Sunday, January 12, 2014

*Ngày Trở Về.



Tôi dự định ngày trở về thăm quê hương là hơi có muộn màng so với nhiều người khác; người ta đã về lại quê hương từ các năm đầu của những năm 90. Thực ra, không ít người đều tỏ ý lo lắng khi nói đến một ngày về, có người cho rằng nay thay đổi và thông thoáng hơn trước nhiều nên không chuyện gì để sợ. Riêng tôi, tôi thấy sự đi về của tôi chẳng có gì là quan trọng. Trước, sau 75 tôi chỉ là một thầy giáo quèn làm nhiệm vụ “dạy học trò”, thì có gì để phải âu lo. Mà trước đó vợ tôi lẫn em trai và ba má tôi có đi vài lần nên tôi cũng cảm thấy được chút nào sự an lòng. Tuy nhiên, tôi vẫn có vài lo lắng giống như nhiều người đã có cùng giấc mơ khi ở trại tị nạn: Trong mơ ai cũng thấy mình đã đi rồi, nhưng còn nhiều nhớ nhung luyến tiếc lại trở về để rồi lại phải “kẹt” mà không biết đường nào đi và lúc đó lại nghĩ tại sao mình lại “như thế” để rồi “khủng hoảng” quá, giật mình thức dậy với mồ hôi ra như tắm! Người ta bị ám ảnh quá nhiều!

Ai cũng vậy, khi có nhiều lo sợ thì tâm trạng thường bất an và hay nghĩ vẩn vơ; chưa đi chưa tới thì luôn có sự suy tính không biết dễ khó thế nào, nhất là trong quá khứ đôi lần người ta chưa thể có vững được niềm tin.

Lần nầy đi, vợ chồng tôi sẽ ghé qua Singapore trong vài ngày để gọi là “luôn tiện du lịch” cho biết vùng đảo quốc thế nào trước khi về Việt Nam, và cũng “gọi là” hộ tống ba má tôi du lịch luôn thể. Chỉ ghé đôi ba ngày thì cũng không thể nào biết được nhiều, nhưng cần chỉ biết đại khái thôi cho rõ sự tình, cuộc sống sinh hoạt nơi xứ người để hiểu được mình được ta; chứ đâu có là quê hương gì của mình đâu để mình cần biết cho lắm! Đôi lúc tôi nghĩ đến mà tức cười: Ngay cả cái làng quê của mình chưa chắc mình đã biết hết thì nói chi đến cái quận, cái tỉnh… mà đây lại là cái xứ của người ta.

        Qua những ngày nghe tiếng ve kêu, cũng cái khí hậu ẩm ướt, rích rích, oi oi, hâm hẩm của vùng nhiệt đới ở Singapore, chúng tôi giả từ để đáp chuyến bay về Sài Gòn. Máy bay bay qua vùng biển Vịnh Thái Lan khiến tôi lại nhớ miên man đến những ngày lênh đênh trên biển. Tôi nhớ đến những con cá bay chúng từ từ chạy trên mặt nước để rồi cất cánh bay một đoạn khá xa rồi lại nhào xuống nước tiếp tục với loài sống dưới nước. Những con cá heo cất tiếng kêu en éc chạy lên phía trước chiếc tàu cây nho nhỏ đang vượt trùng dương mà không nghĩ được bến bờ; đàn cá heo vui vẻ lắm, chúng nhào lộn để làm cho người trên tàu đỡ buồn trong nỗi lòng tha hương. Từng dòng, từng dòng bông bồ kết nỗi trôi trên biển mà tôi không biết chúng ở tự phương trời nào, sao mà chúng nhiều đến thế nầy, rồi cứ đoán già đoán non. Chúng có thể từ Thái Lan, Mã Lai hay Singapore trôi dạt về đây và như vậy tàu có thể gần đến bờ. Hi vọng trong ao ước, chứ từ khi gặp chúng đi mãi suốt mấy ngày đêm mới tới được đất liền Mã Lai. Tôi lại nhớ đến đêm gần đến dàn khoan, các tàu dầu khi thấy tàu chúng tôi tiến đến gần chúng đều tắt đèn để di động đi nơi khác, mặc cho dân “du thử du thực“ nầy đi đâu thì đi. Ngồi trên máy bay mà đầu óc tôi cứ miên man của một ngày nào đó!

Máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, đường băng không có nhiều thay đổi. Những ụ đất của những chiếc trực thăng ngày xưa vẫn còn đó, dấu vết chiến tranh không phai tàn sau nhiều năm đã chấm dứt, lòng tôi lại có nhiều bồi hồi, xao xuyến lẫn hồi hộp và có chút ít lo âu.

Qua cửa ải hải quan, tôi học được chút ít nào đó về kinh nghiệm và rồi tới việc lấy hành lý. Cuối cùng mọi việc đều êm xuôi. Ra cửa được các anh chị nội ngoại đến đón tương đối cũng khá đông vì lẽ đơn giản là do nơi có ba má tôi.

Bây giờ người trở nên đông đúc, thành phố mặc dù có mở rộng nhưng không gian gần như bị thu nhỏ lại bỡi số người quá đông, cộng thêm xe cộ nhiều lại chạy không theo trật tự nào vì vậy mà sự giao thông thường hay bị trở ngại. Xe rời khỏi phi trường khá lâu, nhưng di chuyển không được thuận lợi vì gặp thời gian cao điểm nên dễ bị kẹt xe nhất là ở những vòng xoay. Xe về đến ngã tư An Phú Đông mất hơn cả giờ đồng hồ sau. Xe tiến về hướng Nhị Bình để sang Lái Thiêu. Khung cảnh bây giờ cũng đã khác xưa: Dọc theo hai bên đường đầy hàng quán, tiệm mọc lên để buôn bán. Ở xứ ta thì cứ như vậy! Nơi nào thuận tiện để buôn bán thì người ta dựng chòi hoặc che tạm để buôn bán rồi sau đó nếu thấy được họ sẽ cất nhà lập hàng quán chắc chắn. Thế là nhà cứ mọc lên từ hai bên đường. Ở xứ người buôn bán có nơi có chỗ và khi nào được phép của Hội Đồng Địa Phương mới bán chứ không phải tự phát như ở xứ mình. Còn đa số tập trung ở những trung tâm buôn bán vì thế người ta không thích những nhà ở hai bên đường lớn vì xe chạy rất là ồn ào, nhiều bụi bậm không khí bị ô nhiễm, không được trong lành. Xe chạy ra ngõ ngoài từ Lái Thiêu ra cầu Ông Bố rồi xuôi về ngã tư Hòa Lân. Ngày xưa hai bên đường nầy chỉ lưa thưa hảng xưởng hoặc là rừng chồi nay hai bên đầy quán sá, nhà cửa nhìn không biết là nơi đâu, tôi cố nhìn lắm mới nhận định ra nỗi!

Xe cứ bóp kèn inh ỏi, tôi nghe hơi lạ hỏi đứa cháu lái xe thì nó nói để những xe gắn máy nó biết mà tránh xảy ra tai nạn. Sự giao thông xứ mình không biết đến bao giờ mới đi vào trật tự đây; nhà cửa thì cất tự phát cứ chường ra phía trước lấn cả mặt đường, xe chạy thì tranh nhau giống như tánh con người hay tranh giành, giành giựt tạo nên một cảnh hỗn độn hơn là giao thông trên đường phố thì cái cảnh tắt nghẽn giao thông cũng không có gì là lạ, nhất là những cảnh tượng tai nạn chết người thường hay bị xảy ra.

Xe đi về tới Bình Chuẩn, ngã tư ngày nào nay thật là bận rộn, xe qua đường cũng hơi khó khăn. Tới lúc tôi hồi hộp để nhìn lại quê hương thời thơ ấu của mình ra sao. Những vuông tre hay bờ đê, rừng Cây Chàm, cống Ông Huyện nhưng cảm giác ấy tôi không còn có được nữa, tôi mãi mê nhìn và nhận định lại những vị trí ấy mà bây giờ đã thay đổi quá nhiều: Nhà cửa, hàng quán, hảng xưởng, xí nghiệp đầy cả nhất là người ta sao quá là người, không biết từ đâu mà đông thế nầy. Sự thay đổi đến đổi tôi không nhìn được cả trường Trung Học Châu Thành hay trường Tiểu Học Tân Phước Khánh mà tôi đã học, đã dạy trong thời gian không quá mười sáu năm trước. Nhà của tôi không còn bóng dáng cũ, chủ mới cũng cất khác đi tôi không nhìn thấy được nó nữa rồi; rồi đến ngã sáu chợ lẫn nhà của ba má tôi, tất cả đều thay đổi cũng như cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi. Những nhà lầu hai tầng được cất lên ở hai bên đường để đánh dấu cho một sự thay đổi tốt hơn hay chỉ là một bộ mặt sang trọng bên ngoài của một thị trấn mới hơn là của một xã của ngày xưa. Tôi cứ mãi ngẫm nghĩ về những câu chuyện cũ rích ở một thuở nào!

Ngày trở về lần đầu tiên của tôi cứ xoay vòng như thế! Và tôi vẫn mãi đi trong lẩn thẩn của cuộc đời!

 

Nguyên Thảo,

25/12/2013.

No comments:

Post a Comment