Wednesday, April 22, 2015
*Tôi Phải Xa, Xa Chốn Nầy!
*Tào Lao Thế Sự 2. (tt)
Thế là sau một trận đụng độ ác liệt, chúng tôi yếu thế hơn đành phải đầu hàng, chịu thua; để rồi bây giờ ngồi đây mà nghe hành tội. Phe của thôn bên kia nó đã thắng, nó là những kẻ thắng trận, còn tôi ngồi ủ rủ mà nghĩ lại phận mình:
Tôi sinh ra đời, lớn lên vốn có nhiều cái không được may mắn, lại đúng cái thời mà sự xung đột của hai thôn càng ngày càng dày thêm ra. Người hai thôn cứ gặp nhau như là “trâu trắng trâu đen”, nguýt hái có khi nhiều người lại “kênh”, ghìm thù nhau. Dần dà mối căm ghét càng phát triển và chửi lộn, đánh lộn thường xuyên. Rồi những thằng con nít mới lớn như chúng tôi cũng bắt đầu bị bắt buộc phải tham gia vào như những người tập sự. Đàn ông con trai thì xung vào lực lượng phòng thủ, tiến đánh, tập tành giống như những con gà giò mướt lông, giọng gáy chưa tròn trịa cũng phải giương cựa ra mà đá. Người ta chuẩn bị cho chúng tôi từng bước: Từ hàng giờ ngồi nghe nói về mối thù hằn, nghe về cuộc chiến sẽ tới; và nhiệm vụ chúng tôi phải làm gì. Chúng tôi không được né tránh, chúng tôi phải làm nhiệm vụ dù nhiệm vụ đó ở phía trước hay là phía sau. Những người cầm đầu đã hướng cho chúng tôi một con đường mà chúng tôi không có quyền chọn lựa. Chúng tôi được trét lên mình từng mảng bùn đất, màu sơn để chúng tôi được biến dạng không còn là mình nữa, rồi người ta lại đưa cho dáo mác gậy gộc đủ mọi thứ để có thể giết người. Người của thôn bên kia cũng vậy! Do vậy người của hai thôn bây giờ trở thành những sát thủ của nhau, hai bên đều nghi ngại và nếu mình không giết kẻ kia thì kẻ kia cũng sẽ giết mình. Không biết trước kia, vào cái thuở thanh bình khi mà người hai thôn chưa hiềm khích thì tình cảm của họ như thế nào, có thân thiết nhau như ruột thịt không? Và ai là người khởi sự để chúng tôi là những đứa trẻ lớn lên chẳng biết gì lại “bị” trang bị, đầu độc để trở thành những kẻ hung hăng, biết giết người mà lại giết những người mà ngày xưa đã nhiều lần thân thiết nhau (như người hai thôn lân cận). Mạng sống con người vô lý thật, được sinh ra, lớn lên để rồi người ta đưa vào hận thù, giết nhau không thương không tiếc, chẳng tình người chỉ trong nháy mắt. Biết bao nhiêu đứa trẻ, con người, thanh niên chẳng có tương lai, chẳng được hạnh phúc ngày nào, cuộc đời lớn lên nào có thấy được mùa xuân! Lại thêm những người đàn bà khốn khổ vừa nuôi chồng, lo cho con mà phải cáng đáng thêm công việc mà người đàn ông bỏ lại để thi hành sự chém giết lẫn nhau với thôn kia. Cuộc chiến làm cho người ta hung hăng tàn phá tất cả mọi nơi, còn người ngã xuống như rạ; bao nhiêu công sức xây dựng đã trở thành tan hoang. Nhà cửa, vườn tược hai thôn bỗng chốc chẳng còn được thứ gì nguyên vẹn, đời sống trở nên khốn cùng! Thế mà những người lãnh đạo vẫn chưa vừa lòng!
Bây giờ tôi là thằng “bại trận” ngồi đây mà nghe thằng người anh em ngày xưa phán xét, chửi rủa thậm tệ và đầy nỗi hận thù! Người ta phán rằng:
“- Một là đem những thằng nầy ra giết hết để thỏa lòng căm tức và trừ đi hậu hoạn,
“- Hai là làm cho nó bị èo uột khó nuôi để nó không còn khả năng nào chống đối,
Lại có ý kiến khác:
“Không được, giết hết thì được, nhưng rất là uổng; mà mình lai mang tiếng là tàn ác thì ngày sau ai mà dám theo. Nhiều khi người ta lại nghi ngại mình và ra sức phản kháng, chống đối thì mình lại gặp muôn vàn khó khăn; còn làm cho nó èo uột khó nuôi thì tạo thêm cho mình nhiều gánh nặng về sau. Hay là: Mình đem tụi nó đày ải vào những nơi cần khai phá, thâm sơn cùng cốc để nó làm cho mình, mình vừa khỏi tốn công; nó sẽ chết lần chết mòn ở những nơi ấy thì mình vừa khỏi mang tiếng là giết nó mà mình cũng có lợi. Còn con cháu nó mình “đì” không cho chúng vươn lên hay lãnh đạo, vì nếu không ngày sau chúng nó giỏi tạo được uy thế thì chúng nó lật lại mình, như vậy mình cố giành lấy thắng lợi để làm gì. Con cháu của mình dù có ngu dốt thì cũng nâng đỡ để lãnh đạo, cầm đầu con cháu tụi nó, nhất định không để con cháu nó vươn lên…”
Họ còn có nhiểu ý kiến lắm, nhưng khi nghe đến đây tôi lại nghĩ đến thân phận mình, thân phận con cháu của tôi về sau, nên tôi tự nhủ trong lòng: “Không xong rồi, số phận mình không may đã đành, bây giờ lại làm khổ cho đám con cháu về sau. Sao cuộc đời khổ ải thế này! Thôi thì tôi phải liều thôi ‘Một liều ba bảy cũng liều, cầm bằng con trẻ chơi diều đứt dây’. Chết thì ai cũng phải chết một lần, thà rằng mình chết mà con cháu về sau không bị ảnh hưởng hậu quả của mình. Thế là tôi quyết phải rời xa nơi này, dù thế nào đi nữa; “Phải rời xa nơi nầy, dù thế nào đi nữa”!
Nghĩ thế, tôi quyết định thình lình để chạy. Tôi vụt đứng lên, hai chân thật nhanh chạy cắm đầu cắm cổ, chạy trối chết không hề ngó lại. Phía sau đầy tiếng la và tiếng đuổi theo, đến bìa hố tôi nhắm mắt phóng qua bên kia bờ và hét to lên…”
-Anh, anh làm gì mà la lớn vậy!
Tôi giật mình, ú ớ: Ủa, anh nằm mơ hả? Hú Hồn! May là không sự thật!
Đồ Ngông,
22/04/2015.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment