Thursday, October 17, 2024

*Cuốn Theo Chiều Gió! (4)


Sự Truyền Bá của Đạo Phật: Chúng tôi có những phần ghi lại nầy là vì trong sự tìm hiểu Đạo Phật cần nên có, để có thể biết tường tận hơn phần nào về các kiến thức của mình; rồi từ đó sẽ nhận định xa hơn trong những câu chuyện bàn thảo với nhau. Đây chỉ là những phần khái quát, kiến thức phổ thông, nhằm củng cố cái vốn hiểu biết nông cạn của bọn chúng tôi, chứ không là những vấn đề nghiên cứu kỹ lưỡng vì trong các trang mạng, tài liệu nghiên cứu của các Thầy, Sư Cô, Tu Sĩ, Cư Sĩ, Chùa cùng các tổ chức đã ghi lại rất đầy đủ rồi. Với vị trí của Việt Nam thì được tiếp nhận hai luồng truyền bá từ phương Bắc lẫn Phương Nam, vì thế sự tìm hiều cả hai cũng là điều cần thiết.

Trước hết, chúng tôi ghi lại cuộc truyền bá Đạo Phật về Phương Nam, tức là sự truyền bá Đạo Phật về hướng đất nước Sri Lanka rồi truyền sang các nước khác như Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia…mà cũng có thể ở cả Indonesia nữa vì ở đảo Jawa ngày nay còn có di tích Borobudur của Phật Giáo mà di tích nầy được xem là lớn nhất trên thế giới có niên đại từ Thế Kỷ thứ IX, chứng tỏ Indonesia trước kia là nơi Phật Giáo phát triển rất mạnh trước khi Hồi Giáo đến xâm chiếm nước nầy và dân chúng phải chuyển sang Đạo Hồi, mà ngày nay Indonesia được xem là quốc gia có người theo Đạo Hồi nhiều nhất trên thế giới.

Theo lịch sử thì sau khi Đức Phật nhập diệt, hàng Tăng chúng bắt đầu có những dị biệt trong cách hành đạo nên đã có những kỳ kết tập Kinh Điển để bảo tồn Chánh Pháp như đã ghi ở trên. Đồng thời vào Thế Kỷ thứ III trước Tây lịch, con trai vua Asoka là Mahinda đến Sri Lanka truyền bá Đạo Phật. Nhà vua Devanampiya-tissa theo đạo và cho xây chùa Mahavihara ở kinh đô thời đó là Anuradhapura. Sau em gái Mahinda là Ni trưởng Sanghamitta mang xá lợi Phật cùng cây Bồ Đề con đến trồng làm giá trị cho ngôi chùa thêm nâng cao. Rồi từ đầu Thế Kỷ thứ II đến Thế Kỷ thứ I trước Tây Lịch do chiến tranh tàn phá với người Tamil thường xuyên, nên các nhà sư cho chép Kinh điển trên lá bối (lá buông?) để bảo tồn và lưu truyền về sau, bên cạnh phương pháp truyền khẩu truyền thống. Còn Myanmar sau các biến động lịch sử cũng như tôn giáo, cuối cùng, nhất là sau khi quân Mông Cổ rút đi, các vua Myanmar gởi các nhà sư sang Sri Lanka học tập. Lúc ấy Sri Lanka đã lấy Thượng Tọa Bộ hệ phái Mahavihara làm quốc giáo, cho nên khi trở về nước các nhà sư Myanmar tiếp tục củng cố truyền thống Thượng Tọa Bộ Mahavihara cùng với Sri Lanka và trở thành trung tâm bảo tồn hệ phái nầy và sự truyền giáo lan truyền đến các nước lân cận như Thái Lan, Lào, Kampuchia, phía nam Việt Nam, có thể sang cả Mã Lai và Indonesia nữa mà chứng tích thời cực thịnh ấy là Di sản Đền Phật Giáo lớn nhứt Thế Giới Borobudur ở Magelang, miền trung đảo Java của Indonesia ngày nay.

Đó là nhánh Phật Giáo lan truyền về phương Nam, còn sự truyền giáo về phương Bắc thì thế nào?

Đạo Phật từ lúc đầu vốn là Tăng Đoàn chứ không có một tổ chức qui củ, hệ thống của một tôn giáo cho nên không có chức sắc, người điều hành để điều khiển hệ thống truyền giáo của Đạo. Khi Đức Phật tại thế thì Ngài chỉ truyền đạt lại những gì mà Ngài đã thấy biết, giác ngộ, những tri kiến nào của một vị Phật như Ngài đã thấy biết, nhưng Ngài chỉ thuyết về vấn đề của con người, chúng sinh để người nghe tiến vào con đường tu hành, nhằm thoát khỏi những đau khổ trầm luân trong Vòng Luân Hồi, và đạt đến Giải Thoát, tìm lại được sự an vui, tĩnh lặng. Những điều Ngài biết, thấy bao la như lá cây trong rừng, như đất trên đại địa, còn những điều Ngài thuyết giảng chỉ là lá cây trong nắm tay, như đất nằm trong móng tay. Tại sao như thế? Vì những điều Ngài nói mới ích lợi cho người, giúp họ hiểu biết mà tu hành giải thoát, còn những điều Ngài không nói tức là những gì không cần thiết cho người nghe để tu tập. Tất nhiên, khi người biết tu hành thành Phật, thành Bậc Giác Ngộ như Ngài thì sẽ được biết thôi. Do đó Ngài tuyên xưng “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”! Vì sao? Vì tất cả chúng sinh dù là cây cỏ, súc vật, con người hay chúng sinh còn ở nơi Địa Ngục, Ngạ Quỷ, A Tu La hay cõi Trời (Chư Thiên) đều cùng có cái “Phật Tánh” riêng của mình, ấy chính là cái “Hạt” để thành chánh quả dù chậm hay mau, chẳng qua chỉ là do thời gian thôi, nếu trong thời gian sinh tồn họ biết tạo nên Nhân tốt và thực hiện theo những điều Ngài chỉ dạy.

Đức Phật truyền các nhận thức ấy lại cho Đệ Tử, để họ hiểu và tu hành sao cho đúng cách giống như con đường Thành Đạo mà Ngài đã khám phá; rồi từ những nhận thức ấy mà chúng đệ tử đi hành Đạo, truyền cho nhiều người khác trên hành trình du hóa. Tất nhiên, tùy theo nhận thức của từng đệ tử và sự giảng giải của họ mà Pháp cũng có nhiều biến đổi, nhất là vào các thời kỳ pháp chỉ còn truyền miệng, hội tụng, chứ chưa được ghi lại bằng chữ viết. Cho nên trong lịch sử có nhiều lần “kiết tập” để chỉnh sửa lại cho đúng với Chính pháp, cũng như cách thức tu hành sau thời kỳ Đức Phật nhập Niết Bàn là như vậy.

Sự truyền bá Đạo Phật theo hành trình của những vị Du Tăng, vừa đi đến những nơi mình đến để truyền đạt kiến thức Giáo lý cho những người tiếp xúc, để họ nhận ra Chân lý mà họ khởi sự tu hành cho chính họ, trong sự mong cầu Giải Thoát khỏi khổ đau. Trên hành trình đường xa ấy, tu sĩ mang bình bát đi khất thực từng ngày để bảo tồn mạng sống vừa tu tập vừa thuyết giảng Giáo lý, hoằng hóa chúng sinh. Rồi những con người nhận được kiến thức ấy tùy theo hoàn cảnh, phong tục nơi mình, mà thích hợp với Đạo Phật, hay đúng hơn là Đạo Phật được tiếp nhận một cách hòa hợp với từng địa phương. Đạo Phật chỉ nhằm cải hóa nhận thức con người, hiểu và làm theo, chứ không là một sự bắt buộc phải theo như dùng đến vũ lực áp bức, hay những lề luật bắt người ta phải phục tùng. Đấy là điều “tự do” trong Đạo Phật trên con đường phát triển. Cũng từ đó, những người tu hành tùy theo hoàn cảnh, cơ thể, nhận thức của mình mà chọn cách tu tập miễn là sao: Tránh làm điều Ác, siêng làm điều Thiện, giữ Tâm mình trong sạch. Ấy là tránh gây những Nhân xấu khiến mình phải trả Quả vào những kiếp Luân Hồi. Chính vì thế mà trong Đạo Phật cách tu cũng đa dạng, giống như thật nhiều mà trong ngôn từ Ấn Độ đề cập đến các chữ: “Tám vạn bốn nghìn” pháp môn vậy!

 

Nguyên Thảo,

18/10/2024.

 

 

No comments:

Post a Comment