Thursday, May 21, 2015

*Tìm Hiểu Về Những Hòn Đá.




Thực sự mà nói, trước kia tôi không hiểu nhiểu gì về Uluru, tôi chỉ biết nơi vùng giữa nước Úc có hòn đá Uluru là nơi gắn liền, và đôi khi nghe nói Uluru như là chỗ linh thiêng của người Úc đen (Thổ dân, Aboriginal people), cùng vài câu chuyện du khách nhặt đá ở đó đem về làm kỷ niệm, nhưng sau đó họ cứ bị bệnh hoài đành mua vé máy bay đem đến hoàn trả thì hết bệnh, hoặc có người leo lên núi cứ lâu lâu có người té chết. Tôi chưa đến đó mặc dù tôi được định cư trên xứ Úc nầy cũng cả là 30 năm. Nói đến Uluru hoặc đôi khi người ta gọi là Ayers Rock thì tôi nghĩ là trên sa mạc mênh mông thiếu cỏ cây có một khối đá đỏ nhô lên như một hình ảnh kỳ lạ thu hút người ta đến xem như một dị kỳ. Thế rồi, tuổi già đã đến, một số người quen rủ nhau đến đó xem cho biết. Chúng tôi cũng lưỡng lự vì giá nó mắc hơn là đi ngoại quốc, nhưng cũng phải đi cho biết chứ đợi giá rẻ thì biết đến bao giờ.
Thế là chúng tôi quyết định làm một cuộc hành trình. Như tôi đã tường thuật lại cuộc đi trong ba lần của bài “Làm một chuyến đi”. Thực ra tôi không có khiếu viết về du lịch, nhưng nay tôi phải “post” bài ấy lên: Thứ nhất là kỷ niệm với anh Ba Quang, Chị Điểu, Cô Hi (em vợ tôi) cùng vợ chồng tôi; Thứ hai cũng là để chị họ của tôi ở Bregenz trên đất Áo (Austria) (chị Phi) có vài thông tin về hòn đá đó, vì trước đây không lâu trên câu chuyện điện thoại, chị có nói với tôi nếu khi nào “đi lên hòn đá” thì cho chị hay để chị cùng đứa em họ chúng tôi ở bên Mỹ (Texas) là Mai đến để cùng đi. Tuy vậy, vì thời điểm không hợp cũng như hoàn cảnh có khác cho nên tôi đành âm thầm không rủ chị cùng Mai đi được. Khi “post” hai phần đầu xong, tôi thấy nội dung không phong phú và có vẻ thiếu thốn khá nhiều, nên trong phần ba tôi tìm tài liệu và cố gắng sắp xếp nó theo thứ tự của một cuộc du lịch để chúng ta cùng xem chơi cho vui, và có thể hiểu thêm được chút nào hay chút nấy về vài nơi mà tôi đã đến và đã đề cập.
Rồi từ chuyến đi ấy, tôi lại thấy Uluru đem đến cho tôi vài thú vị khác mà tôi cũng khó diễn tả, cho nên tôi cũng ráng góp nhặt vài thông tin để gọi là đóng góp cho sự tìm hiểu về một nơi được coi là “Di sản thiên nhiên” và cũng là “Di sản Văn Hóa” của Thế giới nầy.
Khi đến “Vùng Đất Đỏ” (Red Centre), điều làm tôi khá ngạc nhiên nhất là những kiến thức học về sa mạc hồi còn trung học của tôi đã bị đảo lộn, do sa mạc nơi đây không là gió với cát trong cái cháy nóng bỏng của ngày nắng, đêm lạnh khác thường; cùng những đụn cát hình lưỡi liềm dù là nó màu đỏ, trắng hay vàng. Sa mạc nơi vùng đất đỏ của nước Úc nầy có một màu đỏ thẩm nhìn rất đẹp và như có một cái gì đó để hấp dẫn du khách, rồi có những cây cối hơi lạ như desert oak, hay những bụi cỏ lá kim rất cứng mọc lan ra ngoài và chết dần trong giữa mà người ta gọi là spinifex, hoặc rất nhiều bụi cây witchelty bush cao cở trên hai thước mọc dầy giống như rừng, cùng với nhiều loại cây cỏ khác mà ta có thể xem sa mạc nầy là những khu rừng thưa chứ không có vẻ gì là sa mạc, mặc dù khí hậu là khí hậu sa mạc (vì nó ở mãi trong giữa của một lục địa dù không lớn lắm). Và cũng màu đỏ nầy tôi đã thấy trên lá cờ của người thổ dân: Nửa đen (trên: Thể hiện cho người Úc đen), nửa đỏ (dưới: Thể hiện cho đất đỏ) và chính giữa là mặt trời vàng (Thể hiện Đấng cho và bảo vệ cuộc sống người Úc đen) mà Harold Thomas (hậu duệ của người Úc đen Luritja ở vùng trung tâm nước Úc) thiết kế vào năm 1971, và được treo lên lần đầu tiên ở công viên Victoria Square của Thành phố Adelaide, Tiểu bang Nam Úc (South Australia). Vùng đất đỏ nầy bao la chiếm phần lớn đất đai của vùng giữa nước Úc, trong đó có Ayers Rock và The Olgas. Nói đến Ayers Rock tức là nói đến hòn đá Uluru, vì hòn đá nguyên khối có niên đại khoảng 600 triệu năm (chiều cao là 348m so với mặt đất (863m với mặt nước biển), vớỉ 3.6km chiều dài, rộng 1.9km và chu vi là 9.4km chiếm diện tích khoảng 3.33km2, trên đỉnh bề mặt tương đối phẳng với nhiều hang, thung lũng, đỉnh, hố nước do sự xâm thực từ hàng triệu năm; đường leo lên đỉnh độ 1.6km) nầy là một trong những hòn đá nguyên khối lớn nhất thế giới (lớn nhất là Mount Augustus ở Western Australia). Uluru cách Alice Spring khoảng 335km đường chim bay về hướng Tây Nam hay 463km đường bộ. Người ta xem Uluru là “sơn đảo” (inselberg) trên đất liền, giống như là một băng sơn (icerberg, có phần chìm dưới đất còn to lớn hơn nhiều so với phần nổi mà người ta chưa xác định được. Uluru là tên của hòn đá mà người Thổ dân đã gọi, nó có nghĩa là: Hòn đá cuội rất lớn (great pebble); nhưng vì người Âu châu đầu tiên đến hòn đá để khảo sát là William Goss vào ngày 9/7/1873, ông ta đặt tên cho hòn đá theo tên của Sir Henry Ayers (The Chief Secretary của South Astralia) và lên bản đồ của nước Úc, từ đó hòn Uluru được biết đến như là Ayers Rock trên Âu châu, thế giới và trở thành một cái tên phổ biến. William Goss cũng là người Âu đầu tiên leo lên Uluru. Dù vậy, nhưng ông ta không phải là người Âu châu đầu tiên nhìn thấy Uluru mà lại là nhà thám hiểm Ernest Giles vào tháng 10/1872. Uluru là hòn đá hấp dẫn du khách không những về hình dáng của nó mà lại còn là sự biến đổi màu sắc theo mùa hay là giờ khắc trong ngày. Tôi đã mua được một postcard chụp hình Uluru cứ mỗi 3 giờ: Lúc 6 giờ sáng nó là một bóng đen trên nền trời; 9 giờ sáng có màu xam xám; 12 giờ trưa màu vàng cát; 3 giờ màu vàng nghệ và 6 giờ chiều màu đỏ ửng rất đẹp.
Uluru là hòn đá đơn độc vươn lên từ nền đất của sa mạc giống như một người đàn ông lẽ loi đi tìm thức ăn về cho một gia đình đông con ở phía Tây cách đó khoảng 30km đường chim bay (50km đường bộ): Đó là “The Olgas” tức là bà Olgas và 35 đứa con mà người Thổ dân gọi là “Kata Tjuta” (nghĩa là: Nhiều cái đầu). Tất cả có 36 vòm khối đá cao nhất là Mount Olga (546m), toàn bộ chiếm trên điện tích khoảng 35km2 có chu vi là 22km. Tên The Olgas lấy từ đỉnh cao nhất là núi Olga mà nhà thám hiểm Ernest Giles đã đặt theo tên của Bà Olga (Nữ hoàng Wũrttemberg con của Tsar Nicholas I - Russia) vào năm 1872 khi ông nhìn thấy Kata Tjuta từ khu vực gần Kings Canyon. Ở The Olgas, nơi đây có nhiều khe và thung lũng để người ta đi dã ngoại.
Về địa chất, Uluru và Kata Tjuta được xem như cùng cấu tạo do sỏi, đá mòn gồm nhiều loại lớn nhỏ kể cả đá hoa cương và basan chìm lắng và gắn kết ở tầng trầm tích thạch ở dưới đáy biển để thành sa thạch từ trong vòng 300 triệu năm kể từ 900 triệu năm trước. Rồi cách nay 550 triệu năm vùng nầy được nâng lên và xếp nếp lại thành những dãy núi, những dãy nầy bị xâm thực trong nhiều triệu năm sau, để lại tầng sa thạch dưới đáy. Khoảng cách nay 300 triệu năm biển biến mất để lại những nếp cuốn, gãy của sa thạch (Uluru cũng như Kata Tjuta được thành hình từ đó) và toàn vùng được biến động địa chất nâng lên khỏi mực nước biển như tình trạng hiện nay. Còn những thung lũng, đỉnh cao, hố nước, hang trên bề mặt là do sự xâm thực trong hàng trăm triệu năm. Và ngày nay chúng ta nhìn thấy Uluru cũng như Kata Tjuta chỉ là phần nhỏ được nổi lên trên, còn phần lớn tầng địa chất vẫn nằm dưới mặt đất. Chính vì những đặc điểm ấy cùng hệ sinh thái mà Uluru, Kata Tjuta và khu vực ấy có được nên được đưa vào danh sách công viên quốc gia (National Park) từ năm 1950 gọi là “Ayers Rock – Mt Olga National Park”.
Công viên nầy nằm trong lãnh thổ Bắc Úc (Northern Territory of Autralia) cách Thành phố Darwin 1431km về phía Nam và 440km Tây Nam của Thị trấn Alice Spring đi theo đường Stuart Highway và đường Lasseter Highway. Diện tích của công viên là 1326km2 và hiện nay được giao quyền chủ lại cho người Thổ dân từ năm 1976, và đến năm 1985 chính phủ thuê lại trong vòng 99 năm và người Thổ dân cùng quản lý công viên chung với nhân viên của Chính phủ. Tên của công viên cũng được thay đổi như tên gọi hiện nay theo tên gọi của người Thổ dân “Uluru – Kata Tjuta National Park” từ năm 1995. Công viên nầy được hai lần UNESCO ghi vào di sản thế giới: Di sản thiên nhiên vào năm 1987, và di sản văn hóa vào năm 1994.
Uluru – Kata Tjuta National Park được ghi vào Di sản văn hóa của thế giới vì nơi đây là nơi thể hiện văn hóa lâu đời của giống dân Pitjantjatjara là những thổ dân đã sống trải dài từ Tây Bắc Nam Úc qua một phần Tây Úc và kéo đến phía nam hồ nước mặn Amadeus của Bắc Úc thuộc vùng trung tâm. Nhân số của họ còn vào khoảng 4,000 người, và họ tự xem họ là người Anangu. Những chứng cứ khảo cổ cho thấy người Anangu đã sống ở đây ít nhất là 10,000 năm (có tài liệu viết là 22,000 ngàn năm). Họ là chủ nhân của Uluru và Kata Tjuta và họ coi hai nơi nầy là nơi linh thiêng đối với bộ tộc của họ vì Tổ tiên họ được Đấng tạo dựng tạo ra và đặt sống ở đây và họ là những hậu duệ có nhiệm vụ bảo vệ các nơi nầy. Ở trong công viên có một Trung Tâm Văn Hóa để trưng bày, triển lãm, các phim chiếu về những thông tin, nguồn gốc địa chất và lịch sử bằng nhiều ngôn ngữ để du khách có thể tìm hiểu trước khi khám phá về thiên nhiên và văn hóa của người Anangu. Ngoài ra những hình vẽ, những nghệ thuật trên đá của Thổ dân Anangu vẫn còn hiện diện trong những hang động dưới chân của hòn Uluru. Sự trèo lên trên đỉnh Uluru không hoàn toàn bị cấm đoán, nhưng người Thổ dân chỉ yêu cầu nếu tôn trọng nơi linh thiêng cũng như tôn trọng sự mong muốn, văn hóa, luật lệ của họ thì đừng leo, họ không cấm nhưng họ cho là họ có nhiệm vụ bảo vệ những người khách của họ được an toàn tính mạng, vì trong thống kê có khoảng trên 40 du khách đã chết vì leo lên đỉnh của Uluru. Người muốn leo đòi hỏi phải có sức khỏe, không huyết áp cao hay thấp, bệnh tim, đường hô hấp, sợ độ cao. Đường leo sẽ đóng lại khi nhiệt độ thời tiết cao, gió hoặc trong những tháng hè (tháng 12, 1, 2 sau 8 giờ sáng).
Để đi thăm Uluru – Kata Tjuta được tốt, người địa phương chia ra 5 mùa trong năm: 3 tháng đầu (Tháng 1 đến tháng 3 có thể đến viếng nhưng có bão bất thường như chuẩn bị cho những tháng mát hơn (từ Tháng 4 đến tháng 5). Tháng 6 và Tháng 7 thường buổi sáng có nhiều sương muối (frost) khá lạnh. Mùa Xuân là tháng 8, tháng 9. Và từ Tháng 10 đến Tháng 12 là các tháng nóng nhất.
Những người du khách đầu tiên đến vùng Uluru vào năm 1936, rồi đến đầu năm 1940 người Âu định cư thường trực để lo cho người Thổ dân và giúp phát triển du lịch ở đây. Sự gia tăng về du lịch đã khiến phải thành lập đường bộ cho xe đầu tiên vào năm 1948 và xe buýt hoạt động năm 1950. Thực sự ra từ những năm 1930 Sid Stanes, người chăn nuôi ở trạm Erldunda đã vạch một con đường từ Erldunda (193km Nam Alice Springs) đến Uluru qua những đụn cát, nhưng vì gặp mưa nhiều, đường lún và dính nên không thể qua được, vì thế mà đến năm 1940 con đường đầu tiên mới được làm để nối liền Alice Springs với Uluru. Và do sự phát triển du lịch nên các cơ sở hạ tầng, phương tiện được dời ra khỏi khu vực hòn đá Uluru từ năm 1970 và năm 1975 được tái lập ở một khu vực riêng có diện tích 104km2 về phía Bắc, cách Uluru 15km gọi là Yulara (Tiếng Thổ dân có nghĩa là: “Khóc, chảy nước mắt” vì du khách sẽ ‘phải’ khi nhận được hóa đơn tính tiền vì đây là sa mạc, mọi thứ phải đem từ nơi khác đến, và tiền mướn nhân công cũng phải cao hơn nơi khác, mà du khách cũng không phải đều đặn trong năm nên giá cả thường mắc mỏ). Yulara trở thành thị trấn để phục vụ cho du lịch gồm những nơi trú, khách sạn, cửa hàng kể cả trạm xăng, cảnh sát, và những bãi cho các nhà lưu động cắm trại hoàn tất; điều nầy có nghĩa là bãi cắm trại ở gần Uluru chấm dứt vào năm 1983, và khách sạn có thể đậu xe chấm dứt vào 1984, đến năm 1992 “Yulara Resort” được đổi tên là “Ayers Rock Resort”. Dân số ở Yulara khoảng 3,000 người, đa số là người ở nơi khác đến kể cả người nước ngoài. Tổn phí hết 130 triệu Úc kim do công ty Philip Cox thiết kế và xây dựng.
Ở Uluru có phi trường Connellan Airport mang tên người xây dựng đường bay vào năm 1959 ở Bắc Uluru là Eddie Connellan, cùng năm với khách sạn có chỗ đậu xe đầu tiên khai trương ở đây. Nhưng viên phi công đầu tiên đáp xuống vùng Uluru lại là nhà báo Errol Coote vào năm 1930.
Từ khi Uluru – Kata Tjuta National Park được đưa vào danh sách “Bảo Tồn Thế Giới” (World Heritage) số du khách hàng năm dần tăng lên và đạt đến con số 400,000 vào năm 2000.
Đây là một bài tài liệu về “Những hòn đá đặc biệt”, và của một sắc dân trong những sắc dân vẫn hãy còn ít nhiều nếp sống bộ lạc ở trên đất Úc Đại Lợi mặc dù người da trắng Âu Châu đã định cư trên đất nước nầy khá lâu. Tôi hi vọng bài nầy giúp Quý vị hiểu được chút nào về một “Di Sản Thế Giới” về “Thiên nhiên” cũng như “Văn hóa” đã nằm trong sa mạc chẳng giống sa mạc trên đất nước của giống “Kangaroo” nầy!

Nguyên Thảo,
21/05/2015.



No comments:

Post a Comment