Tuesday, August 23, 2011

*Thơ Nguyên Thảo. (tt)



*Phút Giây!

Lặng im nghe cõi hồng trần
Gió xao xao động, ngập ngừng lá bay
Trên đời nhuốm những chua cay
Hồn như vất vưỡng, ngày mai không chừng
Khi nào ta lại bỗng dưng
Chợt nghe tiếng gọi, vội ngừng cuộc chơi
Để tâm ý vị thấm đời!

Nguyên Thảo,
23/08/11.






*Hoài Niệm Xưa!
(Tặng các bạn học cũ)


Ngày xưa trên lớp học
Từng đứa trẻ học trò
Ngây ngô và nhỏ dại
Vội ôm ấp giấc mơ!

Năm mươi năm rồi nhỉ?
Những đứa trẻ thấm đời
Đời vui, đầy nước mắt
Thấm ướt tuổi mồ côi!

Thời gian như cuộn chỉ
Chỉ có tháo không ngừng
Trong bao nhiêu dồn dập
Lại vào khoảng mông lung!

Cùng nhau về tuổi trẻ
Ôn lại lúc xa xưa
Nghe mình nhiều trầm lắng
Bao nhiêu đủ để vừa!

Nguyên Thảo,
23/08/11.

*Đạo Phật 22: Sự Nhập Thế Của Đạo Phật.


Chắc không có giáo chủ nào sau khi ngộ đạo, năng nỗ đi hành đạo với một cách hòa ái và nhu nhuyễn như Đức Phật suốt trong hơn 45 năm. Hành đạo không vì cho mình mà chính là cho mọi người, không tự xưng, không vọng động, không sân si, không tham ái và cũng không mệnh lệnh o ép người khác. Hành đạo bằng đầu trần, chân đất, bằng tấm y màu vàng và một bình bát để đi khất thực, lê từ nơi này đến nơi khác cũng vì cho chúng sinh. Mục đích ấy được nói rõ ràng trong Kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” như sau:

“Xá-Lợi-Phất! Sao nói rằng các đức Phật Thế-Tôn chỉ do một sự nhơn duyên lớn mà hiện ra nơi đời? Các đức Phật Thế-Tôn vì muốn cho chúng sinh khai tri-kiến-Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri-kiến-Phật cho chúng sinh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri-kiến-Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh chứng vào đạo tri-kiến-Phật mà hiện ra nơi đời.
Xá-Lợi-Phất! Đó là các đức Phật do vì một sự nhơn-duyên lớn mà hiện ra nơi đời” (Kinh Pháp-Hoa, HT Thích-Trí-Tịnh dịch, trang 55)

Đức Phật dấn thân vào cuộc đời nhằm “khai”, “chỉ” (thị), cho chúng sinh hiểu những tri-kiến mà các Đức Phật đã “nhận biết” (tri-kiến-Phật) để từ đó chúng sinh có thể “ngộ” (tỏ ngộ), “nhập” (chứng vào đạo) tri-kiến-Phật: Đó là nguyên nhân (nhơn duyên lớn) để Đức Phật thị hiện ra nơi đời! Tại sao các Đức Phật phải làm như thế?
Một câu hỏi đơn giản nhưng cũng khiến cho chúng ta phải có nhiều suy ngẫm? Các vị Phật đã là những người giác ngộ, hiểu được Chân lý của vũ trụ qua Lậu-Tận-Thông cho nên thấy chúng sinh không những đã mê mờ và hãy còn mê mờ, nên luôn bị lôi cuốn trong vòng đời đau khổ của Luân-hồi. Trải qua bao nhiêu số kiếp khổ đau để rồi vẫn còn mãi chìm đắm trong đau khổ mà chưa hề biết cách để thoát ra khỏi!
Chư Phật cũng là chúng sinh đau khổ, nhưng các Ngài đã tìm được đường để thoát khỏi khổ đau và vòng Luân-hồi. Nhưng do tình thương vô bờ mà các Ngài nguyện lực trở lại cõi đời để giáo hóa, độ chúng sinh. Sự thị hiện đó nhằm giúp chúng sinh hiểu được những Chân lý mà chư Phật đã biết, đã thấy để chỉ cho chúng sinh tự cứu, tự gỡ lấy những đường tơ “nghiệp chướng” mà họ đã tạo ra, tự trói lấy mình như một con tầm nằm trong tổ kén. Thế cho nên chư Phật ra đời để: Khai, Thị cho chúng sinh thấy được Khổ-đế, Tập-đế; rồi biết chọn cho mình (ngộ và nhập) con đường Đạo-đế để chấm dứt khổ đau cho chính mình trong Diệt-đế giống như chỉ cách cho con tằm biết cách phá vỡ tổ kén để thành bướm (con ngài) mà bay ra ngoài vòng kiềm tỏa! Thế cho nên Tứ-Đế được xem là Tứ-Thánh-Đế và cũng là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật đã thuyết với năm anh em Kiều-Trần-Như khi Ngài bắt đầu cho cuộc “chuyển pháp luân” của mình!
Đức Phật còn “nhắc nhỡ” cho chúng sinh rằng chúng sinh có khả năng “thành Phật”, chứ không riêng gì các vị Phật; Vì tất cả chúng sinh đều có Phật tính như nhau, giống như Phật không khác, cho nên “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Nhưng vì chúng sinh không biết mình cũng có viên ngọc quý (Phật-tính) trong chéo áo để rồi cứ tưởng mình là kẻ khốn cùng nghèo khổ mà lang thang từ xứ này đến nơi khác (đứa cùng tử). Đi khắp trong ba cõi, sáu đường (luân-hồi) cũng như vất vưỡng trong thế giới trần lao đầy lửa nóng (Tam giới như hỏa trạch) mà cứ mãi vui chơi (trong nhà lửa), không hề nghĩ đến cách thức để tìm lối ra.
Vai trò Đức Phật ra đời như là một người cha đi tìm đứa con “cùng tử” để trao của báu; hay như vị trưởng giả tìm cách dẫn dụ những đứa trẻ vui chơi trong nhà lửa đang cháy để đưa chúng ra khỏi đó.
Đức Phật đã không dừng ở đó! Nếu bao nhiêu đó đã đủ thì Đức Phật sao phải bỏ ra hơn 45 năm hành đạo; phải đầu trần, chân đất, khất thực rày đây mai đó thuyết giảng cho chúng sinh hiểu; đồng thời tùy theo căn cơ từng nhóm, từng chúng sinh mà nói pháp, đề cập cách thực hiện các pháp để đạt đến kết quả sau cùng và trở thành một Bậc Giác-Ngộ. Kết quả bao nhiêu năm ấy là sự tập hợp lại thành một kho tàng Kinh điển của Đạo Phật mà ngày nay chúng ta còn nhiều nghiên cứu và thực hành, từ một người con Phật bình thường cho đến hàng Cư sĩ và Xuất gia đang hành trì để tự cứu mình và cứu người trong tương lai (tự độ và độ tha).
Sự “Nhập thế” của Đức Phật quả là vĩ đại! Và sự hiện diện của Ngài với những mục đích “cao cả” không thể lấy gì mà tán thán cho hết lời, vì những mục đích đó chỉ là “cho chúng sinh” mà thôi! Điều ấy khiến cho chúng ta là những người con Phật hay là những người tìm hiểu vào Phật pháp cần suy nghĩ để định hướng mà có phương pháp tiếp tục mục đích thị hiện ra đời của Ngài trong sự nghiệp “vì sự nghiệp Giác-Ngộ của chúng sinh”!
Sự chia sẻ nhận thức, hiểu biết, tìm hiểu giáo lý Phật pháp sau thời Đức Phật diệt độ của tất cả những ai đã từng tìm hiểu đều là những ý kiến hữu ích để cho chúng ta tìm đến Chơn lý của Giáo-lý đạo Phật mà hành trì cho đúng: “Nhận thức đúng thì sẽ đi đúng đường”, nhìn đúng theo hướng ngón tay của Đức Phật thì chúng ta sẽ thấy mặt trăng hay sẽ đi đến được mặt trăng, bỡi vì chúng ta là những người “sinh sau Phật” tức là một nạn trong tám nạn của kiếp sống con người! Cùng nhau tìm hiểu, nghiên cứu để được Chính-Kiến, Chính-Tư-Duy thì chúng ta mới có con đường đúng được, có con đường đúng thì chúng ta cũng sẽ hành trì đúng, tất nhiên hành giả sẽ đạt đến mục đích sau cùng là giải thoát và Niết-Bàn.
Đã từ lâu, Đạo Phật ở nước ta có rất nhiều trở ngại khó cho vấn đề tìm hiểu dù đa số người dân đều ngưỡng vọng về Đạo Phật. Kinh điển bằng chữ Hán, đọc tụng cũng bằng chữ Hán; cho nên với đại chúng có ít người hiểu về Đạo Phật. Cũng may phong trào chữ quốc ngữ phát triển, đồng thời với những phong trào chấn hưng Phật giáo do những nhà trí thức khởi xướng nên Phật giáo bắt đầu khởi sắc. Nhiều nhà trí thức, học giả đi sâu vào nghiên cứu Kinh điển; các tăng ni trẻ nâng cao trình độ học vấn cũng như nghiên cứu, do đó giáo lý Đạo Phật càng ngày càng được phổ quát và được nhận định một cách đứng đắn và khoa học hơn; đồng thời loại bỏ được những điều mê tín dị đoan từ những tín ngưỡng dân gian pha trộn vào. Tuy nhiên, những bộ giáo lý đơn giản dễ hiểu cho người phật tử từ bình dân cho đến trí thức, từ trẻ cho đến già để phổ cập trong dân chúng là điều còn cần thiết. Đó cũng là điều mà những ai quan tâm đến sự phát triển của Đạo Phật cũng còn có nhiều ưu tư trong mục đích “thị hiện ra đời của Đức Phật”!
Ở trên, là “sự Nhập Thế” của Đức Phật và giáo lý Đạo Phật. Còn sự nhập thế của hàng “Bồ-Tát” ra sao?
Sự Nhập thế của các vị Bồ-Tát với những đại nguyện quên mình để tiến lên quả vị Phật; đôi khi Bồ-Tát lại chưa muốn thành Phật để còn được độ chúng sinh nhiều hơn. Điều ấy chúng ta có thể thấy ở trong Đại nguyện của Địa-Tạng-Vương Bồ-Tát như sau:

“Từ nay đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sinh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng đó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật đạo” (Kinh Địa-Tạng, HT Thích-Trí-Tịnh dịch, chùa Pháp-Bảo -Sydney ấn tống 1994, trang 25).

Và số chúng sinh mà Ngài Địa-Tạng hóa độ đến Đức Phật còn tán thán:

“Đức Phật bảo Ngài Văn-Thù-Sư-Lợi rằng: “Đến Ta dùng Phật nhãn xem hãy còn không đếm xiết! Số Thánh, phàm nầy đều của Ngài Địa-Tạng Bồ-Tát từ thuở kiếp lâu xa đến nay, hoặc đã độ, đương độ, chưa độ, hoặc đã thành tựu, đương thành tựu, chưa thành tựu”. (Kinh Địa-Tạng đã dẫn, trang 22).

Còn Ngài A-Nan trong Kinh Lăng-Nghiêm đã phát đại nguyện:

“Hôm nay con nguyện mau đặng thành quả Phật, để trở lại độ chúng sanh nhiều như hằng sa. Con nguyện đem thân tâm này, phụng sự các đức Phật nhiều như vi trần. Thế mới gọi là đền ơn chư Phật.
Cúi xin đức Thế-Tôn chứng minh cho lời thệ nguyện của con: “Trong đời ngũ trược tội ác này, con thề vào trước để cứu khổ chúng sanh. Nếu còn một chúng sanh nào chưa được thành Phật, thì con thề chẳng lãnh quả vui Niết-Bàn.
Phật là đấng Đại-hùng, Đại-lực, Đại-từ-bi. Cúi xin Ngài tiêu trừ các điều mê lầm vi tế cho con, khiến cho con sớm đặng thành quả Phật, để hóa độ chúng sanh khắp cả mười phương thế giới. Giả sử hư không kia có thể tiêu diệt hết, chớ chí nguyện của con đây chẳng hề lay động” (Kinh Lăng-Nghiêm, PHPT khóa VI-VII, HT Thích-Thiện-Hoa, trang 113).

Và với Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-Tát chúng ta có thể thấy ở Chú Đại-Bi như sau:

“Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-Tát bạch Phật rằng: “Lạy Đức Thế-Tôn, nếu các chúng sinh tụng chú Đại-Bi, mà còn sa vào ba ngã ác (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh), con thề không thành chánh giác, tụng chú Đại-Bi nếu không được sinh sang cõi Phật, con thề không thành chánh giác; tụng chú Đại-Bi nếu không được tam muội hùng biện, con thề không thành chánh giác; tụng chú Đại-Bi trong đời này cầu gì chẳng được nấy, thì không thể gọi là chú Đại-Bi được”.

Tuy nhiên, trong Kinh Pháp-Hoa ở phẩm Phổ-môn mới nói rõ về những sức uy thần cao lớn của Bồ-Tát Quán-Thế-Âm, cùng với ứng hiện 32 hóa thân tùy theo quốc độ hay thân gì mà để cứu độ và nói pháp:

“Phật bảo ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe Quán-Thế-Âm Bồ-Tát này một lòng xưng danh. Quán-Thế-Âm Bồ-Tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát” ((Kinh Pháp Hoa, HT. Thích Trí Tịnh dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản 1994, trang 493).

“Vô-Tận-Ý! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát đó thành tựu công đức như thế, dùng các thân hình, dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sinh, cho nên các ông phải một lòng cúng dàng Quán-Thế-Âm Bồ-Tát.
Quán-Thế-Âm Đại Bồ-Tát đó ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt hay ban sự vô úy, cho nên cõi Ta-Bà này đều gọi Ngài là vị Thí-Vô-Úy” (Kinh Pháp Hoa đã dẫn, trang 500)

Đó là Đại nguyện nhập thế để cứu độ chúng sinh trong các cõi nước chứ không riêng gì ở cõi Ta-Bà, thì chúng ta không thể nói Đạo Phật là đạo bi quan hay xuất thế. Nếu xuất thế thì vai trò cứu độ và nói pháp của Phật và các vị Bồ-Tát không thể thực hiện được. Vì vậy, thế gian đã có nhiều nhận thức sai lầm về Đạo Phật mà họ có từ lâu!
Hơn nữa, một phần người phật tử đã không thấy sự quan trọng của chúng sinh “người” của chúng ta, mà chúng ta hãy còn nhiều “mặc cảm” tự ti, hèn mọn khi mình tiến vào con đường tu tập. Ngày xưa, khi chúng tôi bắt đầu cầm quyển sách mỏng chỉ dẫn về Thiền Yoga, khi đọc sơ qua thấy những từ ngữ trí căn, huệ căn… hình tướng đẹp, nhất là tướng của Phật phải có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Nhìn lại mình chẳng có tướng nào đẹp cả, thì cứ nghĩ chắc chắn mình không bao giờ có thể thành Phật thì cần gì phải nghĩ đến Phật, mặc dù lúc ấy chúng tôi đang ở trọ trong chùa để đi học. Thế từ ấy trở về sau, chúng tôi không hề để ý đến đạo Phật chứ chưa nói đến học hay tìm hiểu một chút giáo lý nào.
Nhưng việc nào cũng có cơ duyên, qua cơn bệnh và buồn chán chúng tôi đã cố gắng định lại “Tâm” của mình trên giường bệnh. Không ngờ, trong sự cố gắng ấy đã khiến cho chúng tôi cảm nhận được một số hiện tượng. Chính vì những hiện tượng ấy và sự “thôi thúc nào đó” trong tâm, chúng tôi phải cố dành thời gian đi tìm Kinh điển của Đạo Phật để tìm xem những hiện tượng, mà mình cảm nhận đó, có trong Kinh điển của Phật hay không? Từ ấy những bài viết về Đạo Phật của chúng tôi được ra đời mãi cho đến ngày hôm nay, mà bài đầu tiên là bài “Nhân một câu chuyện… (hay: Phiền não thị Bồ-Đề)”.
Cũng qua những thời gian nghe các băng giảng, cũng như khi đi vào kinh điển của Đạo Phật, và nhất là sau khi đọc bộ “Phật Học Phổ Thông” của Hòa-Thượng Thích-Thiện-Hoa; chúng tôi thấy có những sự nối kết lạ kỳ giữa các Kinh Lăng-Nghiêm, Viên-Giác và Kim-Cang, rồi từ đó một số đề tài khác được nhắc tới nhằm chia sẻ cùng quý vị độc giả cũng trên trang nhà “Đạo Phật Ngày Nay” này. Và cũng ở đó, chúng tôi đã được nghe Hòa-Thượng Thích-Tâm-Thanh giảng về con người và bát nạn trong một cuồn băng giảng:
Được làm con người trong cõi Ta-Bà là đáng quý vì chỉ ở cõi Ta-Bà này mới có Phật pháp mà thôi! Các cõi khác (Bắc-Câu-Lư-Châu; Đông-Thắng-Thần-Châu và Tây-Ngưu-Hóa-Châu) ngay cả cõi Trời đầy phước báu cũng không có, chứ đừng nói chi đến cõi A-tu-la, Địa ngục, Ngạ quỷ hoặc Súc sinh. Chúng sinh trong các cõi khác muốn thành Phật thì cũng phải tái sinh về “làm người” trong cõi Ta-Bà này. Khi được làm người trong cõi Ta-Bà là ta đã tránh được một số nạn trong “bát nạn” (1-Địa ngục, 2- Ngạ quỷ, 3-Súc sinh, 4-Bắc-Uất-Đan-Việt hay Bắc-Câu-Lư-Châu, 5-Trường-Thọ-Thiên), nạn thứ sáu là đui điếc câm ngọng; nạn thứ bảy là Thế trí biện thong; và nạn thứ tám là sinh vào thời trước Phật, sau Phật. Xem như thế ta không bị các nạn của con người mà còn tiếp thu được Phật pháp (mặc dù là sinh sau Phật) thì ta vẫn có thể tu tập, hành trì theo giáo pháp của Phật để tiến tu giải thoát. Với những điều kiện như vậy, chúng ta chẳng là những con người được đầy phước báu sao? Xem như thế, chúng ta chẳng đang được đứng tại cửa ra của vòng sinh tử Luân-hồi sao? Chúng ta chỉ cần tu tập để mở cửa ra mà thôi như chúng tôi đã phân tích vấn đề trong bài: “Đạo Phật: Nhập Thế hay Xuất Thế?”
Hôm nay, trong bài này chúng tôi muốn chứng minh cùng quý vị về “sự nhập thế” của Đạo Phật; và chúng ta hiện tại là những người đang thực hiện sự nhập thế đó, nhất là những vị Cư-sĩ cũng như Xuất-gia.
Tại sao trong thời gian dài những vị xuất-gia vẫn trầm ngâm ở nơi u tịch để lo sự tu hành? Hay những vị cư-sĩ về già lập tịnh thất, am để tu mong cầu cho kiếp sau; hoặc những người phật tử tụng kinh sám hối với sự hồi tâm của mình sau thời gian bương chải, lăn lộn trong cuộc sống đầy trần lao này? Điều ấy cần cho chúng ta nhiều suy nghĩ!
Nếu chúng ta thử hỏi họ thì có lẽ chúng ta sẽ được trả lời thông thường là: “Để cho kiếp sau!”, chứ ít ai trả lời: “Để thành Phật!” như Lục Tổ Huệ-Năng. Và vì trong Kinh điển muốn thành Phật như Phật thì phải có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, thế thì như chúng ta bây giờ biết đến bao giờ mới thành Phật? Sự không mong cầu cao xa đó, khiến cho người tu an phận của mình và tu cứ cho mình, riêng cho mình thôi; ít khi nào nghĩ đến giúp người khác mặc dù là tu theo phái Đại Thừa. Họ lại càng không nghĩ mình hiện nay đang trên đường lên đến nấc thang của A-la-hán hay Bồ-Tát. Chính vì thế mà họ lại càng không nghĩ nhiệm vụ A-la-hán hay Bồ-Tát là của mình! Tức là họ không nghĩ đến vai trò nhập thế của mình bằng giáo hóa, cứu khổ, cứu nạn, hay giúp chúng sinh tìm đến được sự an lạc trong đời sống cũng như tinh thần.
Có nhiều người nghĩ rằng: “Tự lâu nay đã có ai thành Phật chưa?”, như một Đại đức Huệ Nhật thối chí đường tu đã cải sang đạo Tin Lành làm Mục sư, và phỉ báng Đạo Phật không tiếc lời. Chỉ tiếc cho ông ấy mà thôi! Bao nhiêu năm tu ở chùa, hành trì nghiên cứu Đạo Phật nhưng chẳng hiểu gì về Đạo Phật cả, để rồi bị “ma chướng” đi vào con đưòng ma, vì ông đã chẳng hiểu được đoạn Kinh sau:
“Khi ấy, Ông Tu Bồ Đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì làm sao hàng phục vọng tâm và làm sao an trụ chơn tâm?”
Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì phải dụng tâm như vầy: Ta hóa độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy có mình độ và chúng sanh được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát. Tu Bồ Đề! Thật không có một pháp gì gọi là phát tâm bồ Đề” (PHPT Khóa XII, Kinh Kim Cang, HT Thích Thiện Hoa, trang 134-135); hay:

“Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Ông chớ lầm tưởng: Như Lai nghĩ rằng: “Ta độ chúng sanh”. Tại sao Vậy? Nếu Như Lai có nghĩ: “Ta độ chúng sanh”, thì Như lai còn chấp bốn tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, tức nhiên không phải Như Lai. Bởi thế nên, Như Lai thật không có độ chúng sanh nào cả”. (PHPT khóa XII, Kinh Kim Cang, trang 168)
Để hiểu được điều này, chúng tôi thiết nghĩ Huệ Nhật nên đọc bài “Những Điều Đức Phật Cảnh Giác” của chúng tôi đã tìm hiểu và ghi nhận, để có một nhận thức đứng đắn hơn. Hi vọng qua đó Huệ Nhật sẽ hiều được “Chánh” với “Tà” của một tôn giáo!
Chúng tôi trở lại vấn đề: May cũng nhờ thời cuộc và do nhu cầu bức bách, cần thiết nên giới tăng sĩ trẻ được đi học, du học nâng cao trình độ kiến thức để họ có thể cống hiến cho đời thêm nhiều công trình nghiên cứu, và đi sâu vào Kinh điển để soi rọi Chân lý của Phật pháp được rõ ràng hơn. Những điều kiện ấy đã khởi sắc cho Đạo Phật trước những âm mưu cải đạo của những tôn giáo khác mà những giáo điều của các tôn giáo đó khiến cho những nhà khoa học lẫn trí thức không mấy hài lòng vì sự mâu thuẫn cũng như không hợp lý của nó!
Ở đây, chúng tôi muốn chứng minh cùng Quý vị vị trí “sắp là A-la-hán hay Bồ-Tát” của những người tu sĩ Phật giáo để họ vững thêm niềm tin trong sự tu tập của họ; nhưng cũng là để họ có vài suy nghĩ mà có được những lý tưởng, “hạnh nguyện” phát nguyện độ đời, độ chúng sinh trong tương lai nhằm đem lại một sự tốt đẹp đến cho xã hội và thế giới trong một khung cảnh tràn đầy yêu thương, từ bi không hận thù trải rộng khắp cho loài người và mọi chúng sinh!
Xem như vậy, chúng ta cũng thấy được ai là người đã có phước báu hơn ai! Nhưng chính vì chưa thấy được cái “vị trí quan trọng” mà mình đang ở; nên có nhiều người nhìn qua, nhìn lại rồi bị ma chướng và bị ngã ngựa để trở lại đời thường, bỏ đi những phước báu của mình! Và cũng chính vì đó mà họ cũng quên đi những hạnh, phát nguyện cho vai trò “sắp” là A-la-hán hay Bồ-Tát của họ!
Đức Phật ra đời để giáo hóa chúng sinh biết được những chân lý chân thật, biết được mình có Phật tánh và tu để thành Phật; cùng giúp chúng sinh hiểu được con đường tu để hành trì cho đúng và không hiểm nguy. Đó là mục đích Khai, Thị, Ngộ, Nhập Tri-Kiến-Phật mà những ai nối tiếp “Tác sự Như Lai” cần năng nỗ hơn để giáo hóa được toàn chúng sinh trong cõi Nam-Diêm-Phù-Đề này.
Các Vị Bồ-Tát nguyện nhập vào các cõi kể cả ba đường dữ để cứu độ chúng sinh, hay cứu khổ cứu nạn, đem lại an vui cho chúng sinh mà mình là người thành Phật sau cùng. Điều ấy khiến cho chúng ta có nhiều suy ngẫm về “Sự Nhập Thế” của Đạo Phật trong thời buổi ngày nay.
Nhập Thế bằng giáo lý, bằng từ thiện, nuôi trẻ mồ côi, trợ giúp người nghèo, giúp học sinh nghèo, người nghèo bệnh tật, người già, dạy thêm cho học sinh nghèo, giúp huấn nghệ, chữa bệnh, giáo dục… Quả là những công việc với đầy lòng từ ái, và hạnh nguyện cũng rất đang cần để đem lại an vui cùng cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh! Ấy là sự nhập thế của toàn thể thành viên, cơ cấu của Đạo Phật nhất là đại chúng Phật tử vậy!

Nguyên-Thảo,
27/6/2011.

Tuesday, August 9, 2011

*Cờ Bạc Cơm Gạo!



Nói đến cờ bạc, có lẽ tôi phải thú thật với bạn là tôi chẳng biết gì nhiều về cái thú nầy, mặc dù tôi lớn lên nơi làng quê có những lò chén tạm coi như là các cơ xưởng sản xuất khá đông và mang tiếng là nơi có nhiều nạn cờ bạc nhất. Đến kỳ lãnh tiền, các công nhân thường hay sát phạt với nhau tương đối dữ dội. Có lúc họ chơi công khai ở bãi củi, hoặc ở đầu lò hoặc ở căn nhà nào đó. Những khi làng xã khó khăn nó trở nên lén lút, chun vào các căn lò, núp ở khu vườn chuối hay những căn nhà u tối. Từ các-tê, bài cào, phé, bông vụ, xì dách, hốt me hoặc xập-xám-chướng, còn một số ít thì "ngồi đồng" tức đánh bài tứ sắc. Có vài lúc con bạc đánh mà mắt trông chừng và chuẩn bị tư thế chạy vì sợ bị bắt. Thế mà họ vẫn mê. Những tiếng vợ chồng gây lộn, con cái khóc la, hoặc những đứa bé mặt mày xanh xao do thiếu ăn bởi cha hay mẹ mê đánh bài hoặc thua bài. Tệ nạn ăn cắp, hoặc mượn tiền không trả cũng theo đó mà tăng lên. Sự an ổn làng xóm bị mất dần vì những cuộc cải vã, khóc la, chữi rủa hầu như ngày nào cũng có. Và cờ bạc vẫn được tiến hành thường xuyên, cả ngày lẫn đêm.
Trong giới cờ bạc ấy bắt đầu có nhiều tay nổi tiếng, họ chuyên sống về nghề cờ bạc, không làm gì khác. Họ nghiên cứu bài, sắp đặt bài tức là tìm cách gian lận nào tinh vi nhất để dành phần thắng mà con bạc khác không thể khám phá hay bắt bẻ được. Có người chơi bông vụ nếu không tới sòng, bạn có thử tưởng tượng họ có thể nằm trên bộ ván hoặc ngồi trên võng suốt ngày không ăn mà chỉ bông con vụ trên cái dĩa rồi úp chén đậy lại, xong họ lắng nghe tiếng con vụ đổ mà đoán là đổ số mấy: Nhứt, tam hay ngũ hoặc lục. Họ luyện "cái nghe" của lỗ tai cho thật chính xác để họ thắng mà không phải thua. Nhưng rồi họ vẫn không khá! Còn nhiều lắm, nhưng ở đây tôi chỉ kể lại cho bạn nghe về một nhân vật, nhân vật nầy là một nhân vật có thật ở quê tôi. Tôi không phải viết về ông ta như một cái gương như thế nào, mà tôi chỉ muốn nêu lên một cái điển hình về một cách đánh, một cách cờ bạc không đến nỗi tiêu phá tài sản, ảnh hưởng và đem khổ đến cho gia đình, vợ con. Tôi cũng thành thật xin lỗi chú Ba -nhân vật chuyện nầy- hoặc là vong linh của ông ta, nếu ông ta đã chết; và coi đây như là sự đóng góp kinh nghiệm của chú cho những gia đình không may đã lâm vào các cuộc đỏ đen. Và coi như là chú giúp cho cháu đem lại nguồn vui nho nhỏ nào đó cho các gia đình ấy vậy!
Ông ta tên là Đọi, thứ Ba. Người ta thường hay gọi ông ta là Ba Đọi. Tôi gọi là chú Ba vì ông ta nhỏ tuổi hơn ba tôi. Từ ngày tôi lớn lên, nghe nói và biết chú Ba thì ông ta không có làm gì khác ngoài việc lui tới các sòng bài, còn trước đó thì tôi không rõ; có người nói chú cũng đã là một người xây chén rất giỏi. Với vóc dáng vừa phải, nước da hơi ngâm đen, xương khá lớn nên trông chú có vẻ mạnh mẽ và to bề ngang. Chú có gia đình, đông con, do đó vợ chú bận rộn nhiều về con cái.
Nhiều người thường hay nói về chú Ba như là một tay điếm cờ bạc. Lúc đầu tôi cứ ngỡ chú Ba chắc sắp bài hoặc có những "mẹo" bài giỏi lắm, nên người ta mới nói như vậy! Tuy nhiên, sau những tháng Hè, nghỉ học, tôi dù không mê đánh bạc nhưng cũng lân la những chỗ đó để coi người ta đánh chơi, thật ra tôi cũng không có tiền để đánh. Vì do nơi mọi người hay nói về chú mà tôi thường hay chú ý đến chú để xem chú đánh bài như thế nào? Do vậy, một hôm tình cờ tôi thấy và biết được lối chơi của chú.
Tôi xác định chú không phải là một tay điếm, mà chú chơi bài cũng rất đàng hoàng, đàng hoàng như mọi người đàng hoàng khác, chú không gian lận, không sắp bài, không đổi bài, dấu bài hay bất cứ một hình thức nào khác. Nhưng chú đánh bài với một tư cách và phong thái rất là bình tĩnh, từ từ cũng như cái dáng cử động hay cách nói của chú. Chú không bộp chộp, không háo thắng hoặc là muốn sát phạt nhau mặc dù đang ở trong sự sôi động của sòng bài.
Qua nhiều lần tôi đúc kết được lối chơi của chú. Chú chơi bài như một cái nghề để kiếm cơm cho gia đình; cũng như có một lần, một người lớn nói rõ "Thằng Đọi là thằng cờ bạc cơm gạo, chứ nó không phải là điếm".
Thực thế, một hôm trong sòng bài tôi ngạc nhiên vì thấy chú Ba đến khá lâu mà ông ta không đánh, cứ đứng lóng nhóng ở trên chứ chưa chịu ngồi vào sòng để đặt tụ. Chú chỉ nhìn, cứ nhìn người ta đánh thôi. Một lát sau, chú đến đứng sau lưng một người mà tôi cũng thấy người ấy thường hay thắng, tức là người đó đang hên. Qua một vài ván bài, chú mới móc túi lấy ra 10, 15 đồng "ăn có" hay tiếng nôm na gọi là "bón". 10, 15 đồng không nhiều lắm đâu bạn ạ! Vào thời kỳ đó lương của giáo viên làng là khoảng 4 đến 5 ngàn một tháng. Nếu ván ấy thắng thì chú ăn có tiếp. Nếu tụ mà chú ăn có bị thua liên tiếp hai ván thì chú ngưng không ăn có nữa, đợi vài ván sau. Nếu người đó vẫn thua thì chú sẽ ăn có ở tụ khác nào đang hên hơn.
Như vậy, trong phần đầu của buổi chơi bài, chú Ba rất ít khi bị thua. Khi thấy chú bắt đầu ngồi xuống thì tôi nghĩ trong túi chú có lời khoảng gần 200 đồng; và chú bắt đầu đặt tụ. Chú đặt tiền không nhiều lắm khoảng 30, 40 đồng thôi. Khi ván ấy thắng thì chú đặt tiếp, nếu lỡ thua thì chú đặt ít lại, và thua nữa thì chú không đánh mà trở lại ăn có như lúc mới ban đầu. Khi nào thấy vận hên đến, chú đặt tụ tiếp, và nếu đạt được khả quan thì chú mới làm cái. Bạn nên nhớ là trong sòng bài gần như có qui ước luân phiên làm cái, mỗi người được hai lần. Nếu ai thích thì hai lần, nếu không một lần rồi cho qua hoặc không làm cái, tức bỏ phiên. Khi nào chú Ba thấy thắng thì làm cái đủ, còn thấy thời vận không hên, hoặc tiền ít thì chú cho qua. Khi tiến thì tăng lên, khi thối thì ngưng hoặc trở về ăn có.
Đọc đến đây, bạn nghĩ là tôi đặt chuyện về nhân vật chứ không phải là nhân vật thật, đôi khi bạn lại tưởng là tôi. Bạn nghĩ như vậy thì oan cho tôi lắm! Lúc ấy, tôi chỉ là một đứa học trò thôi! Tiền không có đủ để đi học thì làm sao có tiền đánh bài. Sở dĩ tôi biết mà viết ra cho bạn xem là tại vì chú Ba quá có tiếng trong làng, mà tôi ham vui và tọc mạch. Tôi chỉ muốn biết tại sao người ta gọi chú Ba là điếm cờ bạc.
Thôi tôi xin kể tiếp hầu cho bạn vậy!
Nếu bạn theo dõi chú Ba cùng với tôi, thì lúc nầy chú Ba chắc có trong túi cũng vài trăm đồng bạc dù chú vươn tới, thụt lui cả mấy lần. Đó là chưa kể số tiền chú đem theo. Tôi cũng không biết là bao nhiêu? Thú thật với bạn điều ấy.
Và coi như ngày nay chú Ba được hên đi! Chú bắt đầu đặt tụ, được thắng thường xuyên, rồi chú làm cái, chú cũng hên nữa, chú thắng nhiều lần. Tuy nhiên, nếu người ta tin hên xui hoặc biết thời, biết lúc nào mình hên, biết lúc nào mình xui thì rất là dễ thắng. Chú Ba là một trong những người hiếm hoi trong giới cờ bạc. Chú vừa bình tĩnh và rất bình tĩnh lẫn sáng suốt trong lúc cờ bạc và lại là người biết cả thời vận nữa.
Sau những lần Chú thắng, tiền để phía dưới nhiều, qua đợt làm cái xong chú đặt tụ và chú sắp tiền lại ngay ngắn theo thứ tự cầm ở trong tay, hoặc cất vào túi một số lớn rất khéo léo. Nếu thua một hai ván liên tục, chú vẫn ngồi đó đặt tụ với số tiền ít lại, và lỡ thua vài ván nữa chú không đặt, hoặc là ván đặt ván lại bỏ đi. Nếu thấy không hên chú đứng dậy cất tiền vào túi nói với bạn bè vài câu rồi chú ra ngoài đi tiểu, rời sòng bạc một cách âm thầm, và lên quán cà phê của má tôi hay quán nào đó, kêu cà phê uống, nói chuyện với bạn bè . Xong chú thả bộ lần lên chợ. Tôi nghe nhiều người nói chú mua nào là gạo, thịt, khô mắm hoặc vải và không quên ghé vào tiệm vàng mua vàng cho vợ lẫn con.
Bạn sẽ hỏi tôi: Lỡ chú ấy thua thì sao? Thua thì thua chứ có sao đâu! Thua thì sạch túi. Nói với bạn cho vui vậy, chứ chú có thua thì chú chẳng thua bao nhiêu đâu! Chắc có lẽ do duyên trời, cho nên tôi biết chuyện ấy để hôm nay tôi kể lại cho bạn nghe, biết đâu -nếu chú Ba đã chết- thì vong hồn chú lại khiến cho tôi viết chuyện đời của chú cho bạn tham khảo và nhất là các bạn cờ bạc được cơ hội tìm lại một gia đình có vợ chồng, con cái êm ấm, hạnh phúc cũng không chừng?
Nếu nói đến số tiền chú Ba đem đến sòng bài thì chỉ có hai người biết thôi: Một là chú Ba, hai là thím Ba. Nhưng với "thằng nhóc" ngày xưa ấy chỉ loáng thoáng đoán mò trong một sự tình cờ. Ngày ấy tôi cũng có mặt ở sòng bài, có lẽ ngày ấy là ngày xui của chú. Tôi thấy chú "ăn có" lúc đầu chỉ "ăn" có một lần, sau đó thì cứ thua mãi mặc dù chú rất lựa tụ để ăn có. Thế nào thì số tiền cũng phải hết, với số tiền ăn có và số lần, tôi phỏng đoán chú thua đi 200 đồng. Sau đó, thì tôi thấy chú đứng ngập ngừng lâu lắm, rồi lựa lúc chú mượn của người bạn 20 đồng, được hai lần ăn có. Nhưng vận xui vẫn chưa buông. Hồi lâu sau chú lại mượn của người khác 20 đồng nữa. Vận hên cũng chưa tới, chú đành rời sòng bạc, lên quán má tôi uống cà phê. Khi tôi rời sòng bạc về nhà, đúng vào lúc chú Ba vừa uống cà phê xong, Chú đứng dậy nói với má tôi "Nay thiếu nhen chị bảy, bửa nào tính luôn!", má tôi nói "Được mà!" và chú từ từ đi về hướng nhà.
Một ngày hai buổi chú đến sòng bài, gần trưa đến quán uống cà phê trước khi về nhà ăn cơm, ngủ trưa. Hôm nào thắng thì đem về nhà đầy đủ, đưa tiền cho vợ lo cho con. Hôm nào bại thì thím Ba biết là thua bao nhiêu, thím cũng chẳng bận lòng. Lúc con còn nhỏ thím bận rộn, chứ lớn cả thì thím chỉ nằm võng xích đưa qua lại mà "vàng đeo đỏ tay".
Chỉ tội nghiệp cho chú và gia đình sau ngày 30/4/75 cờ bạc bị nghiêm cấm ngặt, chú không còn chơi nữa và nhà không có đất đai nên chú phải đi kinh tế mới khai đất, không biết bị chướng hay người "Thượng" họ "thư"; Chú trở về có bệnh nhiều lắm! Sau đó thì tôi đi vượt biên không biết chú ấy còn hay mất. Nếu chú mất, tôi xin nghiêng mình xin vong hồn chú tha thứ; và cũng mong rằng chú sẽ vui lòng “độ” những người cờ bạc thoát được vòng lao lung của thế giới đỏ đen để họ được một mái gia đình trong êm ấm, chẳng nợ nần theo nghĩa đen cùng nghĩa bóng!


Nguyên Thảo,
3-4-02.

Saturday, August 6, 2011

*Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)

*Ngã Ba Trung Lương. (Tiền Giang)

Ngày đó, ngày nay chẳng khác nhau
Ngã ba sung túc, khách ồn ào
Nghỉ ngơi, rồi lại lên đường tiếp
Nhãn, mận... đặc miền lớn tiếng rao!

Hủ tíu đây rồi! Hủ tíu đây
Mỹ Tho hủ tíu khách đông vầy
“Mại” vô ta cứ ăn đi chứ
Không khéo đi rồi, lỡ dịp may!

Đồ Ngông,
16/08/10.



*Hủ Tíu Mỹ Tho (Tiền Giang)

Ai đặt ra chi, hủ tíu Mỹ Tho
Đâu có một ngày, ba bữa còn no
Nam Vang hủ tíu, cùng tranh... danh hỉ?
Thì cứ thử rồi, sẽ biết “Mỹ Tho”!

Đồ Ngông,
16/08/10.



*Qua Phà Mỹ Thuận. (Tiền Giang)

Qua phà Mỹ Thuận, thật đông thay!
Người tới người lui, thấy ngớp nầy
Tiếng réo tiếng la nghe ỏm tỏi
Nhưng đừng chửi rủa, kẻo inh tai!

Chiếc cầu xinh xắn ở đầu kia
Mai nữa xây xong thuận lối về
Nam bắc đôi bờ không cách trở
Chiếc phà, cảnh tượng,... vào cơn mê!

Đồ Ngông.



*Cù Lao Thới Sơn. (Tiền Giang)

Qua đò đi tới Thới Sơn
Cù lao bên đó, thong dong ngắm nhìn
Nhìn qua nhìn lại cây bần
Nhìn vào cây trái, nhìn gian kẹo dừa
Tai nghe tiếng nhạc đáng ưa
“Đờn ca tài tử” của người miền Nam”!

Đồ Ngông,
18/08/10.



*Đờn Ca Tài Tử. (Tiền Giang)

Vui chơi! Cái thú vui nào
Nhâm nhi đôi chút, hát ca đôi lời
Bạn đờn, tôi hát, song lan
Giải khuây tao nhã, bày ra hát hò.

Đồ Ngông,
18/08/10.

Friday, August 5, 2011

*Đạo Phật 21: Những Điều Đức Phật Cảnh Giác!

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật sau khi nói đến các món ma mà người hành thiền gặp phải trong khi dụng tâm để phá trừ các ấm (Xúc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức), Đức Phật thường nhắc nhỡ hàng đệ tử các việc làm như sau:

“Vậy các ông phải giữ gìn nơi lòng, vâng lời ta dạy: Sau khi ta diệt độ rồi, các ông phải đem lời ta dạy đây mà truyền dạy cho chúng sanh đời sau, bảo hộ người tu hành, chớ để cho chúng ma làm hại. Trên đường tu hành họ được thẳng vào chỗ tri kiến của Phật chẳng gặp các đường tẽ.
Này A Nan, người trong khi tu thiền, gặp ma nó biến hiện ra nhiều cảnh rất là vi tế, nếu các ông không hiểu biết, rửa sạch tâm cấu nhiễm, chẳng khởi tà kiến, thì cảnh ma kia lần lần tiêu diệt, các ông sẽ thẳng đến đạo Bồ Đề.
Còn như đời sau, có chúng sanh nào chẳng dám tu thiền, sợ bị các ma nhiễu hại, thì ông nên khuyên họ nhất tâm trì chú Lăng Nghiêm này, để các ma chướng kia không thể hại được, rồi cũng thẳng đến được đạo Bồ Đề. (Phật Học Phổ Thông khóa VI- VII, H.T Thích Thiện Hoa, Kinh Lăng Nghiêm, trang 310-311).

Đó là những điều quan trọng mà Đức Phật đã giảng dạy cùng nhắn nhủ những người tu thiền cần quan tâm để tránh được sự lôi cuốn của thế giới “ma” trong khi hành thiền, tức là tránh hiện tượng mà người ta hay đề cập đến được gọi là “Tẩu Hỏa Nhập Ma”.
Sở dĩ như vậy là vì Đức Phật đã chỉ rõ:

“Các ông chưa rõ trên đường tu hành, còn gặp nhiều cảnh ma rất là nguy hiểm. Nếu các ông không biết trước, sanh tâm tà kiến thì đọa vào ác đạo, cũng như người nhận lầm giặc làm con, thì bị hại chẳng ít. Vậy các ông phải chăm chú nghe, ta sẽ chin chắn chỉ dạy cho”. (PHPT VI-VII, Kinh Lăng Nghiêm, trang 269)

Và sau đó Đức Phật thuyết tiếp:

“Bởi các loài ma kia thấy người tu hành, sanh tâm lo sợ cho bà con quyến thuộc của chúng sẽ tiêu diệt, nên chúng dùng đủ thần lực đến nhiễu hại người tu. Chúng nó cũng đủ năm phép thần thông biến hóa chỉ chưa được lậu tận thông.
Mặc dù chúng đủ năm phép thần thông và sức mạnh, song vẫn còn ở trong vòng trần lao; nếu các ông trong khi tu thiền tâm được thanh tịnh sáng suốt, không vọng động, thì chúng ma kia không làm sao hại được. Cũng như dao chặt xuống nước, gió thổi ánh sáng, hoàn toàn không dính líu gì. Chúng ma kia phải lần lần tiêu diệt như băng bị nước nóng chế vào và tối tâm bị ánh sáng phá trừ; chỉ lo một điều là các ông cũng như chủ nhà, nếu chủ nhà mê muội rồi thì các ma chướng kia như khách dễ bề nhiễu hại, rồi các ông trở làm con cái của ma, sau thành người ma.
Ma Đăng Già là thứ ma yếu hèn, nó chỉ làm cho ông phá một giới trong tám muôn giới mà thôi, nhờ tâm ông thanh tịnh nên chẳng bị trầm luân. Còn các chúng ma này rất là nguy hiểm, nó phá tan giới thân huệ mạng làm cho ông nhiều kiếp luân hồi. Chẳng khác nào như ông quan lớn bị cách chức, gia tài sự sản bị tịch thâu, trở thành một người dân trắng, không thể cầu cứu với ai được”. (PHPT VI-VII, Kinh Lăng Nghiêm, trang 270)

Theo như những đoạn Kinh trên, Đức Phật đã cho chúng ta biết người tu thiền cần phải vượt qua những món ma chướng rất là nặng nề để tiến đến thành quả giải thoát sau cùng. Vì những loại ma từ các “ấm” ấy, chúng có đủ năm phép thần thông và sức mạnh cho nên chướng ngại của chúng cũng không là nhỏ cho người tu thiền, vì thế mà Đức Phật đã căn dặn các vị “đại đệ tử” của mình phải truyền dạy “lời ta dạy đây mà truyền dạy cho chúng sanh đời sau, bảo hộ người tu hành, chớ để cho chúng ma làm hại. Trên đường tu hành họ được thẳng vào chỗ tri kiến của Phật chẳng gặp các đường tẽ” để người tu thiền tránh được những món ma ấm quấy nhiễu ấy và có thể đạt đến được đạo Bồ Đề.
Thiền Định được coi là bước quan trọng trong “Lục Độ” (Bố Thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Thiền Định và Trí Huệ) tức là 6 bước để độ mình qua sông, qua bờ bến bên kia. Vì qua Thiền Định người tu mới đạt được Trí Huệ. Điều này khiến ta lại nghĩ đến một trường hợp khác biệt là phương pháp niệm Phật. Nhiều lúc pháp niệm Phật “Nam mô A Di Đà Phật” được xem như là một pháp khác với thiền, đôi lúc làm cho người tu phái này thấy pháp của mình hơn phái kia, rồi kình chống với nhau; nhưng khi ta ngồì như thiền và nhắm mắt lại để niệm từ niệm “Kim cang kỳ danh” cho đến “mặc niệm kỳ danh” và đến chỗ “vô niệm” thì câu niệm Phật ấy cũng giống như là một “công án” của Thiền. Như vậy, Tịnh độ cũng chẳng khác gì mấy đối với Thiền, nhưng nó dễ và ít gặp chướng ngại hơn mà thôi!
Nhưng khi chúng ta để ý xa hơn một chút về những tôn giáo khác, thì chúng ta còn phát hiện được nhiều điều lý thú hơn nữa và mới thấy điều cảnh giác của Đức Phật quả là một chân lý có một không hai: Nếu ta truy về nguồn gốc đạo của một giáo chủ nào đó thì những giáo chủ ấy cũng phải có thời gian suy nghiệm, tĩnh tâm hay thiền định, tức là họ phải trải qua “một thời gian nhất định” nào đó để “hành thiền” dù trong hình thức thiền đơn giản hay “hành thiền chính thức”. Để rồi sau đó họ bắt đầu đi truyền bá giáo lý của mình cho người khác để từ đó có đệ tử và tín đồ. Chính vì vậy mà ta có thể kiểm chứng những điều được Đức Phật đã cảnh giác trong Kinh Lăng Nghiêm này.
Có lẽ Quý độc giả tưởng rằng chúng tôi nói ngoa mà thôi! Nhưng mà quả thật là như vậy!
Theo như Đức Phật giảng dạy thì người tu thiền nào khi dụng tâm để phá trừ các ấm thì có thể cũng gặp nhiều món ma do các ấm ấy hiện ra để quấy rối người tu. Nhưng chung quy cũng làm cho người tu “cảm thấy” mình đã đặng thiền, đạt đạo, thành Phật, thành Thánh, có khả năng nói pháp để rồi từ đó tưởng mình là người đại diện cho một Đấng Tối Cao vô hình nào đó hoặc là sứ giả, hay là một trong những vị Cao Thượng để rồi tự thấy mình cao cả, được gởi đến thế gian, và đang hành một việc để cứu rỗi và “vớt” được chúng sinh trong cõi đời ô trược, lầm than đau khổ của cõi cát bụi này. Nhưng thật ra đó không phải “hành động” của một Bậc Giác Ngộ mà chỉ là của một hành giả đã bị “ma ấm” khống chế. Vì sao? Vì “cái Ngã” của họ đã nổi lên rồi! “Cái Ngã” ngã mạn xuất hiện trên thế gian để bắt đầu cho một tôn giáo khác thành hình. Tôn giáo ấy khởi đầu cho “chiến tranh” để tuyên xưng bá chủ, lấy máu của chúng sinh khác xây nền móng cho giáo hội của mình. Tôn giáo của ta phải thống lỉnh hay thống trị mọi người, mọi tôn giáo khác. Đưa tín đồ vào trong những hành xử: Sát, Đạo, Dâm, Vọng; hoặc phân biệt: Ta, Người, Chúng sinh và Thọ Mạng. Những hành động đó chỉ có trong các tôn giáo không phải là Đạo Giác Ngộ thì tôn giáo ấy chắc chắn không là của những chư Phật trong Quá khứ, Hiện tại hoặc ở Vị lai, mà tôn giáo ấy đã được “các ma ấm” hướng dẫn đi trở về con đường “luân hồi” tự lâu rồi vì người giáo chủ ấy “đã là tôi tớ của ma”!
Chúng ta đọc các đoạn sau trong Kinh Kim Cang thì có thể hiểu rõ hơn:

“Khi ấy, Ông Tu Bồ Đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì làm sao hàng phục vọng tâm và làm sao an trụ chơn tâm?”
Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì phải dụng tâm như vầy: Ta hóa độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy có mình độ và chúng sanh được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát. Tu Bồ Đề! Thật không có một pháp gì gọi là phát tâm bồ Đề” (PHPT Khóa XII, Kinh Kim Cang, trang 134-135); hay:

“Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Ông chớ lầm tưởng: Như Lai nghĩ rằng: “Ta độ chúng sanh”. Tại sao Vậy? Nếu Như Lai có nghĩ: “Ta độ chúng sanh”, thì Như lai còn chấp bốn tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, tức nhiên không phải Như Lai. Bởi thế nên, Như Lai thật không có độ chúng sanh nào cả”. (PHPT khóa XII, Kinh Kim Cang, trang 168)

Theo như trên chúng ta thấy, Bồ Tát mà : “còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát”; và ngay cả Phật cũng không nghĩ là “Ta độ chúng sanh” vì : Nếu Như Lai có nghĩ: “Ta độ chúng sanh”, thì Như lai còn chấp bốn tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, tức nhiên không phải Như Lai”. Tức là hàng Bồ Tát và chư Phật đã không còn vọng tâm và tâm phân biệt giữa các chúng sinh khác với chính mình và trong thời gian vô hạn định, tức là “Cái Ngã” của chư Bồ Tát và Phật không còn nữa mà “Cái Ngã” ấy đã hòa nhập cùng các “Cái Ngã” của chúng sinh khác thành một thể tức là đã “Vô Ngã” trong cõi “Bất Nhị” (chỉ có một mà không có cái thứ hai) tức là tên khác của Niết Bàn, Chơn Tâm, Như Lai Tạng, Yêm ma La Thức, Viên Giác, Đại Viên Cảnh Trí, cõi Phật vậy!
Do đó, tính chất “Vô Ngã” trong đạo Phật rất là quan trọng! Ngay trong lúc hành thiền để dụng tâm “phá trừ các ấm”, các ấm ma hiện ra để quấy nhiễu người tu, mà người tu cảm thấy “Ta” (cái Ngã) đã được chứng đạo, Ta đã đạt được thánh Quả, Ta có khả năng nói pháp, Ta được ơn trên giao phó nhiệm vụ giáo hóa, Ta là đại diện Đấng Tạo Hóa, Ta là sứ giả của Đấng Tối Cao để rồi lập thành một tôn giáo càng ngày càng xa rời “Chánh pháp” hoặc đi hẳn vào con đường: Sát, Đạo, Dâm, Vọng; đưa tín đồ vào vòng của “Vọng tưởng, Tâm phân biệt” (Vô Minh), quay trở lại “Vòng Luân Hồi” trong sáu cõi và không bao giờ thoát ra khỏi tam giới được! Đó là do ý muốn của hàng “Ma ấm” mà người tu đã không sáng suốt, cảnh giác phải lâm vào để “làm tôi tớ của ma”, bị ma sai khiến! Do vậy, người hành thiền cần để tâm đến “Sự Vô Ngã” trong đạo Phật, hay nói khác đi: Khi thấy cái “Ta” khởi lên trong sự chứng được thiền, thì cẩn thận và nhớ đến “Sự Vô Ngã” để giữ mình lại trong trạng thái “an bình” mà tiến đến giai đoạn sau cùng và đạt được Đạo.
Để từ đó ta có thể chiêm nghiệm lại lời của Đức Phật đã giảng giải như sau:

“Này A Nan, tất cả chúng sanh cùng với người mười phương chư Phật, đồng một bản thể chơn tâm thanh tịnh không hai. Bởi các ông bị vô minh vọng tưởng, nên sanh ra mười phương hư không và thế giới nhiều như vi trần, nhưng mười phương hư không và hằng sa thế giới đó đều sanh ở trong chơn tâm của các ông, chẳng khác nào một điểm mây nhỏ sanh trong trời xanh. Nếu người ngộ được chơn tâm rồi thì mười phương hư không và thế giới đều tiêu hết”. (PHPT khóa VI- VII, Kinh Lăng Nghiêm, trang 269)

Ấy là “Nhất thiết do Tâm tạo” vậy! Và đó cũng là: Vì sao trong Đạo Phật không có thần linh nào “Sáng Tạo” cả!

Nguyên Thảo,
23/06/2011.