Wednesday, May 6, 2015

*Làm Một chuyến Đi! (tt)



III- Alice Springs và Palm Valley Safari:

5- Ngày thứ 5 (Thứ hai 20/4/2015):
Trước khi đến đây trong chuyến đi nầy, trước kia tôi cứ nghĩ Alice Springs giống như là một ốc đảo ở trong sa mạc, và sa mạc Simpson là đồng trống với nhiều cồn cát như tôi đã học về sa mạc trong sách vở ở thuở còn thơ. Nhưng trên thực tế nó đã là không như vậy, khí hậu ở đây trong những tháng nầy có khô khan nhưng nó vẫn có nhiều cây cối đủ làm cho thành phố có một sức sống phong phú với vào khoảng trên 28,000 cư dân, và được coi là thành phố đông dân thứ ba của lãnh thổ Bắc Úc. Nó nằm trên đường Stuart Highway, gần như giữa đường từ Adelaide lên Darwin (cách Adelaide 1,549 km về phía Nam và cách Darwin về phía Bắc 1,485 km). Alice Springs có những dòng nước (spings) được ghép với tên bà Alice (có tên đầy đủ: Alice Gillam Bell) là tên người vợ của Sir Charles Todd, người đã xây dựng đường dây điện tín viễn liên từ Adelaide đến Darwin để nối với Singapore và Anh Quốc, do đó tên Alice Springs được ra đời.
Chúng tôi từ Kings Canyon về đến thị trấn nầy vào 7.10 phút tối nên không nhìn được ngoại cảnh như thế nào, và xe buýt chạy vòng qua các khách sạn để đổ khách mà chúng tôi là trạm cuối cùng. Và chúng tôi về đến phòng vào lúc 7.45 để lo ổn định và nghỉ ngơi.
Chúng tôi thức dậy và ăn sáng sớm để chuẩn bị cho chuyến đi hôm nay: Đi Palm Valley bằng xe 4 Wheel Drive gọi là Safari. Ông tài xế cũng là hướng dẫn viên đến sớm hơn dự trù 10 phút, tức vào lúc 7.20. Xe chở 5 chúng tôi và chạy đến vài khách sạn khác rước thêm 4 người nữa trong đó có một đôi trai gái người xứ Columbia của Nam Mỹ. Trước khi đi chuyến du lịch nầy chúng tôi đã dự tính sẽ dành một ít thời gian để nhờ xe Taxi đưa vòng quanh thị trấn Alice Springs để biết thị trấn nầy như thế nào, nhưng hôm nay xe đưa chúng tôi vòng quanh rước khách cùng chạy giống như quanh thị trấn rồi, do vậy chúng tôi thấy dự định đó không cần thiết nữa.
Xe đưa chúng tôi rời thị trấn và tiến về phía Tây, tài xế ghé vào một chỗ có nhà vệ sinh đồng thời cũng để chúng tôi xem bản đồ thông tin và chỉ cho chúng tôi biết con đường sẽ đi và nơi nào sẽ đến. Từ đây đi về hướng tây nam theo đường Larapinta Drive khoảng chừng 138 km sẽ đến vùng Hermannssburg và xe sẽ rẽ trái đi 21 km đường khó khăn mà chỉ có xe 4 wheel drive vượt không thôi. Thế hôm nay chiếc 4 wheel drive nầy với 20 chỗ ngồi sẽ đưa chúng tôi 9 người đến vùng Palm Valley. Trên đường đến Hermanssburg chúng tôi qua nhiều cống hoặc những nơi trũng mà vào mùa mưa nước sẽ tràn về phía nam tức là phía trái của con đường. Tất cả những dòng nước đều chảy về cùng một hướng. Tôi thấy phía dưới cùng kia là dãy núi chạy song song, như vậy các dòng nước sẽ hợp lại đổ về nơi nào đó ở dưới. Khi đến ngã rẽ để vào Palm Valley chúng tôi mới thấy đoạn đường nầy không có tráng nhựa, đi một khoảng thì đường khá dằn, gập ghềnh. Đi chừng vài cây số đến vùng trũng có nhiều cát, chứng tỏ nơi đây là dòng nước lớn, tập hợp những dòng nước kia lại để đổ vào khe núi phía trước. Vùng nầy khá rộng bề ngang cũng rộng có thể cũng được cả trăm thước, có nơi hơn, nhưng hai bên là núi có màu đỏ và có nét như cùng địa chất với các núi ở King Canyons. Xe vượt qua bằng con đường mòn qua vùng cát bồi, cũng như những nơi gồm toàn là sỏi đá. Dấu vết của nước lũ được chứng minh bằng rác, lá cây hoặc những cây cối bị vướng vào các bụi lùm, hay ở những gốc cây to, khi mực nước cao là thời gian mà con đường nầy sẽ ngưng trệ không thể đi qua. Xe qua tấm bảng đề chữ cho biết là Finke Gorge, chúng tôi vào địa giới của Finke Gorge National Park.
Xe leo lên vùng đất cao cũng mang màu đỏ và rời lòng sông Finke để đi đoạn đường cam go mà chỉ có xe 4 wheel mới chạy nỗi. Đến hơn 9 giờ, xe đến nơi nghỉ ngơi và có nhà vệ sinh để chúng tôi vệ sinh cá nhân và uống cà phê, ăn nhẹ ở đây. Sau đó xe đi tiếp qua những khúc đường gay go, khúc khuỷu hơn, lên xuống không chừng của địa hình vùng núi. Tài xế dừng xe lại nơi vòng cua cho chúng tôi xuống và dẫn chúng tôi xuống khúc quanh của con sông (hay suối) vào mùa nước. Ở đây có một bên là vách núi cao sừng sững, với nhiều bụi cây mọc trên đó. Có những bụi hơi giống với thiên tuế gọi là Cycad rất hiếm.
Finke Gorge National Park là một vườn quốc gia thuộc vùng lãnh thổ Bắc Úc được thành lập từ năm 1967 trên một diện tích là 458 km2 nằm trong dãy núi Krichauff chạy theo hướng đông tây ở vùng tây nam của Alice Springs. Nơi đây là vùng khô hạn, cằn cỗi, lượng mưa trung bình hàng năm là 200 mm. Ở đây mới có bụi cây Cycad; và loại Red Cabbage Palm (có khoảng 3000 cây lớn) được xem là loại cây còn lại từ thời tiền sử chúng chỉ có ở đây và ở vùng Mt Isa của Queenland cách xa nhau cả 850 km. Loại palm nầy cùng họ với dừa, cau nhưng cuống lá có màu nâu đỏ và có gai cho nên ở Ốc đảo có nhiều cây palm nầy mới gọi là Palm Valley.
Ở Finke Gorge National Park nầy là nơi mà sông Finke được coi một trong những vùng hứng mọi lưu lượng nước từ vùng lân cận cổ nhất (khoảng 350 triệu năm). Và nơi nầy cũng là nơi quan trọng của nền văn hóa người Thổ dân miền Tây (Western Arrente Aboriginal people); cùng là nơi mà người Âu định cư rất sớm.
Xe đưa chúng tôi đến nơi bãi đậu xe của thung lũng hay là nơi mà ốc đảo có nhiều cây palm nhất. Tôi chọn cách leo lên núi (gọi là Mpaara Walk) cùng với ông tài xế, và bốn người kia, còn anh ba Quang, chị Điểu, em vợ cùng vợ tôi thì ở dưới chụp hình. Đường lên không cao lắm, chỉ lên cao chưa tới hai mươi thước thì địa hình tương đối bằng phẳng. Lên đó để nhìn ra xa hơn ở phía trên chứ nó cũng chỉ có những lớp đá cát (sa thạch, sandstone) màu đỏ chồng chất lên nhau, những cây mọc lưa thưa vì thiếu nước, màu lá thiếu xanh tươi. Có những bụi cây mọc giữa đá mà ta không thấy đất. Những bụi cỏ lá gai nhọn spinifex mọc dần ra ngoài nhưng ở giữa thì khô chết rất ngộ. Tôi cố quay những đặc điểm của vùng trên cao nầy để đem về thỉnh thoảng xem qua mà nhớ lại. Đường đi không khó lắm có những bậc đá quá cách biệt người ta làm những bậc thang bằng gỗ hay kim loại để người đi bộ được dễ dàng. Có ba lần thang như vậy. Cuối cùng xuống đến thềm của đường nước, tất nhiên dù bằng phẳng hơn nhưng cũng toàn là đá. Bên đường đi vách núi cheo leo, màu đỏ trơ trụi những lớp đá chồng lên nhau có khi rất to. Những nơi nào không có tầng đá dưới đáy khiến những tầng trên quá nặng, gãy đổ xuống phía dưới từng khối, từng khối lớn. Lại còn có những tảng lơ lửng đợi chờ ngày rơi xuống xem thật là hồi hộp. Trên đoạn đường nầy hướng dẫn viên mới chỉ cho một cây palm con với những tào lá (bẹ) màu đỏ cho chúng tôi coi. Chúng tôi được thời gian ngắn nữa để chụp hình hay nghỉ ngơi trước khi lên xe đi trở ra, vì đây là đoạn cuối của con đường.
Trên đường trở ra, tôi mới để ý đến độ cao của con đường, chứ lúc đi trên những vùng trũng của đường nước, tôi nghĩ nước sẽ từ ngoài trở vô; nhưng bây giờ tôi thấy phía trong có địa hình cao hơn ở đường trở ra, như vậy nước từ trong phía ốc đảo chảy ra dòng sông Finke tức là hướng chúng tôi đã đi vào. Lúc xe lên độ cao chúng tôi không có cảm tưởng, nhưng bây giờ trở ra và có vài xe đi vào, vì kẹt xe tôi mới thấy rõ các độ cao ở nơi tránh xe với nhau. Xe lên dốc tương đối dễ hơn còn khi xuống khó nên tài xế rất cẩn thận từng đoạn đường một. Nhưng rồi chúng tôi cũng đến chỗ uống cà phê lúc sáng để mọi người sửa soạn ăn trưa và vệ sinh cá nhân. Xe chạy lúc 1giờ 30, mười lăm phút sau đến chỗ vọng đài (lookout) và hướng dẫn viên cho nửa giờ để lên xem và chụp hình. Vọng đài nầy có tên là Kalaranga lookout, lên cũng dễ. Lên trên chúng ta có thể quan sát được toàn bộ khu vực xung quanh. Lúc đầu tôi tưởng lên đứng trên mặt bằng được xếp đá bao quanh để nhìn ra ngoài, nhưng không phải. Đó là tảng đá nhỏ nằm trên tảng đá lớn ở dưới chỉ có vài nơi để chịu, đa số là hổng lên. Nhìn ra xung quanh ta thấy những núi đá đỏ sừng sững, vách hơi thẳng, cách nhau bằng những thung lũng có cây mọc như những rừng thưa mà ta thường thấy trong những phim cao bồi của Hollywood. Có những tầng đá chồng chất lên nhau thành núi nhỏ chơ vơ trơ trọi, cái nầy nối tiếp cái kia. Quang cảnh thật đẹp! Tôi xuống theo mọi người và về xe. Xe trở lại Finke Gorge lúc 2 giờ 40, tài xế cho chúng tôi biết nước từ trong Palm Valley chảy ra hợp với những dòng nước khác chảy về phía núi dưới kia, theo hướng chỉ của ông.
Trở ra đến đường lớn tức đường Larapinta Drive, đến ngã tư xe rẽ trái vào khu Hermannsburg của người thổ dân để xem khu di tích lịch sử ở nơi nầy. Cái tên thấy có vẻ Đức, mà quả thật là do hai giáo sĩ Lutheran người Đức từ Bethany ở Barossa Valley (Nam Úc) đến đây để làm nhiệm vụ truyền giáo thường xuyên đặt nơi nầy theo tên cái thị trấn mà họ được truyền dạy ở Đức, vào năm 1877. Sau hai năm họ mở trường học và 1881 có 7 trẻ trai và 1 gái rửa tội. Năm 1891 họ tạo được tự điển tiếng Aranda ngôn ngữ của thổ dân ở đây (ngày nay là Arrentre). Đến năm 1891 các nhà truyền giáo bỏ đi cả 3 năm. Đến năm 1894, Pastor Carl Strehlow phụ trách nhiệm vụ truyền giáo. Ông ta và con rất thành công trong nhiệm vụ. Ông được sự trợ giúp của người xây dựng là Dave Hart và những dân địa phương phụ giúp xây được một trường học, nhà thờ, văn phòng truyền giáo. Strehlow mất năm 1922. Và những xây dựng đó ngày nay được bảo tồn như những di vật lịch sử ở đây, cùng với những tranh màu nước theo kiểu Tây phương của họa sĩ Thổ dân, người con nổi tiếng của Hermannsburg, là Albert Namatjira.
Chúng tôi đi vòng nhìn qua nhà thờ (chỉ là di tích), các phòng trưng bày tranh của Albert Namatjira và những máy móc cũ ngày xưa và cùng chiếc xe xưa hư được để ngoài nhà kho ở phía sau nhà thờ. Đặc biệt ở sau nhà thờ có một căn nhà nhỏ là nơi để xác chết khi có người chết thuở xưa.
Đến 4.15 chúng tôi ra xe trở về Alice Springs vào lúc 6 giờ chiều.

6- Ngày thứ 6 (Thứ ba 21/4/2015):
Hôm nay chúng tôi ăn sáng hơi trễ vì chúng tôi sẽ trả phòng vào lúc 10 giờ và sẽ lấy chuyến bay vào lúc 1.20, nhưng chúng tôi được công ty vận chuyển chở ra phi trường vào lúc 12 giờ. Thế là chúng tôi từ giả Alice Springs thực thụ là khoảng 1.30 trên chuyến bay QF 722 của hảng Qantas Airways để trở về Adelaide sau những ngày đi thăm miền đất đỏ (Red Centre) của Trung tâm nước Úc nơi đó có hòn đá Uluru như là một di tích cũng là nơi có vài huyền thoại của người Úc đen.

Nguyên Thảo,
03/05/2015.

No comments:

Post a Comment