Monday, May 4, 2015

*Làm Một Chuyến Đi! (tt)




II- Kings Canyon:

Xe buýt rời chỗ trọ vào lúc 1.20 giờ trưa. Xe trở ra bằng đường Lasseter Highway. Trên xe có 5 người chúng tôi, hai chị em người Canada, hai vợ chồng người ở Sydney, và vài người nữa tất cả có trên mười người trên một chiếc xe buýt lớn chứa khoảng 50. Dọc đường đi, tài xế kiêm hướng dẫn viên nói sơ qua về Uluru – Kata Tjuta Park khi còn trong phạm vi của cái park nầy. Khi ra ngoài thì thỉnh thoảng giải thích thêm những nơi sắp đến mà khách cần biết. Xe dừng ở Curtin Springs để ai cần ăn uống thì ăn uống hoặc đi vệ sinh. Sau đó thì lên xe, lúc nầy chúng tôi mới để ý đến ngọn núi xa xa, hình dáng hơi giống với hòn đá Uluru nhưng nó dài gần gấp đôi và trên mặt bằng hơn nhiều, giống như mặt bàn. Tài xế lại cho xe ngừng vào bên lề, tôi không thấy có nhà cửa hay quán sá nào cả kể cả nhà vệ sinh, thì ra tài xế ngừng xe để cho chúng tôi ngắm, chụp hình ngọn núi ấy. Đây là cái “Vọng đài” (Lookout). Ngọn núi kia gọi là Atila hay còn gọi là Mt Conner. Theo thông tin từ tài xế cho biết nó cùng một hướng với Uluru và Kata Tjuta; và chiều cao của nó không chênh lệch với Uluru là bao nhiêu cho nên người ta cho rằng từ hàng trăm triệu năm trước nó cũng nằm trong dãy thủy tra thạch từ dưới biển trồi lên cùng với Uluru và Kata Tjuta.
Qua khỏi nơi nầy không bao xa tài xế còn chỉ khu vực của một vùng gọi là Salt Plain, tôi cố quay phim vùng nầy nhưng vì cây cối dọc đường và lúc nầy là mùa khô ở đây cho nên nó không có nước; và tôi nhớ lại lúc đi máy bay từ phi trường Alice Springs đến đây tôi đã nhìn thấy khu vực của một cái hồ rất lớn nhưng nước không có nhiều, không lẽ lại là cái Salt Plain mà tài xế đã đề cập đến ở đây.
Đến một ngã ba xe dừng lại, tôi cứ nghĩ là tài xế cho chúng tôi nghỉ ngơi; nhưng không, tài xế đợi những chuyến xe khác đến để trao đổi hành khách. Một số người đi Về Alice Springs sang xe, và chỉ còn lại chỉ 9 người đồng hành để đến Kings Canyon. Chúng tôi lại đi trên con đường mang tên Luritja Road. ÔiI vùng đất đỏ nầy bao la nên người ta thường dựng lên giống như cái cổng và đề bảng “Red Centre Way” để như vừa quảng cáo vừa cho du khách biết đây là vùng đất đỏ. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao người Thổ dân Úc (mà chúng tôi thường gọi là Úc đen) lấy lá cờ nửa đen nửa đỏ, có mặt trời vàng ở chính giữa. Xe tiếp tục đi, hai bên đường còn dấu tích của những vụ cháy rừng, nơi thì lâu hơn, nơi thì mới đây không lâu; cho nên cây cối chỗ thì còn nguyên, chỗ thì nẫy chồi đã lâu, chỗ thì còn lưa thưa. Địa hình thì có những đồi cát trải dài xen kẽ với vùng đất bằng. Nói là sa mạc nhưng nó không có vẻ thật sự của một sa mạc mà là những vùng rừng thưa, điều ấy những người từ nước ngoài cũng có nhận xét như vậy (theo tài xế kiêm hướng dẫn viên kể lại). Dọc theo đường có loại cây rất ngộ, khi còn nhỏ nó là một thân thẳng, những lá nhỏ theo thân mới thấy giống như cây chổi, rồi khi lớn lên nó có vài nhánh mới thấy là không phải, khi nó thật sự là một cây với những lá nhỏ nhọn, những cây như thế đó chắc tuổi của nó cũng có thể là vài chục hay hàng trăm năm. Nhìn những khu đầy cây đó tôi cứ tưởng tượng là những khu vườn đầy thơ mộng. Nhưng đâu đâu cũng là đất đỏ, nó mịn giống như cát bột, nhưng tôi lại không có đổ nước thử xem coi nó có kết dính hay không, vì nó có vẻ là từ bùn đỏ mà ra.
Xe chạy đến Kings Creek Station để mọi người xuống có thể ăn uống, đi vệ sinh hay nhìn lạc đà, ngựa con vì nơi đây cũng là nơi điều hành về du lịch: Cưỡi lạc đà, ghi tên đi trực thăng để tham quan Kings Canyon hoặc những tour khác. Rồi chúng tôi tiếp tục đi về đến Kings Canyon resort và nhận phòng vào lúc khoảng 6 giờ chiều.
Chiều nay chúng tôi không có bửa ăn mà phải tự túc, lúc đầu tính mở mì gói nấu ăn. Nhưng cả đám cứ tính đi tìm thú vị của một bửa tối BBQ ở đây xem sao. Trên đường thả về chỗ ăn, dọc đường tôi thấy ánh nắng hãy còn chiếu trên dãy núi, tôi cố chạy để ghi hình, nhưng không có nhiều thời gian, chỉ quay được chút ít mà thôi.
Trong phòng ăn có nhiều dãy bàn dài, khách ngồi hai bên. Thức ăn ở nơi đây hay nói chung là ở những khu vực nầy mắc hơn ở những khu du lịch khác vì thức ăn ở đây phải lấy từ những nơi xa cho nên chi phí dọc đường cũng phải tốn nhiều. Một cái Hamburger giá là 22 đô, một miếng thịt bò 200gr là 28 đô, 300gr là 32 đô, một chai bia Crown Lager là 10 đô rưởi. Nhưng nhờ có salad nên bửa ăn cũng được coi là no đủ. Trong đêm đó có một nhạc sĩ đồng quê ngồi hát cho chúng tôi nghe những bản nhạc đồng quê. Tôi chỉ nghe âm điệu mà chẳng hiểu được lời, nhưng dù sao cũng là một điều thích thú mà mình thu lượm được trong một chuyến đi. Chúng tôi về phòng lúc 8 giờ đêm.
Vì chiều trước chúng tôi, 9 người, đồng lòng đi tour dễ thôi tức là đi theo đường nước của thung lũng (Kings Creek walk) chỉ trong vòng một giờ chứ không ai đi theo tour Canyon Rim Walk phải mất đến 3-4 giờ, cho nên Hướng dẫn viên cho chúng tôi được ngủ dậy trễ hơn. Xe chở đến Kings Canyon, chúng tôi được dẫn vào thung lũng của Canyon qua đường nước vào mùa mưa. Cây cối tương đối xanh tươi, đường nước đầy đá, đá khối, đá lớn, đá nhỏ đủ đầy khắp nơi. Hai bên vách núi đá thẳng cao. Đá thuộc loại thủy tra thạch cho nên có từng lớp, từng lớp xếp chồng lên nhau, nơi thì bị gãy đỗ, nơi thì tạo thành hốc sâu, nơi thì chơ vơ tạo nên một cảnh quang đẹp mắt lại thêm màu đỏ núi làm phông cho những cây xanh nên chụp hình thật là bắt mắt, vì thế chúng tôi lại thích chụp hình, riêng tôi thì lại thích quay phim. Đến lúc nầy tôi mới thấy người Tây du lịch có vẻ khác với ta: Họ không chụp hay quay phim nhiều mà họ lại thích đặt câu hỏi với Hướng dẫn viên để tìm hiểu thêm những điều mà hướng dẫn viên không nói. Mà cũng đúng thật vì tiếng Anh của mình quá giỏi nên cái hiểu cái không, hiểu lờ mờ chớp choáng, ba mang thì lấy đâu mà hỏi, thôi thì cứ ngó, cứ quay!
Trở lại xe lúc 10.15 giờ. Xe đưa chúng tôi về đến resort lúc 10.45 giờ. Đến 11 giờ chúng tôi trả phòng ở phòng Tiếp tân và xe đưa chúng tôi lên đường đi về Alice Springs. Qua khu vực Khathleen Spings chúng tôi còn được dự tour “Kathleen Springs Walk”, đi xuống ngọn suối Kathleen, đoạn đường nầy khoảng 2.6 km kể cả đi về mất khoảng 1.30 giờ. Đây cũng là một phần của dãy George Gill (George Gill Range) nên địa tầng cũng vẫn là Thủy tra thạch, cũng lại là màu đỏ mà thôi. Khu nầy có trận cháy từ hai năm trước cho nên sự hoang tàn còn rõ nét với những bụi cây hay là một vài cái nhà hoặc là chỗ trú ẩn cho súc vật được xây dựng ở đây. Dòng suối vào mùa nầy không có nước, chỉ có nước ở vùng nước đổ xuống mà thôi!
Chúng tôi trở lên xe, đến Kings Creek Station lúc 12.50 và nghỉ ăn trưa ở đây lần nữa. Đến 1.40 xe tiếp tục trở ra trên con đường Luritja Road. Đến ngã ba “Red Centre Way” vào 2.45 và nghỉ để đợi những xe khác đến để chuyển khách. Trên xe tôi có một cô bé người Nhật sang xe để đến Uluru và vài người khách khác sang xe để cùng chúng tôi tiến về Alice Springs.
Xe chuyển bánh vào 3.15 giờ theo đường Lasseter Highway và đến Erldunda lúc 4.30 giờ, xe tắp vào nơi đây để mọi người mua thức ăn, đồ kỷ niệm, vật dụng và vệ sinh cá nhân. Erldunda nầy là giao điểm của ngã ba đường: Lasseter Highway về Uluru và đường lớn Stuart Highway là đường chạy suốt từ Nam lên Bắc của nước Úc: Một hướng là về Alice Springs, Darwin và hướng ngược lại về Adelaide. Nghỉ 20 phút, rồi chúng tôi lại lên đường. Trên đoạn đường nầy, tài xế kiêm Hướng dẫn viên mới chiếu cho chúng tôi vài phim tài liệu để từ đó tôi mới hiểu được rằng con đường Stuart Highway nầy mang tên người đàn ông đã mở đường xuyên nội địa từ Nam (Adelaide) lên Bắc (Darwin) và giúp cho đường dây viễn thông Adelaide-Darwin của Sir Charles Todd được thành hình đó là John McDouall Stuart. Chúng tôi qua Stuart Well và về đến Alice Springs vào lúc 7.10 giờ chiều tối, nhận phòng ở khách sạn có Casino Lasseter Hotel.

Nguyên Thảo,
03/05/2015.


No comments:

Post a Comment