Tôi không biết Băng Tâm về học
bên Trường tư An Mỹ tự lúc nào mà cũng không nghe Son nói đến. Một ngày thấy Tâm
trên đường về tôi hỏi Son mới biết, chứ trước kia nghe Tâm học ngoài Trường Nguyễn
Trải ở Thủ với chị Liêu Tuyết. Thế rồi một ngày tình cờ trên đường về gần đến sân
bay thì thấy Tâm cũng đi một mình. Tôi muốn chạy lên hỏi chuyện cùng Tâm, nhưng
Tâm đã vội vàng đạp nhanh đi, tôi đạp xe theo, rồi Tâm lại đạp càng nhanh hơn. Thấy
Tâm không thích nói chuyện với mình nên thôi không theo nữa. Thú thật từ những
trò chơi của các bạn ngày xưa đã khiến cho lòng tôi trở nên hồi hộp mỗi khi gặp
Tâm dù thời ấy còn rất nhỏ. Có thể đó không là tình yêu đầu đời, nhưng cũng đã
khiến cho lòng tôi xao xuyến, rung động và một chút luyến lưu nào đó chẳng khác
gì là của một tình yêu. Không biết Tâm có tình trạng giống tôi không, mà Tâm không
muốn nói chuyện với tôi dù trong một khoảnh khắc nhỏ nhoi nào? Cô nàng luôn trốn
tránh mỗi khi tôi đến nhà bảo sanh chơi với Son, và ngay cả trong lúc nầy. Thôi
thì nàng đã không muốn thì tôi cũng không nên theo đuổi để làm gì, cho nên từ đó
tôi không hề quan tâm đến cô nàng bạn học ngày xưa nữa; Vả lại, hoàn cảnh của tôi
trong những năm trở lại đây không cho phép tôi phải vấn vương và tôi phải cố gắng
đi tìm lấy tương lai của chính mình!
Tình hình chiến sự
trong khoảng thời gian nầy lại gia tăng khá nhiều, những trận đánh lớn liên tục
xảy ra. Ở Sài Gòn thì luôn biến động. Sự thay đổi người lãnh đạo trong Chính
Quyền cũng tiếp nối, không ổn định. Trong lớp đã có vài bạn bỏ học đi vào bên trong,
an ninh ở các xã ấp thiếu an toàn mặc dù quân đội Đồng Minh có tăng quân số vào
Việt Nam. Nghe nói trường đang hỏi mượn cơ sở của Trường Bán Công Châu Thành để
dời về ngoài tỉnh cho an toàn hơn, còn bên Trường Tư An Mỹ của Ông Trần Văn Trai
thì tôi không được biết là Trường ấy có dời hay không. Nếu trường dời đi thì tôi
chắc chắn sẽ từ giã Băng Tâm và không hề có dịp gặp nữa, dù cô nàng có cố tình
lẫn tránh tôi hoặc là không!
Quả thật, không
bao lâu thì bọn học sinh chúng tôi được thông báo chuyển Trường, tất cả đều ra
cơ sở Trường Bán Công Châu Thành nằm gần Ngã Ba Cây Sao Quỳ, kế bên Cơ quan Hành
Chánh Quận Châu Thành mà học. Từ giã xã An Mỹ với con đường đá đỏ rộng lớn có
hai hàng sao hai bên và cái nền đình làng cao mú chưa xây dựng cùng những hàng tầm
vông rợp mát. Thế là con đường qua sân bay chúng tôi không còn đi nữa. Lần này đi
thẳng đường ra Tỉnh, đường sẽ nhộn nhịp, vang ồn tiếng học trò hơn lên. Từ đây,
tôi cũng xa rời cô bạn học ngày nao mà mỗi lần thấy nhau là lòng tôi lại xao
xuyến, nôn nao. Tôi cảm thấy giận bạn bè cùng lớp đã nạp “chúng tôi” quá mạnh với
trò chơi “đầy man dại”, khiến tâm hồn non nớt của chúng tôi bị tổn thương nặng
nề, mà mỗi khi gặp nhau gần như lẫn trốn “cho” nhau!
Thế là, sau vài tháng
bắt đầu cho một năm học mới (vào lớp Đệ Nhị) chúng tôi thực sự chuyển ra học ở
gần Quận lỵ Châu Thành ở Ngã Ba Cây Sao Quỳ. Đường đi bây giờ khá đông vui, vì
khu rừng từ Phú Lợi chạy dài ra đến Chợ Đình được phá đi để xây cất Trại Gia
Binh cho gia đình của những người lính thuộc Sư Đoàn 5 ở, có cả ngôi chợ có tên
là Nguyễn Văn Hùng để cho cả vùng buôn bán. Đối diện với phía bên nây đường, Nhà
Thờ Vinh Sơn cũng được dựng lên song song với những dãy Trại Gia Binh khác. Và
gần đó là Bệnh Viện 4 Dã Chiến để điều trị cho những người lính bệnh hay bị thương.
Như vậy khu rừng chồi từ Phú Hòa, Phú Thuận, Ngã Ba Cây Sao Quỳ chạy dài ra tới
Gò Đậu đều bị phá đi để xây dựng thành khu gia cư và những phương tiện cần thiết.
Người đi đường không còn phải sợ sệt, lo âu như ngày trước nữa.
Vì do điều kiện
hoàn cảnh gia đình mà năm Đệ Tam tôi bị mất hoàn toàn căn bản về Toán cho nên
trong năm nầy tôi không dám chọn ban B, mà đành phải đi Ban A, tức là Ban Khoa
Học Thực Nghiệm có môn Vạn Vật là chính. Huệ chọn Ban B; tôi, To và Son theo Ban
A. Học thuộc lòng hay để nhớ đối với tôi vất vả vô cùng, nhưng tôi không thể làm
khác hơn. Môn Vạn Vật trong năm nầy Cô Nguyễn Thị Điền dạy qua cuốn sách của Ông
Bà Phùng Trung Ngân, phần lớn học về thực vật nên cũng không khó lắm! Do trường
chỉ có một lớp Đệ Nhị thành ra các môn khác vẫn học chung, đến khi học môn Toán
thì tách ra và ngay cả các môn Pháp, lẫn Anh Văn. Thời gian nầy đã có một số bạn
bè trong lớp “thoát ly” đi vào bên trong, bỏ ngang sự học, họ không chuyển ra học
ở ngoài cơ sở của Trường Bán Công Châu Thành. Ra đây, với những ngày học đến buổi
chiều tôi thường theo Nguyễn Thanh Minh về nhà của nó nghỉ trưa, ở phía trước Chùa
Hội Khánh. Một hôm trong giờ Anh Văn của Thầy Hoàng thì có một thằng lính người
Tân Tây Lan đứng bên ngoài nhìn vào, vì đội của nó đang làm ở phía trước trường.
Mấy bạn cứ kháo Thầy ra trò chuyện với nó. Đến lúc nầy chúng tôi mới thấy mình
học Sinh Ngữ gần như để biết chứ không dám thực hành, vì không mấy đứa dám nói
chuyện với thằng lính ấy vào giờ ra chơi, kể cả các bạn đang học Anh Văn là Sinh
Ngữ chính hay là Sinh Ngữ I.
Chiến sự thì càng
tăng tiến hơn, và nhất là tình hình ở Sài Gòn thì luôn bất ổn sau mấy cuộc đảo
chánh. Các cuộc biểu tình liên miên; ở các Tỉnh, các miền thì luôn sôi động. Riêng
ở Tân Khánh thì khi tỉnh, khi động. Khi nào tương đối yên ổn thì tôi ngủ ở nhà với
Ông Nội, nếu có những ngày chẳng yên thì tôi lên ngủ trên nhà của To ở xóm Vĩnh
Trường trên, gần sân bay để tránh các các trận phóng lựu hoặc moọc-chê do trong
đồn bắn ra, hay cà-nông từ trên Tỉnh hoặc Phú Lợi bắn xuống. Thường thì ban ngày
không có gì chỉ sợ ban đêm thôi. Do vậy, tôi ở chung với Ông Nội thường xuyên nhất
là năm Đệ Tam, còn trong năm Đệ Nhị nầy thì không thường cho lắm. Nhưng rồi năm
học cũng qua đi sau vài tháng Trường chuyển ra học ngoài cơ sở của Trương Bán Công
Châu Thành. Lúc nầy, tình hình chiến sự cũng bớt sôi động vì quân lính Đồng
Minh vào Việt Nam tương đối khá đông, nên tôi ở nhà Ông Nội để lo học bài thi,
lẫn có những ngày học chung với bạn bè được thuận tiện hơn, không phải gặp trở
ngại nào.
Do nơi những lần
trước khi tôi học rất khá, nhưng với các cuộc thi tôi đều bị rớt trong khi Thầy
Cô kỳ vọng nơi mình khá nhiều; Từ đó tôi không thấy mình cần học giỏi để làm gì,
do vậy tôi không cố gắng từ những năm bước vào bậc Trung học. Tuy nhiên, không
ngờ hoàn cảnh không may lại đến với mình từ cuối năm Đệ Ngũ kéo dài đến năm nầy,
tôi không có nhiều điều kiện để học cho đúng nghĩa, nhất là Năm Đệ Tam. Tôi cố gắng
vượt qua tới giờ nầy đã là quá lắm rồi! Đó cũng chính là nguyên nhân tôi phải
chọn đi Ban A thay vì ước muốn của mình là Ban B (nó sẽ thích hợp với mình hơn).
Ngoài những ngày học môn ở nhà, chúng tôi còn tập hợp ở nhà của Tâm một ngày để
lo học về môn Toán, mặc dù Tâm lẫn Huệ làm Toán của Ban B. Tôi và Son chỉ là học
ké mà thôi!
Thế rồi ngày thi
cũng sắp đến, chúng tôi phải lấy Số Báo Danh để biết mình thi ở Trung Tâm nào và
Trường nào mình phải đến đó để dự vào kỳ thi. Số Báo Danh do Văn Phòng Trường
lo, chúng tôi chỉ đến Văn Phòng để nhận theo ngày quy định, nhưng còn biết địa điểm,
phòng thi là chuyện của chúng tôi. Ngày ấy, thi không phải ở Trường hay ở Tỉnh
của mình mà phải về mãi tận ở Sài Gòn với bao nhiêu thí sinh ở Sài Gòn, Chợ Lớn,
Gia Định và nhiều Tỉnh khác cũng đổ xô về đó mà thi. Ngay cả trong Kỳ thi Trung
Học thuở trước, học sinh Trường Phước Thành chúng tôi phải về Tỉnh Biên Hòa để
thi, nay Kỳ thi Tú Tài I nầy ở cấp bậc cao hơn nên phải tập hợp về Sài Gòn mà
thi. Ngày nhận được Số Báo Danh thì mấy đứa chúng tôi phải đi kiếm cái trường là
nơi địa điểm mình dự thi, rồi phải tìm một cái địa chỉ người quen để nhờ ở trọ
trong những ngày ấy. Sự tìm địa điểm không khó vì các Trường lúc đó đang là kỳ
nghỉ Hè nên trống vắng. Tìm được trường, xong phải tìm đến cái phòng mình sẽ ngồi
thi, theo số Báo Danh của mình được niêm yết trên một tờ danh sách thí sinh dán
ở trước cửa phòng thi. Tôi và To thi cùng trường, cũng như đa số bạn học ở Trường
An Mỹ thì thi ở Trường Trung Học Cô Giang gần chợ Cầu Muối, cách không xa với trường
Nguyễn Thái Học ở đầu đường Nguyễn Thái Học với đường lớn Trần Hưng Đạo của Thành
phố Sài Gòn.
Nguyên Thảo,
11/02/2024.
No comments:
Post a Comment