Tuesday, January 23, 2024

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (26)


Sau thời gian hơn tháng đã có người lần về Tân Khánh trước thấy tương đối yên ổn nên số người về càng nhiều hơn. Tuy nhiên, số người cất nhà trên đường Yersin từ Quận đổ về Nhà Thương thì vẫn tiếp tục, họ để hờ đó hoặc cho con cái ở để tiện việc đi học, cũng như trừ trường hợp khó khăn sẽ trở ra ở mà lánh nạn chiến tranh. Gia đình tôi lại trở về Tân Khánh sau, tôi vẫn ở với Ông Nội, nhưng ban đêm thì lại chạy sang Tân Hóa ngủ ở nhà của Son, Huệ hoặc nhà của mấy đứa bạn để tránh việc hai bên khuấy động mà súng đạn lại nổ cùng nhau. Cái tha la cao để lính canh gác, nhìn ra xa đã bị phá xuống không còn hiện diện trong đồn nữa. Thời gian nầy dù khó khăn, phải đi ngủ dạo nhưng cũng là thời gian vui nhất trong thời mới lớn vì nguyên một đám choai choai được tập hợp nhau vào ban đêm cùng vui đùa, kể chuyện trao đổi về chuyện học võ, học đàn và luôn cả tập hút thuốc, thổi ra làm thành chữ O có nhiều chuyện rất tức cười. Có đêm nghe tiếng rắn lục hút gió đâu đây, mấy đứa hút gió dụ rắn lục đến, còn mấy đứa thủ sẵn cây, gậy nhưng có lẽ rắn lục sợ quá mà không dám tới chăng!

Tình hình an ninh trong Hè sôi động hơn, lần nầy Tỉnh quyết định ổn định lại tình hình an ninh khu vực, do đó Tỉnh đã mở chiến dịch lớn, Quân số Sư Đoàn 5 Bộ Binh đã tung ra cuộc hành quân lớn và gom dân trong xã về khu vực bên Trường học và gò mã. Hôm nầy có Ông Tướng Thuần, Tư lệnh Sư Đoàn nói chuyện trước dân chúng rồi dặn dò vài điều. Xong đàn bà, ông già bà lão thì cho về nhà trước, còn nữ, nam, đàn ông thì phải trải qua cuộc thanh lọc. Cuộc thanh lọc nầy không phải làm tại xã hay là tại nơi, mà là xe nhà binh chở cả đám lên Ty Cảnh Sát ở trên Tỉnh cho ngủ lều để sưu tra ý lịch. Nằm chờ đến hai ba ngày để nhân viên cảnh sát làm lại giấy tờ kê khai lý lịch, chụp hình, lấy dấu tay và với giấy tờ căn cước mới cho những người lớn rồi họ mới được ra về từng đợt. Còn những đứa nhỏ như chúng tôi cũng được làm lại lý lịch và vì chưa tới tuổi nên không làm thẻ căn cước, mà vẫn sử dụng Thẻ Học Sinh do trường cung cấp. Và đợt nhỏ chúng tôi là đợt được rời Ty Cảnh Sát Quốc Gia Bình Dương sau cùng. Nhưng khi ra khỏi Ty thì trời đã chiều tối, do vậy phải tá túc trên nhà người quen ở xóm mới phía trên nhà thương do nhiều người Tân Khánh đã ra xây cất trong đợt tản cư vừa qua. Sáng hôm sau vì các xe bị cấm nên không có xe lam hay xe đò gì cả, mà người thì muốn về nên kéo nhau đi bộ để về Tân Khánh. Khi đến Tiểu Khu trên Phú Lợi thì bị cản lại không cho đi, bắt phải đi vòng không được đi thẳng, nhưng lại là lính Mỹ nên không ai nói gì được, cuối cùng mọi người phải nhờ đến anh Liêu An, con Ông Năm Mứt người biết khá Tiếng Anh để xin đi qua, nhưng lính Mỹ cũng không chịu cho qua. Cả đoàn đành phải chịu đi vòng quanh qua khỏi trường Tiểu học Phú Hòa tới con đường đất nhỏ ra đường Hòa Thạnh, rồi trở lên khu vườn xoài ra ngã ba Bình Thoại dài thêm hơn cây số để đi về. Xong cuộc sưu tra đối với người dân Tân Khánh, Bình Hòa thì bắt đầu cho cuộc đào hào làm Ấp Chiến Lược. Mỗi người dân phải đi làm sâu đào hào, đắp lũy trong một tuần và nộp một số chông tre nào đó. Nếu nhà nào không có nhân lực thì có thể thuê mướn ai đó để đi làm thế. Có một số giáo viên nơi khác đến công tác mà người ta gọi là Cán Bộ Công Dân Vụ. Tất nhiên trong thời gian ấy có lính nằm vòng ngoài để giữ gìn an ninh. Do vậy mà trong mùa Hè năm nầy tôi cũng phải đi làm xâu trong một thời gian và còn làm mướn cho người ta để kiếm thêm chút ít tiền phụ Ông Nội mua mắm ăn cơm. Phải công nhận từ ngày dồn dân lập ấp nầy đã khiến cho người nông dân phải tính toán đến chuyện giữ trâu bò đi cày, và những đứa con không phải chăn bò nữa; Chúng được đi học nên trường học phát triển nhanh chóng, số đứa không được đi học còn rất ít, số giáo viên cũng bắt đầu cần có đủ do đó giáo viên ấp được ra đời, thành hình. Giáo viên ấp được tuyển chọn từ những người đã học qua lớp Đệ Tứ hay có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp được đào tạo trong thời gian ngắn hạn rồi ra lãnh dạy ở các trường Sơ cấp hoặc Tiểu Học. Và cũng trong thời gian nầy, Son phải tản cư ra Tân Khánh ở chứ không ở trong Hóa Nhựt, lúc đầu Son ở dưới xóm chùa, nhưng sau nầy lên ở trên Nhà Bảo Sanh của cô Mụ Ba là người bà con với Son, nơi đây má của Băng Tâm làm mụ từ khi nhà bảo sanh nầy bắt đầu thành lập và chính vì lý do đó mà Băng Tâm mới theo gia đình về đây học. Tôi thì không biết ba của cô nàng và cũng chưa có lần gặp, còn má Băng Tâm thì có vài lần tôi đã gặp nhưng không để ý gì cho lắm, nên tôi không nhớ rõ.  Từ ngày xa rời, sau khi thi Đệ Thất cho đến nay cũng ít khi gặp Băng Tâm. Có những lần tôi đến chơi với Son thì Băng Tâm cũng né tránh, do đó sự gặp gỡ nhau vẫn chưa hề có, chứ nói chi đến trò chuyện hay tâm tình.

Rồi mùa Hè qua đi, ngày tựu trường lại đến, chúng tôi lại đạp xe đạp đến trường (niên học 1964-1965). Lúc nầy bọn học trò chúng tôi ngày nào nay tương đối chững chạc trưởng thành sau thời gian bể tiếng, nhổ giò; cái phong cách thanh niên thể hiện rõ trong thái độ, lời ăn tiếng nói, lẫn tập tành trong cuộc sống. Trên đường đi học có nhiều nhóm đi chung và có những cặp nói chuyện riêng mà những bạn khác muốn để họ nói chuyện tự do, thoải mái nên không đi cùng với họ. Bây giờ không còn những câu chuyện ồn ào, vang rân như hồi xưa nữa! Trong đó có Huệ và Son, còn riêng tôi thì đi theo những nhóm bạn trai cần không khí sôi nổi hơn. Năm nay là năm học để thi mà hoàn cảnh của tôi trong năm rồi có khá nhiều khó khăn, mất căn bản nên năm nầy đối với tôi có rất nhiều gay go, nhất là tôi không dám đi ban B, mà phải theo học Ban A là ban mà môn học môn chính là Vạn Vật tức là môn cần có nhiều trí nhớ, nhưng trí nhớ của tôi thật quá tồi tệ, không thể nhớ dễ dàng như người ta, và học thộc lòng là môn mà tôi sợ nhất từ xưa đến giờ trong các môn học. Năm nầy có nhiều thay đổi về Thầy, Cô. Vạn Vật do Cô Điền, Toán có Thầy Nhiên, Giảng Văn là Thầy Trần Thế Xương, Pháp văn là Thầy lão làng Trần Văn Khuê, Anh Văn là Thầy Trần Kim Hoàng (cháu của Ông Trần Văn Trai, cũng đang học về ngành Luật), Lý Hóa là thầy Thạc mà mấy năm trước Thầy cũng dạy trên Tân Uyên khi tôi còn học bên đó, nay Thầy đổi về ở đây. Tình hình an ninh thì tương đối, chứ không yên ổn lắm, có hôm sáng đến trường thấy có những khẩu hiệu được viết trên tường khiến trường phải báo lính dân vệ giữ an ninh xã đến xóa đi. Có hôm nghe bạn bè nói lại xe của thầy Hiệu Trưởng Bùi Ngọc Ấn bị du kích đón trên đường đến trường, nhưng chuyện đó chỉ được loan truyền thoáng qua, không biết là chuyện không có hay là chuyện được giữ kín đáo để không khiến cho mọi người phải sợ. Còn bên trường tư của Ông Trai năm nầy có Ông Thầy Trịnh Vân Thanh nào đó cũng có tiếng tăm về giảng dạy môn Giảng Văn, bạn bè biết quyển sách của ông biên soạn đem đến trường để cho mấy bạn biết, thấy cuốn sách dày quá chừng khiến chúng tôi nễ phục Ông thật nhiều. Năm nầy có chuyện buồn cười nhưng cũng thật thương tâm, câu chuyện nầy khiến cho tôi suy nghĩ thật nhiều chắc trong suốt cuộc đời của mình cũng không hề quên. Vốn Trần văn Minh học Anh Văn là Sinh Ngữ chính, tức là Sinh Ngữ I, năm Đệ Tam bọn học sinh chúng tôi được học thêm một ngoại ngữ nữa, đó là Sinh Ngữ II. Nếu trước kia học Pháp Văn là Sinh ngữ I thì nay học thêm Anh Văn là Sinh ngữ II, hay là Sinh ngữ phụ ít giờ hơn Sinh ngữ I. Trái lại nếu trước kia học Anh Văn là chính thì nay học thêm Sinh ngữ phụ là Pháp Văn. Minh thuộc diện sau tức là học Pháp Văn là Sinh ngữ phụ. Nhưng không biết Minh thích Pháp Văn như thế nào đó, hoặc tức tối vì mấy bạn trêu ghẹo không biết giống đực, giống cái trong Tiếng Pháp, mà sang năm Đệ Nhị nầy anh bạn đến trường cứ đố nhau về chuyện giống đực, giống cái trong Tiếng Pháp, nhất là những chữ có chữ “l’ “ thay thế “le” hoặc “la”. Ngay cả chúng tôi là những đứa học Tiếng Pháp mà cũng ngờ ngợ hiểu không rõ ràng, thế mà anh chàng học Tiếng Anh là Sinh ngữ chính lại quá quan tâm đến. Có lẽ chính vì vậy mà Minh trong kỳ nghỉ Hè vừa rồi đã từng ôm quyển Tự Điển LaRousse mà nghiên cứu để đến giờ nầy tâm thần thiếu ổn định, cứ nói ra là khiến bạn bè phải cười, trêu ghẹo là “khùng”. Tuy nhiên, thỉnh thoảng Minh làm những việc rất là dễ thương. Một hôm mưa nhiều, đường đi bên sân banh trước Trường tư nhiều nước. Minh sắn quần lên, mượn cuốc đắp con đường cho mọi người đi, không nệ hà, khiến bạn bè cảm thương cho Minh.

 

Nguyên Thảo,

24/01/2024.

 

 

No comments:

Post a Comment