Đến bây giờ tôi mới nghĩ đến chuyện ghi lại cái Tết trên xứ
người, mặc dù mình đã xa rời quê hương gần 30 năm. Ghi lại để mà nhớ, để giữ lại
một chút gì gọi là “quê hương” trong lòng người viễn xứ. Không một ai nghĩ rằng
mình sẽ xa rời quê hương khi thời kỳ chiến tranh đã qua đi, nhất là tôi. Thật là
bất ngờ vô cùng, với điều kiện hoàn cảnh như tôi mà tôi lại có thể “tha phương
cầu thực”!
Nhiều lúc ngồi suy ngẫm mà nghĩ lại: Tại sao trong những giai
đoạn chiến tranh thật là ác liệt, người ta không màng đến cái chết mà vẫn bám đất
bám làng; Và tại sao trong thời gian hòa bình rồi theo lẽ người ta vui vẻ,
chung sức cùng nhau để xây dựng lại quê hương bị tàn phá thì người ta lại phải
ra đi! Đó là vấn đề mà tôi đã từng lý giải mà chắc nhiều người cũng thường hay
nghĩ đến như tôi.
Nếu ngày xưa trong thời kỳ Pháp thuộc người ta hay đề cập đến
sự chia vùng miền để cai trị của đế quốc Pháp mà ảnh hưởng của điều đó vẫn còn
trong đời sống dân gian đến nhiều thế hệ sau; thì cuộc chiến tranh để thống nhất
đất nước hay mang vị thế lớn hơn là “ý thức hệ” lại càng làm cho đất nước bi thảm
hơn nhiều. Thế hệ thanh niên ở hai miền bắn giết nhau bằng vũ khí từ thô sơ đến
hiện đại của nước ngoài, được cổ vũ từ tinh thần của hai chủ nghĩa xa xôi không
thích hợp cho dân tộc. Và nhất là bị những nước lớn hay cường quốc khác lợi dụng.
Thế mà đất nước chúng ta lại lao vào một cuộc chiến tranh khủng khiếp bị tàn phá
hơn bao giờ hết. Hai anh em trở thành kẻ thù “không đội trời chung”. Dứt chiến
tranh rồi thì phải giải quyết “kẻ thù” ra sao đây? Ai lại tin ai? Ta chẳng tin
người, mà người cũng chẳng tin ta! Sự nghi kỵ, hận thù, giai cấp! Sự thực thi
đường lối của một chủ nghĩa! Sự vận hành của một hệ thống kinh tế khác biệt chưa
từng kinh qua! Tôi chơi vơi trong vị thế của mình, tương lai của tôi và gia đình
khá bấp bênh, tôi cứ đi trong “nhạt nhẽo” của cuộc đời!
Có lẽ trong cung Thiên Di có sao Thiên mã và được sao Phượng
Các xung chiếu hay sao mà cuộc đời đưa đẩy tôi phải trôi dạt nơi xứ người khi tôi
không hề định trước. Tôi cứ an phận và mặc cho “con nước đưa mình về đâu”!
Những thời gian đầu cứ với những anh em cùng hoàn cảnh lo kiếm
việc đi làm, chia vui xẻ buồn, nâng đỡ, nương tựa lẫn nhau trong từng hiểu biết
từ ngôn ngữ, nhà cửa, xe cộ đến cả các thủ tục giấy tờ hành chánh. Đi làm không
dám nghỉ vào ngày Tết. Cứ đem theo vài chai bia, chút đồ ăn rồi chia vui với
nhau vào bữa ăn trưa xen lẫn những câu chuyện Tết của ngày xưa, chỉ nhắc và nhắc
đến thôi! Nhắc để mà nhớ xen những lời chúc tụng cho nhau! Và với số vốn ngôn ngữ
bập bẹ của mình cả bọn nói với ông chủ về ngày “Lunar New Year”. Ông tò mò cũng
hỏi để mà biết coi ta ăn Tết thế nào?
Từ đó, những ông chủ càng ngày cũng biết về ngày Lunar New
Year, và rồi họ cũng thông cảm cho vài người nghỉ vào ngày đó coi như là ngày
linh thiêng. Họ cũng chúc mọi điều tốt lành cho mình cũng như sự vui vẻ trong năm
mới. Dần dà ngày Tết cũng được người Tây biết đến khá nhiều, đôi khi lại là điều
thích thú đối với họ nữa vì có nhiều nơi có tổ chức múa lân, ca hát, hái lộc mà
đối với họ là tương đối lạ lẫm! Nhiều ông Tây bà Đầm hiếu kỳ dẫn theo con cháu
đến coi lẫn với những vị khách được mời. Thực ra, ngày Mừng Xuân không chỉ riêng
của người Việt, mà còn là của người Nhật, Đại Hàn, Tàu, Singapore tức là những
sắc dân nào chịu ảnh hưởng chung một nền văn hóa của Trung Hoa. Nhưng với phong
tục thương nhớ làng quê, háo hức của mình trên bước đường mới lưu vong khiến
người mình “ăn Tết” có vẻ “xôm tụ”! Và được người Tây chú ý đến một cách đặc biệt
hơn nhiều!
Nhưng riêng ở xứ Úc, cái thời tiết trái ngược và khắc nghiệt
trong mùa hè khiến cho cái Tết ở đây chỉ có tính tượng trưng chứ không có một cái
không khí tương đối mát mẻ, khô khan sau thời gian hơi lành lạnh của mùa đông đã
lướt qua như ở Việt Nam.
Dịp Tết ở đây thường rớt vào những ngày cuối tháng Giêng là
tháng mùa hè nóng nhất, nhiệt độ thường tăng cao như trong năm nay khoảng trên
dưới 40 độ bách phân (độ Celcius). Cái nóng khiến mình không thể đi ra ngoài,
hoặc nhanh chân chạy, nhất là trong nghề nông không thể làm trong thời gian nóng
như vậy vì trong nhà nilông hay nhà kiếng nhiệt độ lại càng tăng cao hơn nữa;
do đó mình phải nghỉ ở nhà coi như là trốn nóng vậy.
Ăn Tết chỉ có nghĩa đại khái là mua sắm hoa quả về chưng Tết
làm bàn thờ cúng Ông Bà, mua chút ít quà biếu người thân, bạn bè rồi gọi điện
thoại, đến thăm, chúc tụng với nhau vài câu chúc Tết để cũng mong một năm mới,
một sự tốt lành đến cho nhau. Cũng lì xì cho con cháu nó mừng, nó cũng biết là
Tết. Nói chung lại dù không là trang trọng, lớn lắm nhưng cái khung sườn văn hóa
ngày Tết vẫn được gìn giữ cho có, tương đối đầy đủ bài bản để một mai con cháu
vẫn biết mình là người Việt và Việt Nam vẫn có nét văn hóa riêng của mình.
Nguyên Thảo,
28/01/2014.
No comments:
Post a Comment