*Tào lao Thế Sự 2. (tt)
Đồ Ngông tôi không nhớ rõ lắm cái thuở đầu tiên mà Đồ Ngông tôi đã nghe được câu tục ngữ nầy vào lúc nào, nhưng chắc chắn Đồ Ngông tôi không thể quên thằng bạn có khiếu về văn chương nó đã từng đem câu nầy nói với bạn bè; nói xong, nó lại cười lên hô hố trên con đường đạp xe đạp đi đến trường. Vài hôm sau không biết nó tìm đâu ra chỉ một phần của quyển sách tục ngữ ca dao của ông Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã rách trình bày cho bạn bè xem, nó lại còn khoái tỉ cái câu: "Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình – Ba Bộ đồng tình bóp vú con tôi". Nói ngay, thuở ấy chúng tôi là những thằng con nít mới lớn nên cũng tò mò, mà nghe nói đến những cái hồi nhỏ coi như là bị cấm kỵ thì bấy giờ cũng thích chí lây. Từ ấy ca dao, tục ngữ là những danh từ mà thường được Đồ Ngông tôi lưu ý tới. Về sau, tôi cũng tìm hiểu, mua quyển tục ngữ ca dao để xem coi trong đó nói đến những gì. Chỉ rất tiếc là Đồ Ngông tôi có trí nhớ thật là tồi tệ: Đọc thì nhiều nhưng nhớ lại chẳng được bao nhiêu! Đã thế mà lại còn mau quên, thật là khổ thân tôi! Mà thiên nhiên cũng khá ngộ nghĩnh thật: Những ai đọc qua mà họ nhớ liền thì họ lại lâu quên, còn như Đồ Ngông tôi học bài thơ (học thuộc lòng) chỉ chưa tới mười dòng thì phải học đến có khi hai mươi lần mới thuộc, thế mà chỉ thời gian ngắn sau lại quên từng đoạn; nếu đọc lại thì chẳng trọn vẹn được một bài!
Đọc đến quyển "Tục Ngữ, Phong Dao" của ông Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Đồ Ngông tôi mới thấy công trình sưu tập thật là công phu. Gom góp những câu tục ngữ và ca dao trong dân gian mà chỉ có một mình thì biết đến bao giờ, thế mà ông đã làm được điều ấy, quả là đáng kính nễ. Sau đó nhiều năm, Đồ Ngông tôi lại nghĩ "ngông": Tại sao Bộ Giáo Dục không chủ trương thu thập mọi câu tục ngữ ca dao trong dân gian qua hình thức của trường học nhỉ? Học trò gom góp, ghi lại tất cả những câu tục ngữ ca dao trong dân gian ở địa phương mình đưa về cho thầy dạy giảng văn, thầy dạy giảng văn đúc kết, sắp lại đưa về cho một đơn vị nào đó của tỉnh, tỉnh tổng hợp đưa về Bộ, Bộ chỉ theo đó mà sắp xếp đúc kết thành một quyển tục ngữ, ca dao của toàn quốc gia. Tất nhiên những câu mà dân chúng “đặt vè, ca dao" chửi chế độ hay các quan chức thì đã không có mặt ở đó rồi. Nhưng như vậy vẫn còn được việc dù không là đầy đủ lắm, chứ một mình như ông Ôn Như đã làm thì cần thời gian quá dài và mất nhiều công phu!
Ôi chui cha! Sao mà Đồ Ngông tôi lại lắm chuyện thế kia. Chắc gần xuống lỗ rồi nên dài dòng nhiều chuyện. Thôi thì trở lại vấn đề “cướp" vậy! Chắc ai nghe nói đến cướp thì chẳng ham rồi! Cướp là sự việc xảy ra trong xã hội, tuy là hơi hiếm nhưng nó cũng biểu hiện một khía cạnh cuộc sống của con người. Sau khi tìm hiểu vào một vài tôn giáo, Đồ Ngông tôi thấy ông Phật mới giải thích là có lý hơn cả, vừa hợp tình, hợp lý mà nói ngon hơn, theo kiểu mấy nhà triết học "gật gù", là hợp "lôgic" không phản khoa học chút nào!
Nguyên nhân của cướp thì chính yếu vẫn là "tham", "tham và muốn" (ái-dục) cái mà mình không có, mà người khác có thì mình sẽ nảy sinh "muốn có" tất nhiên nó sẽ đưa đến "lấy lén" bằng hình thức "ăn cắp, móc túi, ăn trộm, lừa đảo" hoặc lừa lúc người ta sơ hở thì "giựt đồ, lấy chạy", mạnh bạo hơn thì dùng đến sức mạnh, vũ lực, vũ khí để bức bách người khác mà lấy đó là “cướp". Tình trạng tệ hại nhất là giết người để lấy của gọi là “cướp của giết người". Tùy theo từng giai đoạn của xã hội mà tệ nạn nầy nhiều hay it, và cướp ban đầu là chiếm hữu của người khác, sau đến là lấy của để bán có tiền mà tiêu xài! Những thời kỳ hay chế độ làm cho dân chúng trở nên nghèo đói, hoặc những lúc kinh tế hay thiên tai phá hoại mùa màng, khiến người ta muốn bảo tồn mạng sống nên họ đành phải liều lĩnh làm đủ mọi cách để được sống, đó là cái cảnh "Bần cùng sanh đạo tặc” đối nghịch với "Giàu có sanh lễ nghĩa". Còn đối với một tình trạng xã hội hay một phương thức cai trị làm mọi người dân đều khốn cùng tất xã hội sanh đại loạn vì nạn trộm cắp, cướp của giết người hoặc tạo cho người dân trở nên lì lợm chai đá, không sợ bất cứ một hình phạt nào và chuyện gì cũng dám làm, nên cái xã hội ấy "vô cảm" cũng không có gì gọi là lạ cả! Cho nên chuyện "hôi của" là một chuyện bình thường, họ chỉ chờ có một cơ hội nào đó là người ta ra tay để giựt lấy của người khác giữa ban ngày mà không phải ngại ngần, thẹn thùng hay thương xót kẻ đã đau khổ vì gặp chuyện không may! Những người gìn giữ an ninh đôi lúc cũng phải sợ đến những con người như vậy thì nói chi đến dân quèn, chỉ có tay không! Người ta tưởng lầm là chỉ nghèo đói trong vài năm sẽ không ảnh hưởng đến tâm tính con người, chứ không thể ngờ rằng trong vài năm đó đã đào tạo được hàng khối con người biết sống theo cảnh đầu trộm đuôi cướp, lường lận gian xảo thì vài chục năm sau vẫn chưa xóa được những nét bẩn thỉu đó vì tờ giấy trinh nguyên lúc ban đầu đã xếp thành nét tự lâu rồi, khó mà sửa đổi ở một sớm một chiều! Vả lại, ăn quen, rồi nhịn cũng khó quen!
Ngày xưa khi Đồ Ngông tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng có nghe nói đến trộm cướp. Trộm khoét vách, đào tường để vào nhà lấy đồ của người ta, cướp phá cửa tấn công tra khảo khổ chủ để cướp tiền, vàng bạc, khi thì dùng dao mác, khi thi dùng đinh dài đòi đóng vào lỗ tai chủ nhà để chủ nhà phải giao tiền của. Đôi khi lại nghe đến "ăn cướp của nhà giàu, chia cho nhà nghèo" như chuyện "anh hùng hảo hán" của Lương Sơn Bạc trong truyện Tàu. Không biết có chia cho nhà nghèo hay không chứ đám ăn cướp vẫn là phè phỡn, thoải mái ăn xài. Đó là những loại ăn cướp "tội phạm", họ đã vi phạm vào pháp luật. Họ là những loại cướp lén lút, thường hoạt động ở nơi vắng người hơn hay vào ban đêm, cho nên “Cướp đêm là giặc"! Còn có loại ăn cướp công khai, ngay cả ban ngày ban mặt, lại vừa hợp pháp mà lại có quyền hành nữa: "Ấy là quan - Cướp ngày là quan"!
Quan cướp có rất nhiều hình thức và thật là tinh vi vì quan có ăn có học, lại đứng trên địa vị cai trị thiên hạ nên điều quan muốn nhất là "muốn tiền" và "của" thì những người cần đến quan phải thỏa mãn cho quan, nếu không thì sẽ gặp nhiều trở ngại trong công việc của mình vì quan là người thừa hành trong công việc ấy, quan là người có "thẩm quyền" mà! Đối với những quan nhỏ thì: "Ông chủ cho đàn em nhậu một bữa đi!" hay "bao tụi em một chầu cà phê được không?". Thế là ông chủ phải vui lòng, nếu không thì ông chủ nầy không biết điệu, tất có những lúc ông chủ sẽ gặp nhiều khó khăn về sau trong công việc làm ăn hoặc về giấy tờ. Còn người dân phải biết "đút túi" các quan, dù quan ấy ở ngành nào, thì quan vui vẻ giải quyết nhanh nhẹn hay quan dành cho sự ưu tiên. Người dân cũng phải đút tiền vào giấy tờ để qua cửa ải mà không gặp làm khó dễ, hoặc mở tanh banh hàng hóa vì không biết điều! Người phạm luật cũng biết "lo lót" một phần nào đó để khỏi phải đóng tiền phạt nặng hơn. Và với tiền bạc, của cải con buôn từng đánh bại những quan chức khó tánh nhứt, bắt những quan chức có thẩm quyền ấy phải phục tùng họ và thực hiện những điều mà các con buôn ấy mong muốn. Đôi khi vô tình những ông quan ấy trở thành những kẻ "bán nước" không thương không tiếc! Để được đến vị trí "kiếm tiền nhiều” người ta phải chạy chọt "mua quan" và kẻ "cấp trên" là những người bán chức bằng những số tiền "thương lượng" không nhỏ; những món quà "hiến tặng" không phải là "như không", mà đàng sau đó là một phải cung cấp một món lợi nào đó gấp không biết bao nhiêu lần "con tép" đã được những con buôn bỏ ra. Đồ Ngông tôi nhớ lại đọc trong truyện "Đông châu Liệt Quốc" thì phải, Lã Bất Vi về hỏi cha: "Buôn vua bán chúa lợi được mấy?", ông cha trả lời: "Làm nông lợi được mười, đi buôn lợi gắp trăm, buôn vua bán chúa lợi không biết bao nhiêu mà kể!", thế là Lã Bất Vi liền đem thứ thiếp của mình đang mang thai mà gã cho người, sau nầy đứa con ấy chính là Tần Thỉ Hoàng vậy!
Các quan không chỉ "kiếm tiền" trên cương vị của mình, ngoài tiền lương bỗng do người dân đóng thuế để trả, nuôi sống gia đình họ; mà họ còn tìm cách "làm chuyện nầy chuyện kia" nói là để tạo cho đất nước, phục vụ cho dân chúng nhưng bên cạnh đó quan còn thừa cơ moi rút tiền của để làm của riêng, làm cho ngân sách từ tiền đóng thuế của người dân bị hao mòn mà đất nước càng ngày càng bị tan hoang, làm cho đời sống của người dân càng trở nên điêu đứng. Họ "ăn" nhiều như vậy, mà họ vẫn chưa vừa lòng, họ lại càng tung tiền để mua chức cao, "ngon hơn" hoặc "mua bằng" (kể cả bằng "tiến sĩ giả") để được thăng chức tha hồ mà ăn! Tại sao vậy? Tại vì "chức quan ấy không mấy người đủ tiêu chuẩn để thay thế", nên họ tha hồ hoành hành, đạo đức suy đồi thì cũng chẳng có gì là lạ! Chỉ có người dân là phải "è cổ" ra mà đóng thuế trả lương nuôi cả gia đình họ, gom tiền cho họ để họ tham nhũng, mà còn phải chạy tiền đút lót ngoài tiền chợ, tiền nhà, tiền hóa đơn, ơn nghĩa cho mọi thứ đám lại còn phải quà biếu cho từng cơ hội...và nhiều thứ tiền nữa. Ôi! rồi người dân làm sao sống nỗi đây Trời! Đúng như người xưa đã nói, quả thật “Cướp ngày là quan"!
Đồ Ngông,
07/01/2015.
No comments:
Post a Comment