Tuesday, August 23, 2011

*Đạo Phật 22: Sự Nhập Thế Của Đạo Phật.


Chắc không có giáo chủ nào sau khi ngộ đạo, năng nỗ đi hành đạo với một cách hòa ái và nhu nhuyễn như Đức Phật suốt trong hơn 45 năm. Hành đạo không vì cho mình mà chính là cho mọi người, không tự xưng, không vọng động, không sân si, không tham ái và cũng không mệnh lệnh o ép người khác. Hành đạo bằng đầu trần, chân đất, bằng tấm y màu vàng và một bình bát để đi khất thực, lê từ nơi này đến nơi khác cũng vì cho chúng sinh. Mục đích ấy được nói rõ ràng trong Kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” như sau:

“Xá-Lợi-Phất! Sao nói rằng các đức Phật Thế-Tôn chỉ do một sự nhơn duyên lớn mà hiện ra nơi đời? Các đức Phật Thế-Tôn vì muốn cho chúng sinh khai tri-kiến-Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri-kiến-Phật cho chúng sinh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri-kiến-Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh chứng vào đạo tri-kiến-Phật mà hiện ra nơi đời.
Xá-Lợi-Phất! Đó là các đức Phật do vì một sự nhơn-duyên lớn mà hiện ra nơi đời” (Kinh Pháp-Hoa, HT Thích-Trí-Tịnh dịch, trang 55)

Đức Phật dấn thân vào cuộc đời nhằm “khai”, “chỉ” (thị), cho chúng sinh hiểu những tri-kiến mà các Đức Phật đã “nhận biết” (tri-kiến-Phật) để từ đó chúng sinh có thể “ngộ” (tỏ ngộ), “nhập” (chứng vào đạo) tri-kiến-Phật: Đó là nguyên nhân (nhơn duyên lớn) để Đức Phật thị hiện ra nơi đời! Tại sao các Đức Phật phải làm như thế?
Một câu hỏi đơn giản nhưng cũng khiến cho chúng ta phải có nhiều suy ngẫm? Các vị Phật đã là những người giác ngộ, hiểu được Chân lý của vũ trụ qua Lậu-Tận-Thông cho nên thấy chúng sinh không những đã mê mờ và hãy còn mê mờ, nên luôn bị lôi cuốn trong vòng đời đau khổ của Luân-hồi. Trải qua bao nhiêu số kiếp khổ đau để rồi vẫn còn mãi chìm đắm trong đau khổ mà chưa hề biết cách để thoát ra khỏi!
Chư Phật cũng là chúng sinh đau khổ, nhưng các Ngài đã tìm được đường để thoát khỏi khổ đau và vòng Luân-hồi. Nhưng do tình thương vô bờ mà các Ngài nguyện lực trở lại cõi đời để giáo hóa, độ chúng sinh. Sự thị hiện đó nhằm giúp chúng sinh hiểu được những Chân lý mà chư Phật đã biết, đã thấy để chỉ cho chúng sinh tự cứu, tự gỡ lấy những đường tơ “nghiệp chướng” mà họ đã tạo ra, tự trói lấy mình như một con tầm nằm trong tổ kén. Thế cho nên chư Phật ra đời để: Khai, Thị cho chúng sinh thấy được Khổ-đế, Tập-đế; rồi biết chọn cho mình (ngộ và nhập) con đường Đạo-đế để chấm dứt khổ đau cho chính mình trong Diệt-đế giống như chỉ cách cho con tằm biết cách phá vỡ tổ kén để thành bướm (con ngài) mà bay ra ngoài vòng kiềm tỏa! Thế cho nên Tứ-Đế được xem là Tứ-Thánh-Đế và cũng là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật đã thuyết với năm anh em Kiều-Trần-Như khi Ngài bắt đầu cho cuộc “chuyển pháp luân” của mình!
Đức Phật còn “nhắc nhỡ” cho chúng sinh rằng chúng sinh có khả năng “thành Phật”, chứ không riêng gì các vị Phật; Vì tất cả chúng sinh đều có Phật tính như nhau, giống như Phật không khác, cho nên “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Nhưng vì chúng sinh không biết mình cũng có viên ngọc quý (Phật-tính) trong chéo áo để rồi cứ tưởng mình là kẻ khốn cùng nghèo khổ mà lang thang từ xứ này đến nơi khác (đứa cùng tử). Đi khắp trong ba cõi, sáu đường (luân-hồi) cũng như vất vưỡng trong thế giới trần lao đầy lửa nóng (Tam giới như hỏa trạch) mà cứ mãi vui chơi (trong nhà lửa), không hề nghĩ đến cách thức để tìm lối ra.
Vai trò Đức Phật ra đời như là một người cha đi tìm đứa con “cùng tử” để trao của báu; hay như vị trưởng giả tìm cách dẫn dụ những đứa trẻ vui chơi trong nhà lửa đang cháy để đưa chúng ra khỏi đó.
Đức Phật đã không dừng ở đó! Nếu bao nhiêu đó đã đủ thì Đức Phật sao phải bỏ ra hơn 45 năm hành đạo; phải đầu trần, chân đất, khất thực rày đây mai đó thuyết giảng cho chúng sinh hiểu; đồng thời tùy theo căn cơ từng nhóm, từng chúng sinh mà nói pháp, đề cập cách thực hiện các pháp để đạt đến kết quả sau cùng và trở thành một Bậc Giác-Ngộ. Kết quả bao nhiêu năm ấy là sự tập hợp lại thành một kho tàng Kinh điển của Đạo Phật mà ngày nay chúng ta còn nhiều nghiên cứu và thực hành, từ một người con Phật bình thường cho đến hàng Cư sĩ và Xuất gia đang hành trì để tự cứu mình và cứu người trong tương lai (tự độ và độ tha).
Sự “Nhập thế” của Đức Phật quả là vĩ đại! Và sự hiện diện của Ngài với những mục đích “cao cả” không thể lấy gì mà tán thán cho hết lời, vì những mục đích đó chỉ là “cho chúng sinh” mà thôi! Điều ấy khiến cho chúng ta là những người con Phật hay là những người tìm hiểu vào Phật pháp cần suy nghĩ để định hướng mà có phương pháp tiếp tục mục đích thị hiện ra đời của Ngài trong sự nghiệp “vì sự nghiệp Giác-Ngộ của chúng sinh”!
Sự chia sẻ nhận thức, hiểu biết, tìm hiểu giáo lý Phật pháp sau thời Đức Phật diệt độ của tất cả những ai đã từng tìm hiểu đều là những ý kiến hữu ích để cho chúng ta tìm đến Chơn lý của Giáo-lý đạo Phật mà hành trì cho đúng: “Nhận thức đúng thì sẽ đi đúng đường”, nhìn đúng theo hướng ngón tay của Đức Phật thì chúng ta sẽ thấy mặt trăng hay sẽ đi đến được mặt trăng, bỡi vì chúng ta là những người “sinh sau Phật” tức là một nạn trong tám nạn của kiếp sống con người! Cùng nhau tìm hiểu, nghiên cứu để được Chính-Kiến, Chính-Tư-Duy thì chúng ta mới có con đường đúng được, có con đường đúng thì chúng ta cũng sẽ hành trì đúng, tất nhiên hành giả sẽ đạt đến mục đích sau cùng là giải thoát và Niết-Bàn.
Đã từ lâu, Đạo Phật ở nước ta có rất nhiều trở ngại khó cho vấn đề tìm hiểu dù đa số người dân đều ngưỡng vọng về Đạo Phật. Kinh điển bằng chữ Hán, đọc tụng cũng bằng chữ Hán; cho nên với đại chúng có ít người hiểu về Đạo Phật. Cũng may phong trào chữ quốc ngữ phát triển, đồng thời với những phong trào chấn hưng Phật giáo do những nhà trí thức khởi xướng nên Phật giáo bắt đầu khởi sắc. Nhiều nhà trí thức, học giả đi sâu vào nghiên cứu Kinh điển; các tăng ni trẻ nâng cao trình độ học vấn cũng như nghiên cứu, do đó giáo lý Đạo Phật càng ngày càng được phổ quát và được nhận định một cách đứng đắn và khoa học hơn; đồng thời loại bỏ được những điều mê tín dị đoan từ những tín ngưỡng dân gian pha trộn vào. Tuy nhiên, những bộ giáo lý đơn giản dễ hiểu cho người phật tử từ bình dân cho đến trí thức, từ trẻ cho đến già để phổ cập trong dân chúng là điều còn cần thiết. Đó cũng là điều mà những ai quan tâm đến sự phát triển của Đạo Phật cũng còn có nhiều ưu tư trong mục đích “thị hiện ra đời của Đức Phật”!
Ở trên, là “sự Nhập Thế” của Đức Phật và giáo lý Đạo Phật. Còn sự nhập thế của hàng “Bồ-Tát” ra sao?
Sự Nhập thế của các vị Bồ-Tát với những đại nguyện quên mình để tiến lên quả vị Phật; đôi khi Bồ-Tát lại chưa muốn thành Phật để còn được độ chúng sinh nhiều hơn. Điều ấy chúng ta có thể thấy ở trong Đại nguyện của Địa-Tạng-Vương Bồ-Tát như sau:

“Từ nay đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sinh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng đó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật đạo” (Kinh Địa-Tạng, HT Thích-Trí-Tịnh dịch, chùa Pháp-Bảo -Sydney ấn tống 1994, trang 25).

Và số chúng sinh mà Ngài Địa-Tạng hóa độ đến Đức Phật còn tán thán:

“Đức Phật bảo Ngài Văn-Thù-Sư-Lợi rằng: “Đến Ta dùng Phật nhãn xem hãy còn không đếm xiết! Số Thánh, phàm nầy đều của Ngài Địa-Tạng Bồ-Tát từ thuở kiếp lâu xa đến nay, hoặc đã độ, đương độ, chưa độ, hoặc đã thành tựu, đương thành tựu, chưa thành tựu”. (Kinh Địa-Tạng đã dẫn, trang 22).

Còn Ngài A-Nan trong Kinh Lăng-Nghiêm đã phát đại nguyện:

“Hôm nay con nguyện mau đặng thành quả Phật, để trở lại độ chúng sanh nhiều như hằng sa. Con nguyện đem thân tâm này, phụng sự các đức Phật nhiều như vi trần. Thế mới gọi là đền ơn chư Phật.
Cúi xin đức Thế-Tôn chứng minh cho lời thệ nguyện của con: “Trong đời ngũ trược tội ác này, con thề vào trước để cứu khổ chúng sanh. Nếu còn một chúng sanh nào chưa được thành Phật, thì con thề chẳng lãnh quả vui Niết-Bàn.
Phật là đấng Đại-hùng, Đại-lực, Đại-từ-bi. Cúi xin Ngài tiêu trừ các điều mê lầm vi tế cho con, khiến cho con sớm đặng thành quả Phật, để hóa độ chúng sanh khắp cả mười phương thế giới. Giả sử hư không kia có thể tiêu diệt hết, chớ chí nguyện của con đây chẳng hề lay động” (Kinh Lăng-Nghiêm, PHPT khóa VI-VII, HT Thích-Thiện-Hoa, trang 113).

Và với Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-Tát chúng ta có thể thấy ở Chú Đại-Bi như sau:

“Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-Tát bạch Phật rằng: “Lạy Đức Thế-Tôn, nếu các chúng sinh tụng chú Đại-Bi, mà còn sa vào ba ngã ác (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh), con thề không thành chánh giác, tụng chú Đại-Bi nếu không được sinh sang cõi Phật, con thề không thành chánh giác; tụng chú Đại-Bi nếu không được tam muội hùng biện, con thề không thành chánh giác; tụng chú Đại-Bi trong đời này cầu gì chẳng được nấy, thì không thể gọi là chú Đại-Bi được”.

Tuy nhiên, trong Kinh Pháp-Hoa ở phẩm Phổ-môn mới nói rõ về những sức uy thần cao lớn của Bồ-Tát Quán-Thế-Âm, cùng với ứng hiện 32 hóa thân tùy theo quốc độ hay thân gì mà để cứu độ và nói pháp:

“Phật bảo ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe Quán-Thế-Âm Bồ-Tát này một lòng xưng danh. Quán-Thế-Âm Bồ-Tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát” ((Kinh Pháp Hoa, HT. Thích Trí Tịnh dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản 1994, trang 493).

“Vô-Tận-Ý! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát đó thành tựu công đức như thế, dùng các thân hình, dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sinh, cho nên các ông phải một lòng cúng dàng Quán-Thế-Âm Bồ-Tát.
Quán-Thế-Âm Đại Bồ-Tát đó ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt hay ban sự vô úy, cho nên cõi Ta-Bà này đều gọi Ngài là vị Thí-Vô-Úy” (Kinh Pháp Hoa đã dẫn, trang 500)

Đó là Đại nguyện nhập thế để cứu độ chúng sinh trong các cõi nước chứ không riêng gì ở cõi Ta-Bà, thì chúng ta không thể nói Đạo Phật là đạo bi quan hay xuất thế. Nếu xuất thế thì vai trò cứu độ và nói pháp của Phật và các vị Bồ-Tát không thể thực hiện được. Vì vậy, thế gian đã có nhiều nhận thức sai lầm về Đạo Phật mà họ có từ lâu!
Hơn nữa, một phần người phật tử đã không thấy sự quan trọng của chúng sinh “người” của chúng ta, mà chúng ta hãy còn nhiều “mặc cảm” tự ti, hèn mọn khi mình tiến vào con đường tu tập. Ngày xưa, khi chúng tôi bắt đầu cầm quyển sách mỏng chỉ dẫn về Thiền Yoga, khi đọc sơ qua thấy những từ ngữ trí căn, huệ căn… hình tướng đẹp, nhất là tướng của Phật phải có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Nhìn lại mình chẳng có tướng nào đẹp cả, thì cứ nghĩ chắc chắn mình không bao giờ có thể thành Phật thì cần gì phải nghĩ đến Phật, mặc dù lúc ấy chúng tôi đang ở trọ trong chùa để đi học. Thế từ ấy trở về sau, chúng tôi không hề để ý đến đạo Phật chứ chưa nói đến học hay tìm hiểu một chút giáo lý nào.
Nhưng việc nào cũng có cơ duyên, qua cơn bệnh và buồn chán chúng tôi đã cố gắng định lại “Tâm” của mình trên giường bệnh. Không ngờ, trong sự cố gắng ấy đã khiến cho chúng tôi cảm nhận được một số hiện tượng. Chính vì những hiện tượng ấy và sự “thôi thúc nào đó” trong tâm, chúng tôi phải cố dành thời gian đi tìm Kinh điển của Đạo Phật để tìm xem những hiện tượng, mà mình cảm nhận đó, có trong Kinh điển của Phật hay không? Từ ấy những bài viết về Đạo Phật của chúng tôi được ra đời mãi cho đến ngày hôm nay, mà bài đầu tiên là bài “Nhân một câu chuyện… (hay: Phiền não thị Bồ-Đề)”.
Cũng qua những thời gian nghe các băng giảng, cũng như khi đi vào kinh điển của Đạo Phật, và nhất là sau khi đọc bộ “Phật Học Phổ Thông” của Hòa-Thượng Thích-Thiện-Hoa; chúng tôi thấy có những sự nối kết lạ kỳ giữa các Kinh Lăng-Nghiêm, Viên-Giác và Kim-Cang, rồi từ đó một số đề tài khác được nhắc tới nhằm chia sẻ cùng quý vị độc giả cũng trên trang nhà “Đạo Phật Ngày Nay” này. Và cũng ở đó, chúng tôi đã được nghe Hòa-Thượng Thích-Tâm-Thanh giảng về con người và bát nạn trong một cuồn băng giảng:
Được làm con người trong cõi Ta-Bà là đáng quý vì chỉ ở cõi Ta-Bà này mới có Phật pháp mà thôi! Các cõi khác (Bắc-Câu-Lư-Châu; Đông-Thắng-Thần-Châu và Tây-Ngưu-Hóa-Châu) ngay cả cõi Trời đầy phước báu cũng không có, chứ đừng nói chi đến cõi A-tu-la, Địa ngục, Ngạ quỷ hoặc Súc sinh. Chúng sinh trong các cõi khác muốn thành Phật thì cũng phải tái sinh về “làm người” trong cõi Ta-Bà này. Khi được làm người trong cõi Ta-Bà là ta đã tránh được một số nạn trong “bát nạn” (1-Địa ngục, 2- Ngạ quỷ, 3-Súc sinh, 4-Bắc-Uất-Đan-Việt hay Bắc-Câu-Lư-Châu, 5-Trường-Thọ-Thiên), nạn thứ sáu là đui điếc câm ngọng; nạn thứ bảy là Thế trí biện thong; và nạn thứ tám là sinh vào thời trước Phật, sau Phật. Xem như thế ta không bị các nạn của con người mà còn tiếp thu được Phật pháp (mặc dù là sinh sau Phật) thì ta vẫn có thể tu tập, hành trì theo giáo pháp của Phật để tiến tu giải thoát. Với những điều kiện như vậy, chúng ta chẳng là những con người được đầy phước báu sao? Xem như thế, chúng ta chẳng đang được đứng tại cửa ra của vòng sinh tử Luân-hồi sao? Chúng ta chỉ cần tu tập để mở cửa ra mà thôi như chúng tôi đã phân tích vấn đề trong bài: “Đạo Phật: Nhập Thế hay Xuất Thế?”
Hôm nay, trong bài này chúng tôi muốn chứng minh cùng quý vị về “sự nhập thế” của Đạo Phật; và chúng ta hiện tại là những người đang thực hiện sự nhập thế đó, nhất là những vị Cư-sĩ cũng như Xuất-gia.
Tại sao trong thời gian dài những vị xuất-gia vẫn trầm ngâm ở nơi u tịch để lo sự tu hành? Hay những vị cư-sĩ về già lập tịnh thất, am để tu mong cầu cho kiếp sau; hoặc những người phật tử tụng kinh sám hối với sự hồi tâm của mình sau thời gian bương chải, lăn lộn trong cuộc sống đầy trần lao này? Điều ấy cần cho chúng ta nhiều suy nghĩ!
Nếu chúng ta thử hỏi họ thì có lẽ chúng ta sẽ được trả lời thông thường là: “Để cho kiếp sau!”, chứ ít ai trả lời: “Để thành Phật!” như Lục Tổ Huệ-Năng. Và vì trong Kinh điển muốn thành Phật như Phật thì phải có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, thế thì như chúng ta bây giờ biết đến bao giờ mới thành Phật? Sự không mong cầu cao xa đó, khiến cho người tu an phận của mình và tu cứ cho mình, riêng cho mình thôi; ít khi nào nghĩ đến giúp người khác mặc dù là tu theo phái Đại Thừa. Họ lại càng không nghĩ mình hiện nay đang trên đường lên đến nấc thang của A-la-hán hay Bồ-Tát. Chính vì thế mà họ lại càng không nghĩ nhiệm vụ A-la-hán hay Bồ-Tát là của mình! Tức là họ không nghĩ đến vai trò nhập thế của mình bằng giáo hóa, cứu khổ, cứu nạn, hay giúp chúng sinh tìm đến được sự an lạc trong đời sống cũng như tinh thần.
Có nhiều người nghĩ rằng: “Tự lâu nay đã có ai thành Phật chưa?”, như một Đại đức Huệ Nhật thối chí đường tu đã cải sang đạo Tin Lành làm Mục sư, và phỉ báng Đạo Phật không tiếc lời. Chỉ tiếc cho ông ấy mà thôi! Bao nhiêu năm tu ở chùa, hành trì nghiên cứu Đạo Phật nhưng chẳng hiểu gì về Đạo Phật cả, để rồi bị “ma chướng” đi vào con đưòng ma, vì ông đã chẳng hiểu được đoạn Kinh sau:
“Khi ấy, Ông Tu Bồ Đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì làm sao hàng phục vọng tâm và làm sao an trụ chơn tâm?”
Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì phải dụng tâm như vầy: Ta hóa độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy có mình độ và chúng sanh được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát. Tu Bồ Đề! Thật không có một pháp gì gọi là phát tâm bồ Đề” (PHPT Khóa XII, Kinh Kim Cang, HT Thích Thiện Hoa, trang 134-135); hay:

“Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Ông chớ lầm tưởng: Như Lai nghĩ rằng: “Ta độ chúng sanh”. Tại sao Vậy? Nếu Như Lai có nghĩ: “Ta độ chúng sanh”, thì Như lai còn chấp bốn tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, tức nhiên không phải Như Lai. Bởi thế nên, Như Lai thật không có độ chúng sanh nào cả”. (PHPT khóa XII, Kinh Kim Cang, trang 168)
Để hiểu được điều này, chúng tôi thiết nghĩ Huệ Nhật nên đọc bài “Những Điều Đức Phật Cảnh Giác” của chúng tôi đã tìm hiểu và ghi nhận, để có một nhận thức đứng đắn hơn. Hi vọng qua đó Huệ Nhật sẽ hiều được “Chánh” với “Tà” của một tôn giáo!
Chúng tôi trở lại vấn đề: May cũng nhờ thời cuộc và do nhu cầu bức bách, cần thiết nên giới tăng sĩ trẻ được đi học, du học nâng cao trình độ kiến thức để họ có thể cống hiến cho đời thêm nhiều công trình nghiên cứu, và đi sâu vào Kinh điển để soi rọi Chân lý của Phật pháp được rõ ràng hơn. Những điều kiện ấy đã khởi sắc cho Đạo Phật trước những âm mưu cải đạo của những tôn giáo khác mà những giáo điều của các tôn giáo đó khiến cho những nhà khoa học lẫn trí thức không mấy hài lòng vì sự mâu thuẫn cũng như không hợp lý của nó!
Ở đây, chúng tôi muốn chứng minh cùng Quý vị vị trí “sắp là A-la-hán hay Bồ-Tát” của những người tu sĩ Phật giáo để họ vững thêm niềm tin trong sự tu tập của họ; nhưng cũng là để họ có vài suy nghĩ mà có được những lý tưởng, “hạnh nguyện” phát nguyện độ đời, độ chúng sinh trong tương lai nhằm đem lại một sự tốt đẹp đến cho xã hội và thế giới trong một khung cảnh tràn đầy yêu thương, từ bi không hận thù trải rộng khắp cho loài người và mọi chúng sinh!
Xem như vậy, chúng ta cũng thấy được ai là người đã có phước báu hơn ai! Nhưng chính vì chưa thấy được cái “vị trí quan trọng” mà mình đang ở; nên có nhiều người nhìn qua, nhìn lại rồi bị ma chướng và bị ngã ngựa để trở lại đời thường, bỏ đi những phước báu của mình! Và cũng chính vì đó mà họ cũng quên đi những hạnh, phát nguyện cho vai trò “sắp” là A-la-hán hay Bồ-Tát của họ!
Đức Phật ra đời để giáo hóa chúng sinh biết được những chân lý chân thật, biết được mình có Phật tánh và tu để thành Phật; cùng giúp chúng sinh hiểu được con đường tu để hành trì cho đúng và không hiểm nguy. Đó là mục đích Khai, Thị, Ngộ, Nhập Tri-Kiến-Phật mà những ai nối tiếp “Tác sự Như Lai” cần năng nỗ hơn để giáo hóa được toàn chúng sinh trong cõi Nam-Diêm-Phù-Đề này.
Các Vị Bồ-Tát nguyện nhập vào các cõi kể cả ba đường dữ để cứu độ chúng sinh, hay cứu khổ cứu nạn, đem lại an vui cho chúng sinh mà mình là người thành Phật sau cùng. Điều ấy khiến cho chúng ta có nhiều suy ngẫm về “Sự Nhập Thế” của Đạo Phật trong thời buổi ngày nay.
Nhập Thế bằng giáo lý, bằng từ thiện, nuôi trẻ mồ côi, trợ giúp người nghèo, giúp học sinh nghèo, người nghèo bệnh tật, người già, dạy thêm cho học sinh nghèo, giúp huấn nghệ, chữa bệnh, giáo dục… Quả là những công việc với đầy lòng từ ái, và hạnh nguyện cũng rất đang cần để đem lại an vui cùng cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh! Ấy là sự nhập thế của toàn thể thành viên, cơ cấu của Đạo Phật nhất là đại chúng Phật tử vậy!

Nguyên-Thảo,
27/6/2011.

No comments:

Post a Comment