Saturday, March 14, 2015

*Đi Vào Sự Tìm Hiểu Con Người!


*Tào lao Thế Sự 2. (tt)


Đồ Ngông tôi đặt tựa cho bài như thế nầy thì có vẻ là hơi quá đáng, không xứng tầm với khả năng của Đồ Ngông tôi! Nhưng như vậy nó sẽ làm cho chúng ta chú ý hơn khi đi tìm hiểu, và từ đó chúng ta mới có thể suy luận ra được nhiều vấn đề khác liên quan đến đời sống của con người, và chúng ta cũng sẽ không ngạc nhiên khi thấy những hiện tượng mà con người đã hành động cũng như là tạo tác, làm ra chẳng có nhiều nét “thiện” chút nào!
Có thể nói phần lớn những bài mà Đồ Ngông tôi viết được rút ra từ những quan sát, nhận xét trong cuộc sống thực tế, và phát họa khái quát những nét sinh hoạt mà con người đã, đang và sẽ sống thể hiện trong xã hội đầy bon chen, tranh đấu, giành giựt vì sự sống của thế giới vật chất nầy qua sự phân tích trên căn bản của Tâm Lý Học Phật giáo hay là Duy Thức Học vậy!
Người ta thường cho rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo theo cái nghĩa của Tây Phương: (The belief in a god or gods and the activities connected with this), tất nhiên điều đó cũng đúng vì trong Phật giáo không có bóng dáng Thần Linh Tối Cao hay Đấng Sáng Thế nào cả. Nhưng, người ta có thể tìm thấy trong Phật giáo một triết lý thực tiễn, một con đường giáo dục, một cách thức thực hiện để tìm đến một kết quả cao cả cho chính mình cùng tha nhân, tìm đến một Chân Lý thích hợp với khoa học và lý luận mà con người không phải vướng mắc đến “siêu hình” để từ đó người hành giả tiến đến hiểu được mọi chuyển biến, thành tựu trong vũ trụ qua “Lậu Tận Thông” và trở về với Đại Thể là Cõi Phật Thanh Tịnh thoát khỏi Vòng Luân Hồi đầy trầm luân, đau khổ nầy! Đạo Phật là “một con đường”, “một phương cách hành trì” để đi đến mục đích “thoát khỏi đau khổ” mà Đức Phật chỉ là một con người “Chỉ đường, chỉ cách” mà thôi!
Theo quan niệm trên Đạo Phật không là một tôn giáo, nhưng cách thức hành trì để thoát ra khỏi tam thế ô trược nầy, cũng như tìm về cõi an vui thanh tịnh, thường hằng có thể hiểu được toàn chân lý vũ trụ thì Đạo Phật lại làm một nhiệm vụ cao cả hơn là của những tôn giáo đã được vẽ vời bằng những mơ tưởng đâu đâu của những thần thoại thoát thai từ những ảo tưởng do con người tưởng tượng mà nên.
Ngày xưa, Đồ Ngông tôi đã từng học Cách trí hay Khoa học thường thức thì con người gồm có năm giác quan: Thị giác là mắt, cách cấu tạo, công dụng và cách bảo vệ, an toàn, vệ sinh cho mắt. Rồi đến thính giác (Tai); Khứu giác (Mũi); Vị giác (Lưỡi); và Xúc giác (da, thân thể). Đến năm cuối bậc trung học thì lại đi vào Triết học để rồi lại học về Tâm Lý, Đạo Đức và Luận Lý như những bài nhập môn vào môn triết học để mình hiểu được tình cảm, lý trí, ý chí, cảm xúc.. qua các giác quan và não bộ hay là ý thức. Để rồi đến lúc tương đối gọi là già lại được tiếp xúc vào cái gọi là Duy Thức học hay còn gọi là Tâm Lý học Phật Giáo để có thể hiệu được chút ít về bản chất của con người
Trong bài nầy Đồ Ngông tôi muốn mời Quý vị về với một phần Duy Thức qua cái hiểu đơn giản của Đồ Ngông tôi để tìm hiểu về phần nào cái phức tạp trong cái ý muốn, hành động…đầy chuyển biến của con người!
Duy Thức cũng đề cập đến năm giác quan con người như khoa học thường thức, nhưng lại nhấn mạnh đến cái “Thức” tức là “những nhận thức” (hay là Thấy, Nghe, Hay, Biết) mà giác quan ấy đã đem đến, cộng với phần Não bộ tạo thành sáu cái: Lục Căn {Mắt (Nhãn Căn), Tai (Nhĩ Căn), Mũi (Tỉ Căn), Lưỡi (Thiệt Căn), thân, xúc giác (Thân Căn), ý, cái biết của não bộ (Ý Căn)}.
Lục căn nầy là những phần, bộ phận để con người tiếp xúc với ngoại cảnh bên ngoài (gọi là Trần). Lục trần đó là:
-Mắt (nhãn căn) để nhìn được màu sắc, hình dáng (sắc trần).
-Tai (nhĩ căn) để nghe âm thanh, tiếng động (thanh trần).
-Mũi (tỹ căn) để ngữi các mùi (hương trần).
-Lưỡi (thiệt căn) để nếm được các mùi (vị trần).
-Thân (thân căn) để sờ mó, đụng chạm mọi vật (xúc trần).
- Ý (ý căn) là những suy nghĩ về mọi vật, hiện tượng hữu hình lẫn trừu tượng (pháp trần).
Từ Lục căn của cơ thể để nhìn ra, nắm bắt được ngoại cảnh của Lục trần mà mới nhận định, xác định được màu sắc (đẹp xấu, vàng đỏ...) hình dáng (tròn, vuông…) (Nhãn thức); âm thanh du dương, êm dịu hay chói tai…(Nhĩ thức); mùi vị thơm tho, hấp dẫn hay thối…(Tỹ thức); mùi vị nếm qua lưỡi là ngọt, cay, đắng chát…(Thiệt thức); sờ mó, đụng chạm qua thân xác mới biết nhám, trơn, mềm mại thô cứng, ấm hay lạnh…(Thân thức). Như vậy qua Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân người ta mới quan sát, nhận định, phân biệt, biết được ngoại cảnh qua các thức liên hệ, năm thức đó đi truớc để nhận định gọi là “Tiền Ngũ Thức” và rồi não bộ mới tổng hợp để có những Ý thức tổng quát mà người ta hiểu, biết về các vật, sự vật bên ngoài với mọi tính chất của chúng. Trong truyện “Tây du Ký” Sa-Tăng đại diện cho Tiền Ngũ Thức; Tôn-Ngộ-Không tiêu biểu cho Ý Thức.
Qua quá trình tìm hiểu, có lẽ Đồ Ngông tôi thích nhất là phần giảng của Hòa Thượng Thích Tâm Thanh vì Hòa Thượng có giải thích phân biệt đến phần Triết học trong dân gian và Duy Thức. Hòa Thượng có phân tích rằng: Trong Triết học chỉ có đề cập chỉ đến thức Thứ Sáu tức là Ý Thức của con người mà thôi! Với những nhận thức về thế giới bên ngoài của mắt (Nhãn thức), của Tai (Nhĩ Thức), của mũi (Tỷ Thức), của lưỡi (Thiệt thức), của xúc giác (Thân Thức) và cái suy nghĩ, nhận thức của con người (Ý Thức) để làm nên tri thức lưu lại mà Triết học ghi nhận chỉ có ngần ấy thôi. Nhưng trong Duy Thức Học của Phật giáo còn có hai thức khác rất quan trọng: Ấy là Mạt-Na-Thức và A-lại-Da-Thức. Mạt-Na-Thức người ta cũng coi đó là Căn gốc của Ý thức, nhưng ý thức đây không là ý thức để nhận định của tổng quát, mà là “ý thức cho bản thân của chính cá nhân ấy” (ý thức cho cái Ngã, cái Ta): Cái gì ngon người ta muốn giành lấy về cho mình, cái gì đẹp người ta muốn chiếm hữu, cái gì sướng người ta muốn được; đồng thời những gì cực khổ, xấu xí, dở… lại muốn đừa cho người (như Trư Bát Giới trong Tây Du Ký), và cũng trong phần nầy con người mới thấy mình cần lãnh đạo hay thống trị người khác, hoặc là đất nước “chúng ta”, dân tộc của “chúng tôi” phải là “bá chủ” để lãnh đạo thế giới! Mạt-Na-Thức còn được gọi là Thức Thứ Bảy vì trong 8 thức nó nằm ở vị trí “số thứ bảy”. Còn thức thứ 8, người ta gọi là A-lại-Da-Thức hay theo tiếng Hán Việt gọi là Tàng Thức có nghĩa “chỉ là nơi để chứa” (giống như “Túi chứa”) những nhân Thiện hay Ác hoặc không thiện không ác (Vô ký) mà con người đã tạo tác, đã gieo trong cuộc sống (Đường Tam Tạng trong truyện Tây Du)…để rồi tùy theo từng thời gian nào đó, một số những hạt giống ấy sẽ nẫy mầm và sự nẫy mầm đó quyết định cá nhân ấy sẽ đi vào vị trí nào (Lục đạo: Thiên, Nhân, A-tu-la, Ngạ quỹ, Súc sinh và Địa ngục) trong sự luân chuyển của Vòng Luân Hồi theo định luật Nhân Quả.
Với hai Thức sau (Mạt-Na-Thức và A-Lại-Da-Thức) mới giải thích được sự kéo dài mãi mãi của cõi đời nầy do nơi các “Nghiệp” mà chúng sinh đã tạo nên trong đời sống, và sự đầu thai cho kiếp sau để trả nghiệp; chứ nếu được sinh ra chỉ một kiếp rồi khi chết được lên Thiên đàng hay vào Địa ngục mà không tái sinh thì thế giới nầy sẽ không còn ai tiếp nối để tương tục cho đến bây giờ!
Tám Thức chính ấy là khởi nguồn cho các sự kiện, hành động liên quan đến sau nầy, được người ta gọi bằng danh từ chuyên môn hơn gọi là tám thức “Tâm Vương”.
(còn tiếp)

Đồ Ngông,
15/03/2015.



No comments:

Post a Comment