Thursday, December 19, 2013

*Kinh Tế!


*Chuyện Tào Lao 2.       (tt)



Ngày xưa, lúc tôi đi học, có ông thầy dạy về Công dân, ông có một bài học về kinh tế trong đó phân tích: Những quốc gia chậm tiến thường là những quốc gia thuộc về nông nghiệp, những quốc gia mở mang thiên về công nghiệp và những quốc gia phát triển lại phát triển về vận chuyển. Lúc đó học thì học chứ tôi không có ý niệm gì cả. Nhưng đầu óc càng ngày càng chú ý tới vấn đề đó như là những tò mò, tìm hiểu.

Thế rồi sau ngày đất nước thống nhất, tôi cũng phải lao vào lãnh vực “lao động là vinh quang, lang thang là chết đói”. Ngoài giờ ở trường học, tôi phải tập sản xuất lao động trên phần đất nhỏ nhoi của gia đình để kiếm thêm với số tiền lương khiêm tốn. Trời nắng, trời mưa mình lại muốn khóc: Công việc thì bề bề mà mình thì chỉ có hai cánh tay, làm hoài công chuyện lại không dứt. Ôi! Con trâu đi trước, cái cày đi sau; không làm thêm thì sao đủ ăn và nuôi mấy đứa con. Trồng trọt cũng không dễ chút nào, không phải cứ cặm cây xuống là tự nó mọc lên tươi tốt. Người nông dân phải bỏ công sức ra để chăm sóc, bón phân làm cỏ theo từng giai đoạn; lúc đó tôi mới biết đến cái cảnh “đầu tắt mặt tối” của cảnh làm nông. Những ngày nắng phải lo “thay trời làm mưa”, trên cánh đồng bao la, dòng suối con không đủ nước cho người ta lấy để tưới, canh (chờ đợi) để lấy được nước có khi đến chiều tối và rồi còn phải xách gàu đi tưới. Đó là chưa nói đến cái nạn sâu rầy, nhất là trong giai đoạn mọi thứ đều bị ngăn chặn và thiếu thốn. Và cũng từ dạo ấy, tôi đã học được bài học “đi thực tế” vào trong công việc và đời sống người nông dân thực thụ. Có một lần tôi “cự” ông bạn khác miền khi ông ba hoa về sự lạc hậu của người nông dân miền nam. Ông đề cập đến sự lạc hậu, tôi hỏi ông ông biết họ làm như thế nào mà gọi là lạc hậu, ông chưa đi sâu vào việc làm nên chưa hiểu được những kỹ thuật mà người nông dân đã ứng dụng trong từng giai đoạn, mặc dù những kỹ thuật ấy có khi là học hỏi, có khi là sáng tạo qua kinh nghiệm và đôi khi là học lóm nữa.

Làm nghề nông thì ở đâu cũng vậy, nó có nhiều vất vả vì công việc có nhiều giai đoạn để nuôi một cây trồng được tươi tốt và cho nhiều quả. Sự chăm sóc song song với trị sâu rầy. Chỉ khác đi là máy móc nhiều hay ít mà công việc trong nông nghiệp được giảm thiểu cho người nông dân được thoải mái hơn chút ít mà thôi. Nếu ngày xưa, người nông dân phải có trâu bò để cày cho kịp thời vụ thì con cái họ phải dành nhiều thì giờ để chăn bò, cắt cỏ cho bò ăn; trâu bò còn là súc vật để kéo xe chuyên chở giúp người nông dân được nhẹ nhàng hơn. Bằng không thì người làm nông phải đợi chờ người cày mướn đến phiên mới cày thì có thể trễ vụ mùa và phải trả một số thù lao nào đó. Nhiều lúc tôi thắc mắc tại sao những người nông dân tập trung vào những vùng tương đối hẻo lánh xa các phương tiện cung ứng cho đời sống mà họ vẫn thích thú an nhàn, và con cái của họ phần đông không được đi tới trường để học. Sau nhiều năm cố tìm hiểu, tôi mới ngộ ra rằng: Để thuận tiện trong công việc đồng áng, người nông dân thường chọn nơi cao ráo hơn ở gần ruộng nương để thuận lợi trong việc cày cấy. Vì thế họ thường cất nhà ở ven rừng, phía trên của cánh đồng, ở đó người ta tập họp thành xóm, có chia vuông đất từng gia đình để trồng cây trái, rau hay những loại ngũ cốc để kiếm thêm lương thực cho sinh hoạt gia đình, hoặc chăn nuôi gia súc. Như vậy vừa thuận lợi cho việc đồng áng, vừa tiện cho cuộc sống mặc dù nó hơi hẻo lánh và khó khăn cho việc học hành của con cái. Từ đó, mới nảy sinh về nếp sống riêng biệt của nông thôn: Những việc chung đồng lòng cùng nhau làm như đình đám hội hè, đường sá, an ninh xã thôn; tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần cũng như vật chất trong những quan hôn tương tế, vui buồn có nhau...Ngoài ra, còn có những thú vui như đờn ca xướng hát hay nhậu nhẹt sau một ngày làm lụng nhọc nhằn. Cây trái, gia súc thì sẵn tại nhà, cá thì dưới ruộng đồng…cho nên đời sống của người nông dân cũng tương đối thoải mái. Nhưng nền nông nghiệp tùy thuộc về thời tiết từng năm, từng thời kỳ, do đó nó không được vững vàng, nguồn thu nhập cũng không nhiều và thường xuyên nên người nông dân khó mà làm giàu. Cho nên, những quốc gia phần đông dân số sống về nghề nông nghiệp vẫn còn trong tình trạng yếu kém về kinh tế. Trong lịch sử về kinh tế, từ khi máy hơi nước được phát minh, người ta mới bắt đầu phát triển về công nghiệp, nền công nghiệp phôi thai thu hút nhân công từ thôn quê để tiến ra thị thành; đồng áng bị thiếu hụt nhân công, người ta phải nghĩ đến máy móc hóa nông nghiệp để đáp ứng được nhu cầu lương thực. Nền công nghiệp ngày càng được phát triển, nhiều nhà máy được mọc lên, đem lại công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều người và thành phẩm trong xã hội càng được phong phú, mà chúng hoạt động cả trong mùa đông lẫn mùa hè không bị gián đoạn, đưa đến cuộc sống người dân càng được tốt hơn. Và nếp sống trong công nghiệp cũng thay đổi nếp sống của xã hội nông nghiệp xưa: Người ta làm công việc theo giờ giấc, tác phong nhanh nhẹn theo tiến trình của máy móc, kéo theo nhậu nhẹt, phong cách lê thê cũng giảm đi và kỷ luật cũng khá được tuân hành; cho nên những quốc gia phát triển về công nghiệp thường được tiến bộ về trình độ, phong cách làm việc cũng như thành phẩm cung ứng cho xã hội. Ý thức về trật tự, thứ lớp cũng tiến triển thêm.

Một khi nền công nghiệp được phát triển hơn thì thành phẩm cung ứng xã hội được nhiều, thị trường được mở rộng xa thì phương tiện chuyển vận là điều kiện cần thiết. Chính vì thế sự vận chuyển, phân phối là điều kiện trở nên quan trọng. Những xe vận tải hạng nặng, xe có đầu kéo, xe toa dài, một hay nhiều toa để một lần chở được nhiều hàng đến nơi khác mà cước phí lẫn giá thành phẩm không cao khi được bán ra thị trường. Theo đó cơ sở hạ tầng về giao thông cũng được củng cố tốt hơn. Lúc đó người ta chỉ cần thấy lưu lượng xe tải hạng nặng trên đường sá đi xa cũng có thể hiểu được về nền kinh tế của quốc gia ấy.

Những điều ngày xưa tôi đã học trong nhà trường mãi đến mấy chục năm sau mới có thể kiểm chứng được ở trên xứ người, và rồi tôi lại thương cho cuộc sống của nông thôn của xứ mình nhất là những năm bị thất mùa đời sống của gia đình nông dân sẽ khốn khổ không biết là dường nào!

 

Đồ Ngông,

10/11/2013.

*Mua Quan!


*Thơ Đồ Ngông!         (tt)



*Người Ta!

 

Người ta cứ nghĩ: Mình là hay

Thừa có khả năng, lại có tài

Hàng khối chuyện làm ta được tuốt

Bao nhiêu gian khó làm trôi ngay!

 

Người ta hay nghĩ ý mình ngay

Vượt trội lên trên cả mọi người

Ý tưởng của ta là bậc nhất

Coi thường của mọi người đều sai!

 

Nhóm ta cứ tưởng đông là hay

Quá sức, đâu ngờ lại quá sai

Khi đã làm rồi, thiên hạ khóc

Ngàn năm di hại, khó mà thay!

 

Đồ Ngông,

20/12/2013.

 

 

 

*Mua Quan.

 

Người ta bán chức mua quan

Tiền ra vất vưỡng để ngồi trên cao

Lên trên để được “vênh râu”

Ra tay hoạnh hẹ, người hầu kẻ lo

“Không chi…” ta chẳng thèm cho

Của kho lo lót, đưa đò bao thư

Có nhiều thì khỏi…mong chờ

Đi qua cửa ải dễ dàng như chơi

Không bằng..! Cứ để khơi khơi

Cả năm, năm nữa quan thời chẳng coi,

“Làm dân” khổ lắm, ai ơi!

 

Đồ Ngông,

20/12/2013.

Sunday, December 1, 2013

*Con Thỏ Em!


*Chuyện Tào Lao 2.          (tt)



Bây giờ mọi cuộc đã xong rồi, Thỏ Em rất là ăn năn hối hận. Nhưng dù có ăn năn, hối hận bao nhiêu đi nữa thì đất đai, gia sản cũng đã chẳng còn. Kể từ giờ phút nầy và mãi mãi về sau, nó thực sự là người lang thang, không còn nguồn gốc nữa. Nhà cha mẹ nó để lại cũng bị người ta chiếm mất đi rồi, thằng thỏ anh của nó cũng bị chết thảm thương trong cuộc chiến để gìn giữ tài sản ấy. Nó hối tiếc lắm, nhưng mọi sự đã rồi! Nó tự trách nó nông nỗi, thiếu suy nghĩ chính chắn. Nó cũng sáng ra rằng: Vì nó khờ dại nghe lời ngon ngọt của người khác để nhảy vào chen chân và cản bước của thỏ anh trong cuộc chiến giành lại gia sản của dòng họ nhà mình. Người ta cứ mớm cho nó vì lý tưởng nầy, lý tưởng nọ đưa nó lên tận trên cao của lý tưởng cao đẹp của một thời thanh niên để nó làm, mà bây giờ nó mới có thể hiểu đó chỉ đóng ở vai trò tay sai. Thỏ anh cũng không khác gì cho lắm, thỏ anh cũng cứ ngỡ điều thỏ anh làm, thỏ anh thực hiện đường hướng của một phe khác mà thỏ anh cũng tưởng là làm cho nhân loại để đưa con người đến cõi tốt đẹp của lý tưởng.

Do nơi lý tưởng người ta mớm cho mà nó không ngần ngại chống lại thỏ anh, cố giành lấy phần gia sản mà người ta đưa cho nó mặc dù đó là gia sản của gia đình để lại, và nó được hỗ trợ tận tình từ những thế lực khác để chống lại phe thỏ anh. Thế là anh em nhà thỏ của nó lại tha hồ đánh nhau khiến cho cỏ cây tan hoang, họ nhà thỏ khốn đốn nhưng nó và thỏ anh không cần biết chỉ đánh nhau vì lý tưởng, vì cái toàn vẹn gia sản thôi. Nó đã không ngần ngại khủng bố, hình phạt nặng nề đối với nhóm thỏ anh như là để cho cái lý tưởng của người khác chứ không là của nó. Không thể ngờ được, anh em trong nhà không cùng nhau bảo vệ gia sản của mình mà lại nghe lời xúi giục người ta và họ cứ thổi nó lên vì lý tưởng để rồi anh em đánh nhau trối chết. Nó cứ nghe thỏ anh theo con đường tàn độc, nó càng cố gắng chống lại, vô tình hai anh em nó càng ngày lại đi càng sâu vào hận thù hơn, đến đỗi không thể chấp nhận lẫn nhau. Nó thề diệt anh nó, thỏ anh cũng hận thù thằng em đáo để. Anh em nó đánh nhau với sự trang bị của những thằng bên ngoài từ gậy gộc, dáo mác đến mọi thứ dữ dằn hơn nữa, chỉ có thịt xương và máu là của dòng họ nhà nó. Người ta trang bị cho nó và thỏ anh với những hận thù không bao giờ nguôi, thế mà nó và thỏ anh luôn hãnh diện lắm: Ta là phe chính nghĩa, thuộc đám quang minh chính đại, là đám trừ gian diệt bạo mà chẳng bao giờ nghĩ mình chỉ là những thằng tay sai chỉ đánh nhau cho những chủ nghĩa ngoại lai. Người ta làm anh em nhà nó đánh nhau tan tác, đổ máu như sông, tan xương nát thịt và nhà cửa tan hoang ra chỉ bằng những lời khích bác cùng khen ngợi!

Thỏ anh trở thành kẻ thắng cuộc. Thỏ anh áp dụng những hình thức quả tàn bạo thực, giống như đối với những kẻ thù thực thụ, muốn họ nhà em mình không bao giờ ngóc đầu lên nỗi để không chống lại, hay đủ sức mạnh mà lật được thế cờ. Thỏ anh trấn áp bằng sức mạnh mà nó có, nó loại trừ những thân nhân của thỏ em với quan niệm là không tạo điều kiện cho giặc để giặc làm một cuộc nỗi dậy, lật đổ chính quyền. Thỏ anh không nhân nhượng nhóm thỏ em, càng tạo nên thêm hận thù. Đám thỏ em chịu không nỗi đành tính kế “dĩ đào vi thượng” để bảo toàn thân mạng và cuộc sống của mình. Cũng đúng vào cơ hội, thỏ em đành xa lìa thỏ anh với sự căm hận trong lòng. Từ khi thoát khỏi vòng kiềm tỏa của thỏ anh, thỏ em thấy mình cao hẳn lên, nên trở nên ầm ĩ và khi nào có cơ hội thì phanh phui, lật xấu anh mình và kêu gọi mọi người bao vây, khống chế cho chết người anh mà bao năm thù ghét. Không những thế mà nhóm thỏ em lại vận động người ta cột trói anh mình lại, và mong cho thằng chó sói đói mồi nuốt luôn đám anh mình cho rồi. Con chó sói thấy vậy thích lắm, nó cứ lườm con mắt chờ cơ hội. Nó luôn cho người len lỏi vào bên trong giang sơn của thỏ anh mà phá đủ mọi thứ, nó tìm thế bao vây thỏ anh, nó lừa thỏ anh vào những điều mà thỏ anh phải im lặng mà vâng lời. Nó làm mãi, thỏ anh trở nên “như người mất hồn” để thỏ anh giống như con rối, tay sai của nó. Với sức mạnh và sự hung hãn của sói, thỏ anh khó mà phản kháng trở lại. Trong khi đó, qua lòng căm hận thỏ em lại muốn sói giết anh mình cho rồi, hết đời cái thằng gian ác, cho bỏ ghét.

Qua sự căm hận thù ghét thỏ anh, thỏ em đã tạo bao nhiêu điều khó khăn cho anh khiến anh không thể làm gì được, cộng thêm sự ngang tàn, nuốt sống người khác; thỏ anh bây giờ đã chết cùng với tiêu mất tài sản của cha ông cho loài sói rình mồi; và dòng nhà thỏ lại phải sống trong kiếp đời nô lệ như hơn ngàn năm trước đã bị làm. Thỏ em trở nên ân hận, nhưng sự cũng đã rồi!  Lịch sử sang trang, thực tế không thể đảo ngược. Thỏ em tự cảm thấy rất là buồn và tự ân hận không biết đến bao giờ!

 

Đồ Ngông,

24/10/2013.

*Khu Du Lịch Đại Nam.


*Thơ Về Bình Dương!        (tt)



 
*Lên.

 

Bưng Cầu, Cầu Định lại lên

Đi lên Bến Cát, Bàu Bàng xa xôi

Lai Khê thì đã qua rồi

Đợi chờ xe “cát” (bến cát) chở lên Chơn Thành

Đường đi khó bởi chiến tranh

Thôi thì quay lại, về xây nhà mình!

 

Đồ Ngông,

24/04/12.

 

 

 

*Khu Du Lịch Đại Nam.

 

To lớn là to, khu Đại Nam

Có vô mới thấy thật chàm vàm

Người đâu lại có khu to quá

Hàng khối người vào khu vẫn kham!

 

Đồ Ngông,

24/04/12.

 

 

 

*Ăn!

 

Qua sông Thị Tính tới An Điền

Ta về Rạch Bắp sẽ ăn thêm

Tha hồ nướng bắp nghe dòn dã

Đánh giấc trưa hè, sướng như tiên!

 

Bánh tráng Tây Nam dẻo lại thơm

Cứ cuốn đi rồi khỏi ăn cơm

Rau rác đây nầy cần đâu kiếm

Đầy đủ cả rồi, quả thật xôm (xôm tụ)!

 

Đồ Ngông,

24/04/12.

 

 

 

*Bến Thế.

 

Đã là cái “Bến” ở ven sông

Chẳng biết ra sao lại “Thế” không

Làm chứng cho đời “Đình” đứng đó

Để “Tân An Xã” lại bằng lòng!

 

Đồ Ngông,

24/04/12.