*Chuyện Tào Lao 2. (tt)
Nói
đến xếp hàng mà nói là văn hóa thì nó có vẻ to tát và quan trọng quá vấn đề. Mà
không nói là văn hóa thì người ta không thấy rõ tầm quan trọng và ảnh hưởng của
nó. Nếu một lúc nào đó ta không ưng ý một cái đầu bù xù, tóc rối như ổ quạ hay
một cái sân đầy rác rến của một cái nhà bày biện giống như một sở rác, so với một
cái đầu hớt chải gọn gàng hay sự sắp xếp ngăn nắp ở một căn nhà và cái sân sạch
sẽ thì ta sẽ hình dung được cái nếp văn hóa như thế nào.
Người
ta thường nói rằng: “Văn hóa là những cái gì còn lại sau khi đã quên hết”, lúc
mới nghe câu ấy tôi cứ liên tưởng đến một ý đùa vui, hay một tư tưởng lập dị của
một triết gia gật gù nào đó. Mà cũng ngộ nghĩnh, chính vì cái trái ngược lạ lùng
ấy mà câu ấy cứ theo tôi mãi cho đến ngày nay, và bây giờ tôi mới ngộ được chút
đỉnh của vấn đề. Trong cuộc sống con người không có cái gì là của mình chính hẳn.
Mọi tư tưởng hay cử chỉ hành động đều có sự pha trộn, học hỏi, tập tành từ người
nầy cho đến người khác, từ thuở còn bé tí teo cho đến lúc già đầu bạc, đó là những
sự giao lưu, truyền thụ lại cho nhau hay nói nôm na là bắt chước. Đến một lúc nào
đó, nó không còn là nguyên thủy của nó nữa, nó biến thể và trở thành nét đặc trưng
của mình mà mình cũng không còn nhớ nguồn gốc của nó từ đâu và nó được lưu truyền
từ thế hệ nầy sang thế hệ khác từ trong gia đình, dòng tộc hay của cả một dân tộc
như thế nào và thế là nó trở thành văn hóa của nhóm người hay dân tộc ấy. Nhìn
vào một dòng chảy của xe cộ trên đường phố, hay một dòng người đi trên đường phố
ta sẽ thấy thói quen và có thể nghiệm ra rằng nhóm người đó hay trình độ của dân
tộc ấy ra sao. Trên đường phố mạnh ai nấy chạy, tranh nhau mà đi, không theo một
quy luật nào cả, thì nhóm người ấy không thể nào hiểu được sự an toàn và kỷ luật
là gì. Nhất là trong những nơi công cộng hay những cuộc tổ chức nào đó đều có
những cuộc chen lấn, ỷ mạnh lấn lướt yếu, lớn càn đứa nhỏ thì không thể đánh giá
được là văn minh. Sự chen lấn làm cho người ta dễ nóng giận sanh ra ẩu đả, cãi
cọ khiến con người sống với bản năng của mình chứ không thể giải quyết được
nhanh chóng sự việc. Đôi khi sự chen lấn là môi trường tốt cho những kẻ lưu
manh lợi dụng để móc túi, cắp của người khiến cho nhiều người thêm đau khổ. Ở
những xã hội văn minh hay ý thức hơn người ta sắp hàng theo thứ tự để tới phiên
mình, không gây cảnh ồn ào, không hao tổn đến mồ hôi hay quần áo trở nên dơ dáy
vì chen lấn; điều ấy khiến cho người có trách nhiệm cũng không phải chật vật để
giải quyết vấn đề cho mọi người. Có những buổi sáng chúa nhật vào mùa đông, người
ta chỉ đi chợ bán đồ cũ ngoài trời mà phải sắp hàng dài cả cây số trong khí trời
lạnh lẽo, người tới sau thì đứng sau cứ thế mà tuần tự đi tới, không ai chen lấn
hay giành đi trước gì cả. Nếu bạn “vô ý” chen vào, người ta vẫn để cho bạn vào
một cách vui vẻ, thế nhưng những người khác nhìn bạn như thuộc về một sắc tộc nào
đó kém văn minh. Trong phòng mạch của bác sĩ, hay một nơi nào đó cũng vậy, mình
tới sau ai hay ở đó đang có mấy người thì biết khi nào đến phiên người cuối của
số đó là đến lượt mình, cứ tuần tự theo thứ tự không cần đến chen lấn, giành giựt.
Do vậy, quả thật “xếp hàng” cũng là một nét văn hóa tốt nó vừa công bình và cũng
vừa thể hiện được một nét văn minh của một xã hội, một ý thức và cũng vừa tránh
được không biết bao nhiêu là phiền phức kể cả không tạo môi trường cho những kẻ
cắp và móc túi. Có phải vậy không anh bạn nhỉ?
No comments:
Post a Comment