Monday, February 17, 2014

*Tham Nhũng!


*Chuyện Tào Lao 2.        (tt)



Mấy lúc gần đây, trên truyền thông thế giới và ở nhiều nơi người ta thường đề cập đến vấn đề “tham nhũng”. Nói đến tham nhũng là nói đến những người viên chức trong những chính quyền đang điều hành chính quyền đó để cai trị một nước. Đây là vấn đề nhức nhối nhất của bao nhiêu chính phủ trên thế giới, nhất là trong cõi của con người. Trong loài vật, chúng ta không nghĩ nó có tình trạng tham nhũng vì loài vật không biết đến xài tiền bạc, vả lại nó cũng chẳng có trí khôn như con người. Ở loài vật nó chỉ có “làm theo bản năng, mà không có sự sáng tạo” nên loài vật không thể nghĩ đến những phương cách để thâm thủng ngân sách của quốc gia hay các nguồn tài trợ có lãi hay không có lãi, hoặc hoàn lại hay không hoàn lại. Con người nào cũng có những bản năng, nhu cầu cho sự sống như loài vật, nhưng con người là một sinh vật biết “nạnh hẹ, lánh nặng tìm nhẹ; biết tìm đến sự sung sướng, không làm mà được hưởng dù đó là công của của người khác đóng góp vào…”. Con người là những con vật có khả năng giết người bằng những phương tiện độc ác nhất và cũng là sinh vật có thể “tự mình sát hại chính mình”. Con người cũng là con vật duy nhất biết “ăn vụng và che lấp những sự ăn vụng của mình”. Nói như vậy có nghĩa là “sự tham nhũng là một điều không tránh khỏi trong thế giới con người”.

Ngày xưa, sự tham nhũng cũng đã thể hiện trong dân gian chứ không phải là không có. Điều đó nếu ai đã đọc các truyện Tàu cũng đã thấy được điều ấy. Và những ai đã nghiên cứu về triết lý Lão Trang hay của Không Tử thì cũng không lạ gì! Vì: Nếu không, thì làm gì có những ông quan bất mãn với sự thối nát, tham ô để từ quan mà trở về đồng quê, núi non mà “vui thú điền viên ở ẩn”; nếu không, thì làm gì có triết lý “chí công vô tư”, “lo trước cái lo của thiên hạ, và vui sau cái vui của thiên hạ”. Nếu tất cả những ông quan mà không tham nhũng thì nơi ấy đã là những cõi của Thánh nhân. Nhưng trên cõi đời nầy không phải là nơi toàn thiện vì Thượng Đế tạo con người đưa con người vào trong cõi thử thách nầy xem chơi, để xem các con của Ngài chịu đựng được tới đâu theo sự điều khiển của Ngài. Ngài là bực “tốt lành” như thế đấy!

“Sự tham nhũng” là sự kiện mà trong dân gian Việt Nam đã nói rằng: “Mỡ treo trước miệng mèo”, mèo đã vốn thích ăn mỡ thế mà nay mỡ ngay miệng mèo khiến mèo cố nhịn được sao? Mà khi được một chỗ ngon, béo bở thì người ta cũng nói: “Chuột sa hũ nếp”, hay nói một cách thô tục hơn như trong dân gian thường biếm như “Chó lọt cầu tiêu tha hồ ăn ngập mặt”! Làm quan để được “Vinh thân phì da” và “Một người làm quan thì cả họ được nhờ” điều đó quả là không sai!

Thế “Tham nhũng” là gì? Theo “Việt Nam Tự Điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức thì: “Nói về quan lại, tham lam nhũng nhiễu: Quan lại tham nhũng”. Còn theo Hán Việt Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn thì “Tham Nhũng: (Quan lại) Tham lam và nhũng lạm”. Như vậy tham nhũng để chỉ riêng cho những người làm quan và có quyền hành. Quan là những người có địa vị trên phương diện hành chánh, quân sự cũng như tư cách, học vị để lãnh đạo địa phương hay quốc gia, là những người dẫn đầu quần chúng để điều hành địa phương và quốc gia càng ngày càng tiến lên và nâng cao đời sống. Họ là những người mẫu mực để dẫn đầu. Họ được hưởng bổng lộc từ sự đóng góp của dân chúng qua thuế má, hoặc những tài nguyên bán được trong mậu dịch quốc tế…tức là những nguồn lợi tức của ngân sách quốc gia. Thế nhưng, những ông quan ấy khi ở trên cương vị của mình đã không sử dụng số tiền mà chính phủ “rót về” để xây dựng những công trình, dự án…nhằm đem lại lợi ích cho địa phương hay quần chúng mà lại tìm cách chia chác số tiền đó để nhậu nhẹt, ăn chơi thỏa mãn sự đàng điếm của mình; xa hoa hay xén bớt phần của những công việc hoặc “rút ruột” những công trình để một phần ngân sách chạy về túi riêng, làm giàu cho gia đình và đồng bọn. Nhất là những số tiền “viện trợ” mà những nước ngoài cho chính phủ vay và trả nợ lần về sau: Họ là những kẻ “ăn mặn” khiến dân chúng và con cháu các đời về sau phải trả nợ cho họ. Vậy thì họ là những ông quan mà mọi người phải nghĩ như thế nào? Ai đã khiến cho họ như thế đó? Và ai là những kẻ đã làm “bóng che, đỡ đầu” cho họ? Họ sống trên xương máu mồ hôi, nước mắt của mọi người; họ là tội phạm “cướp của” của người dân. Họ là “quan” làm lợi cho đất nước, dân chúng hay là những kẻ “tàn phá” quốc gia. Điều ấy khiến chúng ta và ngay cả nhân loại nên cần suy nghĩ!

Những phương tiện truyền thông, báo chí là những phương tiện có thể nêu những điều phí phạm, sai trái ấy lên để báo động và ngăn chặn được bớt những tệ nạn ấy. Tuy nhiên, những ông quan thường có thế lực và quyền hành cho nên các ông cấu kết mà ém nhẹm hoặc dùng những thủ đoạn để triệt tiêu những điều mà người khác muốn phanh phui. Nếu trong một quốc gia mà báo chí không có được quyền để thông tin các điều ấy thì sự tham nhũng sẽ dẫy đầy, lây lan như những bệnh dịch và nhất là những quan chức là những người phải trong tổ chức của chính quyền, có đủ tiêu chuẩn theo quy định mới được ở trên cương vị nào đó thì sự tham nhũng lại càng dễ bành trướng gắp trăm lần, vì nếu bỏ họ đi thì lấy ai để làm và tổ chức của mình sẽ mất biết bao nhiêu người thì tổ chức sẽ bị thu hẹp và suy yếu đi. Còn bao che sử dụng tiếp tục thì sẽ là một tổ chức toàn là những người như thế cả, sẽ từ trên xuống dưới. Không khéo sự lành mạnh, phục vụ người dân và đất nước không còn nữa mà lại trở thành một tập hợp “cướp bóc” và phá hoại quốc gia, đưa dân chúng đến chỗ nghèo đói và lầm than!

Một chủ thuyết dựa trên cơ sở khoa học, lý luận thực là vững chắc nhằm đưa nhân loại đến một thiên đàng nơi hạ giới, hiện thực thay thế cho một thiên đàng “mơ tưởng” nơi tôn giáo; đó là nơi mà mọi người sống với nhau hài hòa không còn người bốc lột người, rồi chính quyền cũng sẽ tự tiêu vong. Thế nhưng, lý thuyết ấy đã không nghiên cứu đến “Duy Thức Học” của Phật giáo, nên đã không nghĩ đến “Sự Tham Lam” của con người. Trong Duy Thức khi cái Tâm đã mượn Tứ Đại để làm thân xác của mình thì cái thân xác nầy chính là “vấn nạn” để trói buộc cái Tâm. Tâm bị giới hạn và lo phục vụ cho thân xác về ăn uống, lạnh lẽo về các nhu cầu kể cả bản năng tình dục. Khi đã no đủ thì lại tiến lên đẹp, tốt, sướng hơn…nhất là để phục vụ cho chính cái “ngã” của mình. Cái Ngã của mình phải hơn cái ngã của người khác…nên các sự bất đồng đã xảy ra. Cộng sản nguyên thủy bị tan rã từ những lý do đó. Cái Ngã của một dân tộc “dân tộc của Ta phải hơn các dân tộc khác” đã thành hình những “tinh thần dân tộc” đang nỗi lên trong thế giới nầy. Một cuộc chiến tranh vì dân tộc có lẽ khó mà tránh khỏi! Âu đó cũng lại là một “Hợp Duyên” để “Duyên lại sanh” và rồi “Trùng trùng duyên khởi”!

 

Đồ Ngông,

17/02/2014



1 comment:

  1. Trong trần thế ân ân nợ nợ. Bụi hồng trần vay trả trả vay. Cái gì cũng có căn nguyên nguồn cội sâu xa, mấy ai sáng suốt để quyết tâm cắt đứt hay làm cho nó đỡ rối hơn.

    ReplyDelete