Nói đến giáo dục khiến ta nghĩ ngay đến chuyện dạy
cho những đứa con nít những kiến thức, đạo đức hay những kinh nghiệm mà người lớn,
người đi trước truyền đạt lại cho chúng, để chúng thu thập hầu trở thành con người
tốt, có kiến thức và kinh nghiệm sống trong tương lai, nhằm giúp chúng sống có ích
cho xã hội, đất nước lẫn mọi người chung quanh. Từ khái niệm đơn giản ấy mà từng
quốc gia có nền giáo dục riêng, luôn kiện toàn nhằm dẫn dắt cho thế hệ trẻ
trong đất nước của họ thành những nhân tài, phục vụ cho xã hội ở mai sau. Do vậy,
mỗi nơi có đường hướng giáo dục, thích hợp với phong tục, tập quán lẫn đạo đức của
vùng đó. Nhưng đôi khi người ta cần học hỏi, gom góp những cái hay của nhiều nơi
để nhằm đạt đến phương cách có kết quả tốt nhất. Vì thế mà nội dung, phương cách
giáo dục luôn được trao đổi, học tập, áp dụng sao cho có thành quả.
Vào những thời xa xưa, giáo dục do từng cá nhân có
kiến thức, học vấn từ người trước rồi truyền đạt lại cho từng nhóm học trò đi
theo học với mình. Nó cũng mang theo cái tư tưởng, quan niệm, truy cứu của ông
thầy. Và tùy theo từng ông thầy mà học trò có trình độ cao hay thấp, sâu rộng
hay hạn hẹp, nhất là quan niệm đối với cuộc sống, hay nhân loại như thế nào.
Ngay cả tùy vào cái cách thức giáo dục của ông thầy mà có sự nghiêm khắc hay dễ
dãi đối với học trò. Do đó mà từng lớp học trò luôn mang tư tưởng của thầy lan
truyền và được phổ biến từ Tây sang Đông như: Ở Tây Phương thì có những học trò
của Héraclite, Pythagore, Socrate…Còn ở Đông Phương thì có nhiều bậc Tư tưởng,
nhất là về Tôn Giáo từ Bà La Môn, Phật giáo đến Lão Tử, Khổng Tử, Jésus Christ,
Mohammed…Rồi quan niệm giáo dục qua thời gian cũng theo từng ông thầy mà có nhiều
thay đổi.
Sau, do nhu cầu học hỏi rất cần thiết cho những trẻ
con càng ngày càng đông, nền giáo dục được thành hình qua cuộc tổ chức của từng
quốc gia. Phương pháp truyền thụ chưa được thống nhất. có nơi lấy sự bắt buộc, ép
trẻ con bằng hình phạt, có nơi dễ dãi hơn, có nơi bắt học trò phải học nằm lòng
những gì cần truyền thụ. Đến khi nhà giáo dục Jean Jacques Rousseau của Pháp nghĩ
ra phương pháp giáo dục mới thì sự giáo dục có nhiều thay đổi ở từng quốc gia
cho đến ngày nay, ngoài sự giáo dục theo truyền thống của các Tôn Giáo: Đó là
những nền giáo dục phổ thông!
Sự giáo dục từ trong các Kinh Viện được phổ quát hóa
ra bên ngoài dân chúng, các trường học được phát triển nhanh chóng cho thế hệ
trẻ con về sau. Những kiến thức của nhân loại được tuyển chọn đưa vào chương trình
với những bộ môn, đề mục, chủ đề để nhằm nâng cao kiến thức cho từng thế hệ, và
nó luôn cập nhật để theo sát với các khám phá mới theo thời đại. Và từ đó, những
người lãnh đạo, cầm quyền của chính phủ, viên chức nhà nước cũng được tuyển chọn
theo tiêu chuẩn kiến thức mà họ đã đạt được: Giả sử như một nhà giáo trong giai
đoạn đầu cần người biết chữ nhiều dạy cho người biết ít, rồi tiến đến có trình độ
cấp hai dạy cho trẻ nhỏ, thế rồi đến cấp ba dạy cùng trình độ ấy. Và đến cuối cùng
phải có bằng ở bậc Đại học hoặc là trên cho trình độ nhất định. Đó là sự nâng cấp
ngày càng tăng tiến để nâng cao trình độ quản lý, như là trình độ của dân trí hầu
đạt đến một xã hội tiến bộ. Song song vào đó, người ta còn nhằm mục đích đào tạo
những thế hệ công dân sống có đạo đức, tình nghĩa, ý thức xã giao, đối xử với mọi
người chung quanh trong xã hội; hoặc giúp người dân hiều được cái quyền lợi, ý
thức bổn phận đối với đất nước của mình trong mọi hoàn cảnh, dù đó là trong việc
giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường…tức là những vấn đề nhỏ nhặt cho đến chuyện
to tát như bảo vệ Tổ Quốc, Tình Yêu Nước.. vì thế mà các môn Đức Dục lẫn Công Dân
Giáo Dục được ra đời!
Có những nền Giáo Dục được gọi là Khai Phóng là sự
cởi mở, không bị gò bó trong những chủ đề hạn hẹp, o ép học sinh đi vào những
kiến thức mà người ta chỉ cho biết, hay là chỉ được học trong phạm vi nào đó thôi;
mà học trò được học nhiều kiến thức của nhân loại dù ít hay nhiều tùy theo giai
đoạn còn tuổi nhỏ hoặc lớn, để từ đó người học có cái nhìn khái quát hoặc sâu sắc
về những gì mà nhân loại đã đạt được cũng như trải qua, và những kiến thức ấy
luôn được cập nhật theo từng thời gian nào đó mà người soạn chương trình ấn định
trong 3, hay là 5 năm. Có những nơi người ta bắt học trò, người học chỉ được học
những cái gì “chỉ là của mình” để học trò không biết đến cái khác mà có sự so sánh,
nhất là trong các Tôn Giáo. Sự “què quặt” kiến thức khiến cho người học, học trò
trở nên bị “thui chột”, “què quặt” theo luôn, mà không biết mình là những con
người “thiển cận”! Thế cho nên, từ ngàn xưa Lão Tử, một Triết Gia Đông Phương có
một câu nói khiến cho ta ngày nay nghiền ngẫm: “Làm thầy thuốc sai lầm chỉ hại
có một người; Làm chính trị sai lầm thì hại cho một nước; Làm giáo dục sai lầm
sẽ hại cho cả muôn đời”! Tại sao thế? Vì giáo dục sai lầm sẽ đào tạo thế hệ ngu
dốt nầy, rồi thế hệ ngu dốt đó đào tạo ra những thế hệ ngu dốt kế tiếp, cứ thế
mà kéo dài ra. Ấy chẳng là “hại cho cả muôn đời” đó sao?
Đồ Ngông,
18/08/2022.