Trời hừng sáng tàu vào cảng của Melbourne, ánh đèn khu cảng hãy còn, và thành phố mờ mờ chắc là do sương. Coi vậy mà tàu chuẩn bị cặp bến cũng thật là lâu. Từ lúc vào cho đến khi tàu yên vào vị trí phải mất mấy tiếng đồng hồ, đủ thời gian để chúng tôi đi lên bờ vào thời điểm những quán hàng mở cửa.
Bến cảng và Thành phố Melbourne. |
Mọi hành khách lần lượt đi qua “hành lang” (gangway) và cầu thang đi vào chính giữa tàu nơi tầng 4 để đi ra cầu thang rời tàu. Vì đông người nên thời gian khá lâu. Mấy bà thì đi theo vợ chồng Thoa để đi “shop” mua hàng, còn đàn ông chúng tôi thì đi riêng. Rời tàu người ta chỉ đưa ra cái thẻ của tàu và đi ra vào một khu vực để mua một vé đi xe buýt, xe lửa, xe lửa điện (tram) trong ngày với giá mười mấy đô, nhưng tôi thuộc loại người già cho nên chỉ trả 7 đô rưỡi thôi. Cầm vé và bản đồ, lịch trình trong tay, tôi, anh Nhi, anh Bảy Gàng muốn đi xe “tram” ra thành phố cho nên tìm đường ra đón xe “tram”, chứ không ngó ngàng gì đến những chuyến xe buýt con thoi (Shuttle bus) đưa người tới lui ở đây. Đường đi ra trạm “xe tram” khá xa, tuốt ở công viên ngoài kia. Ba người chúng tôi lên xe “tram” để vào thành phố. Tôi dự trù đưa hai ông đến nhà Bưu Điện thành phố thì phải, nơi mà có ga xe điện ngầm để đón chuyến xe “tram” chạy vòng quanh thành phố Melbourne để hai ông tham quan cho biết. Nhưng vì lạ đường nên không định được vị trí mà lại chạy huốt vào giữa thành phố. Còn đang loay hoay tìm lại đường đi nào để đón chuyến xe đó thì anh Bảy Gàng lại muốn đi ăn phở, nên chúng tôi quyết định: Thôi thì đi vào khu Richmond vậy, vì khu Footcray quá xa so với ở đây.
Tôi muốn nói một điều khá lạ là khi chúng tôi chưa rời tàu thì điện thoại di động không hoạt động được, nhưng vào lúc nầy điện thoại hoạt động lại bình thường, không lẽ trên du thuyền người ta đã chặn mọi làn sóng điện thoại của chúng tôi hay là vì trên tàu không có trụ để tiếp vận?
Xe “tram” đến khu Richmond là khu vực gần city nhất mà người Việt định hình những cơ sở buôn bán sớm. Vào những năm giữa 1980 tôi đã theo anh Hải (Bảo Liên) đi lên đây để anh lấy vải và hàng hóa về cho tiệm tạp hóa và tiệm vải của anh. Bây giờ khu nầy có cổng cho khu vực mà người ta đã làm những mô hình nón lá để ở trên cao như đánh dấu một khu vực sinh hoạt có đông người Việt. Vì giờ mở cửa chưa đến nên các tiệm vẫn còn đóng. Ba chúng tôi đi dọc theo con đường để nhìn ngắm cảnh sinh hoạt vào thời điểm nầy. Chỉ hơn mười phút sau các cửa hàng bắt đầu dọn hàng ra và cửa đã mở.
Chúng tôi vào phở “Hiền Vương 2” kêu mỗi người một tô cùng thức uống. Tất nhiên là có những lời bình luận, nhận xét như những cuộc ăn thường tình. Tôi chỉ cười mà không đưa ra ý kiến của mình. Đã đến đây rồi thì tôi cũng muốn biết công ty du lịch “Friendly Travel” của anh Vương Chánh mà tôi đã tham dự vào chuyến đi Âu châu năm 2009 ở đâu vì anh đã dời văn phòng từ North Melbourne về đây từ lâu. Tôi hỏi thì bà chủ tiệm phở Hiền Vương 2 chỉ cũng ở gần đây. Sau khi trả tiền, chúng tôi thả dọc theo đường để đi đến văn phòng du lịch của anh Chánh. Nhưng tìm mãi không gặp. Tôi muốn tìm đến văn phòng để hỏi thăm vài chi tiết về chuyến đi “Canada, Alaska và Honululu” sắp tới vào tháng 5 này. Thôi không gặp thì thôi! Cũng chẳng sao!
Chúng tôi lại đón xe “tram” trở ra thành phố, vừa đi không xa tôi lại nhìn thấy bảng hiệu của công ty “Friendly Travel” của anh Chánh, lúc nãy chúng tôi có đến chỗ đó, nhưng vì cửa đóng và dơ dáy giống như một nơi bỏ hoang nên tôi không để ý. Tôi tự nghĩ: “Không lẽ công ty của anh Chánh dời đi nơi khác?”, thôi để khi về đến nhà sẽ gọi điện thoại hỏi sau!
Xe “tram” đưa ba chúng tôi về đến công viên Port Melbourne cũng đã là 1 giờ rưỡi, tức còn dư giờ chán! Tuy nhiên như vậy vẫn tốt hơn, chứ nếu đi lang thang mà lên tàu trễ giờ mới là vấn đề lớn. Lòng vòng bên ngoài thêm chừng tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới trở lên tàu. Vẫn là trình diện cái thẻ đi tàu vì nó là cái chính yếu ở trên tàu: Thẻ ấy xác định danh tính của mình, nó cũng là chìa khóa cửa phòng, đồng thời lại thay thế cái “credit card” khi mua hàng, chi phí ở trên tàu. Thật là tiện dụng, nhưng chắc cũng “lắm phiền hà” khi bị mất vì thế mà nhiều người luôn đeo nó trên một sợi dây choàng qua cổ như một nhân viên làm việc trong một cơ quan quan trọng. Chúng tôi cũng phải đi qua sự kiểm soát cá nhân, hành lý qua máy thăm dò, quan sát giống như đi vào một phi trường. Xong xuôi, chúng tôi rã nhau về phòng nhưng không quên hẹn trên nhà ăn buffet “all you can eat”.
Ngồi ăn bên cạnh cửa kính, chúng tôi vừa ôn lại chuyện biển, chuyện vượt biên gay go của ngày nào, chuyện vượt qua các khó khăn trên đất khách, quê người. Đến nay mọi việc như là “ổn định” thì mình cũng “đã là già”. Thế hệ chúng tôi là thế hệ đầu tiên “phải bỏ nước ra đi” mà “tha phương” tìm đất sống chỉ vì “Một chủ nghĩa tốt đẹp” mà “chẳng tốt đẹp một chút nào”. Nói như vậy có người sẽ cho rằng: “Chúng tôi là những kẻ Bi quan cách mạng, nhưng cách mạng đến bao giờ mới tạo được “Thiên Đường hạ giới” trong một “Thế giới Đại Đồng” hay chỉ là một ảo tưởng mông lung để cho nước lớn lợi dụng nước nhỏ biến thế giới nầy trở thành lệ thuộc dưới quyền cai trị của họ. Ôi! Cuộc đời cũng lắm phong ba!
Theo ấn định là đúng 4 giờ mọi người phải lên đủ trên tàu, sau đó tàu sẽ chuẩn bị rời bến vào lúc 6 giờ để làm cuộc hành trình trở về Port Adelaide. Đến giờ xuất hành, tôi cứ tưởng tàu tự vận hành để ra khỏi bến chứ không ngờ lại cần đến hai tàu nhỏ xíu nhưng máy rất mạnh kéo ra ở hai đầu: Một chiếc trước, một chiếc sau mà người ta gọi là “tàu hoa tiêu”. Không biết Tuấn chồng Thoa có dữ liệu từ đâu mà cho biết, mấy tàu đó kéo như vậy ăn một lần khoảng 7,000 đô. Như vậy thì mắc quá. Trên tàu người làm đã nhiều, chi phí rất lớn; thức ăn, nhà hàng phủ phê, lại thêm các phương tiện giải trí khác thì làm sao có lời. Ba chúng tôi cứ mãi thắc mắc, nhưng chỉ thắc mắc mà chơi, như để thoả mãn trí tò mò của mình, chứ chưa được nghe sự giải thích thỏa đáng nào.
Tàu hoa tiêu đang kéo Du thuyền ra bến. |
Tàu rời bến có sự yễm trợ đi theo của một chiếc tàu hoa tiêu, nhưng cũng không xa lắm thì chiếc hoa tiêu quay trở về bến. Tàu ra khơi càng lúc càng xa, đại dương càng trở nên mông mênh. Càng về khuya con tàu bị lắc lư hơi nhiều, những cánh cửa cứ kêu kèn kẹt. Lần nầy tôi đổi phiên với anh Bảy Gàng nằm giường trên cao. Theo chiều lắc lư tôi cứ tưởng chừng như xương sống của mình dài ra, thu lại theo chiều lắc của tàu. Tôi nghĩ chắc là gió to lắm, gió thổi tạt vào thân tàu mới làm cho tàu lắc nhiều hơn là do sóng biển, vì chiếc tàu nầy tuy không hẳn là quá lớn, nhưng với sức nặng hiện hữu của nó cũng đủ cho nó đứng vững vàng trên vùng nước của đại dương. Vợ tôi và chị Bảy Gàng chịu đựng không thấu với cái bệnh gọi là “say sóng”, đành nằm yên lặng mà chịu đựng!
Đến sáng, hai bà đờ đẫn chẳng đi ăn sáng được, còn chúng tôi đi lấy thức ăn mà phải chuẩn bị tư thế “bám víu” vào cạnh bàn hay thành vách nào đó. Ngồi nhìn vào sóng đại dương cuồn cuộn tôi lại nhớ đến sự sống mong manh ngày nào còn lênh đênh trên biển cả. Ngày ấy ngồi trên boong tàu cây nhỏ bé thấy sóng vươn cao như một nóc nhà rồi lúc thì đưa tàu lên đầu sóng, lúc lại ngụp xuống vùng trũng sâu. Nhìn sóng biển thoi thóp như cái bụng của người sắp chết mà nhiều suy nghĩ mông lung. Nay ngồi trên cao nhìn sóng biển bên dưới đang cuồng nộ với con tàu sắt lớn lao, nặng ký trong cảnh lắc lư!
Về đến phòng thì anh chị Nhi đến cùng nhau tâm sự, nhưng ý kiến chung của mấy bà là: Nếu biết như thế nầy thì mua vé máy bay đi về sướng hơn! Nhưng nào ai biết được chữ “ngờ”, thế nên bây giờ đành nằm chịu trận! Quả thật từ Adelaide đi lên Melbourne nếu đi máy bay chỉ hơn tiếng đồng hồ, còn đường bộ xe buýt thì khoảng 9 tiếng cộng với một tiếng nghỉ hai chặng giữa đường, vị chi là 10 tiếng, nhưng với chiếc du thuyền nầy phải đi đường vòng trên biển đành phải mất khoảng 36 giờ đồng hồ cho mỗi lượt. Do đó cả ngày hôm nay chúng tôi vẫn phải lênh đênh trên đại dương và đến sáng ngày mai tàu mới cập bến.
Theo ý kiến chị Nhi tôi và anh Nhi đi lên nhà hàng lấy thức ăn cho vợ tôi và chị bảy Gàng. Khi mang thức ăn vào trong thang máy mấy bà Úc cười và kháo nhau: Chồng mầy có làm như vậy cho mầy không?
Nằm chịu trận hoài thì cũng chán, chiều mọi người đi lên lấy thức ăn và ngồi nhìn ra biển để giải khuây, và cũng chẳng tha thiết gì với những giải trí ở trên tàu. Không biết làm gì tôi lấy điện thoại di động chụp vài tấm hình hoàng hôn trên đại dương để làm kỷ niệm của những ngày xa xưa khoảng 34 năm về trước. Tàu vẫn lắc, cửa vẫn kẽo kẹt vào ban đêm nhưng mức độ có giảm đi, mọi người cứ mong đến sáng để tàu vào bến, hoàn thành một chuyến đi.
Trời chiều trên đại dương. |
Thời gian trôi nhanh. Tàu cập bến con cháu đưa xe ra rước. Về đến nhà tôi mở truyền hình ra xem. Thì hỡi ôi, trong chuyến đi du thuyền đầu tiên của chúng tôi đã bị ảnh hưởng cơn bão Debbie là cơn bão rất mạnh đang tàn phá và làm ngập lụt nhiều nơi mà mấy nơi nặng nhất là vùng Logan village của Tiểu bang Queenland, cùng Lismore thuộc Tiểu bang New South Wales và đang đe dọa vùng Rockhampton của Queenland. Có người nói cho tôi biết là sức gió của cơn bão ấy có lúc đến 240 cây số giờ tức là cơn bão rất mạnh.
À! Thì ra thế! Du thuyền chúng tôi đi lắc lư là do vậy, nhưng dù gì cũng khiến cho mấy bà ngại ngần khi chọn cho cách “Đi du thuyền”. Vợ tôi lại càng lo hơn khi nghĩ đến chuyến đi “Du thuyền ở Alaska” sắp tới đây. Mấy đứa con cứ trấn an: “Mẹ đừng lo ở đó ít bão và tàu lớn hơn, sẽ không sao đâu”. Dù vậy, chúng tôi cũng phải rút kinh nghiệm và chuẩn bị đối phó thật sẵn sàng để không phải tái diễn cảnh “bèo nhèo say sóng” lần thứ hai!
Nguyên Thảo,
29/05/2017.