*Chuyện Tào Lao 2. (tt)
Người
ta, ai cũng có cái miệng và một lưỡi. Cái miệng thì mở ra, khép lại, vo tròn bóp
méo để thổi hơi, phát ra được những âm thanh từ trong cổ họng mà tạo thành tiếng
nói. Song song vào đó là cái lưỡi núp bên trong cái miệng uốn qua éo lại, vươn
dài thụt ngắn để biến những âm thanh thành khác biệt để cùng diễn tả rõ được những
điều mà người ta muốn diễn tả bằng lời nói cho người khác biết. Ngoài công việc
ấy ra, miệng lưỡi và răng còn làm chung một công việc ăn uống để nuôi sống người
hay con vật mà đã sở hữu chúng.
Trong
cuộc sống, người ta đề cập đến cái ăn ít hơn là cái nói, tuy rằng cái ăn để nuôi
sống thân mạng vì cái ăn nó tuy rằng không đơn thuần là “ăn để sống”, đôi lúc nó
lại là “sống để ăn” hoặc “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên
đầu”, hay là “bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”; mà cái nói đã trở nên vấn đề
thường xuyên và cũng là quan trọng hơn nhiều!
Những
người câm không nói được khiến người ta khó lòng hiểu được sự diễn tả về ước muốn
hay nỗi lòng của họ. Nói như vậy có nghĩa là tiếng nói trở nên quan trọng trong
cuộc sống, nó diễn tả những ý tưởng, ý muốn, mệnh lệnh, khuyên nhủ, sự giáo dục
mà người truyền thụ đem đến được cho người cần tiếp nhận thông qua miệng và lưỡi.
Cái
miệng dù nó tròn hay nó méo, đẹp hay xấu có tật hay không vẫn là để tạo nên âm
thanh mà người khác có thể tiếp thụ, hiểu được những gì mà người sở hữu muốn
truyền đạt, diễn tả. Còn cái lưỡi nó mềm không có xương có thể uốn éo qua lại để
điều khiển âm thanh và cũng để lừa thức ăn vào răng, răng nghiền nát thức ăn
trong hệ thống tiêu hóa. Nhưng thói đời người ta thường gán ghép cho cái lưỡi tội
nặng nề như trong câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo”. Bỡi rằng nó không
có xương nên lưỡi dễ chuyển động theo mọi chiều hướng, khi người ta nói như thế
này cũng được, và đôi lúc lại nói ngược lại, có thể trong chốc lát sau đó không
lâu. Điều ấy chứng tỏ sự không nhất quán, lập trường không vững của người nói;
nhưng lắm lúc cũng chứng minh cái ý đồ, sự dua nịnh hay cái xu hướng nào đó của
chủ nhân của nó.
Cái
lưỡi “được” mang tiếng thay thế cho tư tưởng của con người. Tư tưởng suy nghĩ
hướng dẫn cho những hành động, nhưng qua những thay đổi lời nói, tráo trở của
những hành động, người ta thường lấy cái lưỡi ra mà biện minh, lý giải cho những
thay đổi ấy. Sự ngụy biện không những trong phương diện đối xử, ngoại giao, chính
trị mà còn ngay cả trong tôn giáo nữa. Cái lưỡi diễn tả các điều mà người ta nhằm
đánh lừa kẻ khác để nhằm ngấm ngầm thực hiện những âm mưu to tác ở phía sau. Tôn
giáo thúc đẩy lôi cuốn tín đồ, khiến tín đồ là những công cụ ngoan ngoãn, lao vào
chỗ chết hoặc nhằm thực hiện cho mục tiêu của người giáo chủ hay chức sắc mà
người tín đồ cứ nghĩ làm điều ấy là cho một niềm tin của chính mình, cho một đấng
thiêng liêng vô hình nào đó. Chính trị vận động cho những phong trào, thực hiện
đường lối “thống trị” mà người ta muốn áp đặt trên người dân, mọi người qua những
người cùng nhóm, cùng phe, cùng tư tưởng đang tiến hành. Nhà ngoại giao dùng đến
miệng lưỡi để đạt đến những thỏa hiệp, những điều kiện mà người ta có thể chấp
nhận theo ý mình hay của tổ chức của mình muốn, họ đang “uốn lưỡi” thật khéo để
chinh phục được người khác đó vậy! Còn trong đối xử hàng ngày thì biết bao nhiêu
là những thủ đoạn lừa đảo, tranh lợi hay chân thành qua miệng lưỡi được từng
con người xử dụng: Dùng miệng lưỡi với những lời ngon ngọt, bùi tai, êm dịu, lý
luận cứng chắc lẫn cách thức tạo niềm tin cho người khác để rồi lừa đảo họ không
thương không tiếc.
Những
con người có khả năng dùng miệng lưỡi, dùng những lời nói, lý luận của mình để
thuyết phục người khác khiến người khác có thể chấp nhận lập trường, quan điểm,
đường lối của mình hay phe của mình mà dẫn đến những hành động dưới sự sai khiến
của họ thì quả thật là những thiên tài.
Do
vậy, những con người miệng lưỡi là những con người khiến người ta phải “đáng” mà
“sợ”!
Đồ
Ngông,
17/01/2014.
No comments:
Post a Comment