Thursday, December 19, 2013

*Kinh Tế!


*Chuyện Tào Lao 2.       (tt)



Ngày xưa, lúc tôi đi học, có ông thầy dạy về Công dân, ông có một bài học về kinh tế trong đó phân tích: Những quốc gia chậm tiến thường là những quốc gia thuộc về nông nghiệp, những quốc gia mở mang thiên về công nghiệp và những quốc gia phát triển lại phát triển về vận chuyển. Lúc đó học thì học chứ tôi không có ý niệm gì cả. Nhưng đầu óc càng ngày càng chú ý tới vấn đề đó như là những tò mò, tìm hiểu.

Thế rồi sau ngày đất nước thống nhất, tôi cũng phải lao vào lãnh vực “lao động là vinh quang, lang thang là chết đói”. Ngoài giờ ở trường học, tôi phải tập sản xuất lao động trên phần đất nhỏ nhoi của gia đình để kiếm thêm với số tiền lương khiêm tốn. Trời nắng, trời mưa mình lại muốn khóc: Công việc thì bề bề mà mình thì chỉ có hai cánh tay, làm hoài công chuyện lại không dứt. Ôi! Con trâu đi trước, cái cày đi sau; không làm thêm thì sao đủ ăn và nuôi mấy đứa con. Trồng trọt cũng không dễ chút nào, không phải cứ cặm cây xuống là tự nó mọc lên tươi tốt. Người nông dân phải bỏ công sức ra để chăm sóc, bón phân làm cỏ theo từng giai đoạn; lúc đó tôi mới biết đến cái cảnh “đầu tắt mặt tối” của cảnh làm nông. Những ngày nắng phải lo “thay trời làm mưa”, trên cánh đồng bao la, dòng suối con không đủ nước cho người ta lấy để tưới, canh (chờ đợi) để lấy được nước có khi đến chiều tối và rồi còn phải xách gàu đi tưới. Đó là chưa nói đến cái nạn sâu rầy, nhất là trong giai đoạn mọi thứ đều bị ngăn chặn và thiếu thốn. Và cũng từ dạo ấy, tôi đã học được bài học “đi thực tế” vào trong công việc và đời sống người nông dân thực thụ. Có một lần tôi “cự” ông bạn khác miền khi ông ba hoa về sự lạc hậu của người nông dân miền nam. Ông đề cập đến sự lạc hậu, tôi hỏi ông ông biết họ làm như thế nào mà gọi là lạc hậu, ông chưa đi sâu vào việc làm nên chưa hiểu được những kỹ thuật mà người nông dân đã ứng dụng trong từng giai đoạn, mặc dù những kỹ thuật ấy có khi là học hỏi, có khi là sáng tạo qua kinh nghiệm và đôi khi là học lóm nữa.

Làm nghề nông thì ở đâu cũng vậy, nó có nhiều vất vả vì công việc có nhiều giai đoạn để nuôi một cây trồng được tươi tốt và cho nhiều quả. Sự chăm sóc song song với trị sâu rầy. Chỉ khác đi là máy móc nhiều hay ít mà công việc trong nông nghiệp được giảm thiểu cho người nông dân được thoải mái hơn chút ít mà thôi. Nếu ngày xưa, người nông dân phải có trâu bò để cày cho kịp thời vụ thì con cái họ phải dành nhiều thì giờ để chăn bò, cắt cỏ cho bò ăn; trâu bò còn là súc vật để kéo xe chuyên chở giúp người nông dân được nhẹ nhàng hơn. Bằng không thì người làm nông phải đợi chờ người cày mướn đến phiên mới cày thì có thể trễ vụ mùa và phải trả một số thù lao nào đó. Nhiều lúc tôi thắc mắc tại sao những người nông dân tập trung vào những vùng tương đối hẻo lánh xa các phương tiện cung ứng cho đời sống mà họ vẫn thích thú an nhàn, và con cái của họ phần đông không được đi tới trường để học. Sau nhiều năm cố tìm hiểu, tôi mới ngộ ra rằng: Để thuận tiện trong công việc đồng áng, người nông dân thường chọn nơi cao ráo hơn ở gần ruộng nương để thuận lợi trong việc cày cấy. Vì thế họ thường cất nhà ở ven rừng, phía trên của cánh đồng, ở đó người ta tập họp thành xóm, có chia vuông đất từng gia đình để trồng cây trái, rau hay những loại ngũ cốc để kiếm thêm lương thực cho sinh hoạt gia đình, hoặc chăn nuôi gia súc. Như vậy vừa thuận lợi cho việc đồng áng, vừa tiện cho cuộc sống mặc dù nó hơi hẻo lánh và khó khăn cho việc học hành của con cái. Từ đó, mới nảy sinh về nếp sống riêng biệt của nông thôn: Những việc chung đồng lòng cùng nhau làm như đình đám hội hè, đường sá, an ninh xã thôn; tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần cũng như vật chất trong những quan hôn tương tế, vui buồn có nhau...Ngoài ra, còn có những thú vui như đờn ca xướng hát hay nhậu nhẹt sau một ngày làm lụng nhọc nhằn. Cây trái, gia súc thì sẵn tại nhà, cá thì dưới ruộng đồng…cho nên đời sống của người nông dân cũng tương đối thoải mái. Nhưng nền nông nghiệp tùy thuộc về thời tiết từng năm, từng thời kỳ, do đó nó không được vững vàng, nguồn thu nhập cũng không nhiều và thường xuyên nên người nông dân khó mà làm giàu. Cho nên, những quốc gia phần đông dân số sống về nghề nông nghiệp vẫn còn trong tình trạng yếu kém về kinh tế. Trong lịch sử về kinh tế, từ khi máy hơi nước được phát minh, người ta mới bắt đầu phát triển về công nghiệp, nền công nghiệp phôi thai thu hút nhân công từ thôn quê để tiến ra thị thành; đồng áng bị thiếu hụt nhân công, người ta phải nghĩ đến máy móc hóa nông nghiệp để đáp ứng được nhu cầu lương thực. Nền công nghiệp ngày càng được phát triển, nhiều nhà máy được mọc lên, đem lại công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều người và thành phẩm trong xã hội càng được phong phú, mà chúng hoạt động cả trong mùa đông lẫn mùa hè không bị gián đoạn, đưa đến cuộc sống người dân càng được tốt hơn. Và nếp sống trong công nghiệp cũng thay đổi nếp sống của xã hội nông nghiệp xưa: Người ta làm công việc theo giờ giấc, tác phong nhanh nhẹn theo tiến trình của máy móc, kéo theo nhậu nhẹt, phong cách lê thê cũng giảm đi và kỷ luật cũng khá được tuân hành; cho nên những quốc gia phát triển về công nghiệp thường được tiến bộ về trình độ, phong cách làm việc cũng như thành phẩm cung ứng cho xã hội. Ý thức về trật tự, thứ lớp cũng tiến triển thêm.

Một khi nền công nghiệp được phát triển hơn thì thành phẩm cung ứng xã hội được nhiều, thị trường được mở rộng xa thì phương tiện chuyển vận là điều kiện cần thiết. Chính vì thế sự vận chuyển, phân phối là điều kiện trở nên quan trọng. Những xe vận tải hạng nặng, xe có đầu kéo, xe toa dài, một hay nhiều toa để một lần chở được nhiều hàng đến nơi khác mà cước phí lẫn giá thành phẩm không cao khi được bán ra thị trường. Theo đó cơ sở hạ tầng về giao thông cũng được củng cố tốt hơn. Lúc đó người ta chỉ cần thấy lưu lượng xe tải hạng nặng trên đường sá đi xa cũng có thể hiểu được về nền kinh tế của quốc gia ấy.

Những điều ngày xưa tôi đã học trong nhà trường mãi đến mấy chục năm sau mới có thể kiểm chứng được ở trên xứ người, và rồi tôi lại thương cho cuộc sống của nông thôn của xứ mình nhất là những năm bị thất mùa đời sống của gia đình nông dân sẽ khốn khổ không biết là dường nào!

 

Đồ Ngông,

10/11/2013.

No comments:

Post a Comment