựng quy mô ở khoảng đất trống trước
đồn, phía trước có phần gác đúc có thể thích hợp cho việc chiếu phim: Tường gạch
tô, có hai cửa ra vô trước, có các cửa hông, sân khấu chắc chắn, mái che là fibro
xi măng, các băng ngồi đều mới toanh, do ông Lê Nguyên nào từ trên Bình Dương (Tỉnh
được đổi tên thay thế cho Thủ Dầu Một) về xây dựng. Ông Lê Nguyên nầy người ta
nói gia đình ông trước kia ở Cống Ông Huyện nơi Thầy Giỏi (Ông Giáo Khòm) đang ở,
chắc là bà con với Thầy. Ở sân trước rạp hát có cất hai tiệm bán cà phê hai bên.
Sau đó, người ta xin phép xây tiếp nối hai bên mấy căn phố. Và phía bên đất trống
trước Trường Tàu người ta cất nhiều nhà nối nhau theo dọc đường, bây giờ trở nên
đông vui. Còn cái rạp hát của Thầy Giáo Khai và những người khác đã trở nên củ kỹ,
dột nát vì nó lợp bằng tranh nên bỏ đi, không sử dụng nữa và khoảng đất trống đó
trở thành đường xe bò chở hồ, đất sét đến cho các lò để làm ra chén, bình, dụng
cụ bằng sành.
Từ ngày có rạp hát
mới khang trang, các gánh hát về thường xuyên hơn, lúc nầy tôi không còn mê đi
coi hát nữa. Thỉnh thoảng mới nắm đuôi áo người quen xin đi theo vào coi; phần
nhiều thời gian là đi phụ cho bà dì sáu, ông dượng chiên bánh tiêu bán phía trước.
Rồi những lúc không có đoàn hát đến thì người ta thường tổ chức chiếu phim. Bọn
chúng tôi được dịp xem các phim về Tarzan trong rừng già, hú voi lên chúng chạy
tới quá chừng, hay Tarzan lăn lộn với cá sấu dưới nước dùng ngọn dao đâm chết cá
sấu, hoặc đu những sợi dây leo chuyền từ nơi nầy sang nơi khác. Rồi đến phim “Bạch
Tuyết và bảy Chú Lùn” có cái mặt bà phù thủy gian ác với chiếc mũi nhọn hoắc đứng
trên tảng đá cao bị gió cuốn xuống vực sâu với tiếng la văng vẳng của bà. Cùng những
phim “Charlot” diễu tức cười mà duyên dáng. Năm đó, chúng tôi được một mùa Hè
thoải mái đi bắt cá lia thia trên cánh đồng bên kia suối, hoặc đi ra tận cánh đồng
ngoài Phước Lộc, rồi trở về tắm ở các mội nước dọc theo các đường nước kế bên các
bụi dứa gai trước khi trở về nhà. Và vào những đêm trăng tỏ, nếu không có gánh
hát thì tụ tập với những anh chị lớn hơn để chơi bỏ khăn, u bắt mọi, kéo dây.
Tiếng reo hò khắp nơi thôn xóm của những bầy con nít. Quả là một cảnh thanh bình
như các bài hát “Gạo trắng trănh thanh”, “Trăng thanh bình” và duyên dáng hơn là
“Trăng rụng xuống cầu”…
Nguyên Thảo,
25/07/2022.