Sunday, April 5, 2015
*Người Ta Không Dám Nhìn Vào Sự Thật!
*Tào Lao Thế Sự 2. (tt)
Làm con người, người ta lắm lúc không dám nhìn vào sự thật để nhận ra những sai lầm mà mình, nhóm hay cả đảng phái của mình đã làm. Người ta thường cứ nghĩ (hay là cho) những hành động cũng như chủ trương của phe phái mình là đúng đắn, là đang thực hiện một con đường, một phương cách tốt nhất đem đến cho mọi người. Điều “tự kỷ ám thị” đó đã khiến cho không biết bao nhiêu là tai họa cho những con người xấu số nằm dưới sự thực hiện chủ trương của họ, bởi vì họ không thiệt hại bao nhiêu so với sự thiệt hại của không biết là bao nhiêu người; giống như những con người tham nhũng: Họ chỉ biết tìm những kế hoạch, những phương cách, những công trình cần xây cất, bày ra cách nầy cách khác để rồi tìm cách xin, gây ngân quỹ…Nhân đó họ thừa cơ cắt xén tiền bạc để cung ứng vào việc tiêu xài cho cá nhân, gia đình, hoặc tích trữ làm tài sản riêng…mà số nợ nần từ ngân sách chi phí cho những thứ đó để cho người khác hoặc thế hệ đời sau phải trả. Thế mà họ vẫn luôn miệng cho rằng mình đã làm những điều đúng đôi khi họ tìm ra những lý do để ngụy biện cho những hành động sai trái, ăn cướp của công hay của mọi người để họ còn giữ được ngôi vị lâu hơn mà tha hồ “ăn cắp”! Trong lịch sử nhiều chính trị gia cũng như những triết gia đã nêu lên những hành động đó đối với những nhà lãnh đạo trong tư cách là những con người muốn đem tài trí mà ra giúp đất nước, dân chúng làm cho “nước giàu dân mạnh”(!), trổ tài “kinh bang tế thế” bằng “Chí công vô tư” thế mà họ lại “vô tư để lấy của công” bằng “dĩ công vi tư”. Ôi! Thật là “sĩ khí” của những con người “kẻ sĩ” thời nay! Thời đại vật chất lên ngôi đã đánh bại được những lực lượng hùng hậu và kiên cường nhất cũng như anh hùng phải bại trận trước các “mặt trận của mỹ nhân”! Do đó “Tài” và “Đức” luôn được đề cập đến cho những con người muốn vươn lên ngôi “lãnh đạo”, nhưng lý thuyết bao giờ cũng khác xa nhiều với thực tế. Cho nên người dân phải luôn chịu mọi tai hại từ giới lãnh đạo dù cố tình hay vô tình đã gây ra!
Những con người nắm quyền lực thường không từ bỏ những biện pháp mạnh bạo để trấn áp những bất đồng, để dẹp đi những chướng ngại, cản trở con đường thực hiện của những chủ trương, đường lối theo cảnh “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, nhưng đôi lúc nó cũng được lợi dụng để trấn áp, dằn mặt những ai cản trở việc làm của họ; đôi khi những người thừa hành làm mà không biết đến cái ý thâm sâu của người lãnh đạo! Đó là cái kiểu lạm dụng quyền thế vào những chuyện riêng tư, để bảo vệ những âm mưu mờ ám của chính mình; những hành động như thế luôn đầy dẫy đối với những kẻ có quyền hành mà người ta không thể nào ngờ đến được!
Từ những thời vua chúa cho đến những thời đại gọi là dân chủ, người ta bao giờ cũng giương cao ngọn cờ “người dân” để làm chiêu bài cho đường lối, phương thức hành động từ những người lãnh đạo. Tuy nhiên trên thực tế người dân chỉ là những công cụ, chỉ là phương tiện để người lãnh đạo thực hiện theo cung cách cá nhân hoặc phe nhóm, bè đảng của họ: Họ được sung sướng, ăn trên ngồi trước, được tha hồ bốc lột người dân một cách hợp pháp, lại được bắt buộc người dân phải tâng bốc, sùng kính họ như những người lãnh đạo tài ba trong khi người dân phải “nai lưng” làm cật lực để đóng góp tiền của cho họ hưởng lương hậu hỉ, ăn sung mặc sướng, được thâm lạm công quỹ, được tham nhũng, được đàn áp người dân chứ không phải để họ có đủ phương tiện để giúp lại cho người dân. Thật là một sự oái oăm và nghịch lý vô cùng trong tất cả mọi thời đại!
Chắc có lẽ vì vậy mà trong khi Khổng Tử cố san định lại mọi kinh sách để ổn định lại xã hội, tái lập một tôn ti trật tự, đề cao những nhà lãnh đạo trong thời Xuân Thu Chiến Quốc; thì Lão Tử đã thấy được những nghịch lý của hai tầng lớp dân chúng và người lãnh đạo cho nên Lão Tử không tạo thành sự bất công thêm nữa, mà lại bỏ cuộc đời để trở về sống với tự nhiên, mặc cho thế sự trong cuộc đời cứ trôi; mà Đức Phật sau khi ngộ đạo giải thích đó là do lòng Tham, ham lấy những cái tốt, sung sướng, giàu có…nhất về cho “Mình” (cái Ta). Mọi điều cũng do từ cái “Ngã” (Mạt-Na-Thức) mà nên, sự kiện nầy sẽ là cái nguyên nhân cho cái xảy ra kế tiếp, cái kế tiếp sẽ là nguyên nhân của cái xảy ra sau nữa…Một chuỗi sự kiện tiếp nối vô cùng tận để tạo nên “Trùng trùng duyên khởi” của “Luật Nhân Quả”. Thế thì, bao nhiêu người lãnh đạo sẽ nghĩ được một số điều nào đó của các vấn đề như thế nầy? Chắc có lẽ thật là hiếm hoi và quả thật là hiếm hoi trên cõi đời đầy nhiễu nhương của cái thế giới nầy!
Đồ Ngông,
05/04/2015.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment