Người Việt Nam chúng ta rất
là tình cảm: Nào là tình làng nghĩa xóm, tình láng giềng, tình thân, dòng họ, tình
nghĩa bạn bè, đồng hương…biết bao nhiêu thứ tình gắn bó từng con người trong
gia đình, dòng họ, làng xóm của một xã hội nông thôn ngày xa xưa ấy để trở thành
một nền văn hóa riêng biệt cho dân tộc trong một đất nước thân yêu! Những tình
cảm đó có lẽ thoát thai từ cái nếp sống nông thôn mộc mạc, cũng như mọi con người
chung hoàn cảnh sung sướng, cùng cực có nhau. Những năm trúng mùa vụ cùng nhau
vui sướng, và những năm thất mùa hay tai ương ập đến thì cùng nhau gian khổ,
chia sớt ngọt bùi, giúp nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn. Rồi đến những việc
quan, hôn tương tế không hề bỏ nhau trong lúc cần thiết. Chính vì cái tình cảm ấy
mà đi đâu, hay trở về người ta thường nghĩ đến nhau!
Có những con người vì hoàn
cảnh đành phải lê lết phương xa cầu thực, hay để tìm cho mình một phương cách sống,
lâu ngày trở về cũng phải nhớ đến bà con, xóm giềng gọi là chút quà lấy thảo với
nhau. Hay người trong quê đi thăm người thân, quen biết nơi xa, ít ra cũng có vài
món quà mọn như trái cây, bánh trái quê nhà chẳng hạn. Điều ấy có lẽ không bao
giờ dứt, vì từ ngày Đồ tôi lớn lên và biết thì luôn vẫn là như vậy. Ấy là một nét
đẹp của dân mình! Rồi cũng không quên quà cáp trong ngày Tết, năm mới. Thế nào
cũng phải có chút gì đó gọi là mừng nhau trong Một Năm Mới, kèm theo lời chúc vào
một năm sáng lạng, hi vọng hơn xưa. Còn mấy đứa con, cháu thì sao nhỉ? Quần áo
mới cho các con, chút ít tiền “lì xì” cho con lẫn cháu. Bề nào thì người lớn cũng
phải có cho vui. Với những năm “xuôi chèo mát máy” kiếm được ra tiền thì không
thành vấn đề, còn những năm eo hẹp thì cả là một vấn đề phải lo! Đó là chuyện
lo của những người có công ăn chuyện làm, còn đối với những người nghèo khó, đành
ngẫng mặt lên nhìn trời mà than, mặc cho ai nói gì thì nói, con cháu buồn thì cũng
phải chịu thôi. Ai bảo tụi bây sanh nhằm vào nhà nghèo, ráng mà chịu khổ vậy!
Trong những thời gian khó khăn,
người ta phải xếp hàng đi xin giấy tờ, ai nghèo đành ngồi chờ suốt buổi; ai có
quen biết hay cà phê cà pháo thì không cần đến hoặc chẳng phải chờ. Thế là con
nghèo cũng ráng mà chịu, nên biết lẽ thì đừng có than van! Đã vậy, mà còn không
biết bao nhiêu là chuyện phải tốn tiền, quà cáp. Ôi! Ông Tà xóm trên chết rồi,
chiều đám giỗ ông Tá, mai đám cưới Thằng Tạ, mốt đi thăm chú Tả đang nằm bệnh viện.
Chú Bảy mời tân gia, Thằng Bay thôi nôi cho nhỏ cháu, rồi các đám đầy tháng, lại
sinh nhật tán loạn xà ngầu mà bà con làng xóm nội hai bên nội ngoại đã mệt nhoài,
rồi còn bên mình bên vợ, láng giềng hàng xóm nào bỏ được đâu…Nơi nào cũng phải ít
nhứt là một chút quà cáp gì đó. Chắc chưa có ai ngồi kết toán lại xem một năm mình
có bao nhiêu cái đám ma, bao nhiêu cái đám cưới, rồi đám giỗ, đầy tháng, thôi nôi, tân gia…chưa kể bao nhiêu thứ
khác cần phải chi, quà cáp. Đó là chưa nói đến những cái đám giỗ hay cái đám gì
khác mà phải tổ chức, phải làm ở nhà! Trong những thứ quà cáp mà “ngu xuẫn” nhứt
là cái thứ quà cáp mà không thể không làm được: Đó là đi vay tiền ở ngân hàng mà
phải biếu chút nào đó cho người trong ngân hàng. Không biết thời đại bây giờ thế
nào thì Đồ Ngông tôi không được biết, chứ một thuở nào đó, đã có những trường hợp
người không tiền đi vay ngân hàng để làm ăn đành phải chi ra chút nào đó để biếu
hay “làm quà” cho người ở ngân hàng xem như là đền ơn sự giúp đỡ được vay tiền:
Thật là oái oăm và thảm thương! Thôi chuyện nầy tới đây thôi, nói nữa thật là
nhức đầu và tối tăm mày mặt, không khéo sẽ hết biết đường về!
Đồ Ngông,
25/05/2024.
No comments:
Post a Comment