*Chuyện Tào Lao! (tt)
“Tinh thần dân tộc” là
tinh thần gì nhỉ? Nếu người ta đừng phân biệt nhóm người nầy với nhóm người khác,
hay đám người ở nơi nầy khác với nhóm người ở nơi kia, hoặc không coi người da đen
khác với người da trắng, da vàng, da đỏ thì tinh thần dân tộc sẽ không có. Như
vậy, tinh thần dân tộc chỉ có khi người ta phải bị phân biệt thành những thành
phần “có cách sinh hoạt, nơi ở, chịu cùng một hoàn cảnh giống nhau”. Những con
người được sinh ra, lớn lên trong cùng chung một môi trường, hoàn cảnh, chịu cùng
nền văn hóa được xem như cùng một dân tộc hay là sắc tộc. Nhưng nếu mỗi con người
cứ sống và lớn lên như tự nhiên, không có quan niệm phân biệt, lấn chiếm tranh
giành lẫn nhau thì đâu có ai nghĩ đến sắc tộc nầy hay sắc tộc kia. Khổ nỗi
trong thói đời sự tham lam đất đai, danh vọng, muốn thống trị người khác, hay tỏ
ý khinh miệt… khiến cho tinh thần dân tộc được phát sinh!
Người thành thị chê người
thôn quê; người nơi đồng bằng coi thường người miền sơn cước, người văn minh hơn
coi các dân tộc chung quanh như là những kẻ mọi rợ để rồi họ dùng đến khả năng
sức mạnh của mình mà tiến hành đến cuộc “khai hóa” dân tộc kia và thôn tính vùng
đất của họ để gọi là cuộc thống nhất lãnh thổ để thành một đất nước lớn hơn.
Như thế vẫn chưa đủ,
người ta còn tìm thêm những câu chuyện, hay dẫn chứng các điều gì đó để chứng
minh dân tộc, sắc dân mình cao quý hơn người khác để rồi họ hãnh diện với những
điều ấy mà xem dân tộc của mình như là một “đáng hiện diện” hoặc “cần thiết phải
có” trên cuộc đời. Họ thay thế “Ông Trời tưởng tượng” để hành đạo, khai hóa,
hay cai trị các sắc dân yếu thế hơn trong cuộc sống bất cân xứng giữa các sắc dân
trên thế gian. Điều ấy chỉ chứng minh “sự hoang tưởng, ngông nghênh, hợm hĩnh,
tham vọng” của dân tộc mình. Trên thực tế chưa hề có một dân tộc nào đem tình
thương đến với những sắc hay chủng tộc khác với một tinh thần giúp đỡ, nâng đỡ,
dìu họ tiến lên để cùng sống vui vẻ, đồng điệu trong thế gian nầy cả! Nhưng kẻ
mạnh hiếp kẻ yếu, nước mạnh hiếp nước yếu hay muốn thôn tính nước khác là một lẽ
thường tình và sự thôn tính đó được che đậy dưới những chiêu bài được xem là
hoa mỹ và rất nhân đạo, tốt lành.
Những sắc tộc được may
mắn nhờ thuận lợi để vươn lên nên tạo được nền văn minh sáng chói, ảnh hưởng được
đến những dân tộc khác có quyền hãnh diện, kiêu hãnh để rồi họ tự hào, tự coi mình
là những người tiên phong lãnh đạo trong thế gian. Những dân tộc nào kém may mắn
sống trên những vùng đất khó khăn hay ít người dễ bị hiếp đáp hay bị dân tộc khác
lấn chiếm mà phải bị lệ thuộc hay làm nô lệ hoặc bị biến mất vào cùng một dân tộc
khác thì trở nên mặc cảm, tự ti. Cuộc chiến tranh bảo toàn dân tộc, hay để giành
lại độc lập trở nên cần thiết thì đó cũng là những “Tinh thần dân tộc”.
Nhưng tinh thần dân tộc
không phải chỉ trong hình thức để bảo toàn sự sống còn của dân tộc không thôi mà
tinh thần dân tộc còn được thể hiện ở những đặc tính cao quý khác như người Nhật
Bản đã làm: Khi nói đến tinh thần Võ sĩ đạo; tinh thần yêu nước; tinh thần nghệ
thuật; ý thức trong cuộc sống… ta thường thấy ta cần học ở họ nhiều điều. Những
ý thức đó, những tinh thần như vậy thì ta cũng không thể nào thắc mắc rằng tại
sao nước Nhật hùng mạnh và họ vẫn hiên ngang ứng xử ôn hòa với dân tộc Trung Quốc
trong tình trạng tranh chấp ở đảo Senkaku/ Điếu ngư như hiện nay. Họ không phải
bạo động, hùng hỗ làm những việc hay hành động mà khi nhìn vào ta đã thấy sự hèn
hạ, hạ cấp của một dân tộc. Để nâng được tính cao quý cho một tinh thần dân tộc
không phải là dễ: Sự giáo dục trường kỳ qua nhiều thế hệ từ trong trường học
cho đến những luật lệ áp dụng trong xã hội là những cần thiết mà người lãnh đạo
tha thiết với dân tộc cao quý hay một đất nước hùng mạnh sẽ cần phải làm! Nhưng
những ai đã đặt đất nước trên quyền lợi cá nhân mà không “dĩ công vi tư” để mà
làm? Ai? Thật là khó lắm thay!
Đồ Ngông,
27/09/2012.