Đức Phật chỉ
ra rằng:
Mọi chúng sinh, con người đều có Phật tánh như Ngài đã có, chỉ vì sự ngu si, mê
muội (Vô Minh) lúc ban đầu, mà Phật tánh đã mượn đến Tứ Đại để cấu thành thân xác,
có thân xác khiến Phật Tánh bị kiềm hãm, gò bó, giới hạn trong thân xác ấy, rồi
lại phải đáp ứng các nhu cầu mà thân xác cần thiết, đòi hỏi để chống chọi lại các
điều kiện sống ở bên ngoài lẫn giữ mạng sống, nên đành tạo các nghiêp để rồi phải
chìm vào luật nhân quả, tái sinh, luân hồi trong sáu đường (lục đạo), ba cõi
(tam giới). Muốn thoát ra khỏi chúng sinh cần hiểu rõ về Tứ Thánh Đế, giữ giới để
tránh tạo nhân do sát, đạo, dâm, vọng gây ra và thêm giới khác là những chất gây
nghiện, hay làm cho tinh thần không còn minh mẫn khiến chúng sinh không thể kiểm
soát được mình, mất đi chính kiến, chính tư duy. Sau đó là thực hiện Pháp Lục Độ
- Ba La Mật (sáu bước để đưa đến kết quả giải thoát: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục,
Tinh Tấn, Thiền Định, và Trí Huệ) để cuối cùng Trí Huệ được phát sinh và hành
giả tiến vào ngưỡng cửa thành Bậc Giác Ngộ trong Hữu Dư Y Niết Bàn (Niết Bàn
khi còn sống); và sau khi chết sẽ nhập vào Vô Dư Y Niết Bàn. Để hỗ trợ cho hành
giả thực hiện Lục Độ, Đức Phật có nêu lên 37 phẩm gọi là “Trợ Đạo” để giúp cho
người tu dễ dàng đạt kết quả. Ba mươi bảy phẩm ấy là: Tứ Niệm xứ, Tứ Chánh Cần,
Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và Bát Chánh Đạo! Không những
thế, Đức Phật còn nhắc đến những “Luật” của người tu mà Ngài đã nghĩ ra nhằm giúp
người tu được vững chắc trên đường tu hành, nên khi gần Nhập Diệt Ngài trả lời
cho chúng Đệ Tử “Phải lấy Giới Luật làm Thầy”! (“Này! Các người phải tự mình thấp
đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà
tự giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát
ở một nơi nào khác, ngoài các người..”).
Với Giáo Pháp ấy, Đức Phật
đã ôm bình bát di hành khất thực đến đâu thì thu nhận đệ tử tạo thành Tăng Đoàn
và truyền giảng đến đấy. Ngài cùng chúng đệ tử chia nhau đi nhiều phương để quảng
bá đến cho nhiều người để họ cùng tu hành hầu đạt đến sự giải thoát khỏi khổ đau
cho chính họ trong đời nầy lẫn những đời sau. Tùy theo căn cơ của đại chúng mà
tuyên giảng giáo pháp từ dễ đến khó để người nghe thấu hiểu mà hành Đạo. Ngài
nhập diệt vào năm 80 tuổi sau hơn 45 năm hành đạo!
Sau khi Đức Phật nhập diệt
(theo lịch sử) thì các Kinh điển Ngài truyền bá, rao giảng được kết tập lại
trong bốn thời kỳ:
-Kết Tập Lần Thứ Nhất:
Bốn tháng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, do một số phàm Tăng có thái độ bất kính,
không giữ giới luật nên Ngài Ma Ha Ca Diếp (Mahakassapa) triệu tập 500 vị Đệ tử
A La Hán họp tại hang Tất bát la (Sattlapanna) ở Thành Vương Xá (Rajagaha) dưới
sự giúp đỡ của vua A Xà Thế (Ajatasattu) để kết tập, lần kết tập nầy được gọi là
Ngũ Bá kết tập. Lần nầy A Nan (Ananda) trùng tuyên lại tạng Kinh; Tôn giả Ưu Ba
Ly (Upali) trùng tuyên Tạng Luật; Có thuyết cho rằng Tạng Luận trong lần kết tập
nầy không có trùng tuyên.
-Kết Tập lần Thứ Hai:
Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn khoảng 100 năm tại thành Tỳ Xá Ly (Vaisali) có
Thầy Tỳ Kheo tên Bạt Kỳ chế ra 10 tịnh pháp có tính phóng khoáng khác xưa nên
khi Ngài Trưởng Lão Gia Xá (Yassa Kakandakaputta) đi ngang qua bèn câu hội cùng
700 vị danh tăng tài đức trùng tuyên lại giáo pháp của Đức Phật, ngăn ngừa các điều
phi pháp xen vào Chánh Đạo. Lần kết tập nầy kéo dài đến 8 tháng. Vì có 700 vị Tăng
nên cuộc kết tập nầy được gọi là Thất Bá kết tập, và cũng trong lần nầy, giáo đoàn
của Đức Phật có bất đồng, bắt đầu chia làm hai thành: Thượng Tọa Bộ (Theravada)
chủ trương Bảo Thủ; và Đại Chúng Bộ (Mahasanghika) do số đông hơn, đa số, chủ
trương phóng khoáng, canh tân.
-Kết Tập lần Thứ Ba:
Khoảng 235 năm sau Đức Phật nhập diệt, có vua A Dục (Ashoka) tương truyền lúc mới
lên ngôi Ngài hung tàn, bạo ngược, chinh chiến, chém giết nhiều nơi; nhưng sau
vì lòng hối hận, ăn năn Ngài Quy y theo đạo. Từ đó Ngài rất nhân từ, hộ pháp đắc
lực, cho xây nhiều bảo tháp trên đất Ấn Độ để thờ Xá Lợi Phật cùng các trụ đá để
đánh dấu các Thánh Tích; chính nhờ sự việc ấy mà các nhà Khoa học về sau có cơ
sở để truy tìm con người lịch sử của Đức Phật. Đồng thời nhà vua còn gởi nhiều
nhà sư đi khắp nơi để truyền bá đạo giáo, cùng thỉnh Ngài Mục Kiền Liên Đế Tu (Moggaliputta
Tissa) làm Thượng Thủ họp cùng 1000 vị Đại Đức, Tỳ Kheo để kết tập giáo pháp,
chỉnh đốn Tăng giới, bài trừ những Tu sĩ phạm trai, phá giới, vô kỹ luật kéo dài
trong 9 tháng mới xong.
-Kết Tập lần Thứ Tư:
Khi vua A Dục qua đời, các triều đại sau không còn sùng tín Đạo Phật như trước
và mãi đến thêm 300 năm nữa mới có vua Ca Nị Sắc Ca (Kaniska) lại sùng tín như
trước cho xây nhiều tháp đền khắp nơi. Điều đáng chú ý là lần kết tập kinh điển
lần thứ tư được bảo trợ ở tại thành Ca Thấp Di La (Kasmir) khoảng 600 năm sau
khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Lần nầy có sự tham dự của 500 vị La Hán; 500 vị Bồ
Tát, Tỳ Kheo; 500 vị Học Giả, Cư sĩ. Trong lần Kết Tập nầy, Tam Tạng được khắc
vào bảng đồng và thực hiện suốt 12 năm mới xong.
Qua sử thì trong hai lần
kết tập đầu tiên, Chư Tăng kết tập theo thể thức hội tụng chứ chưa ghi chép bằng
Văn Tự. Mãi đến lần kết tập thứ 3 và thứ 4 thì mới vừa hội tụng lẫn văn tự. Tăng
già phía bắc thì ghi chép bằng chữ Phạn (Sankrit) và truyền về phía bắc Ấn qua
Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam; phía nam
thì ghi bằng chữ Pali và truyền về Nam Ấn đến Tích lan, Miến Điện, Thái lan,
Kampuchia, Lào, Việt Nam. Như vậy Việt Nam tiếp nhận Đạo Phật ở cả hai hướng
Nam và Bắc. Nhờ các lần kết tập đó mà kinh điển giáo pháp Đạo Phật còn tồn tại
lưu truyền cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, theo hệ phái
Theravada ghi chép Kinh điển bằng Tiếng Pali thì lần kết tập thứ tư nầy được tổ
chức ở xứ Sri Lanka, tại động Alokalena vùng Matulajanapada khoảng thời gian
450 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, với 1000 bậc Thánh A La Hán do Ngài Đại
Trưởng Lão Mahadhammarakkhita làm chủ trì trong thời gian một năm, ghi chép trọn
bộ Tam Tạng, Chú giải bằng chữ viết trên lá buông (lá bối?)
Sau đó hệ phái Phật Giáo
tiếng Pali nầy còn có vài lần kết tập nữa.
-Kết Tập Lần Thứ Năm:
Do dưới thời vua Asoka có gửi Đoàn Chư Tăng do Ngài Trưởng Lão Sona và Ngài Uttara
sang truyền giáo vùng Suvannablumi gồm các nước Myanmar, Indonesia, Thái Lan,
Kampuchia, Lào…Nhưng do tình hình không ổn định ở các nước, cho nên Kinh sách
Phật giáo thường bị đốt phá, mất mát. Vì vậy đến thời vua Mindon của Myanmar,
Ngài muốn bảo tồn giáo pháp của Đức Phật nên nhờ Ngài Đại Trưởng Lão Bhaddanta
Jagara làm chủ trì cùng với 2400 Vị Đại Đức xuất sắc kết tập lại Tam Tạng kinh tại
Kinh Thành Madalay, và khắc trên bia đá để giữ được lâu dài vào năm 2414 (năm
1871) theo Phật Lịch. Công việc nầy được thực hiện suốt 11 năm ròng rã mới
xong.
-Kết Tập Tam Tạng Pali
Lần Thứ Sáu: Do trải qua thời gian quá lâu, các Kinh sách Phật Giáo được in
ấn, sao chép có nhiều sai sót, không giống như bản chính, vì vậy năm Phật Lịch
2497 (năm 1954), Chính phủ Myanmar thành lập Hội Phật Giáo có tên “Buddhasasanasamiti”
để kết tập Tam Tạng Kinh lần thứ sáu tại động nhân tạo Lolasama, Thủ đô Yangon,
Myanmar. Lần nầy gồm 2500 vị Đại Đức thông hiểu về Kinh Tạng, giỏi ngôn ngữ Pali
cùng đối chiếu nhiều bộ Kinh điển từ các nước Phật giáo để sửa chữa cho đúng. Công
việc làm suốt 2 năm mới hoàn tất. Sau đó, Thủ Tướng U-Nu của Chính Phủ Myanmar
tổ chức Lễ Khánh Thành kết tập rất long trọng, và mời Nguyên Thủ các quốc gia
Phật Giáo, cùng Chư Tăng, tín đồ của 25 nước trên thế giới đến tham dự, đánh dấu
2500 năm Phật Giáo.
Bộ Tam Tạng, Chú Giải
trong lần kết tập nầy được xem làm mẫu mực cho các nước theo hệ phái Theravada.
Đó là lịch sử của những lần kết tập Kinh điển giáo pháp Đạo Phật trong suốt chiều
dài hiện hữu trên thế gian. Còn riêng Phật giáo Đại Thừa được ghi nhận có một lần
kết tập nữa tại A Phú Hản vào khoảng 500 năm sau Đức Phật nhập diệt để kết tập
lại bốn Bộ Kinh A Hàm (Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm) tương
đương với Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh của
Hệ phái Tiếng Pali hay phái Nguyên Thủy Theravada.
Nguyên Thảo,
19/09/2024.