Sunday, March 29, 2015

*Trời Đã Vào Thu!


Trời đã vào Thu rồi đó em
Phương xa, xứ lạ lòng nhũn mềm
Ngồi ôn kỷ niệm, nhiều nhung nhớ
Mây trời bảng lảng, thoáng êm êm!

Trời bây giờ ở xứ nầy đã vào Thu, mùa Thu hiện dần lên những chiếc lá của từng hàng cây ở bên đường. Những cơn gió thoảng nhè nhẹ, se se lạnh len lén hôn lên đôi má nghe nhồn nhột mà cái cảm giác lạnh đột ngột đó khiến cho mình hơi rùng mình để nhớ lại là Thu đang đến, rồi nhìn lên bầu trời để thấy có khá nhiều mây mà trong những ngày Hè nóng cháy khó thấy chúng xuất hiện nhiều đến như vậy!
Thu mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm của thời thơ ấu, cái thuở còn đi học trên đường làng hay qua những làng mạc, đồng quê với bao nhiêu bạn bè trong cái hương lành lạnh của gió nhè nhẹ; có sương mù trăng trắng, bay bay làm cho cảnh vật mờ mờ, khi ẩn khi hiện. Những bông lúa vươn lên, hé miệng vỏ ra, nhụy phấn tỏa theo với từng cơn gió lung lay vào thời kỳ bông thụ phấn để kết hạt mà người ta gọi là nó “ngậm sương”! Cánh đồng từng ôm ấp những tiếng la, tiếng cười, tiếng ồn ào của những thằng bé dọc theo đường đi học với những chiếc xe đạp cọc cạch, bệnh hoạn không biết sẽ bị dẫn đi bộ vào lúc nào. Hoặc vào những năm sau, từng tốp học trò kéo nhau lũ lượt đi qua sân bay mênh mông không còn sử dụng từ lâu lắm rồi với những cuộc chuyện trò lớn tiếng, gọi nhau ơi ới vào sáng sớm, trưa hoặc vào những chiều tan học về. Mặc dù tôi ở cái xứ chỉ có hai mùa mưa nắng của Miền Đông Nam Bộ, nhưng hơi hướng mùa Thu vẫn hiện diện ở trên bầu trời, trong không gian bao la, trong cái không khí lành lạnh của những ngày cuối mùa mưa và cũng để đánh dấu cho ngày tựu trường, bắt đầu một năm học mới!
Thu còn gợi cho tôi đến những ngày đầu của một cuộc sống tha hương trên quê người đất khách. Tôi đặt chân trên xứ người vào những ngày đầu Thu, của một buổi sáng mưa bay bay đủ ướt đường phố. Chiếc xe buýt chở trên ba mươi người từ phi trường đi trên con đường xa lạ vắng người về trại tiếp cư để bắt đầu cho một cuộc định cư lâu dài cho bản thân mình và những thế hệ về sau. Tôi nghĩ lại mà hơi buồn buồn lẫn với sự tức cười của một tình thế: Tại sao bao nhiêu người đã sống trong thời gian chiến tranh ác liệt mà không bỏ nước để ra đi, nhưng lại đến khi hòa bình đến để phải buộc lòng bỏ quê hương mà sống lưu vong trên xứ người? Tôi không hiểu nhiều người khác và nhất là những người có trách nhiệm có hiểu được nguyên nhân sâu xa nào đó không, hay chỉ đơn giản là “Tại họ muốn đi”?
Mùa thu ấy, tôi nghe lạnh vì lần đầu tiên cơ thể tôi tiếp xúc với khí hậu mùa thu của vùng Ôn đới, đi làm những thủ tục giấy tờ mình cũng phải vội vàng chạy trốn lạnh với cái khí hậu ngoài trời. Rồi cũng phải dành thời gian đến hội từ thiện để xin quần áo cũ mà mặc cho đủ ấm trong những thời gian đầu. Mùa thu cứ đi tới, cái lạnh càng tăng dần, gió cũng thêm tốc độ và những cơn mưa cũng thêm nhiều hạt. Đất lạnh khiến rễ cây ngưng phát triển, hấp thụ; lá cây trở nên vàng. Tùy theo loại mà sắc lá trở màu khác nhau tạo nên một khung cảnh nhiều màu sắc đan xen xem thật là đẹp mắt cộng với khí trời, gió thổi tạo nên một mùa Thu khác biệt, riêng tây dễ làm xúc động lòng người. Thế cho nên mùa Thu được các nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ đồng điệu theo cũng không có gì là lạ! Rồi người ta lại càng thi vị hơn với khung cảnh âm u của bầu trời đầy mây, không khí ẩm ướt, lành lạnh, gió từng cơn thổi bay những lá vàng lả tả cuốn theo chiều gió bằng một tình cảnh chia ly để rồi gán ghép tội cho mùa Thu là “mùa chia ly” như chiếc lá phải rời cành!
Mùa Thu thứ 31 của tôi đã đến khiến tôi nhớ đến những mùa Thu hay mùa Đông ở quê mình (cái quê miền Đông Nam Bộ), thì ra bầu trời ở quê tôi vẫn có mùa Thu lẫn mùa Đông nhưng nó không được kéo dài. Những ngày Tựu Trường ở trường học cũng thật là vào đầu Thu sau ba tháng Hè nóng nực. Bầu trời, không khí không gian chẳng khác mùa Thu của vùng Ôn đới là mấy, nhưng có khác đi là mùa Thu quê tôi là “hậu” của mùa mưa, tôi còn nhớ vào tháng 7 (thường tháng sáu âm lịch) trời ít mưa để nhà nông sửa soạn tỉa đậu (đậu phọng, đậu xanh) và sang tháng 8 (thường tháng 7 âm lịch) có mưa lai rai, bay bay mà người ta thường nói là “tháng bảy mưa ngâu” để rồi khoảng cuối tháng cùng qua tháng 9 (tháng 8 âl) mưa bắt đầu nhiều cho những tháng mưa bão kéo đến giữa tháng 10 (tháng 9 âl) thì bớt mưa dần và có nhiều sương để lúa làm hạt và thu hoạch vào khoảng thời gian lễ Giáng Sinh. Còn mùa Thu vùng Ôn đới là do khí lạnh từ vùng cực tràn về, ảnh hưởng mạnh khiến nhiệt độ giảm xuống, hơi nước trong từng phân khối không khí dư ra tạo thành mây và không gian trở lạnh, với những luồng gió lạnh nhè nhẹ lúc đầu rồi tăng dần cường độ, song song vào đó những đám mây trên mặt đất cũng được thành hình vì hơi nước gặp lạnh đột ngột mà người ta gọi đó là sương mù. Ôi sương mù đó đây: Trong thung lũng, bên rừng cây, trong cánh đồng, bên triền núi…tạo nên những cảnh vật thật là nên thơ, làm nền tảng cho những bức tranh thủy mặc hoặc những nhà nhiếp ảnh phải săn hình…Tôi không nhớ được những cây bàng lá trở màu đỏ và rơi rụng để thay lá mới vào khoảng nào, nếu chúng đổi sắc màu vào thời điểm nầy tức là quê tôi cũng có được mùa Thu, nhưng nó chỉ là phớt qua. Cũng như tôi đã chiêm nghiệm được hương vị mùa Đông vào trước và sau lễ Giáng Sinh. Gần hai tuần để mùa Đông đến và đi, có những năm chúng tôi ngồi nhìn những sợi mưa lạnh lẽo trong sự co ro với áo không đủ ấm. Mùa Đông cũng vội qua mau!
Quả thật mùa Thu đối với tôi có thật nhiều kỷ niệm, nhưng không kỷ niệm nào bằng kỷ niệm của mối tình mà không bao giờ nói được thành lời trong lứa tuổi “biết yêu” của những thuở đầu đời!

Nguyên Thảo,
29/03/2015.

No comments:

Post a Comment