Saturday, May 2, 2015

*Làm Một Chuyến Đi!



Trong một lúc bất chợt, ý tưởng đi lên miền đất đỏ (Red Centre) của vùng trung tâm nước Úc lại đến, chúng tôi gồm 5 người: Anh em anh Ba Quang, chị Điểu và vợ chồng tôi cùng cô em vợ là cô Hi đã nhờ đến công ty du lịch sắp xếp dùm một chuyến đi để đến vùng Alice Spings và Uluru.
Chúng tôi lấy chuyến bay QF 723 của hảng Qantas vào lúc 10.40 sáng để đi đến Alice Springs. Trời hôm ấy tương tốt, không có nhiều mây lắm. Với đoạn đường dài 1375 km, máy bay đến nơi cũng mất khoảng 1 giờ 55 phút với vận tốc bay thường là 759 km/giờ trên độ cao chừng 11,000 thước. Đường bay qua vùng Walleroo và Whyllala và máy bay đáp xuống phi đạo vào lúc 12.38 trưa. Bước ra máy bay chúng tôi cảm thấy hơi nóng vì đang từ cái lạnh ở Adelaide chỉ trong thời gian ngắn đã ở trong cái nóng khí hậu của vùng sa mạc, mãi trong giữa đất liền. Phi trường Alice Springs là phi trường nhỏ, nội địa có hai khu phòng đợi: Một bên là của hảng Virgin Australia với cổng 1,2,3,4,5 và của hảng Qantas là 6,7,8,9. Và giờ giấc ở nơi đây cùng với giờ của Adelaide trong thời điểm nầy (Adelaide vừa đổi giờ từ hôm đầu tháng 4).

I-Uluru/Ayers Rock:
Vì tour của chúng tôi bắt đầu từ Ayers Rock, một cái tên khác của núi đá Uluru, nên chúng tôi phải đợi lấy chuyến bay đi về Uluru. Máy bay rời phi đạo lúc 2.04; đến phi trường Connellan Airport ở Uluru vào 2.41 giờ. Xe buýt đưa chúng tôi cùng những hành khách khác đến từ nhiều nơi, đa số là ngoại quốc, về những khách sạn mà họ đã đặt trước. Chúng tôi nhận phòng lúc 4 giờ chiều của resort Outback Pioneer.

1-Sounds of Silence:
Sau thời gian ngắn nghỉ ngơi, chúng tôi tập trung ở phòng tiếp tân để đón xe buýt đến vào lúc 6 giờ tham dự vào chuyến đi đầu tiên mà người ta gọi là tour “Sounds of silence” trong tối nay. Hai xe buýt chở đầy người đi đến một đỉnh của đụn cát được ban bằng làm một “platform”. Mọi người quây quần ở đây khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, trong khung cảnh ấy có một đoàn đi tour cưỡi lạc đà đến ở khoảng đất trống ở bên kia, còn một người đang ngồi thổi cái ống gỗ (didgeridoo) của người Úc đen (thổ dân) để tạo nên những âm thanh rền (điều khiển âm thành bằng những ngón tay của bàn tay trái vuốt trên ống gỗ gần miệng thổi), vang vọng đặc biệt của nhạc khí dân dã nầy. Mặc dù không là người thổ dân nhưng ông nầy cũng thể hiện được nét độc đáo của nhạc cụ trong màn đêm đang buông xuống trên vùng sa mạc đất đỏ mênh mông. Người khách nào cũng có một ly rượu nho dù đỏ hay trắng để vừa ăn nhẹ đồng thời thưởng thức khung cảnh hoàng hôn trong sa mạc và nhìn Uluru màu tim tím đỏ ở xa xa, khiến tôi nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính: “Tim tím rừng chiều, tim tím núi – Tim tím chiều hôm, tim tím mai”. Văng vẳng có tiếng dế kêu. Và xa hơn nữa là bóng dáng thẫm màu của những hòn núi tròn Kata Tjuta. Nói là vùng sa mạc, khi chưa đến đây, tôi cứ tưởng là đất trống trải khô cằn, nhưng sa mạc nầy cũng có những đụn cát chạy dài, từng đụn từng đụn cách hơi xa và chạy song song nhau chứ không phải những đụn cát hình lưỡi liềm như tôi đã học khi còn ở bậc Trung học. Nó cũng không toàn là cát mênh mông mà sa mạc nầy cũng có cây cối lưa thưa, cỏ mọc nhiều mặc dù có nhiều khô cằn như nhiều vùng khô cằn của đất Úc Đại Lợi nầy, hoặc lượng mưa nơi đây rất là ít và đặc biệt là đất cát thật mịn màu đỏ trải dài bao la, chắc vì thế mà người ta đặt tên là “Red”. Vì quá khô nên dễ cháy vào những lúc nắng hạn, cho nên tôi thường thấy dấu vết của những nơi cháy rừng dù là cũ hay mới đây. Khi mặt trời lặn hẳn, chúng tôi cùng mọi người được dẫn về những bàn bên khu đất trống gần đó để ăn buổi ăn tối ngoài trời bên ánh đèn. Buổi ăn theo kiểu nhà hàng Tây, khá ngon miệng cùng được nhìn vài điệu múa của người Úc đen nơi nầy (nhưng người biểu diễn vẫn không là người Thổ dân). Vừa ăn vừa được nhìn Uluru dần dần chìm vào đêm. Khi màn đêm hoàn toàn buông xuống, người ta tắt đèn để đi vào một mục khác; nhưng rất tiếc mục ấy không được hoàn thành vì bầu trời nhiều mây nên chẳng thấy được ngôi sao nào, vì mục ấy là người ta muốn mọi người thưởng thức: Ngắm và nhận định những vì sao hay thiên hà. Nhưng sao đã đi ngủ cả rồi! Thế là chúng tôi đành thưởng thức màn bánh ngọt, trái cây rồi lủi thủi ra xe về nơi nghỉ dưỡng. Trên đường về tôi nghĩ khơi khơi và tưởng tượng như được cưỡi lạc đà, đi trong sa mạc về đêm, rồi người và lạc đà nằm ở giữa lòng sa mạc để nghe dế kêu, những âm vang của vùng sa mạc im lìm cùng ngắm những vì sao trên trời. Một cảnh kỳ thú vô cùng, chắc vì vậy mà người dân sa mạc không thể bỏ vùng sa mạc mà đi nơi khác. Và có thể đó cũng là lý do của tour “Sounds of silence” nầy chăng? Chúng tôi về đến phòng lúc 9 giờ 30 tối.

2- Vào ngày 2 (thứ sáu 17/4/2015):
Chúng tôi được một buổi sáng để nghỉ ngơi, nên thức dậy hơi trễ và chỉ lo việc đi ăn sáng. Những thức ăn ở Bough House khá ngon để chào đón mấy vị khách lạ phương xa. Ăn xong, chúng tôi lại lẩn quẩn quanh khu vực kiếm cảnh chụp hình kỷ niệm. Riêng tôi thì tôi lại thích quay phim, ghi hình để một mai về nhà, ngồi buồn xem lại cho nó có vẻ nên thơ một tí. Rồi tôi thả mình lang thang lên đồi cát mịn màu đỏ với những cây họ khuynh diệp lá khô héo như gần chết và những bụi cỏ có gai cứng như những cây kim (spinifex) và nhiều cỏ bông (woollybutt) lá trở thành màu bạc vì thiếu nước. Chừng một giờ đồng hồ sau chúng tôi trở về phòng nghỉ ngơi để 2 giờ 30 dự vào tour “Uluru Sunset & BBQ Dinner”.
Xe buýt đến lúc 2.30 giờ rước chúng tôi rồi chạy vòng qua các khu nghỉ dưỡng khác (các khu nghỉ dưỡng và khách sạn được thiết trí theo một vòng tròn có tên đường là Yulara Drive nối với đường chính từ ngoài vào là Lasseter Highway, có các nơi trọ như sau: Desert Gardens Hotel, Emu Walk Apartments, Sails in the Desert, Outback Pioneer Hotel & Lodge) để rước người, sau đó chạy vào National Park (mỗi người trả 25 đô cho vé vào cửa có giá trị trong 3 ngày liên tục). Xe chạy thẳng qua những ngọn núi trọc Kata Kjuta. Đến nơi vệ sinh và chỗ để mọi người muốn chụp hình thì chụp lúc 3 giờ. Ở đó khoảng 20 phút lại lên đường đi đến gần chân núi để ai muốn đi lên núi thì đi. Nói là núi chứ tôi cũng không biết gọi thế nào cho đúng (kể cả hòn đá Uluru) vì nó chỉ cao khoảng 348m mà trong tiếng Anh cũng không gọi là núi mà chỉ là “Rock”. Ở đây có bảng nhắc nhở là nơi linh thiêng đừng leo lên núi. Giờ quy ước lên xe là 5 giờ. Tôi chỉ lẹt đẹt đi theo sau đoàn và chỉ chú trọng vào việc ngắm nghía cũng như quay những hình ảnh cận cảnh của cấu tạo đá để tìm hiểu và coi chơi và thỉnh thoảng chụp dùm anh ba Quang vài tấm hình để anh làm lưu niệm.
Mọi người lên xe hết và xe chạy lúc 5.10 giờ, chạy trở lại nơi vệ sinh cho mọi người đi vệ sinh lần nữa, còn ai muốn chụp hình thì chụp nhanh để xe tiếp tục đi về địa điểm nhìn hòn Uluru khi mặt trời lặn.
Xe chạy về đường cũ, lần nầy tôi có dịp nhìn kỹ hơn những nơi bị cháy trước kia. Những khu mới cháy thì còn những cây cháy đen, có nhiều bụi cây hồi sinh với những lá xanh ở giữa bụi đen thui, và phía dưới là đất đỏ trơ ra.
Xe vào bến đỗ người xuống cùng với nhiều tốp khác, mỗi tốp có bàn để những thức ăn nhẹ, và mỗi người được một ly rượu nho. Ăn bánh quẹt phó mát (cheese), hoặc khoai chiên (chips) với sốt cà, uống rượu nho mà mắt cứ nhìn về hòn Uluru. Hoàng hôn buông từ từ xuống, tôi chỉ thấy cái màu tim tím của núi như ngày hôm qua; vì không may, hôm nay bầu trời lại cũng có đầy mây. Ảnh hưởng mùa thu đó mà! Rồi chợt từ chân núi lại sáng ửng đỏ lên, tôi tưởng ngọn núi trở màu; nhưng không, đó chẳng qua là mây nép qua một bên để ánh nắng mặt trời dọi lên núi đá chỉ có phân nửa thôi, cho nên núi lại một nửa ửng đỏ một nửa màu hơi tim tím. Thế là, kết quả cũng là không may, tại vì Ông Trời chơi xấu, đem mây che hết cả rồi! Nhưng tôi đã nhốt được hòn Uluru vào trong ly rượu của tôi bằng cách đưa máy quay phim quay phía sau ly rượu trong đó có trọn hình ảnh hòn đá Uluru hiện lên, thấy hình ảnh ấy cũng hay hay! Ông Tây đứng kế bên thấy vậy, ông cũng nhốt Uluru vào ly rượu trong tấm hình mới chụp, rồi cả hai chúng tôi cùng cười với nhau.
Sau khi mặt trời lặn độ nửa giờ, đoàn chia làm hai nhóm. Nhóm lên xe về, còn chúng tôi đã theo nhóm thứ hai vì có đăng ký buổi ăn thịt nướng (BBQ) tối nay. Xe chở đến gần Uluru, nơi có những dãy nhà, mọi người xuống xe và được dẫn đến những dãy bàn đã dọn sẵn để bắt đầu cho buổi ăn tối. Tôi cố quây lấy hình Uluru vào lúc nầy, nhưng không đủ sáng nên đành thôi, vả lại pin cũng sắp hết đến nơi rồi. Khi ăn gần xong thì bầu trời lại được trong sáng hơn vì các vì sao đã đuổi tụi mây đi mất rồi. Nương vào đó, hướng dẫn viên bèn kéo mọi người ra sân phía trước, ngồi trên ghế mà ngó lên bầu trời. Đèn được tắt hết, người hướng dẫn rọi đèn pin lên từng nơi mà cô ta rọi đèn: này là sao Neptune, đây là sao Venus, đám mờ mờ đó không phải là mây mà là một Galaxy, còn đây là dãi Ngân Hà, … cô ta nói nhiều lắm mà tôi chỉ biết sơ sơ thôi! Vì lẽ, tiếng Anh của tôi thật ư là “quá giỏi”! Dù hiểu không nhiều, nhưng chúng tôi cũng được một buổi tối thích thú như thế này cùng với những người Tây tứ xứ gặp nhau đây.
Xe lên đường trở về lúc 8 giờ 30 và về đến khu nghỉ lúc 9.10 giờ đêm.

3- Ngày thứ 3 (Thứ bảy 18/4/2015):
Sáng nay chúng tôi phải dậy sớm từ lúc 4.30 giờ vì hôm nay chúng tôi dự vào tour “Uluru Sunrise”. Ra đến văn phòng vào lúc 5.20 và khi xe buýt đến làm thủ tục, phát thẻ, rồi đến những khu khác để đón thêm người. Xong, xe chạy ra địa điểm vào lúc 6.30 giờ. Mọi người tiến về khu vực trên đụn cát cao (vọng đài, lookout) đợi chờ mặt trời lên để ngắm hòn Uluru vào lúc mặt trời lên. Nhưng chúng tôi cũng không được may mắn vì nhiều mây che khuất cả ánh nắng bình minh của mặt trời đang lên. Chỉ được một chút nắng để gọi là an ủi thôi. Điều đó cũng dễ hiểu vì trời tháng nầy là xứ Úc đang vào Thu, mặc dù vùng nầy xa với miền nam, nhưng nó vẫn có chút ảnh hưởng nên bầu trời cũng có nhiều mây bất thường. Tuy nhiên, mọi người cũng đua nhau chụp hình cùng quay phim. Nếu chúng tôi đến đây vào mùa Xuân hay Hè thì chúng tôi sẽ tận hưởng được những đặc điểm của Uluru mà người ta đã từng nói cũng như quảng bá về Uluru.
Đến 7.15 giờ, chúng tôi trở về xe và tài xế lái xe chạy quanh theo đá Uluru để đỗ từng nhóm người: Nhóm đi bộ vòng quanh chân núi, nhóm gặp thổ dân để tìm hiểu về văn hóa của người Anangu (chủ nhân của vùng nầy và được xem đã định cư từ ít nhất là 10,000 năm nay). Còn nhóm chúng tôi là nhóm thẻ màu tím, cho nên vẫn ngồi trên xe để tài xế cũng là hướng dẫn viên chạy quanh Uluru và giảng giải về địa chất, thời đại và nhiều điều khác nữa, nhưng tôi nghe thì nhiều mà chẳng hiểu được bao nhiêu, cho nên tôi cứ giơ máy lên quay cho đã, để mai nầy về nhà ôn lại coi có hiểu được chút nào chăng!
Xe về resort, chúng tôi ăn sáng và sửa soạn để hôm nay trả phòng và đi nơi khác. Làm thủ tục trả phòng lúc 9.30. Chúng tôi tha thẩn đi mua vài món đồ lưu niệm và chụp thêm ít hình ở những nơi mà mình thích thú và đợi chờ xe đến để đi sang Kings Canyon.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
03/05/2015.

No comments:

Post a Comment