Wednesday, May 2, 2012

* "Thỉnh Kinh Lầm Người"!




Đây là một lối “chơi chữ” hay là “một cách nói” mới mà tôi không ít lần phải suy nghĩ! Tôi đựợc tiếp nhận nó trong một sự rất là tình cờ, nhân khi ghé một trạm xăng để bơm xe. Khi ấy tôi đã gặp một người bạn mà chúng tôi có quen nhau rất là lâu và đến nay tôi không còn nhớ được tên; người ấy đã hỏi tôi nay làm gì, và làm ở đâu? Trong tình thiệt, tôi kể cho anh bạn nghe những điều mà anh bạn đã hỏi. Xong, anh bạn chỉ cười và thốt lên một câu: “Hèn chi, người ta nói ‘thỉnh kinh lầm người”! Tôi cố hỏi, nhưng người ấy không trả lời mà chỉ cười, rồi chào đi! Thế là tôi ra về với nhiều suy nghĩ và thắc mắc: Tại sao là “thỉnh kinh” nhỉ? Mà “thỉnh kinh” lại “lầm người” mới là lạ!

Tôi thấy không cần để nhớ nó, cũng như không muốn phải suy nghĩ nhiều về điều ấy. Vả lại, trong cuộc đời nầy người ta cũng thường hay vẻ vời, bàn tán, thêu dệt nên những mẫu chuyện để đùa vui, châm biếm, nói xấu, đôi khi phá hoại hạnh phúc…của người khác là chuyện thường, thì chuyện nầy cũng là một trong những chuyện như vậy thôi! Tuy nhiên, cái lạ của nó là ở chỗ “ngôn từ” khiến cho tôi thường hay nhớ đến nó!

Tôi chưa nghe người ta sử dụng đến từ ngữ “thỉnh kinh” cho bên ngoài bao giờ, ngoại trừ khi người ta đề cập đến chuyện “Tây Du Ký” để nói đến “Đường Tam Tạng” hay “Đường Tăng” đi sang “Tây Trúc” (Ấn Độ) gặp Phật để thỉnh kinh đem về Trung Quốc. Không lẽ chữ “Thỉnh kinh” được sử dụng ở đây lấy từ ý nầy? Chuyện trong Tây Du Ký kể đến Thầy trò Đường Tăng khi gặp Phật lần đầu tiên liền ngõ ý muốn thỉnh kinh. Nhưng đó chỉ là Phật giả, là yêu quỷ hiện hình ra để lừa gạt để bắt thầy trò Đường Tăng, tôi không nhớ rõ đó có phải là con yêu Huỳnh Cân hay không? Nhưng nghĩ lại, tôi chẳng phải là nhà tu hay một người “hướng thiện” đến đổi để được gọi là “đi thỉnh kinh” thì nghĩa của chữ “thỉnh kinh” lại càng xa vời hơn nữa. Nếu hiểu theo nghĩa nầy, thì có thể, đối tượng của câu chuyện không là “hiền hay đàng hoàng” như người ta tưởng hay bên ngoài mà người ta nhìn thấy; mà chỉ là những gì giả dối ngụy trang để che đậy, giống như Huỳnh Cân là một con yêu hung dữ mượn lớp Phật để lừa đảo người khác, hoặc thủ lợi về cho chính mình!

Có thể là như vậy! Vì “thỉnh kinh” để chỉ cho những con người có vẻ hiền lành, đạo đức muốn thực hành lý tưởng của mình nên được gọi là “đi thỉnh kinh”, còn “lầm người” là không thỉnh kinh ở Phật mà lại gặp yêu tinh giả hình để mà thỉnh nên bị vướng vào tròng của yêu quỷ. Có thể chính đó là “lầm người”!

Nhưng suy đi, suy lại như thế nào chăng nữa, thì chẳng qua cũng chỉ là “đoán mò”!



Đồ Ngông,

01/05/12.


No comments:

Post a Comment