*Tào Lao Thế Sự 2 (tt)
Nói đến làm người dân là nói đến đại đa số những con người đã, đang và sẽ được sinh sống trên cõi đời nầy. Không mấy ai mà không khỏi phải làm người dân cho nước mà mình sinh ra, lớn lên trong cái đất nước ấy. Về sau có mấy ai làm quan hay không thì không biết, nhưng chắc chắn họ phải làm người dân trước cái đã! Cái phong cách người dân sẽ khác quan rất nhiều, và người làm quan sẽ lột bỏ từng phong cách của người dân mà thay vào đó phong cách oai dũng, đầy quyền lực của một ông quan dù đó là ông quan nhỏ, thì đừng nói chi là đến ông quan to! Ông Tù Trưởng nguyên thủy vẫn là một người dân như bao nhiêu người khác, nhưng vì ông ta có một cái uy, có một số khả năng hơn người nên được mọi người trong bộ lạc kính nễ và thấy ông có thể đại diện mình để lãnh đạo cả nhóm được nên ông được đề cử lên vai trò lãnh đạo: Làm Tù Trưởng. Từ ngày ông lên làm Tù Trưởng được mọi người cung kính "thưa gởi, bẩm báo", ông lại thấy mình có cái oai nên "lời kẻ cả" bắt đầu phát sinh để những thái độ khác đi theo, cùng kéo theo cả gia đình con cái. Nói đến Tù Trưởng là nói đến một phạm vi nhỏ hẹp, hay một cộng đồng không bao nhiêu người thì đã là như vậy, thì đối với quốc gia sẽ đến cỡ bậc nào. Càng lên cao thì thái độ càng đáng "nễ phục" hơn nhiều! Trong truyện Tàu đầy dẫy những chuyện các vị vua xuất thân từ người dân, nhưng vì có "chân mạng đế vương" nên được dân chúng "theo phò” để mở một triều đại khác và làm vua. Ông vua lúc đầu còn nghĩ đến công lao dân chúng nên bắt đầu của triều đại dân chúng được ấm no. Nhưng sau đó vua quan chỉ nghĩ đến họ mà quên người dân cho nên đầy sưu cao thuế nặng khiến cho đời sống của người dân phải điêu linh để rồi lịch sử tiếp tục một triều đại khác thay thế cho triều đại nầy! Nhưng "làm người dân" vẫn là muôn đời chỉ là kẻ nô lệ cho cấp trên!
Nói như vậy chắc chắn những người cấp trên sẽ không thích, vì cách nói "thẳng như ruột ngựa" ấy đúng là một cảnh đau lòng. Nhưng suy đi nghĩ lại thì cũng chẳng là sai ngoa! Vì làm người dân chỉ có biết tuân hành những luật lệ, quy tắc mà người lãnh đạo đặt ra được gọi là để bảo vệ trật tự, kỷ cương của đất nước. Dù những luật ấy có bảo vệ cho đất nước thực thụ hay bảo vệ cho một tổ chức, một hệ thống kiềm kẹp nào đó, hoặc bảo vệ quyền lợi cho một nhóm người hay một chế độ thì người dân vẫn phải thi hành mà không có quyền chống đối giống như chế độ của Saddam Hussein ở Iraq mà thôi.
Lên Cao.
Lên cao ông được của, tiền nhiều
Danh thế, thế thời ông rộng tiêu
Hể hả, ông ngồi ông nhịp cẳng
Dân ngồi thắp thỏm, dáng tiêu điều!
Lên cao, ông đứng trên đầu non
Ông thấy đỉnh mây đầy ấn, son
Ông thấy quanh ta đầy sức sống
Dân thường bên dưới, gạo không còn!
(Đồ Ngông, 10/12/2014)
Bất kỳ trong chế độ nào đi nữa, người ta đều tuyên xưng người dân luôn là đối tượng của chế độ, nhưng sự tuyên xưng ấy chỉ là một lý lẽ để che đậy cho cái điều khác biệt mà hệ thống lãnh đạo của chế độ ấy thực hiện ở sau lưng, hoặc để bắt người dân phải làm những điều mà chế độ mình muốn, dù những điều đó không đem lại ích lợi thiết thực cho người dân mà chỉ đem lại quyền lợi cho chế độ hay những người thừa hành; nhưng người dân không may vẫn mãi là "mục tiêu” cho đường lối của chính phủ hay hệ thống cầm quyền! Bỡi thế trong Đạo Phật, Đức Phật sau khi thành đạo đã chỉ rõ cái "ích kỷ, ngạo mạn, tham lam, chà đạp người khác, cướp của…" của "bản ngã" (cái ý thức của Mạt-Na-Thức) của mình mà làm cho người khác chịu nhiều đau khổ hoặc điêu linh, nhất là khi "bản ngã" của mình có nhiều quyền lực, nắm sự "sanh sát" trong tay!
Bản Ngã!
Ông thấy cái Ta quả thật cao
Đủ quyền, đủ lực, cứ gom vào
Tiền nong, của cải đầy âm ấp
Mọi thứ, bạc vàng nhiều hơn sao!
Ông sướng trên đầu của vạn dân
Ông đâu có thấy cái dân cần
Ông đâu có biết cho dân sướng
Chỉ thấy là "Ta": Chủ vạn dân!
(Đồ Ngông, 19/12/2014).
Quả thật trong lịch sử làm người dân, người dân không bao giờ được chống đối lại những cách làm của một chính phủ nào cả, dù chính phủ đó là của một đất nước độc lập hay là một chính phủ tay sai cho một thế lực nào đó. Người dân luôn chỉ là một thành phần phải thừa hành, tuân lệnh, đóng góp tiền của để làm giàu cho hệ thống cầm quyền, thi hành những nhiệm vụ để củng cố quyền lực, bảo vệ cho chế độ đang thống trị; và người dân phải biết phớt lờ đến những người thừa hành đã có các hành vi "tham nhũng”, cướp của công do mình đã đóng góp; nếu không sẽ có nhiều ‘rắc rối" vì mình không có quyền lực gì cả!
Cho nên "Cho dân và vì dân” hay “Người dân…" là gì đi nữa, thì đó cũng chỉ là những khẩu hiệu luôn được nêu lên chỉ là để cho vui mà thôi! Bỡi vì thân phận của người dân muôn đời vẫn là "Nô lệ" cho những chế độ cầm quyền, dù chính quyền đó là độc lập hoặc tay sai!
Đồ Ngông,
19/12/2014.
No comments:
Post a Comment