Theo như thông thường chúng ta thường nghĩ Đạo Phật như là một tôn giáo riêng tư của Đạo Phật mà thôi! Và có người lại cho rằng Đạo Phật không phải là một tôn giáo, mà chỉ là những triết lý về cuộc sống của con người. Quan niệm nào nhìn về Đạo Phật cũng chỉ đúng trên bình diện một góc cạnh mà người quan sát, nghiên cứu đã đứng nhìn. Nếu chúng ta đứng trên tổng thể thì Đạo Phật có khía cạnh tổng thể của nó.
Chúng tôi không muốn làm một cuộc “biện minh” hay để chứng minh “Đạo Phật là một tôn giáo” trong bài này, mà chúng tôi chỉ muốn trình bày một số khía cạnh mà Đạo Phật đã đem lại hay cống hiến cho cuộc đời, cho một số nền văn hóa cũng như nó đã đóng góp vào tiến trình “đi tìm” Chân, Thiện, Mỹ cho nhân loại.
Thuở xưa, khi chúng tôi còn trên ghế nhà trường có vị thầy vốn là Linh Mục đã nhận xét về một số Đạo Đông Phương như là những triết thuyết chứ không là những tôn giáo. Sau này chúng tôi mới hiểu ra vị Thầy Linh Mục ấy chỉ đứng trên bình diện của một người truyền giáo để nói về Triết Tây, đồng thời cũng là người để kiếm thêm “con chiên” cho Chúa vì thế mà cái nhìn của Thầy có một khía cạnh khác, với quá nhiều chủ quan và thiên kiến; đồng thời, cũng là để người khác hiểu Đạo của Thầy mới là Tôn giáo. Sự đánh lừa ấy cho đến một ngày chúng tôi được nghe điều răn đầu tiên trong mười điều răn: “Tin có Đức Chúa Trời và chỉ phượng thờ một mình Đức Chúa Trời mà thôi!” (Đúng ra điều răn ấy được học là “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”), khiến cho chúng tôi liên tưởng đến định đề Euclide trong toán học: “Qua hai điểm ta chỉ kẻ được một đường thẳng và chỉ một đường thẳng mà thôi!”. Chính vì chữ “mà thôi” ấy mà chúng tôi mới khám phá ra rằng: “Tin có Đức Chúa Trời” cũng chỉ là một “định đề” như bao nhiêu định đề khác! Trong toán học, với định đề thì chúng ta không chứng minh, mà chỉ có chấp nhận hay không; nếu chấp nhận “định đề” thì chúng ta có hệ thống toán học ấy, và nếu không chấp nhận thì chúng ta sẽ không có hệ thống toán học đó. Chính thế mà chúng ta mới có các hệ thống toán học “non-Euclide” khác như hệ thống toán học của Riemann hoặc Lobachevsky… chẳng hạn. Cho nên từ đó chúng tôi có cái nhìn khoa học hơn về hệ thống tôn giáo của Thầy tôi.
Theo thời gian của tuổi đời và nhất là sau cơn bạo bệnh, chúng tôi đã có “duyên” tìm đến Đạo Phật; và từng bước “cơ hội” lại được tìm hiểu vào kinh điển.
Đạo Phật, nếu chúng ta nói là cho riêng những người Phật tử hay những ai theo đạo Phật thì không hẳn đúng như vậy. Đức Phật khi ngộ được chân lý, qua cái nhìn của trí tuệ đã không phân biệt con người với những chúng sinh khác; con người cũng chẳng có giai cấp sang hèn, hay chủng loại. Tất cả chúng sinh trong sáu đường, ba cõi đều như nhau: Đều cùng có Phật tánh cũng như đều có khả năng giác ngộ; chỉ khác chăng là do nghiệp của chính mình tạo tác ra mà lãnh quả khác nhau trong thời gian ngắn hay dài để trả nghiệp! Nhưng cuối cùng, nếu ai cũng biết “tự mình đi” trên con đường “đạo” để giải thoát ra khỏi sinh tử, đau khổ thì sẽ được thoát khỏi cảnh luân hồi không sai khác! Điều đó mà Thường Bất Khinh Bồ Tát đã tán dương trong Kinh Pháp Hoa: “Tôi chẳng dám khinh quí ngài, quí ngài đều sẽ làm Phật”. Con đường đạo ấy đã được chính Đức Phật trải nghiệm qua và chỉ lại, và cũng chính con đường đó mà các Đức Phật trong ba đời: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai phải trải qua để trở thành Bậc Giác Ngộ. Xem như vậy, con đường giác ngộ không phải để dành riêng cho phật tử hay những vị Bồ Tát, Phật mà cho tất cả mọi chúng sinh trong ba cõi, sáu nẽo Luân hồi. Nhưng do căn cơ của mỗi chúng sinh khác nhau vì thế đến với Đạo Phật cũng còn có nhiều khó khăn và nhận thức không được đồng đều. Do vậy, trong Đạo Phật có nhiều pháp môn cũng như sự hành trì có khác nhau tùy theo trình độ của người hành trì, hay những nhóm thực hiện đường lối tu, đó chỉ là những cách để “dắt dìu” và cùng nhau tìm con đường “đúng” để mà đi! Và cũng có thể nhờ đó mà người hành trì sẽ tránh được ma chướng, con đường ma (do ma giới tạo nên) nhằm khiến con người tu phải “lụy” mà không thoát khỏi được cảnh Luân hồi theo ý muốn của những loài ma ấy!
Trong thế gian, mặc dù những ai được sinh trong cõi Ta-Bà này đều đã có nhiều phước báu vì được sinh vào cõi có Phật pháp (các cõi khác không có) để có thể biết, nhận thức, tiến tu mà giải thoát. Tuy nhiên, nơi đây cũng chính là nơi có nhiều thử thách, và những ma chướng giăng đầy để người tu phải nỗ lực vượt qua các chướng ngại trước khi “đến được bờ giác ở bên kia” giống như cá lý ngư phải vượt qua được Vũ Môn mới hóa thành rồng. Nếu vật chất, phương tiện tiến bộ khoa học cung ứng cho cuộc sống con người sung sướng bao nhiêu, thì cũng chính chúng khiến cho con người đam mê trong vật chất, bạc tiền, hay tình dục (như hiện nay) thì sự tiến đến “thành đạo” không dễ dàng chút nào. Đó là chưa kể vì ham mê vật chất, giàu sang con người không từ nan đến những hành động tội ác từ “tham, sân, si” để gây nhân ác do “sát, đạo, dâm, vọng” mà nên, để họ phải quay trở lại trong vòng Luân hồi sinh tử.
Rượu bia ngon, thức ăn được chế biến trở nên khoái khẩu, phương tiện cung ứng cho cuộc sống trở nên dồi giàu, những trò chơi xa xỉ tiêu tiền tốn bạc như đua ngựa, casino, cờ bạc, các máy pokies cũng nhằm đưa con người tới chỗ ham vui, chạy theo vật chất để trở về với sự sa đọa, tội phạm… Và rồi, tự chính mình giam hãm mình “ở lại” trong nhà tù luân hồi vĩ đại, không biết đến bao giờ mới ra! Cho nên được làm thân người ở cõi Ta-Bà đã là khó; được nghe, biết, ngộ, nhập vào tri kiến Phật có lẽ cũng khó (nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn) hơn nhiều! Không những thế, loài ma và những ma chướng đã khiến cho nhiều người bị sa ngã trên đường tu, họ tưởng họ đã đạt được đạo, họ xa rời “Vô Ngã” để họ thấy chính họ là những Đấng Cao Cả (do sự Ngã Mạn) thay mặt cho một Đấng Sáng Tạo nào đó trong thiên nhiên, để rồi dẫn dắt những con người, tín đồ của họ đi vào con đường ma đạo như chính họ “đã là tôi tớ của ma”! Một cuộc chiến đấu “cuối cùng” nơi cõi Ta-Bà giữa Giác Ngộ và Ma: Vượt qua khỏi là Bậc Giác Ngộ; kẻ ngã ngựa, bị lôi cuốn sẽ trở lại với dòng sông Luân hồi trong muôn vạn nghìn ức kiếp không biết đến bao giờ thì gọi là theo Ma!
Giáo lý Đạo Phật không dành riêng cho người theo Phật, mà cho tất cả những ai có thể tri ngộ được dù là sớm hay muộn bởi vì khi Đức Phật thuyết giảng là cho tất cả mọi người đã có mặt trên thế gian. Những “Chân lý” Đức Phật vạch ra cho chúng sinh thấy rằng: Cuộc đời trong nhân thế là “Những khổ đau” tự nó đã hiện hữu trong cuộc sống; để rồi sau đó Đức Phật đi đến lý giải những nguyên nhân của khổ đau, và muốn thoát khỏi khổ đau mình sẽ phải chọn con đường hoàn thiện để thoát khỏi vòng khổ đau ấy. Những giai đoạn ấy là “cần có” và “điều kiện đủ” để thí sinh vượt qua ngưỡng cửa của kỳ thi sau cùng mà tiến đến Giác Ngộ! Đức Phật cũng chỉ rằng “không ai có thể cứu mình ra khỏi những nghiệp mình đã gieo, mà chỉ có mình tự nỗ lực cứu chính mình mà thôi!”; vì những nghiệp mình gieo đã biến thành dây oan trái vô hình trói buộc mình với những ai mà mình đã ân oán với họ, dù ân oán ấy thật là nhỏ nhoi! Con người hoàn thiện và giải nghiệp bằng sự tu tập của chính mình!
Trong sự tu tập, con người cố làm nhiều việc thiện, từ bỏ đi những việc ác; tức là mình “thi ân” việc tốt (nhân thiện) cho người khác nhưng không nghĩ đến đền bồi (bố thí ba-la-mật); nhưng những gì làm ác ngay thời điểm hiện tại hoặc những việc ác trước kia chúng vẫn là những hạt nhân đợi đến thời điểm, điều kiện thích hợp sẽ nẫy mầm và chúng sẽ lôi cuốn tâm thức người gieo đến nơi mà họ phải trả quả. Ý thức rõ được như vậy, thì đời sống con người dễ dàng hướng thiện hơn và với sự hiểu được lý nhân quả thì người ta mới tự kiềm chế lấy mình khi khởi nên ý ác. Có như thế thì một xã hội sẽ được thiện lành mà không cần phải áp dụng đến luật pháp.
Nhưng sự tiến đến với Phật pháp của từng chúng sinh không đồng nhất, có người ngộ, hiểu, có thể chấp nhận; nhưng có người chẳng hề quan tâm hay để ý. Thế cho nên Đức Phật đã thấy rằng những chân lý Ngài lĩnh hội được khá cao siêu, khiến không nhiều người có thể nhận hiểu dễ dàng nên Ngài không muốn thuyết giảng; nhưng rồi Ngài cũng phải lặn lội trên 45 năm ròng rả để truyền bá giáo pháp ấy.
Một giáo lý mãi đến ngày hôm nay, trên khía cạnh khoa học hay khía cạnh tâm lý; ở khía cạnh giải thoát, tự cứu độ của một tôn giáo hoặc trên bình diện triết học Chân, Thiện, Mỹ thì Đạo Phật luôn vẫn đáp ứng được những tính chất về Chân lý hay khoa học, tâm lý… hoàn thiện con người cho cuộc sống an vui trong một thế giới đại đồng của mọi loài chúng sinh, mà chúng ta không thể tìm thấy ở một tôn giáo nào khác để có được!
Nguyên Thảo,
2/8/2011.
Wednesday, October 12, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment