Vào năm học mới (niên học 1960-1961), trưòng có thêm 2 lớp Đệ
Thất nữa và số học trò từ Tân Hóa Khánh đều lên thi trên
ấy vì thuộc Tỉnh Phước Thành. Đường đi có thêm nhiều bạn bè gồm có Ẩn, Em, Phụng
và nhiều bạn nữa mà tôi không biết. Tôi vẫn đi với mấy bạn trong sáng ngày Thứ Hai
và về vào trưa Thứ Bảy, còn những ngày khác thì vẫn trọ trên nhà Bà Út. Không
bao lâu thì trường có thêm Thầy mới, đó là Thầy Lê Hữu Ân. Thầy trắng trẻo,
dong dỏng cao dạy môn Sử Địa, Công Dân, Nhạc ở lớp tôi, không biết Thầy dạy ở mấy
lớp khác môn gì. Có lần Thầy dạy cho cả lớp bài hát “Hoài Thu” của nhạc sĩ Văn
Trí bắt đầu bằng câu “Mùa Thu năm ấy, trên đường đến miền cao nguyên…” thật là
vui mà thơ mộng.
Rồi đến một ngày
mấy lớp chúng tôi được thông báo học rút giờ giấc trong ngày để dành thời giờ tập
đi diễn hành: Từ sắp xếp đội hình, hai hàng dọc nhỏ trước, lớn sau từ thấp đến
cao, có đội trưởng ra ngoài đường đi một hai, một hai; đi, đứng lại; nghỉ nghiêm;
bên phải bên trái, đàng sau quay. Mà cũng không phải riêng đám học trò chúng tôi
mà nhiều đoàn thể, kể cả lính trong quận cũng vậy, chia nhau những khoảng đường
ở trước trường, hay đoạn đường trước quận phía bên kia vũng nước để tập luyện
xem ra có vẽ rất là sôi động. Tập như vậy cho thuần thục để đi dự Lễ Khánh Thành
Tỉnh lỵ của Tỉnh mới trên Phước Vĩnh, hay đúng hơn là Phú Giáo.
Tình hình an ninh
trong thời gian nầy có sôi động hơn chút ít, nhưng chưa đến đỗi là quá lắm, nên
đoàn di chuyển lên Phú Giáo theo Tỉnh lộ 16 tức là về hướng lên Dốc Bà Nghĩa cần
được giữ an ninh trước, do đó mà phải đợi chờ quân đội đi trước giữ gìn an ninh
dọc đường rồi mới bắt đầu đi. Nhiều xe nhà binh được điều động để chở người của
các đoàn thể và học trò chúng tôi để tiến về Quận Phú Giáo. Đưòng đi không rộng
lắm, chỉ giống như đoạn đường từ Tân Ba đi lên Tân Uyên thôi, hai bên đường có
nhiều cỏ tranh, lùm bụi, có nhiều cây cao. Đường len qua các khu rừng lẫn những
đồn điền cao su. Nhờ ngồi chung xe với những người lớn mà tôi nghe nói đến những
địa danh Bố Mua, Bố Lá, Chánh Lưu, Nhà Đỏ mỗi khi xe đi ngang qua đó, nhất là nhiều
sở cao su của ông Nguyễn Đình Quát người đã có ra ứng cử Tổng Thống trong cuộc
bầu cử Tổng Thống vừa qua. Nhưng ông đã bị thất cử và có mấy người con gái bị tử
nạn khi đi chơi ở Vũng Tàu ở cái cầu nào đó mà báo chí có nhắc đến Miễu Ba Cô.
Xe đi khá lâu mới đến sở cao su Phước Hoà, rồi phải đợi qua cầu Sông Bé. Sông Bé
đây sao? Ôi cái sông mà bọn con nít tôi từng bị mấy ông thanh niên hù dọa là bắt
tụi tôi đem lên Sông Bé câu sấu đây mà! Nhưng chiều muốn tối rồi, tôi đâu thấy
rõ Sông Bé thế nào. Chỉ biết là qua cầu mà phía dưới sâu kia nước đang chảy hình
như là chảy xiết! Xe qua cầu không xa thì quẹo sang trái trên con đường khá lớn,
mấy ông ấy nói đường nầy chắc đi về Tòa hành Chánh Tỉnh. Nhưng đoàn học trò chúng
tôi đâu được đi lên tuốt trên kia mà chỉ dừng nửa đường và đổ xuống ở một trường
học chưa được kín đáo cho lắm. Sau khi, tìm được chỗ ngủ xong, chúng tôi được
phân phát chút thức ăn tối, nhìn quanh các khu nhà được phân thành những lô đất
vừa cất nhà có các cây chắn làm hàng rào. Nhà hơi nhô lên phía trước nhiều hơn
là chính giữa lô đất. Ngoài trước được trồng hoa, rau cải, phía sau có trồng chuối,
cây ăn trái cũng mới vừa lên cao, chứng tỏ nhà chưa xây dựng được bao lâu, gần hàng
rào phía trước chất hàng dài đầy củi có bảng để bán, phía sau xen với các cây
trồng là những cây to rải rác đó đây, có nơi người ta làm lò hầm than, lò còn
khói lên nghi ngút, như vậy chứng tỏ trước đây là khu rừng được khai phá rồi đưa
người tới đây định cư ở các lô được phân sẵn. Trời tối hẵn, chúng tôi kê bàn lo
giăng mùng để ngủ dưới ánh le lói của mấy cây đèn dầu được cấp phát tạm thời. Bỗng
nhiên nghe tiếng gì là lạ ở một ngôi nhà khá lớn kín đáo kế bên, chúng tôi làm lạ,
tò mò lần đến. Có người nói mấy người Đạo Thiên Chúa họ đang đọc Kinh làm lễ. Người
kia hỏi: “Ủa, sao mà tối thui vậy?”. Không có tiếng trả lời. Nghe hồi lâu sao
giọng lạ quá, tôi chưa từng nghe giọng nói nầy bao giờ. Và bao nhiêu người nghe
cũng không biết luôn. Thế rồi bèn trở về bàn mà ngủ.
Sáng hôm sau, dậy lo vệ sinh cá nhân, rồi được phân phát cho phần ăn nhẹ, nước uống để chuẩn bị cho giờ hành lễ. Vị trí của đám học trò chúng tôi chỉ cách trường học nơi ngủ tối hôm vài chục thước, nên chuyện tập họp, sắp hàng không phải tốn nhiều công sức chuẩn bị. Hàng ngũ các đoàn thể được xếp theo từng đơn vị và theo quận nên quận Tân Uyên nầy khá xa so với vị trí của khán đài. Đội ngũ chúng tôi quay mặt nhìn ra đường, và chỉ nghe được các nghi lễ qua các loa phóng thanh bắt dọc theo đường cùng với những trụ cờ trang hoàng cho cuộc lễ. Vì thế khi mặt trời lên chiếu thẳng vào mặt khiến bọn nhỏ như chúng tôi có khá nhiều khó chịu. Vả lại đứng để nghe nhiều diễn văn trong thời gian dài, tất nhiên chúng tôi không thể chịu nỗi, vì vậy lúc đầu các bạn phía sau ngồi xuống để tránh nắng, và tránh mỏi chân. Rồi phía trước nhìn thấy vậy cũng không giữ hàng ngũ nữa và bỏ đi về phía sau để tránh nắng. Chỉ tội nghiệp các đoàn người lớn, nhất là những người lính phải nghiêm trang hàng giờ để cho cuộc lễ được nghiêm trang. Cuối cùng buổi lễ cũng đến hồi kết thúc bằng cuộc diễn hành qua khán đài. Bắt đầu bằng các đơn vị quân đội đi theo tiếng nhạc, tiếng trống duyệt binh, kế đến là các đoàn thể. Đội ngũ học trò chúng tôi đang trong tư thế chuẩn bị để đi, nhưng sau cùng được lệnh là miễn, thế là chúng tôi mừng quá chừng, và tan hàng rã ngũ đi vào trường học để lấy đồ lo chuẩn bị cho chuyến hành trình lên xe để trở về Tân Uyên. Đó là sự kiện lên Phước Vĩnh Khánh Thành Tỉnh lỵ mới đã xong, mà chúng tôi cũng chẳng biết vị trí của Tòa Hành chánh Tỉnh ở chỗ nào, và con đường trước mặt đi đến tận nơi đâu? Rồi xe cam nhông nhà binh đến. Tất cả mọi người đến từ hôm trước lên từng chiếc xe để xe đưa quay trở về. Trên đường về tôi lại được ngồi chung xe cùng các ông người lớn nghe họ nói những cái gì họ biết với nhau về những nơi đi qua. Tôi nhìn con Sông Bé nước đỏ, đục ngầu chảy xiết dưới cầu mà nghĩ đến những con cá sấu mà người lớn hăm he đưa mấy đứa nhỏ lên đây “câu sấu, cho sấu ăn”, rồi nhìn qua khu Phước Hòa của đồn điền cao su Phước Hòa. Trong bận về nầy tôi thấy dọc đường có nhiều sở cao su của ông Nguyễn Đình Quát lắm, có lẽ hơn 12 sở, không biết còn ở đâu nữa không? Vậy là trong năm nầy tôi đã biết được con đường Tỉnh lộ 16 đi đến đâu và quận Phú Giáo lẫn Tỉnh lỵ Phước Vĩnh là ở tận nơi nào, nhất là cái con Sông Bé nhiều cá sấu mà người lớn ở làng tôi hay nói để hù bọn con nít chúng tôi sợ vì: Sông Bé có nhiều cá sấu. Về đến trường vào xế chiều, chúng tôi được nghỉ và ngày hôm sau đi học theo thời khóa biểu như thường lệ.
No comments:
Post a Comment