Friday, May 15, 2015

*Đi Vào Sự Tìm Hiểu Con Người 2.

*(Tiếp theo bài 1 post vào ngày 14/3/2015)


Trong bài 1, Đồ Ngông tôi đã nhân cơ hội kể về chuyện học Cách trí (năm giác quan) ngày xưa mà bàn cùng Quý vị về Tiền ngũ thức, Ý thức, Mạt-Na-Thức cùng A-Lại-Da-Thức coi như đó là những thành tố kết cấu lại để điều khiển thân xác con người (kể cả các loài vật) hành động và tạo tác qua mọi ước muốn, từ đó tạo thành một con người hay một xã hội phức tạp muôn chiều, mà chúng ta phải lặn hụp trong đó bằng những sung sướng thì ít mà đau khổ thì nhiều; và những sự kiện đó khiến xã hội hay thế giới có những biến chuyển thật là khó lường! Những “thành tố chính”, “chủ” ấy được gọi là “Tâm Vương” trong tiếng Hán Việt, để rồi từ các Tâm Vương này chúng biến chuyển (biến hóa) thành nhiều “món” khác phụ thuộc vào đó mà người ta gọi là “Tâm Sở”.
Ở đây, Đồ Ngông tôi chỉ muốn đề cập đến các vấn đề nầy như những sự kiện thông thường, dễ hiểu, dễ cảm nhận mà không đi đến bằng cái phức tạp, khó khăn của từ ngữ; và cũng như là một sự cung cấp các ý niệm đơn giản để sau nầy Quý vị có thích thì đi xa hơn bằng những suy nghĩ của chính Quý vị. Và đây cũng chỉ là khái quát để qua các đặc tính ác lẫn thiện đó mà Quý vị có thể nhận định hay giải thích được lý do, vì sao có những hành động mà con người đã thể hiện trong đời sống hàng ngày.
Qua những giác quan của cơ thể và Ý thức cũng như Mạt-na-thức, chúng ta tiếp xúc với ngoại cảnh để rồi từ đó ta có những nhận thức về ngoại cảnh ấy mà ta chọn. Điều đó nó được thể hiện bằng một quá trình căn bản bất biến trong mọi thời gian. Năm (5) phụ thuộc đầu tiên đó gọi theo tiếng chuyên môn ấy là “5 Tâm Sở Biến Hành” tức là khi được nhìn thấy, được nghe, ngửi, nếm được vị, sờ và ý thức được ngoại cảnh tức là Xúc (là đã được tiếp xúc), thì người ta mới có cái ý (Tác Ý), để rồi có nhận định lấy (Thọ) hay không, nếu mình không thích thì có thể từ bỏ hay đừa cho người khác, còn thích thì có thể để tâm (Tưởng: nhớ tưởng, hầu chiếm đoạt hay mua sắm hay bằng cách nào để có được), và “Tư” là lo nghĩ làm sao để có, hay đạt được và bằng cách nào. Nếu chúng ta chỉ cần suy nghĩ thêm một chút thì chúng ta sẽ thấy trong “5 tâm sở biến hành” đó đã ngầm giải thích rất nhiều hành động mà con người đã làm trong cõi đời nầy dưới nhiều hình thức và ở bất cứ thời đại nào.
Sau các khởi ý ấy, sẽ có những hành động tiếp theo mà có 5 điều đặc biệt hơn (5 Tâm Sở Biệt Cảnh) để làm cho người ta đạt đến những nhận thức cao cả, không bị lôi cuốn trong cuộc chơi của trần thế, ấy là “Dục”: Mong muốn, muốn có, muốn đạt được những điều, cái mình thích; bỏ hay đừa cho người khác cái điều không thích; nhưng người ta suy nghĩ để “hiểu được rõ ràng” những hành động mình sẽ làm (Thắng Giải) mà quyết định; và họ luôn chú tâm nhớ đến điều đó có nên hành động hay không (Niệm) đồng thời làm cho tâm trí luôn được ổn định để quyết định (Định); và khi đã quyết định thì sự quyết định cho hành động ấy rất là hợp lý, đúng đắn và sáng suốt (Huệ).
Trong cuộc sống con người có hai hướng chính của hành động, tạo tác và xã hội cũng phân biệt hai hướng đó tức là Thiện và Bất thiện (hay là Ác). Những hành động Thiện tức là những hành động không đem lại sự thiệt hại cho người khác về vật chất cũng như tinh thần hay tính mạng, trái lại nó còn giúp ích cho nhiều người; còn hành động bất thiện thì ngược lại, đôi khi làm hại người khác mà chỉ đem lại lợi ích cho chính mình, chúng được phân tích bằng 11 Tâm Sở Thiện: “Tín” là tin, mình tin vào người khác và những điều của người khác là chân thật (đối ngược lại là không tin, bất tín), ở đây chúng ta nói đến lòng tin chứ không nói đến những điều dối trá của nguời khác để làm chúng ta tin; lòng tin là điều làm cho người ta được thiện; sự củng cố và phát triển lòng tin khiến người ta càng thiện hơn, đó là sự “Tinh tấn”. Làm người mà không cảm thấy xấu hổ (Tàm) hay là mắc cỡ, thẹn thùng (Quí) khi làm phải một điều sai quấy thì người ta càng dễ tái phạm những điều không thiện hay ác khác hoặc là chai đá với dư luận, mọi người. Người không tham lam, mong muốn (Vô Tham) thì nhu cầu không cần đòi hỏi, cho nên không cần phải lừa đảo, dối gạt, lén lấy hay áp bức người khác để có, và cũng không cần phải giận hờn, sân hận đối với kẻ khác (Vô Sân) thì họ cũng chẳng phải bị u mê (Vô Si) mà sinh ra tội ác, làm những hành động bất thiện, cho nên họ luôn được khoan khoái, thơ thới (Khinh an). Những người có lòng thiện thì họ luôn nghĩ trước những hành động của họ sẽ có tác động gì đến người khác hay không, họ không để tâm mình buông lung mà thiếu suy nghĩ tức là “bất phóng dật” vậy. Họ làm mà không cần biết đến công lao, hay chấp trưóc mà chỉ nghĩ đến sự cống hiến (Hành xả) và cái tâm niệm không làm hại đến kẻ khác (Bất hại). Đó là tất cả những tâm tính của con người để hướng con người về con đường thiện lành và xã hội đã đánh giá đó là một con người thiện trong xã hội.
Và trong Duy Thức cũng phân tích những điều, tâm tính mà chúng khiến cho con người có nhiều lo nghĩ, phiền não, lo toan trong cuộc sống biến cuộc đời không được an lành. Đó là Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến (6 Tâm Sở Phiền Não). “Tham” là tính tham lam, muốn có và muốn có hơn nữa những gì mình ưa thích như tiền bạc, danh vọng, nhan sắc…Muốn mà không đạt được hay bị trở ngại thì “Sân hận”, nổi nóng có những hành động nông nổi khiến thân tâm mình không được yên ổn, và người khác phải lo sợ, lánh xa. Sân rồi sẽ đưa đến sự “Si mê” (giận quá mất khôn) sẽ làm cho mình mê muội, thiếu sáng suốt, không còn định được phải quấy và có thể có những hành động phạm tội hay trở thành ác. Rồi khi con người có được những tài năng hay thành công do có được bản lĩnh hơn người hoặc thế lực, lại sinh ra kiêu ngạo, khinh “Mạn” cũng đưa đến sự phiền não do từ những phản ứng từ bên ngoài hay người khác. Cái tâm lý “Nghi ngờ” cũng làm người ta có nhiều suy nghĩ, phán đoán không nguôi chiếm đi nhiều thời gian khiến con người không thể yên tâm, an lòng trong cuộc sống. Và nhất là những cái “Ác kiến” mà ta cố thủ, nghịch với cái điều của ta khiến ta cũng trở nên “phiền não” không kém: Cái của ta mới là đúng là hay (Thân kiến), hoặc định kiến về một bên nào đó (Biên kiến), giữ chắc điều biết dù đó là không đúng (Kiến thủ), hay theo “Tà kiến” (mê tín, dị đoan, chấp tà) hoặc tuân theo những giới tà, giới không đúng, điều không hay không thích hợp gọi là “Giới cấm thủ”.
Từ 6 cái phiền não chính yếu nầy được biến hiện theo từng giai đoạn hoặc để diễn tả những cái tâm tính đó mà môn Tâm lý học Phật giáo phân tích cho chúng ta thấy đặc điểm của chúng trong 3 phạm vi:
-Ở phạm vi nhỏ hẹp, nên gọi là “Tiểu” (Tiểu tùy). Có 10 Tiểu Tùy: Chúng thể hiện ở con người bằng sự giận dữ (Phẫn: Giận) khi không đạt được điều mình mong muốn hoặc đổ dồn lên người cản trở làm cho họ không thành công; hoặc dỗi hờn (Hận: Hờn), một cái tính ngấm ngầm khiến cho chính mình bị buồn phiền, đôi khi lại tìm cách hãm hại người khác để thỏa mãn sự hờn căm đó (Hại: Tổn hại). Muốn người khác không thấy, không nhìn ra điều giận dỗi, hờn căm ấy người ta thường che giấu bằng thái độ khác ở bên ngoài (Phú: Che giấu), hay bằng sự dối trá (Cuống: Dối trá); và nhẹ hơn thì mình lại buồn bã, buồn buồn (Não: Buồn buồn). Nhưng có 3 tính mà con người thường thể hiện rõ ràng trong nhiều lúc, đó là Tật (Tật đố, ganh ghét) đố kỵ với những người hơn mình; Siểm (Bợ đỡ, nịnh hót) đối với những người giàu có, quan quyền hơn mình. Để khi mình được hơn người thì trở nên kiêu căng (Kiêu: Kiêu căng) ngoài cái tính bỏn xẻn, ích kỷ không ban bố, chia sẻ vật chất cũng như tinh thần đối với người khác (Xan: Bỏn xẻn).
-Ở phạm vi rộng hơn một chút, tiếng chuyên môn hơn gọi là Trung Tùy: Có hai thứ, đó là Vô Tàm (không biết xấu hổ) và Vô Quí (không biết thẹn, mắc cỡ). Những người có hai tính nầy dễ gây những tội ác, điều không thiện vì họ có mắc cỡ, xấu hổ đâu để sợ mà không tái phạm, không dám làm.
-Và có 8 Đại Tùy tức là tám tính chất nó bao trùm trên mọi tính chất khác làm cho con người khó tránh khỏi phiền não và không phân biệt được để tránh những hành động bất thiện. Đó là tâm chao động không được yên tĩnh (Trạo cữ), bị u tối thiếu sáng suốt để nhận định (Hôn trầm), không tin tưởng vào các pháp lành hoặc người ta khuyên bảo (Bất tín), hoặc biếng nhác, không siêng năng tập tành, kiểm nghiệm lại những hành động, điều thiện (Phóng dật) để rồi bị rối loạn (Tán loạn), mất chánh niệm (Thất niệm) và không biết đâu là chánh, đâu là bất chánh và không kiểm soát được hành động của mình (Bất Chánh Tri).
Ngoài 5 Tâm Sở Biệt Cảnh, 5 Tâm Sở Biến Hành, 6 Tâm Sở Phiền Não, còn có 4 Bất Định Tâm Sở, gọi như vậy vì nó không hẳn là thuộc về Thiện hay Ác. Vì ăn năn (Hối), hối tiếc vì đã làm bậy thì nó là thiện, mà hối tiếc là sao không đánh người kia thì hối tiếc nầy là bất thiện. Hay “Miên” là ngủ thì nó cũng chẳng hẳn là thiện hay là bất thiện; “Tầm” (tìm cầu) cũng tùy theo sự kiện, mục đích mới phân biệt được thiện hoặc bất thiện. Và “Tứ” (Chính chắn xét) cũng là để cho tâm được yên ổn chứ nó chưa hẳn là thiện hay ác.
Với những từ ngữ chuyên môn làm cho chúng ta khá khó hiểu, nhưng nếu chúng ta tìm hiểu vào con người thì chúng ta có thể tương đối dễ hiểu hơn: Vì con người có thể xác, trên thân xác có 5 giác quan để chúng ta tiếp xúc với môi trường ngoại cảnh xung quanh, khi tiếp xúc (giai đoạn Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư) thì chúng ta mới có những nhận thức tổng hợp qua ý thức để rồi từ đó chúng ta mới biết cái nào đẹp, cái nào xấu; cái nào mình thích, cái nào không thích. Từ cái biết tổng quát ấy, cái “Ta” Mạt-Na-Thức mới xuất hiện Ham, Muốn (Dục, Ái) để có ý thức giành lấy, chiếm đoạt cho được để làm của “Ta” và hành động mới xảy ra (tư tưởng thể hiện ra hành động). Đối với con người Thiện thì Dục, muốn nhưng người ta còn Thắng giải, Niệm, Định, Huệ trước khi hành động. Có hai con đường mà con người để hành động, một là Thiện với những tâm tính của một người thiện lành như Tín, Tinh Tấn, Tàm, Quí, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, Khinh An, Bất Phóng Dật, Hành Xả, Bất Hại. Và con đường Bất Thiện với nhiều phiền não cho mình và có hại cho người trong 6 phiền não chính Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến để từ 6 phiền não ấy nẩy ra các phiền não phụ khác tàn phá và giết hại thân xác con người của chính mình và khiến mình làm những điều bất thiện đối với người khác hay xã hội. Tham: Người ta ham muốn về tiền bạc, vật chất; người ta muốn danh vọng, địa vị; người ta ham mê sắc đẹp, dục vọng xác thịt; người ta cũng muốn chiếm đoạt.. những thứ mà họ thích. Họ có ít họ lại muốn có thêm nhiều (túi tham không đáy). Nếu những điều họ muốn mà bị cản trở không thành, họ trở nên giận dữ, hờn căm (Sân hận). Khi họ giận quá trở nên mất khôn, họ lâm vào “Si mê” thì họ có thể giết người, hãm hiếp, cướp giật, cướp của giết người, hay lường gạt bằng thủ đoạn, gian xảo, lừa dối tức là đi vào những điều mà Đức Phật phân tích là “Sát, Đạo, Dâm, Vọng” để gây tội ác, tạo nên nghiệp. Những nghiệp gây ra đó là những hạt “Nhân” mà con người đem bỏ vào trong túi chứa “A-Lại-Da-Thức”; đợi trong một kiếp, hay lúc nào đó hội đủ điều kiện sẽ nẩy mầm thành “Quả” mà người gây ra sẽ phải trả theo Luật Nhân Quả. Khi nào trong túi chứa A-Lại-Da-Thức không còn hạt nhân ác nữa thì khi đó con người sẽ thoát khỏi vòng Luân Hồi để được an nhiên tự tại nơi Niết Bàn vậy. Cho nên Đức Phật luôn nhắc đến 3 tính “Tham, Sân, Si” và xem chúng như là “ba món độc” khiến con người bị chìm đắm trong vòng Luân Hồi. Muốn đối trị được chúng thì chỉ có cắt đứt “Dục” và “Ái”, Vì không “Ham” và “Muốn” thì đâu có Tham, không tham thì lấy gì mà giận dữ, không giận dữ thì sao bị si mê mà lọt vào vòng sát, đạo, dâm, vọng để tạo nghiệp, không nghiệp thì chẳng có nhân, không gieo nhân thì nào có quả để mà phải Luân Hồi để trả nghiệp bao giờ.
Cái hiểu của Đồ Ngông tôi thì như thế, viết ra để Quý vị có thêm tài liệu, có vài ý kiến tham khảo và thử ngẫm nghĩ cuộc đời xem sao; để rồi nhìn lại những mắm, muối, tiêu hành nào đã làm cho cuộc đời này có nhiều đau khổ lại càng khổ đau./.

Đồ Ngông,
13/05/2015.

No comments:

Post a Comment