Wednesday, October 12, 2011

*Quan Điểm!

Nói đến quan điểm thì phải nói đến cái nhìn giới hạn ở một khía cạnh nào đó; nói đến một góc nhìn không được toàn diện và nói đến một sự què quặt của những con người dị tật. Thế nhưng, người ta lại thích quan điểm mới là chết chứ! Nhất là quan điểm của mình hay là quan điểm của phe nhóm mà mình đã đi theo. Người ta dính phải “bùa mê thuốc lú” lúc nào mà họ cũng chẳng hề hay biết! Bao nhiêu rắc rối, bao nhiêu hận thù xảy ra cũng từ góc nhìn hay khía cạnh của vấn đề quan điểm. Chúng ta hãy thử tưởng tượng ở một hội nông gia nọ, lúc khởi đầu người làm nghề nông ít, họ là những người thân thiết họp mặt để giúp đỡ lẫn nhau trong vấn đề thuốc men phân phướng lẫn kỹ thuật canh tác. Theo thời gian số người vào nghề nông khá nhiều, từ nhóm bạn bè biến thành hội nông gia để gọi là nương tựa vào nhau trong sinh hoạt cũng như quyền lợi được chánh phủ giúp đỡ và hỗ trợ. Với thời gian quá lâu, ban điều hành hội nông gia với tinh thần thiện nguyện ai cũng bận công việc của mình tíu tít nên chẳng sinh hoạt được nhiều, giống như chỉ là có hình thức để đi giao thiệp với những hội đoàn ở địa phương mà không có một sự “thực chất” nào trong sự hoạt động của nó. Với sự tăng trưởng về người vào nghề nông khá nhiều, nên nhu cầu một hội nông gia có tinh thần hoạt động tích cực được thành hình với nỗ lực của người cũ cũng như người mới. Sự hăng say hoạt động của Ban Chấp Hành mới được đánh giá là cao, họ có cả Bản tin để thông tin và văn nghệ vui chơi hàng tháng. Nhưng chỉ có mục “quan điểm” mà trở thành sự rối ren và phân hóa. Tại sao là do mục quan điểm? Mục quan điểm để nói lên tinh thần hoạt động, cũng như đường hướng theo đuổi hay ý muốn của riêng hội. Chỉ qua vài ngôn từ “hữu danh vô thực” mà đã là nguyên nhân cớ sự. Trong một bài quan điểm, người viết quan điểm như báo cho độc giả biết từ xưa hội nông gia chỉ có tiếng mà không có miếng tức là sự hoạt động không có kết quả là bao, để từ đó kêu gọi sự hợp tác của mọi người nông dân. Nhưng bài viết ấy không được hiểu đúng theo ý nghĩa đó mà nó lại được hiểu theo một chiều hướng khác. Chính vợ người cựu Chủ tịch hội nông gia lên tiếng liền theo sau bài viết ấy để gọi là phản bác, vì bà cho là bài quan điểm ấy phủ nhận công lao của chồng bà trong bao nhiêu năm; tiếp theo chồng bà “từ chức” chức danh “cố vấn” của hội. Từ đó, kéo thêm tay chân bộ hạ bất hợp tác với Hội Nông Gia hiện hữu, và yễm trợ người khác cũng như quay lưng lại với Hội Nông Gia hoàn toàn. Đó là kinh nghiệm của một lần quan điểm!
Và rồi, cũng vì quan điểm mà nhiều nơi trở thành của phe nhóm để trấn áp người khác; loại bỏ người không thuộc phe nhóm của mình ra khỏi nơi mà phe ta muốn chiếm độc quyền, nhất là về phương diện chính trị!
Tôi nhớ lại thuở xưa khi còn bé thật là bé! Cái thời con nít ấy chưa chi cũng đã lắm sự đời! Những thằng lớn không thích nhau cũng bắt đầu chia phe chửi hay là đánh lộn. Chỉ khổ cho những thằng nhỏ, cò ke lục chốt như tôi. Muốn được chơi phải theo hẳn phe của một thằng, không được đứng hàng hai. Nếu lỡ phe mình bị thua thì tôi là những thằng nhỏ tuổi lẫn nhỏ con bị làm nô lệ, trở thành tay sai, phải làm theo những gì mà phe thắng muốn đày đọa. Nó muốn đày đọa cho mình khổ chừng nào thì nó lại càng thích thú chừng nấy! Thế là những hình thức khổ sai, đánh đập, chửi mắng, hành hạ đủ điều trong tiếng cười vui của chúng nó. Tôi bắt đầu thắm thía cuộc đời từ thuở ấy!
Sau này lớn lên trong thời gian chiến tranh, tôi cũng nhìn được những kẻ thù với nhau từ trên chiến trường cho đến khi tàn cuộc chiến tranh. Những gương mặt, thân xác đều là anh em, giống nòi, nhưng trang bị để giết nhau bằng súng đạn của người bên ngoài; “Tụi bây cứ giết nhau đi; tàn phá đất nước chúng mầy đi; tao sẽ cung cấp cho chúng mầy đủ mọi thứ để tụi bây được thắng”! Thế rồi hỏa tiển, bom đạn, máy bay bắn rơi xuống ruộng đồng, trên nương rẫy, trong thành phố. Người người máu me lênh láng, thây đầy trên đường sá, tàn tật; cô nhi quả phụ khắp nơi nơi! Đã vậy mà người ta cũng đành lòng đánh giết lẫn nhau. Bao nhiêu mạng người, tài sản thay gì để làm giàu cho đất nước lại đem ra tàn phá chính đất nước của mình; đồng thời lấy làm thích thú khi mình giết được nhiều người, tàn phá được nhiều tài sản của đồng bào. Quả thật, sau bao nhiêu năm chiến tranh đất nước trở thành “một nấm đầy mồ” như Trịnh Công Sơn đã từng viết.
Hận thù trong chiến tranh; hận thù giai cấp vẫn hiện hữu trong hòa bình. Đày đọa, giết chóc để trấn áp người theo quan điểm của mình, của tổ chức, phe phái vẫn còn tiếp diễn không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Không ngờ những chủ nghĩa ngoại lai đã trở thành là nguyên nhân một dân tộc bị tan nát, hận thù không đội trời chung đến với những người con dân cùng chung một nòi giống. Thế mà, hai bên vẫn hãnh diện cho lý tưởng của mình; chống nhau cho đến tận cùng, không màng đến một thằng to lớn đói khát đang muốn nuốt chửng hai con mồi ruột thịt cấu xé lẫn nhau, mà miệng hắn luôn nói hòa bình để che đậy, đánh lừa thiên hạ hầu thực hiện kiểu “dương đông kích tây” cho thiên hạ không để ý, lưu tâm theo dõi những hành động hắn đang làm. Thật tội nghiệp thay cho một dân tộc và đất nước!
Thế mà người cùng nòi giống cũng vẫn hãy còn “gầm gừ”, toan cắn lẫn nhau! Quên một đất nước tang thương!

Đồ Ngông,
5/10/2011.

No comments:

Post a Comment